Kinh nghiệm quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường của một số quốc gia trên thế giới - Bài học cho Việt Nam

1. Kinh nghiệm quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường của một số quốc gia trên thế giới
1.1. Kinh nghiệm của Canada

Canada là quốc gia rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Đến nay, nước này đã đề ra các mục tiêu quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu và tăng trưởng sạch, thành lập Hội đồng không chất thải quốc gia (The National Zero Waste Council), một sáng kiến lãnh đạo tập hợp chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy ngăn chặn sự xả thải ở Canada.
Thông qua việc tập trung vào phòng ngừa chất thải và hợp tác liên ngành, Hội đồng được coi là động lực thúc đẩy sự đổi mới trong thiết kế, sản xuất và sử dụng hàng hóa hướng tới nền kinh tế xanh ở Canada. Bằng cách đưa ra những hành động cụ thể đối với các chủ thể thúc đẩy phát sinh chất thải, Hội đồng đã và đang hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống, đem tới sự bền vững cho môi trường và thịnh vượng cho nền kinh tế, giảm tải việc tiêu thụ tài nguyên và năng lượng nhằm đạt được mục tiêu một Canada thống nhất trong hành động để đạt được mức phát thải bằng 0 cho thế hệ hiện nay và mai sau. Hội đồng triển khai hành động hợp tác với doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng, ở cấp quốc gia và quốc tế, như một tác nhân thay đổi để ngăn chặn và giảm chất thải ngay từ khâu thiết kế, sản xuất và sử dụng hàng hóa.
Nguyên tắc hướng dẫn được Hội đồng đề ra như sau:
-    Cam kết hợp tác làm việc với các đối tác kinh doanh, chính phủ và cộng đồng để phát triển các giải pháp mới;
-    Áp dụng khuôn khổ ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải, các thành phố và doanh nghiệp Canada tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh một nền kinh tế hạn chế về tài nguyên;
-    Thúc đẩy lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường liên quan đến việc bảo tồn tài nguyên;
-    Xem xét hậu quả ở cấp độ quốc gia và toàn cầu cùng với các tác động lâu dài.
Ngoài ra, hai định hướng chiến lược cũng được Hội đồng đề ra là:
-    Thay đổi thiết kế: Thay đổi thiết kế sản phẩm và bao bì để giảm mức độ sử dụng vật chất và cho phép chúng có thể dễ dàng tái sử dụng, tái chế và thu hồi;
-    Thay đổi hành vi: Thay đổi xúc tác trong hành vi, giữa tất cả các bên liên quan và các lĩnh vực của xã hội, với mục tiêu giảm lượng chất thải đầu ra.
Luật Bảo vệ môi trường của Canada năm 1999 đã nêu rõ cách thức chính phủ liên bang quản lý các hóa chất độc hại và các vật liệu gây ô nhiễm khác để bảo vệ môi trường và con người khỏi tác hại của chúng. Trước những thay đổi của thực tế, Chính phủ Canada cũng đang đề xuất những thay đổi với Luật Bảo vệ môi trường, trong đó công nhận rằng tất cả những người sinh sống ở nước này đều có quyền hưởng một môi trường lành mạnh. Các quan chức của Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada cho biết việc định nghĩa “môi trường lành mạnh”, hoặc quyền đó được thể hiện chính xác như thế nào trong Đạo luật Bảo vệ môi trường Canada, sẽ được xác định thông qua các cuộc tham vấn. Họ cho rằng nếu người dân được hưởng quyền hợp pháp về một môi trường lành mạnh, những biện pháp bảo vệ môi trường sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, cùng với sự phát triển của khoa học.
1.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm hoạch định chính sách nhằm chuyển từ phương thức phát triển kinh tế kiểu tiêu hao nhiều tài nguyên sang phương thức phát triển kinh tế kiểu tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, tức là phát triển kinh tế xanh. Theo đó, việc xây dựng các chính sách hướng tới:
Một là, ưu tiên tiết kiệm và hiệu quả để làm nòng cốt cho việc xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên toàn diện, nâng cao vị trí quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên. Tăng cường hướng dẫn chính sách cho việc tiết kiệm tài nguyên, ra sức điều chỉnh và tối ưu hóa kết cấu ngành nghề, ra sức khai thác và phổ biến kỹ thuật tiết kiệm tài nguyên, loại bỏ công nghệ và thiết bị lạc hậu, tăng cường quản lý các khâu về sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng tài nguyên.
Hai là, lấy việc ra sức phát triển kinh tế sản sinh lượng carbon thấp làm con đường cơ bản xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên.
Ba là, lấy việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm đất và sử dụng tổng hợp nguồn tài nguyên làm trọng điểm cho việc xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên.
Bốn là, lấy việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh làm nhu cầu cơ bản cho việc xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên. Một mặt điều chỉnh và cải thiện kết cấu tiêu dùng nguồn tài nguyên, cố gắng giảm thiểu tác động xấu của việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đối với môi trường, nỗ lực thực hiện sự hòa hợp giữa tài nguyên và môi trường; Mặt khác, phải bảo đảm an ninh tài nguyên, xây dựng và hoàn thiện dự trữ chiến lược tài nguyên thích ứng với sức mạnh của đất nước, tích cực quán triệt chiến lược “Bước ra ngoài”, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa con đường nhập khẩu nguồn tài nguyên, khai thác kỹ thuật thay thế.
Ở Trung Quốc, việc thúc đẩy phát triển sản xuất tiết kiệm tài nguyên, hay sản xuất sạch được triển khai ở ba cấp độ: Thúc đẩy sản xuất sạch ở phạm vi doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp triển khai hệ sinh thái công nghiệp, ở cấp khu vực phát triển các thành phố sinh thái. Chiến lược này đã được thử nghiệm trong 7 lĩnh vực công nghiệp và được thực hiện tại 13 khu công nghiệp, và kể từ năm 2005, triển khai tại 10 thành phố sinh thái và tỉnh sinh thái (Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quý Dương, Ninh Ba, Hà Bắc, Đồng Lăng, Liêu Ninh, Sơn Đông và Giang Tô) dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Việc xây dựng một thành phố sinh thái về cơ bản bao gồm:
-    Hệ thống công nghiệp (công nghiệp sinh thái, nông nghiệp sinh thái và ngành dịch vụ);
-    Việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó nổi bật là sử dụng tuần hoàn nước, năng lượng và chất thải rắn;
-    An ninh sinh thái với việc xuất hiện các tòa nhà xanh, việc nâng cao chất lượng môi trường sống và bảo vệ môi trường;
Khía cạnh pháp luật cũng được Trung Quốc nhấn mạnh trong chiến lược tiếp cận của họ. Một số vấn đề liên quan đến pháp luật, ví dụ như các quy tắc mà luật pháp yêu cầu, khả năng cơ động, sự tham gia của người dân và bài học kinh nghiệm của các nước phát triển phải được giải quyết một cách hiệu quả. Ngoài ra, thực tiễn từ Trung Quốc cũng chỉ ra việc cần thiết phải xây dựng một hệ thống đánh giá khoa học, hiệu quả để có được thông tin chính xác và nhằm cải thiện hướng dẫn. Các chỉ số đánh giá nên bao gồm chỉ số phát triển kinh tế, chỉ số phát triển xanh và chỉ số phát triển con người.
2. Bài học cho Việt Nam trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường 

Một là, phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân. Kiên định với các định hướng của Đảng và Nhà nước trong các Văn kiện về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phải chú trọng công tác thể chế hóa các định hướng đó vào trong toàn bộ tiến trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, thực tiễn chỉ đạo điều hành; Kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá trong tất cả các cấp, các ngành, các công đoạn của quá trình hoạch định, điều hành chính sách, phê duyệt các dự án đầu tư.

11-1732013195.jpg
Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu đặt ra

Hai là, vận dụng phù hợp các nguyên tắc, quy luật và công cụ dựa vào thị trường là cách tiếp cận phù hợp với định hướng “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ba là, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thúc đẩy, phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận phù hợp để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ các mục tiêu, nhiệm vụ tài nguyên, môi trường và ứng phó vớibiến đổi khí hậu với các phương hướng, định hướng về kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, an ninh - quốc phòng, đối ngoại mang lại hiệu quả tích cực, hiệu quả và bền vững.

Bốn là, xác định rõ vị trí, vai trò và cách thức Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường và ứng phó với Bbiến đổi khí hậu trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa các cấp, các ngành và địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý, giám sát, phản biện, đánh giá từng lĩnh vực tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là cơ sở để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, công khai, minh bạch.

Năm là, tăng cường liên kết địa phương, vùng trong quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cục bộ địa phương, tăng tính hiệu quả và phát huy thế mạnh của địa phương và vùng.


NCS. ĐINH VIẾT PHƯƠNG

Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/kinh-nghiem-quan-ly-tai-nguyen-thien-nhien-bao-ve-moi-truong-cua-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-bai-hoc-cho-viet-nam-a8987.html