1. Kinh tế báo chí - góc nhìn từ quá khứ tới hiện tại
Kinh tế báo chí là các hoạt động liên quan đến bán báo, quảng cáo, làm dịch vụ khác để tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí ngoài nguồn ngân sách cấp cho cơ quan báo chí. Kinh tế báo chí xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ mở cửa hội nhập. Những hoạt động mang lại nguồn thu cho cơ quan báo chí nhưng không vi phạm pháp luật. Kinh tế báo chí là quá trình sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ của cơ quan báo chí nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của công chúng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần cân đối về tài chính và mở rộng phạm vi hoạt động. Kinh tế báo chí là hoạt động sản xuất (làm ra tờ báo) và các dịch vụ tương thích tạo ra nguồn vốn tái đầu tư, phát triển tờ báo. Kinh tế báo chí không phải là “làm thêm” mà là một bộ phận không thể tách rời của hoạt động tòa soạn, cùng với nội dung làm nên một cơ quan báo chí hiện đại.
Trước đây, vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX về trước, báo chí cách mạng Việt Nam tồn tại hoàn toàn trong cơ chế bao cấp. Từ trụ sở, phương tiện làm việc đến lương bổng, in ấn, phát hành, xuất bản… đều do Nhà nước bao cấp. Suốt một thời gian dài, dù sống trong hòa bình, thống nhất, báo chí nước ta, nhất là đời sống của những người làm báo vẫn gặp nhiều khó khăn. Công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới về kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự phát triển của nhiều thành phần kinh tế đã làm cho đất nước thay da, đổi thịt. Hoà trong dòng chảy phát triển đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đã có những chuyển dịch mang tính khởi sắc, nhiều tờ báo đã sớm chuyển từ bao cấp sang mô hình hạch toán kinh doanh và tự cân đối được thu chi.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện nhiều năm trước của những tờ báo có xu hướng “đi tắt đón đầu”. Tại thời điểm này, khi thị trường báo chí cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các loại hình báo chí sau thời gian không ngừng phát huy hết thế mạnh để chiếm lĩnh phân chia thị phần thì trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin với sự bùng nổ các thiết bị thông minh mới, báo giấy - sản phẩm được coi là nền tảng của báo chí cách mạng, thị phần bị thu hẹp đáng kể.
Trong bối cảnh đối tượng độc giả không gia tăng là mấy, thì số lượng đầu báo và các ấn phẩm lại không ngừng tăng, khiến cho câu chuyện tự chủ báo chí giờ đây trở thành một thách thức lớn. Theo chia sẻ của lãnh đạo một số tờ báo có lượng phát hành “khủng” một thời thì “so với 10 năm trước chẳng khác nào đang ở trên đỉnh rồi tuột thẳng xuống vực”. Nguồn thu từ quảng cáo trên báo giấy cũng giảm sút hơn một nửa. Tổng Biên tập một tờ báo đã tự chủ 100% về tài chính 20 năm cũng thừa nhận: “Gần đây, khó khăn thực sự khi thị phần báo giấy ngày càng thu hẹp. Lượng phát hành giảm, quảng cáo giảm khiến nguồn thu báo giấy mất hơn một nửa”.
Theo nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng của Nhà nước và nâng cao chất lượng báo chí phải xác định các loại hình báo chí: Ngoài những tờ báo có chức năng, nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn nên bước ra tự chủ về tài chính. Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí hiện tồn tại 3 hình thức: được ngân sách nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần; được cơ quan chủ quản bao cấp một phần, tự cân đối thu chi; tự chủ hoàn toàn về tài chính. Hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Trong khi cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2018, một số cơ quan báo chí có doanh thu cao trước đây tiếp tục sụt giảm doanh thu đáng kể. Trong khi đó, quảng cáo trên báo điện tử vẫn tăng trưởng chậm, phần lớn quảng cáo chỉ tập trung ở một số báo điện tử có số lượng người truy cập lớn. Đối với những cơ quan báo chí đã sớm tự chủ hoàn toàn về tài chính thì vẫn có thể trụ vững, có chăng họ sẽ điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh mới. Tuy nhiên, đối với với hai hình thức tòa soạn còn lại muốn làm gì cũng sẽ phải đối mặt với bài toán “lấy ngân sách ở đâu để đầu tư?".
2. Tự chủ kinh tế báo chí trong bối cảnh khó khăn, cạnh tranh khốc liệt - thực tế một số tòa soạn ở Việt Nam
Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện cơ chế tự chủ thì “Không có doanh thu từ độc giả, mọi chuyện sẽ chấm dứt”. Nhưng, báo chí là sản phẩm văn hóa, đồng thời, cũng là sản phẩm chính trị. Doanh thu từ độc giả không thể bằng bất kỳ nội dung nào, mà phải bằng các nội dung có chất lượng văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất. Do vậy, không thể chậm trễ hơn nữa, trong năm này, cơ quan quản lý phải xác định việc chủ động đề xuất, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản bài toán kinh tế báo chí vốn đã đặt ra hàng chục năm qua.
Một số cách làm được các tòa soạn áp dụng tạo ra nguồn thu bằng việc xuất bản ấn phẩm, ký kết quảng cáo và tự tiến hành hạch toán chi tiêu. Vì thế, những câu chuyện như một tòa soạn nhận hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức hay doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin một chuyên mục, cần được xem là bình thường và sẽ ngày càng trở nên phổ biến đúng với quy luật phát triển. Lúc này, báo chí là nguồn, kênh phản ánh chính về đối tượng thông tin, đồng hành, hỗ trợ báo chí sẽ có thêm đối tác hợp tác truyền thông. Mối quan hệ này dựa trên việc hai bên cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thông tin.
Ở Việt Nam, báo Tuổi trẻ (cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) không chỉ là tờ báo đi đầu trong tự lo hạch toán thu - chi, bươn chải với thị trường ngay từ những ngày đầu thành lập mà còn thông qua đó, xây dựng được quy trình sản xuất báo chí chuyên nghiệp.
Năm 1996, tờ báo này đặt mua một cỗ máy in của Mỹ sản xuất tại Cộng hòa Liên bang Đức hơn 1 triệu đô la Mỹ; trong thời gian sản xuất máy in, các công nhân vận hành máy in cũng được đào tạo; khi máy chở về, công nhân cũng về theo. Nhờ có máy in hiện đại, thời gian chốt tin bài cho số báo hôm sau không dừng lại ở 5-6 giờ chiều để kịp đưa đi nhà in, mà còn đón được những sự kiện và vấn đề thời sự diễn ra lúc 24 giờ (tương đương các sự kiện diễn ra ở Mỹ cuối buổi sáng ngày hôm trước). Do đó, các tin tức thời sự đã làm cho tờ báo “nóng hôi hổi như bành mỳ hay củ khoai nướng mới lấy trong lò ra, vừa ăn vừa thổi, không nguội lạnh như cục thịt đông đang bốc mùi”. Cùng với hướng khai thác đề tài và góc độ tiếp cận các sự kiện và vấn đề thời sự, báo Tuổi Trẻ thu hút được người đọc, công chúng mở rộng và đông đảo dần lên, quảng cáo cứ thể “đổ về” mà không cần cử người mang công văn và hợp đồng khống đi xin, thậm chí ép đòi quảng cáo. Không những thế, đối với báo Tuổi trẻ, muốn đăng tải thông điệp quảng cáo trước 3 ngày, thậm chí còn phải chịu phần trăm gia tăng cho hợp đồng quảng cáo. Năm 2002, đáp ứng nhu cầu của mình và các cơ quan báo bạn, báo Tuổi trẻ lại đầu tư mua tiếp cỗ máy in nữa.
Các báo Thanh Niên, Hải Phòng, Hà Nội mới và một số tờ báo khác, đài phát thanh truyền hình, báo mạng điện tử cũng đã bắt nhịp thị trường, phát triển công chúng - khách hàng và thị trường để phát triển sự nghiệp báo chí của mình. Nhờ sự nhận thức và thực tế hoạt động ấy của các đồng nghiệp, cách đây vài năm, chúng tôi sử dụng cụm khái niệm “công chúng - khách hàng - thị trường báo chí” và được đông đảo đồng nghiệp hoan nghênh.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm báo chí nào cũng có lợi thế và cơ hội đóng góp vai trò quảng cáo đối với sự phát triển kinh tế cũng như cơ may để tăng “hầu bao” tài chính và phát triển chiến lược nguồn thu. Vai trò và cơ hội này phụ thuộc chủ yếu vào chỉ số phát hành và nhóm công chúng hướng tới (đối với báo in và tạp chí), chỉ số rating và phạm vi phủ sóng (đối với phát thanh, truyền hình), chỉ số truy cập và nhóm đối tượng truy cập (đối với báo mạng điện tử). Đây cũng là những chỉ báo quan trọng nhất khi doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm báo chí đăng tải thông điệp quảng cáo. Chẳng hạn, báo Cựu chiến binh hay Người cao tuổi thì rất khó tăng doanh thu quảng cáo, mặc dù các tờ báo này rất có uy tín trong lòng người đọc và trong xã hội. Bởi vì nhóm công chúng của các báo này là những người không có nhiều nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ quảng cáo.
Đối với hệ thống báo Đảng địa phương việc tự chủ kinh tế báo chí vô cùng khó khăn vì hầu hết các tòa soạn đều sử dụng 100% kinh phí do ngân sách nhà nước cấp. Đơn cử như báo Bắc Kạn là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tuy nhiên nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp. Mức thu từ quảng cáo rất thấp. Trong giai đoạn 2017-2019, với mức thu từ quảng cáo khoảng 1 tỷ đồng/năm. báo Bắc Kạn đã thực hiện quy chế tự chủ theo Điều 15, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Với số thu sau khi trừ thuế và các khoản hoa hồng theo quy định, báo Bắc Kạn trích lập các quỹ chủ yếu như quỹ ổn định tiền lương, quỹ phúc lợi... Như vậy, báo Bắc Kạn mới tự chủ được một phần rất nhỏ kinh phí trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của tờ báo đảng bộ địa phương.
3. Giải pháp tăng cường tự chủ kinh tế báo chí trong thời gian tới
Việt Nam đang phát triển theo hướng kinh tế thị trường, đương nhiên hầu hết các ngành hoạt động đều có mang trong mình (hoặc ít hoặc nhiều) yếu tố thương mại hóa. Thương mại hóa ở đây phải hiểu theo ý nghĩa của sự tiến hoá xã hội. Nghĩa là nó giúp cho việc xóa bỏ chế độ hành chính bao cấp nhanh chóng, giúp cho việc mở rộng quyền tự chủ, sáng tạo, giúp cho việc xã hội hóa thuận lợi, giúp cho sự củng cố bền vững ngành hoạt động của mình. Chấp nhận yếu tố thương mại hóa ở một số ngành lao động trí óc như văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, báo chí... là một thái độ thức thời, đúng đắn, là một quan niệm thời đại có tính tích cực.
Vậy thì quay lại câu chuyện của báo chí với cụm từ “thương mại hoá báo chí”, chúng ta cần phân biệt rõ ràng: Khi tờ báo cố tình chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, kể cả sử dụng những kỹ thuật câu khách rẻ tiền để thu lợi trước mắt thì đáng bị lên án. Nhưng những tờ báo đặt mục tiêu tăng lượng phát hành, mở rộng hợp tác nhằm xây dựng các chương trình kênh, sóng, ấn phẩm có chất lượng cao, ký kết nhiều quảng cáo để cân đối thu chi, và có nguồn thu đầu tư lại cho công nghệ làm báo hiện đại với mục đích nâng cao chất lượng, nâng cấp hình thức truyền tải phục vụ nhu cầu ngày càng cao của độc giả thì không thể xem là “thương mại hóa” theo nghĩa tiêu cực được.
Việc đi tìm lời giải cho vấn đề tự chủ đã nảy sinh nhiều xu hướng phát triển của từng toà soạn, tờ báo. Một điều toà soạn nào cũng nhìn thấy ngay đó là cần nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả, từ đó phát triển phần giá trị gia tăng bù đắp lại nguồn thu xưa nay vẫn được bao cấp. Nhưng như đã đề cập ở trên, báo chí không giống hẳn một doanh nghiệp và một nguyên tắc bất di bất dịch là tại Việt Nam không có báo chí tư nhân, vì thế cho dù thế nào thông tin đúng chủ trương, đường lối vẫn phải đặt lên hàng đầu rồi mới đến vấn đề tài chính. Do vậy, hầu như các toà soạn vẫn ở tình trạng phải “lấy ngắn nuôi dài”.
Vì đã phát triển theo quy luật, chịu sự chi phối của thị trường, nghĩa là các cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải thừa nhận và chấp nhận tham gia quy luật đó. Nhìn ở góc độ tích cực khi cơ quan báo chí hoạt động hoàn toàn tự chủ, cũng đồng nghĩa với việc các toà soạn đã giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tự tạo ra cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động đặc thù của công việc; các ấn phẩm của toà soạn được độc giả ưa thích, thị trường đón nhận.Vì lý do đó, các nhà báo hãy biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả. Đồng thời, tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông, nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng toà soạn với thương hiệu báo vững mạnh, góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà.
Như vậy có thể thấy, tự chủ kinh tế là một xu thế tất yếu của báo chí, bước ra tự chủ đồng nghĩa với đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, làm thế nào để có kinh phí vận hành bộ máy như: chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... Một điều khó hơn so với doanh nghiệp và cũng là khó nhất của báo chí bước ra tự chủ trong bối cảnh hiện nay đó chính là định hướng nội dung thông tin, bởi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, vì thế không thể vì chuyện tăng doanh thu mà để bị cuốn vào cơn lốc “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều kiểu thị hiếu khác nhau của độc giả là một lời giải luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản một tin, bài.
TRƯƠNG HOÀNG ĐỨC
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/van-de-tu-chu-trong-hoat-dong-kinh-te-bao-chi-a8986.html