1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là Lãnh tụ thiên tài, Nhà ngoại giao kiệt xuất đã sáng lập và chỉ đạo nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, góp phần đưa nước nhà vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Gần 80 năm qua, dưới ánh sáng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nền ngoại giao Việt Nam đã có những sáng tạo phù hợp với bối cảnh quốc tế, là một trong những yếu tố quan trọng của sức mạnh mềm Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1. Người chỉ rõ, cách mạng thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, và cuộc cách mạng đó có thể thành công trước cách mạng vô sản ở chính quốc, góp phần giúp đỡ cách mạng vô sản ở chính quốc. Cách mạng giải phóng dân tộc muốn giành thắng lợi triệt để phải có đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, từ đó phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, định hướng nhận thức và chỉ đạo hành động trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung và quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng qua các chặng đường lịch sử.
Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”2. Người đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin để đề ra đường lối đối nội, đối ngoại phù hợp với điều kiện lịch sử của Việt Nam và tình hình thế giới. Người xác định: “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”3, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”4. Tư tưởng độc lập, tự chủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là “cái gốc”, “điểm mấu chốt” của mọi vấn đề. Trong khi Liên Xô và Trung Quốc bất đồng sâu sắc, với tinh thần độc lập, tự chủ, ý thức đoàn kết và hợp tác quốc tế, Việt Nam vẫn tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của cả hai nước này, từ đó hình thành nên mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Độc lập tự chủ, tự lực, tự cường để tranh thủ hợp tác quốc tế; đoàn kết và hợp tác quốc tế để tăng khả năng tự lực, tự cường, tạo điều kiện có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đường lối độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động quốc tế và ngoại giao của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước láng giềng
Nhận thức rõ tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị, hòa bình với các nước láng giềng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “SỰ BIỆT LẬP”5, “THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU”6 đã làm suy yếu sức mạnh của các dân tộc phương Đông. Ngay từ khi cách mạng Việt Nam còn trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Người đã quan tâm xây dựng mối quan hệ đoàn kết với các lực lượng tiến bộ và cách mạng ở Trung Quốc. Với ba nước Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện chính sách dân tộc tự quyết, hợp tác đấu tranh chống kẻ thù chung. Người nêu cao tư tưởng “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”7. Người luôn coi trọng việc giáo dục tinh thần quốc tế vô sản cho toàn dân tộc và coi đó là một nội dung quan trọng của hoạt động ngoại giao.
Coi trọng xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn
Ngay từ khi cách mạng Việt Nam mới giành thắng lợi, Người đã khéo léo áp dụng đường lối ngoại giao “hòa Tưởng, chống Pháp”, rồi “hòa Pháp, gạt Tưởng” để giữ vững thành quả cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi Liên Xô, Trung Quốc bất hòa, ta vẫn giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, đoàn kết quốc tế, cân bằng quan hệ, phấn đấu cho đoàn kết Liên Xô - Trung Quốc... Đồng thời, Người cũng quan tâm duy trì quan hệ với các nước lớn ở châu Á, trong đó có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Ấn Độ. Đối với các nước lớn đối lập về ý thức hệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tránh đối đầu theo phương châm: “Dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự và tiểu sự thì thành vô sự”8, cố gắng “không gây thù oán với một ai”9. Trong điều kiện cho phép, Người luôn tận dụng cơ hội để giải quyết bằng thương lượng hòa bình.
Đề cao đạo lý trong quan hệ với các nước
Việt Nam có truyền thống ngoại giao “tâm công”, nghĩa là dùng chân lý và lẽ phải để thu phục lòng người. Phương pháp này được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới, thể hiện rõ trong Tuyên ngôn độc lập (năm 1945). Người đã dùng những lẽ phải “không ai chối cãi được” trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 để khẳng định các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam, đó là: quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người không bỏ lỡ một thời cơ nào để có thể hòa giải với nước Pháp. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bên cạnh quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”10, Người chủ trương sẵn sàng trải thảm đỏ để quân Mỹ rút về nước và hoan tống một cách lịch sự.
Ngoại giao là một mặt trận
Ngay từ khi đất nước giành được độc lập, ngoại giao Việt Nam đã trở thành một mặt trận. Trong thời kỳ hiện đại, ngoại giao luôn phối hợp nhịp nhàng với đấu tranh chính trị, quân sự, thực hiện “vừa đánh, vừa đàm”, đánh địch mọi nơi, mọi lúc. Trong bất kỳ tình huống nào, hiệu quả của ngoại giao cũng đều phụ thuộc vào sức mạnh tổng hợp của quốc gia: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”11. Trong Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (ngày 25/11/1945), Đảng ta khẳng định: “muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực”12. Nghị quyết Bộ Chính trị khóa III (tháng 4/1969) xác định: “ngoại giao là một mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược”13. Quán triệt chủ trương lớn của Đảng, ngoại giao Việt Nam đã có những cống hiến quan trọng, đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, tạo nên thế trận “vừa đánh, vừa đàm”, chấm dứt chiến tranh bằng Hiệp định Paris năm 1973 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; coi đó là ngọn nguồn để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, luôn ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, tư tưởng đoàn kết của Người không bó hẹp trong phạm vi nội bộ (Đảng, Nhà nước ta), mà thể hiện trên bình diện rộng lớn - đó là đoàn kết quốc tế. Thực tiễn cho thấy, dân tộc Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh không chỉ bởi toàn dân luôn đoàn kết một lòng, mà còn nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu (cả về tinh thần và vật chất) của các nước anh em, bạn bè trên khắp thế giới.
Bằng tư tưởng thấm đượm tinh thần nhân văn và cách mạng, Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng tình hữu nghị đoàn kết với các dân tộc trên thế giới. Di chúc của Người một lần nữa cho thấy, đoàn kết quốc tế đã trở thành đường lối chiến lược, nguồn sức mạnh và động lực to lớn trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng, phát triển đất nước, trở thành một vấn đề có tầm chiến lược hàng đầu trong đường lối cách mạng của Việt Nam.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là di sản vô giá, là bài học lớn và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Thấm nhuần và quán triệt tư tưởng của Người, trải qua các thời kỳ cách mạng, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng Việt Nam, trong đó bài học kinh nghiệm thứ tư là: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”14.
Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã góp phần thúc đẩy Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định kinh tế và FTA thế hệ mới cả song phương, khu vực và đa phương.
Quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh cả về tư duy và thực tiễn, chuyển mạnh từ phạm vi “hội nhập kinh tế” sang “hội nhập toàn diện” với các nội dung chủ yếu là: hội nhập về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác (lao động, y tế, thể thao...). Trong hợp tác chính trị và quốc phòng - an ninh, Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế như Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC, 1976), Hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ, 1995) cũng như các cơ chế Đối thoại về an ninh như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Đặc biệt, công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới; truyền tải thông điệp về một quốc gia thân thiện, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và sẻ chia với cộng đồng quốc tế. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc tạo dựng nên một thực tế không thể phủ nhận, đó là “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”15.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả to lớn, công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Công tác đối ngoại, ngoại giao có lúc còn bị động, chưa kịp thời trong phát hiện và xử lý các biến động mới ở khu vực và quốc tế có tác động đến Việt Nam. Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, dự báo tình hình có nhiều tiến bộ, song có lúc còn thiếu tính chủ động, thiếu sự phối hợp liên thông, đồng bộ giữa các cơ quan tham mưu chủ chốt. Chưa có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các địa phương còn thiếu chặt chẽ. Công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình còn hạn chế...
Hiện nay, trước tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, khó lường, việc thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết và hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại.
Thứ nhất, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thứ hai, tiếp tục mở rộng và phát triển các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ngày càng ổn định và bền vững. Đặc biệt coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các nước láng giềng có chung biên giới, các nước Đông - Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thúc đẩy quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài với các nước lớn, các trung tâm kinh tế, chính trị của thế giới. Mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh... Tích cực hoạt động tại các tổ chức quốc tế và khu vực.
Thứ ba, tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân và giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh để tạo thế “chân kiềng” vững chắc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.
Thứ tư, giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khoa học, lý luận ngoại giao Việt Nam. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời thúc đẩy và nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, du lịch..., qua đó đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thứ năm, kiện toàn và nâng cao hiệu quả của các cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực đối ngoại; nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, là di sản tinh thần vô giá, nền tảng sức mạnh và là “cẩm nang” để thực hiện thắng lợi, hiệu quả đường lối, chiến lược và chính sách đối ngoại, ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trước bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết để mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường tiềm lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 12, tr. 30.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 162.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 320.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 596.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 284.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 284.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 105.
8. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 3, tr. 167.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 256.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 532.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 147.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 27.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 30, tr. 104.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 66.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25.
TS. TẠ VIẾT TRƯỜNG
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/quan-triet-tu-tuong-ngoai-giao-cua-chu-tich-ho-chi-minh-trong-tinh-hinh-hien-nay-a8991.html