Phát huy vai trò của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số

CT&PT - Người phụ nữ không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc “giữ lửa” cho gia đình mà còn là lực lượng nòng cốt đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, vai trò của người phụ nữ càng đa dạng và quan trọng hơn.

1. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.”[1]. Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ trong các kỳ đại hội trước, thể hiện rõ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ, đồng thời khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra để giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Người cũng nhấn mạnh, sự nghiệp giải phóng PN phải luôn gắn liền với giải phóng loài người, giải phóng xã hội và giải phóng dân tộc: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”.

Trong thời gian qua, Phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng có đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển đất nước, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2% so với nam giới là 86%, trong đó có một số lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới. Địa vị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu các nước châu Á và trên thế giới về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội (khóa IX: 18,5%, khóa X: 26,22%, khóa XI: 27,31%, khóa XII: 25,76%, khóa XIII: 24,4%, khóa XIV: 27.6 , khóa XV: 30.26%). 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra những cơ hội to lớn để mỗi quốc gia tận dụng phát triển nhanh nhưng cũng gắn liền với không ít thách thức, rủi ro đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch như Nghị quyết số 50/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; mới đây là Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã xác định rõ nhiệm vụ tận dụng có hiệu quả những cơ hội, giảm thiểu rủi ro mà cuộc Cách mạng 4.0 đem lại, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

30-256-1734889619.jpg
 

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phụ nữ Việt Nam ngày càng có cơ hội và điều kiện thể hiện vai trò quan trọng trong thực tiễn đổi mới của đất nước. Khi ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thành tựu của CĐS sẽ góp phần nâng cao chất lượng của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, giúp PN có thể tiếp cận với công nghệ mới, giảm bớt áp lực công việc và việc làm, có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Phụ nữ có thể tham gia vào nhiều công việc khác nhau nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin mà thời kỳ CĐS mang lại. Việc kết nối, chia sẻ thông tin giúp hình thành các tổ, nhóm để phụ nữ tham gia vào các công việc chung của xã hội, của đất nước. CĐS đã thực sự giúp tiếng nói của phụ nữ có ảnh hưởng đến tiến trình phát triển trên mọi lĩnh vự của đời sống xã hội. Trong mỗi lĩnh vực đó đều có dấu ấn và vai trò của phụ nữ. Có những lĩnh vực, ngành nghề trước đây thường chỉ dành cho nam giới, tuy nhiên, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phụ nữ có thể tham gia vào nhiều ngành nghề đặc thù đó, thậm chí đóng vai trò là nhà lãnh đạo, quản lý. CĐS đang tác động đến từng thành tố của xã hội, mọi cá nhân con người, mọi cơ quan, tổ chức. CĐS cũng đòi hỏi mỗi thành tố đó cũng phải tự đổi mới để đáp ứng được xu thế mới, thời kỳ mới. Phụ nữ Việt Nam cũng cần tận dụng các ưu thế mà CĐS mang lại, đồng thời vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình đổi mới, phát triển hiện nay.

2. Đối với phụ nữ, chuyển đổi số có vị trí rất quan trọng trong cuộc sống. Khi ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thành tựu của chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao chất lượng của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, giúp họ có thể tiếp cận tới công nghệ mới, giảm bớt áp lực công việc và việc làm, có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, còn đó những khó khăn và thách thức như: các mối quan hệ mới chưa có tiền lệ sẽ phát sinh, những mối quan hệ truyền thống bị thay đổi hoặc chấm dứt, nguồn nhân lực không kịp đào tạo lại để đáp ứng các yêu cầu mới, an toàn, an ninh và quyền riêng tư bị xâm phạm và có thể làm gia tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ mới chỉ đảm nhận các vị trí như kiểm tra, thử nghiệm, bán hàng, marketing, nhân sự... Có nhiều lý do dẫn đến việc tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế, như còn thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ và vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ. Bên cạnh đó, rào cản về chuẩn mực xã hội và kỳ vọng về vai trò của phụ nữ trong gia đình đã và đang là các rào cản đối với phụ nữ tiếp cận tới công nghệ số trong khi công nghệ số đã và đang thay đổi mô hình, tác phong làm việc. Một số khu vực việc làm sẽ cần ít lao động hơn dẫn tới lao động nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn, phụ nữ cũng là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng và dễ bị lạm dụng trên không gian mạng. Làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện cũng là thách thức đối với nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay.

Trong thời gian tới, toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số. Điều này sẽ làm cho hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Theo đó, xin gợi mở một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập, “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, phù hợp với yêu của giai đoạn cách mạng mới.

Thứ nhất, cần tiếp tục, xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và phong trào phụ nữ. Tập trung hoàn thiện và thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập với những giá trị thời đại gắn với giá trị truyền thống: yêu nước, đoàn kết, trung hậu, đảm đang, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo và phát triển toàn diện.

Thứ hai, nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong các chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp. Tăng cường giáo dục có chất lựng cho phụ nữ, dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong tương lai để cung cấp cho phụ nữ những thông tin đầy đủ, phù hợp nhất trong bối cảnh mới. Khuyến khích các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, thực hiện giảm khoảng cách giới, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và các vùng đặc biệt khó khăn. Vấn đề tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhận thức của cả nam và nữ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản còn nhiều bất cập. Để rút ngắn khoảng cách về bình đẳng giới, công nghệ có thể được coi như một cầu nối để phụ nữ trau dồi kiến thức, hòa nhập với lợi ích tập thể, cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ các nhóm phụ nữ yếu thế, đặc thù...

Thứ tư, chú trọng hơn nữa công tác cán bộ nữ theo hướng ngày càng hiện đại, phát triển và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ Trung ương đến địa phương cần có sự quan tâm thấu đáo, có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác quy hoạch cán bộ nữ. Cần xác định việc tạo điều kiện cho phụ nữ có thể tham gia các công tác lãnh đạo, quản lý là trách nhiệm và công việc quan trọng của Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương để phát huy tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, đề xuất chính sách an sinh xã hội, các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, cao tuổi, lao động nữ di cư. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương; thực hiện Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức cho hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của Hội nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý chí vươn lên cùng khát vọng bảo vệ và xây dựng đất nước thịnh vường, hùng cường, hội nhập quốc tế.


ThS. NGUYỄN THỊ LAN ANH

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-a9016.html