Tăng cường công tác truyền thông về phát triển sự nghiệp văn hóa góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại”

CP&PT - Với vị thế Hà Nội là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”, trong những năm qua, phát triển sự nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước và Thành phố đặc biệt quan tâm.

Ngày 05/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nêu rõ, “Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô”.
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu...
Trước đó, Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 (1 trong 8 chương trình lớn của Thủ đô nhiệm kỳ XVI Đảng bộ Thành phố) về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 (trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII) về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 được Thành ủy Hà Nội ban hành nhằm thực hiện một cách tập trung, đồng bộ những chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về văn hóa và con người, để Hà Nội để trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước.
Để văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển, là nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội, công tác truyền thông cần tập trung vào những nội dung sau: 
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
- Truyền thông, nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đối với phát triển văn hóa; nêu cao vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; “văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội”.
- Tăng cường tuyên truyền về phát huy nguồn lực các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thủ đô; nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản văn hóa đã được ghi danh, di sản văn hóa có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ...
- Tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
- Đa dạng hóa, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung, hình thức các hoạt động tuyên truyền; các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống; giáo dục, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. 
Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý nhà nước về báo chí, thông tin cơ sở, thông tin điện tử, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung tuyên truyền về văn hóa. 
- Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan báo chí Hà Nội, các báo Trung ương và địa phương phối hợp công tác tuyên truyền với Thành phố, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và Thành phố về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025; tuyên truyền các chương trình, kế hoạch, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh và thực hiện 02 Quy tắc ứng xử của Thành phố; công tác triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn... Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 40 văn bản đề nghị các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội, các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương khác ký Chương trình phối hợp; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở, Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố.
- Nhiều nội dung liên quan đến phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã được các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và Hà Nội; hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền gắn với các hoạt động cụ thể như: các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước; các sự kiện chính trị - đối ngoại quan trọng của đất nước diễn ra trên địa bàn Thủ đô; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; Hội nghị, Hội thảo khoa học quốc tế; các hoạt động về Hội sách Hà Nội và văn hóa đọc trên địa bàn Thành phố...
- Trên cơ sở các nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đặt hàng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng nhiều chương trình, chuyên mục tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước, của Thành phố về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tuyên truyền về những thành tựu của ngành công nghiệp văn hóa; quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, nguồn lực văn hóa dồi dào, sự năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và những sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc riêng có của Hà Nội... Các chương trình như “Người Tràng An - Người Hà Nội”, “Văn hóa và sự kiện”, “Hà Nội của chúng ta”, “Ký sự Hà Nội”, “Miền quê văn hóa”, “Khám phá Hà Nội”, “Danh nhân Thăng Long - Hà Nội”, “Bản tin văn hóa cuối tuần”... đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào người Tràng An - người Hà Nội; quảng bá, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí khác của Thành phố cũng xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền như: Báo Hà Nội mới tiếp tục duy trì và cập nhật thông tin trên chuyên trang “Nhịp sống Hà Nội” và chuyên mục “Công nghiệp văn hóa”; các chuyên mục “Người Hà Nội” (Báo Tuổi trẻ Thủ đô), “Hà Nội thanh lịch văn minh” (Báo Kinh tế và Đô thị); “Nhịp sống Thủ đô”, “Tôi yêu Hà Nội” (Báo Lao động Thủ đô); “Văn minh đô thị” (Báo Phụ nữ Thủ đô) cũng thường xuyên đăng tải nhiều tin, bài, ảnh, phóng sự tôn vinh và lan tỏa những thông tin tích cực, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhằm tăng cường lan tỏa những thông tin tích cực trên không gian mạng, qua đó góp phần đẩy lùi những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Đề án “Tăng cường thông tin tích cực trên không gian mạng giai đoạn 2022-2025”.
Mặt khác, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, hình thành văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho cộng đồng, khai thác lợi thế của môi trường mạng để lan tỏa những giá trị văn hóa, xã hội tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 287/KH-Ủy ban nhân dân ngày 14/12/2021 về xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch số 287/KH-Ủy ban nhân dân. 
- Chủ động, tích cực phối hợp Sở Du lịch, các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai chương trình hợp tác chiến lược giữa Ủy ban nhân dân Thành phố với Mạng tin tức truyền hình kỹ thuật số CNN tuyên truyền quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam trên kênh CNN quốc tế từ năm 2017 đến năm 2019. 
- Với mục tiêu quảng bá, tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong và ngoài nước, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức Hội sách Hà Nội thường niên nhân Ngày Giải phóng Thủ đô từ năm 2014 đến nay (gián đoạn 02 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid - 19); phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã triển khai và xây dựng công trình Phố Sách Hà Nội tại phố 19/12 (quận Hoàn Kiếm) và 04 lần tham gia Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức) để trưng bày và giới thiệu sách tiêu biểu về lịch sử - văn hóa Việt Nam và Hà Nội bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; quảng bá, giới thiệu về du lịch, nghệ thuật và ẩm thực truyền thống Hà Nội - Việt Nam…cho bạn bè quốc tế.
Để phát huy hơn nữa vai trò của công tác truyền thông về phát triển sự nghiệp văn hóa góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:
1. Tiếp tục hướng dẫn cơ quan báo chí, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về lĩnh vực văn hóa; bên cạnh hình thức tuyên truyền tin, bài truyền thống, hướng dẫn, khuyến khích các cơ quan báo chí Thành phố ứng dụng CNTT triển khai tin, bài tuyên truyền dưới các hình thức media trực tuyến như: infographic, megastory, longform... ; xây dựng các video, clip ngắn tuyên truyền về Hà Nội…
2. Tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm lan tỏa văn hóa đọc: Phố Sách Xuân, Hội Sách Hà Nội, các Hội sách quốc tế, các hoạt động về sách... nhằm tăng cường hoạt động giới thiệu sách, trao đổi bản quyền. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động Phố Sách Hà Nội để thực sự trở thành không gian văn hóa phục vụ bạn đọc, nhân dân Thủ đô và du khách đến với Hà Nội...
3. Tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa thông tin về các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Thành phố trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Triển khai đồng bộ, đa dạng các kênh thông tin, tuyên truyền như: bên cạnh những phương thức truyền thông truyền thống (phát thanh, truyền hình, báo in, pano, áp phích, tờ rơi…) chủ động triển khai các phương thức truyền thông mới trên các nền tảng số: facebook, zalo, ticktok, instagram… để tạo độ lan tỏa thông tin nhanh chóng, phổ cập, đa dạng hóa cách tiếp cận.
4. Phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, thẩm định, kịp thời ngăn chặn, bóc, gỡ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng trên không gian mạng. 
Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Hy vọng trong thời gian tới, với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính quyền Thành phố và Nhân dân Thủ đô sẽ góp phần hiện thực hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra, trong đó thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”./.

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tang-cuong-cong-tac-truyen-thong-ve-phat-trien-su-nghiep-van-hoa-gop-phan-xay-dung-thu-do-ha-noi-van-hien-van-minh-hien-dai-a8984.html