1. Vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân Việt Nam và người lao động, thành viên của hệ thống chính trị ở Việt Nam, có vai trò là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục công nhân, viên chức, lao động, “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1.
Kể từ khi thành lập đến nay, được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Công đoàn Việt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam, tích cực vận động đoàn viên, người lao động tham gia đấu tranh chính trị và vũ trang trong các cuộc diễn tập cách mạng. Với hơn 20 vạn người trong năm 1945, đoàn viên công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Những năm đầu đất nước giành được độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy thành quả của cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, tổ chức Công đoàn đã vận động công nhân, viên chức, lao động vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng, đóng góp quan trọng vào Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Công đoàn Việt Nam đã tuyên truyền, giáo dục, vận động công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước “lao động sản xuất giỏi”, “mỗi người làm việc bằng hai”, “ba sẵn sàng”, “năm xung phong”, “giết giặc lập công”, phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, Công đoàn Việt Nam tập trung tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, người lao động đi đầu trong thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều sáng tạo, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của đông đảo công nhân, viên chức, người lao động để đề ra và tổ chức các hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở. Các cấp Công đoàn đã chủ động, phối hợp với thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; đại diện tham gia xây dựng chính sách pháp luật, các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng; đối thoại, thương lượng giải quyết sớm các tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động, hạn chế thấp nhất các vụ đình công, ngừng việc tập thể; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững...
Qua phong trào thi đua, đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động đã phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, ý thức trách nhiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo ra năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm tốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ghi nhận, biểu dương thành tích của Công đoàn Việt Nam, phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, ngày 02/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta có quyền tự hào và khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”2.
Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của công nhân, viên chức, người lao động và nhân dân đến với Quốc hội. Khi đánh giá về vai trò của Công đoàn Việt Nam, đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn tự hào về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam. Công đoàn Việt Nam đã đoàn kết tập hợp giai cấp công nhân Việt Nam phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp cách mạng; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; đóng góp trực tiếp, to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước3.
2. Một số giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém, bất cập; những nguy cơ lớn đe dọa sự ổn định và phát triển của đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn đang tồn tại, thậm chí có những nguy cơ diễn biến phức tạp hơn. Các thế lực thù địch ra sức tiến hành các thủ đoạn thâm độc nhằm chống phá nước ta. Bối cảnh đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội phát triển. Việc xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Công đoàn vững mạnh, làm tiền đề cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng trở nên cấp thiết. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự chủ động và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Phát huy vai trò là đại diện cho người lao động, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Công đoàn cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia đề xuất, xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và của người lao động.
Hai là, phát huy dân chủ, làm nòng cốt xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy quyền dân chủ của công chức, viên chức, người lao động, xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, mở rộng đoàn kết trong khối liên minh công - nông. Giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam có lợi ích căn bản thống nhất và phù hợp với lợi ích các giai tầng và các tổ chức khác trong toàn xã hội, do đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với Công đoàn; phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên; kết hợp, xử lý hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của các giai tầng xã hội, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm nền tảng vững chắc để tạo đồng thuận xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, phát huy chủ nghĩa yêu nước của giai cấp công nhân. Lấy ý thức dân tộc chân chính làm động lực và điểm tương đồng để tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công đoàn Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động cần làm nòng cốt trong đẩy mạnh việc tuyên truyền, khơi dậy trong giai cấp công nhân niềm tự hào về truyền thống dân tộc và khát vọng phát triển, từ đó phát huy chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc, lòng tự tôn, khí phách và khát vọng của dân tộc trong mỗi người lao động; qua đó, xây dựng niềm tin, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn “công tâm, thạo việc”, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở. Theo đó, Công đoàn cấp trên cần quan tâm hỗ trợ Công đoàn cơ sở trong thương lượng, đối thoại, giải quyết tranh chấp lao động... Đồng thời, có cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn. Bên cạnh đó, cần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn ở cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với cán bộ Công đoàn, tập trung vào việc xây dựng chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp. Có các hình thức ghi nhận những cống hiến của họ; các chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng; các hình thức động viên khen thưởng nhằm tạo động lực để cán bộ Công đoàn phấn đấu, làm việc.
Năm là, cần tổng kết lý luận và thực tiễn để khẳng định rõ vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam; vai trò, vị trí tiên phong của giai cấp công nhân đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Đánh giá tác động của hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với đội ngũ công nhân lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Cần có cơ chế tương đối độc lập về công tác tổ chức - cán bộ của tổ chức Công đoàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng để tổ chức Công đoàn phát huy tối đa hiệu quả hoạt động trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 26.
2. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-dai-hoi-cong-doan-viet-nam-lan-thu-xiii-102231202185741415.htm.
3 . Công đoàn Việt Nam góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải, https://mt.gov.vn/tk/tin-tuc/6268/cong-doan-viet-nam-gop-phan-tang-cuong-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc.aspx.
ThS. TRỊNH TRUNG HƯỚNG
Tổng Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định