1. Thực trạng phát huy giá trị di sản văn hóa thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô Hà Nội
Phát huy giá trị di sản văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực của các giá trị di sản văn hóa, góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô. Phát huy các giá trị di sản văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.
Với mục tiêu phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô vì sự phát triển bền vững đất nước.
Hà Nội xác định nhiệm vụ phát huy giá trị các di sản văn hóa thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững”; cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện Thành phố có 5.922 di tích lịch sử - văn hoá. Tính đến tháng 8/2021, tổng số di tích được xếp hạng là 2.581 di tích, trong đó có 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích quốc gia và 11.441 di tích cấp thành phố. Trong giai đoạn 2016-2018, được sự quan tâm của Thành phố, số di tích được tu bổ, tôn tạo là 319 di tích, trong đó vốn nhà nước (Thành phố và quận, huyện là gần 1.363 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa là gần 462 tỷ đồng).
Cùng với di tích lịch sử - văn hóa, Hà Nội còn có một nguồn tài nguyên khổng lồ gồm 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Đó là văn hóa dân gian, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, văn hóa ẩm thực, làng nghề, phố nghề, tri thức và tập quán, tôn vinh việc học hành, truyền thống khéo tay hay nghề, nếp sống thanh lịch… của người Việt. Ngoài ra, còn có sự hội tụ di sản văn hóa phi vật thể của một số dân tộc thiểu số, như nghệ thuật cồng chiêng của người Mường ở Ba Vì, lễ cấp sắc, lễ cầu mưa, cầu mùa, nghề chữa bệnh bằng thuốc Nam của người Dao...
Di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội không những có đầy đủ các hình thức biểu đạt đó, mà còn được thể hiện tính phong phú, đa dạng, sinh động, giàu bản sắc văn hóa, tính giáo dục cao trong đời sống xã hội. Minh chứng là Hà Nội có 02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là Lễ hội Thánh Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Ca Trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, UNESCO đã ghi danh Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới và sau đó UNESCO ghi danh 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới.
Cũng phải kể đến khu Phố Cổ Hà Nội, nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ. Khu Phố Cổ thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, tọa lạc ở vị trí trung tâm đắc địa của Thủ đô, tổng diện tích khoảng 100ha với 76 tuyến phố thuộc 10 phường: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. Nằm trên một diện tích khiêm tốn, nhưng khu Phố Cổ Hà Nội là một phức hợp di sản gồm 121 di tích các loại, trong đó có 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Chưa kể, hàng nghìn ngôi nhà cổ, nhà cũ có kiến trúc mang những giá trị khác biệt mà không nơi nào có được.
Ngoài khu Phố Cổ, Hà Nội còn có các khu di tích lịch sử, công trình văn hóa nổi tiếng từ lâu đã thu hút rất nhiều du khách như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa - đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Khu Di tích thành Cổ Loa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, còn có hệ thống bảo tàng, nhà hát được khách du lịch trong nước và nước ngoài quan tâm, đánh giá cao như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội...
Và không thể không kể tới hàng nghìn làng nghề của Thủ đô, tạo nên không gian văn hóa làng nghề đặc sắc, trong đó có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Hàng Trống, đồ đồng Ngũ Xã, sơn mài Hạ Thái... cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng, như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh...; nhiều món ăn nức tiếng như: cốm Làng Vòng, phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây…
Tất cả di sản văn hóa trên chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô, góp phần tạo nên diện mạo độc đáo không thể trộn lẫn của đất Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm lịch sử. Đó cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa.
Công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển đô thị của Hà Nội cần bảo đảm hài hòa giữa những giá trị văn hóa truyền thống và các yếu tố hiện đại. Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhấn mạnh cần phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, xác định đó là một trong những yêu cầu cần bảo đảm để phát triển bền vững Thủ đô. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong quá trình phát triển đô thị, Hà Nội có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thành phố ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, như Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 41/2016/QĐ-Ủy ban nhân dân, ngày 19/9/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội…, trong đó xác định rõ thành phố trực tiếp quản lý 10 di tích văn hóa tiêu biểu và phân cấp quản lý các di tích văn hóa còn lại cho các quận, huyện, thị xã; quy định ngân sách Thành phố đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý; ngân sách cấp huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn và đối ứng cùng ngân sách Thành phố đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý…
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố, thời gian qua, việc phân cấp đã góp phần tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cơ sở, cũng như bảo đảm sự tập trung, thống nhất và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa của Hà Nội. Công tác tổng kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành vào cuối năm 2015. Hằng năm, Thành phố tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các di tích thông qua việc tổ chức lập hồ sơ xếp hạng cho trên 50 di tích/năm. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa (từ năm 2012 đến năm 2017 có khoảng 200 lượt di tích văn hóa trên địa bàn Thành phố được tu bổ, sửa chữa); các dự án trùng tu, tôn tạo không gian kiến trúc, quy hoạch đô thị và các vùng lân cận, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa cũng được triển khai thời gian qua, như quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành Cổ Loa, Làng cổ Đường Lâm... Hà Nội cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và sưu tầm các di sản văn hóa, cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa được tăng cường từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ các hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa và nguồn xã hội hóa, trong đó, theo thống kê, nguồn xã hội hóa có thể đạt 60% - 70% tổng số kinh phí cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa.
Đặc biệt, Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị với việc áp dụng một số mô hình hiệu quả, tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến dư luận nhiều chiều. Tiêu biểu như việc xây dựng dự án bảo tồn tại chỗ Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội như một bảo tàng ngoài trời để vừa phục vụ công tác nghiên cứu, hoạt động du lịch, vừa giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Rồi vấn đề bảo tồn đàn Xã Tắc; giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn với việc thực hiện đầy đủ, chi tiết hoạt động tư liệu hóa các hố khai quật khảo cổ, đưa toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản tại bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú ý giải quyết những vi phạm trong quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa. Một số quận nội thành làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển được nhiều hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích, như tại đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Bích Câu đạo quán, chùa Hòe Nhai, đền Đông Hạ, đền Hai Bà Trưng... Không ít vụ việc xâm phạm di sản văn hóa đã được phát hiện và giải quyết kịp thời.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa được Hà Nội chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, như tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức các hội thảo, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa (sách, báo, du lịch văn hóa, các lễ hội truyền thống đặc sắc, tổ chức các sự kiện văn hóa, biểu diễn, trưng bày giới thiệu về lịch sử di sản văn hóa đô thị, các bộ phim…).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Không ít các cấp, ngành và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa; về vị trí của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển… Thực tế cho thấy, một số địa phương của Hà Nội chưa có sự điều tiết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, còn tình trạng coi trọng tăng trưởng kinh tế làm nảy sinh bất cập, phá vỡ các kiến trúc truyền thống đô thị. Ở một số nơi, việc cơi nới, xây dựng các khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu đã làm thay đổi hiện trạng của nhiều khu phố cổ gắn với các đô thị xuyên suốt nhiều thế kỷ. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều làng đã trở thành phố, hoạt động xây dựng tràn lan, thiếu quy hoạch làm cho cảnh quan thay đổi, nhiều không gian sinh hoạt cộng đồng truyền thống bị thu hẹp, các lễ hội dần bị mai một.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI) về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Đảng bộ thành phố Hà Nội đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực, phát triển văn hóa ngày càng gắn bó với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy xác định mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình “phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố và Chương trình Công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Thành ủy ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2023, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Với mục tiêu chung tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô,chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩmvăn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởngthụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: du lịchvăn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản, kiến trúc di sản... phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.
Cụ thể, ngành Công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mớithúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển Công nghiệp văn hóa vào quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống chỉ tiêu thống kê, triển khai số hóa, kếtnối, chia sẻ dữ liệu số bảo đảm cho phát triển Công nghiệp văn hóa có tính liên thông và chuyênnghiệp; đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đa dạng,độc đáo, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội; đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích Quốc gia, di sản thế giới Hoàng thànhThăng Long...; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến,Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của Thành phố.
Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm Công nghiệp văn hóa có sẵn lợi thế như: du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời, quan tâm phát triển các ngành: quảng cáo, kiến trúc, điện ảnh; truyền hình và phát thanh; xuất bản; thời trang...
Để thực hiện các mục tiêu trên, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách như: Xây dựng cơ chế chính sách bảo đảm nguồn lực tài chính ổn định, bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là các hạng mục có tính chất nền tảng, chiến lược; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức trở thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm thủ công truyền thống… Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị…
Nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Thành phố sẽ xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế thi tuyển, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và công nghiệp văn hóa có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài; tạo lập môi trường nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, nhà trường gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, hình thành thế hệ công dân sáng tạo - công dân toàn cầu. Thành phố cũng xác định sẽ tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO với hàng loạt biện pháp cụ thể như: xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tại năng sáng tạo; tổ chức tuần Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hàng năm; tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ…
Đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 với nội dung: Xây dựng 03-04 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; biên soạn 01 đầu sách chuyên đề về di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng 02 phim phục vụ tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; thực hiện tư liệu hóa bằng các hình thức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tư liệu viết đối với 10 di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức 02 - 03 lớp truyền dạy cơ bản và nâng cao về kỹ năng trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cho đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa, chủ thể văn hóa, chức sắc tôn giáo; tổ chức 01 - 02 cuộc tọa đàm, hội nghị chuyên sâu nhằm trao đổi chuyên môn về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố; tổ chức Liên hoan trình diễn, giao lưu, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội và tham gia các Liên hoan quốc gia tổ chức.
Đối với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Thành phố, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, cần quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế, đặc biệt là hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội; tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, di tích lịch sử (nhất là Di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Điện Kính Thiên, Khu di tích Cổ Loa, đền thờ Ngô Quyền). Tích cực thực hiện cam kết với UNESCO hoàn thành Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, di tích 18 Hoàng Diệu và di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh). Phấn đấu hàng năm có khoảng 20% di tích cấp Thành phố xuống cấp được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Tổng số di tích cần tu bổ, tôn tạo là 1.314 di tích, trong đó 19 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 16 di tích cách mạng kháng chiến, 619 di tích xếp hạng quốc gia, 564 di tích xếp hạng cấp thành phố và 96 di tích chưa xếp hạng.
Căn cứ vào hiện trạng của các di tích, để bảo đảm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tổng số di tích cần đầu tư tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021-2025 là 1.314 di tích với tổng kinh phí 34.959 tỷ đồng gồm ngân sách thành phố và các nguồn xã hội hóa. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022, để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.
Một số chỉ tiêu cụ thể nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025:
Nhóm chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
- Di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: 15;
- Số di tích xếp hạng và nâng cấp xếp hạng: di tích Quốc gia đặc biệt: 03; di tích cấp Quốc gia: 08; di tích cấp Thành phố: 80.
Nhóm chỉ tiêu về văn hóa nghệ thuật
- Số vở diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống được dàn dựng mới và biểu diễn hàng năm: trên 18 vở.
- Số buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hàng năm: trên 3.000 buổi;
- Số phim tài liệu, khoa học, hoạt hình được sản xuất hàng năm: 10 phim.
Nhóm chỉ tiêu phát triển du lịch
- Số lượt khách du lịch đón và phục vụ đạt từ 35-39 triệu lượt khách, trong đó có từ 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
2. Một số giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới
Từ quan điểm tiếp cận dựa vào di sản văn hóa, phát huy tiềm năng di sản trở thành nguồn thu của công nghiệp văn hóa cho Hà Nội những năm tới, để Hà Nội trở thành miền đất lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản, cần quan tâm một số đề xuất, giải pháp sau:
- Nghiên cứu, dự báo về những thách thức tác động đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô trong quá trình phát triển đô thị, công nghiệp hóa, hiện đại hoá; đề xuất các giải pháp làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ…; khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Tăng cường quản lý nhà nước, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Thành phố. Ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu. Triển khai số hóa tư liệu, xây dựng chương trình hành động nhằm quảng bá, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiểu biểu và có nguy cơ mai một.
- Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển Công nghiệp văn hóa; hoàn thiện cơ cấu ngành Công nghiệp văn hóa, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, rà soát quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội vào điều chỉnh bổ sung quy hoạch Thành phố; đề xuất các giải pháp đầu tư mới nhằm cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, du lịch...; đồng thời bổ sung quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội vào từng địa phương bảo đảm thống nhất trong quan điểm, mục tiêu phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô và của cả nước với tầm nhìn đến năm 2045.
- Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực Công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghệ thủ công truyền thống... Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình Công nghiệp văn hóa. Chú trọng cơ chế bảo đảm phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đúng pháp luật.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, các chỉ báo, chỉ số, tiêu chí và cơ sở dữ liệu về các ngành Công nghiệp văn hóa Thủ đô gắn với tiêu chí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng tiêu chuẩn, quy trình quản lý, đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa mới tiệm cận với các tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO và thế giới.
- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong việc quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế cho các ngành Công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
- Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phố biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế.
- Tăng cường hợp tác, hội nhập với các thành phố của các quốc gia có nền Công nghiệp văn hóa phát triền mạnh nhằm đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Ẩm thực; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh; Xuất bản...
- Triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung - về disản văn hóa, “Thành phố sáng tạo”, phục vụ phát triển Công nghiệp văn hóa để quản lý, kết nối chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.
- Đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.
- Quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết nối phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.
- Triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng một số công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiểm năng phát triển Công nghiệp văn hóa gắn với du lịch.
- Thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, du lịch văn hóa, ẩm thực... Phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa.
- Chủ động kết nối, mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các thành phố có kinh nghiệm, các quốc gia uy tín trong phát triển công nghiệp văn hóa, hợp tác trong các lĩnh vực có lợi thế, đào tạo các chuyên gia, cán bộ trong lĩnh vực văn hóa và ngày càng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị sản phẩm văn hóa làm nên thương hiệu của Thủ đô và Việt Nam.
TS. LÝ THU THỦY
Đại học Văn hóa Hà Nội
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-tai-thu-do-ha-noi-a8988.html