Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - quá trình viết và những giá trị trường tồn, bất hủ đối với dân tộc ta

CT&PT - “Một con người của thế kỷ, hơn nữa của thời đại” - Đó là nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài viết Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh năm 1990. Đúng như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân của lịch sử Việt Nam, một trong những con người để lại rất nhiều dấu ấn trong thế kỷ XX của toàn cầu; vừa là nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc ta, vừa góp phần giải phóng các dân tộc khác trên thế giới. Trước lúc ra đi, Người để lại cho nhân dân ta bản Di chúc thiêng liêng. Bài viết góp phần làm rõ những cột mốc thời gian quan trọng trong quá trình viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, sau đó phân tích những giá trị trường tồn, bất hủ của bản Di chúc đối với dân tộc ta.

Quá trình viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của Chủ tịch Hồ Chí Minh1

Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc vào một buổi sáng ngày thứ hai, mồng 10 tháng 5 năm 1965, tức là trước khi Người qua đời hơn 4 năm. “Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp ngày sinh của mình, chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây… để viết về ngày ra đi của mình, sao mà thanh thản, ung dung đến thế!”2.

Người đặt tên cho tác phẩm đặc biệt này là tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Có lẽ lấy tên tài liệu như vậy vì Bác không muốn nhiều người biết về việc này, ngại gây ra những suy nghĩ không tốt, tiêu cực, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Trong tình hình đất nước và thế giới khi đó, đang có những diễn biến phức tạp và trực tiếp ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước, việc Người viết Di chúc mang tính chất là “những lời dặn lại” là rất cần thiết, vì Người đã ở độ tuổi xưa nay hiếm “ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm, mấy tháng nữa?”3.

Vào ngày 10/5/1965 đó, Bác viết:

“… Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khoẻ. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”.

… Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”4.

Đúng 10 giờ ngày 10/5/1965, Bác gấp tờ giấy “Tuyệt đối bí mật”, cho vào phong bì, cất vào ngăn trên giá sách để tiếp tục xử lý các công việc khác. 9 giờ ngày hôm sau, 11/5/1965, Bác tiếp tục viết các nội dung “Trước hết nói về Đảng”; về đoàn kết; về đạo đức cách mạng. Những ngày tiếp sau đó, Bác thường chọn vào lúc 9, 10 giờ sáng để viết tiếp Di chúc, nội dung gồm phần về thanh niên, về quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, về kế hoạch xây dựng đất nước mai sau. Người khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng, như lời tiên tri, dự báo về chiến thắng cuối cùng, Nam - Bắc thống nhất một nhà “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta”5. Sau phần này, Người viết tiếp về phong trào cộng sản thế giới, nhất là về việc riêng của Người.

Trong phần nội dung Di chúc được Người viết năm 1965, Bác nêu rõ: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.  Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”6.

Đến mùa hè năm 1966, vào những ngày tháng 5 sinh nhật Bác, đồng chí Vũ Kỳ tiếp tục đặt sẵn chiếc phong bì tài liệu “Tuyệt đối bí mật” trên bàn của Người. Trong năm 1966 này, Người viết thêm câu đặc biệt quan trọng ở phần đoàn kết, đó là “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”7. Chỉ một câu ngắn thôi nhưng suy cho cùng, đây là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết - “tình đồng chí”.

Tháng 5/1968, khi xem lại Di chúc, Người viết thêm một số điểm công tác xây dựng Đảng, khẳng định: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”8. Ngoài ra, Bác Hồ cũng để lại những di huấn quan trọng về vấn đề chăm lo đời sống của nhân dân sau chiến tranh, vừa thể hiện tầm nhìn của nhà lãnh đạo, vừa là lòng nhân ái, tính nhân văn đậm chất Hồ Chí Minh. Người khẳng định rằng: “Đầu tiên là công việc đối với con người”9 và nêu rõ những việc phải làm với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ; chọn lựa chiến sĩ trẻ ưu tú đưa đi học nghề; giúp đỡ phụ nữ, đưa đến “quyền bình đẳng thật sự”; cải tạo nạn nhân của chế độ xã hội cũ. Ngoài ra, trong nội dung Di chúc năm 1968 này, Người cũng để lại di huấn về việc miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã; kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc “đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh”. Cuối cùng, Bác để lại lời nhắn nhủ: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”10.

Đến ngày 10/5/1969, Bác đã viết hầu như xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Vào những ngày hè của năm 1969 này, Bác chỉ sửa phần mở đầu cũng như biên tập lại một số câu, thay một số từ cho phù hợp.

Trên đây là phân tích về quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1965 đến năm 1969. Có thể nhiều bạn đọc sẽ có những thắc mắc rằng bản Di chúc công bố năm 1969 tại sao lại dựa chủ yếu theo bản Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969. Thông báo số 151/TB-TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lý giải điều này như sau:

- Việc chọn bản Di chúc Bác viết năm 1965 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn.

- Lấy đoạn mở đầu Bác viết năm 1969 thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965 vì Bác qua đời năm 1969, nội dung bản viết năm 1969 có nội dung phong phú hơn.

- Đoạn về việc riêng bổ sung thêm phần Bác viết năm 1968 để phản ánh cuộc đời vì nước, vì dân của Bác. Chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị thấy cần thiết phải giữ gìn thi hài của Bác để đồng bào miền Nam, cả nước, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác.

- Chưa công bố đoạn Bác viết thêm năm 1968 về những việc cần làm sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi hoàn toàn vì năm 1969 khi Bác qua đời, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn đang gay go, ác liệt, chúng ta chưa giành được thắng lợi cuối cùng nên việc công bố lúc này là chưa thích hợp.  

- Việc miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Sau này, Bộ Chính trị khóa VI giao Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội thực hiện việc này.

- Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ, Bộ Chính trị đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, toàn bộ các bản viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những di huấn “vàng ngọc” mà Người để lại cho dân tộc ta. Thực hiện Di chúc của Người đã và đang tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam

Giá trị trường tồn, bất hủ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ nhất, về tinh thần đoàn kết

“Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Thật vậy, đoàn kết là một truyền thống quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Đoàn kết cũng chính là cội nguồn sức mạnh, quyết định mọi thắng lợi của Đảng ta trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của đoàn kết trên các mặt phương diện như:

Đối với đoàn kết trong Đảng, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”11.  Là người có tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định muốn đánh đổ đế quốc thực dân, nhân dân ta tiên quyết phải cố kết lại, đoàn kết, nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì Tổ quốc mới thống nhất. Đoàn kết trong Đảng là tiền đề, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là quan điểm có tính nhất quán để tạo ra một “Đảng mạnh”. Bởi vì chỉ có Đảng mạnh mới có thể hoàn thành các công việc nặng nề, phức tạp, nhất là trong bối cảnh thời bình để “xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh”12. Giữ gìn sự đoàn kết được Người ví như giữ gìn con ngươi trong đôi mắt có tính khái quát, ẩn dụ cao bởi vì đôi mắt luôn được coi là tài sản rất quan trọng của con người như câu tục ngữ “giàu đôi con mắt”. Soi chiếu vào bối cảnh hiện nay của Đảng ta, di huấn của Người về đoàn kết trong Đảng vẫn còn nguyên giá trị lý luận, ý nghĩa thực tiễn thời sự.

Đối với đoàn kết quốc tế, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ “bất hòa” để nói về tình hình của các đảng anh em thời gian đó. Theo Người, Đảng ta cần ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình; và tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên trung, gắn kết chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế; thúc đẩy tinh thần hợp tác giữa các dân tộc, đảng anh em nhằm bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc. Thực hiện di huấn của Người, vận dụng vào quan hệ quốc tế trong tình hình mới hiện nay, Đảng ta luôn phát huy tinh thần đoàn kết, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tích cực tham gia các diễn đàn, tổ chức, chương trình, đấu tranh vì hòa bình, phát triển và tiến bộ của nhân loại13.

Thứ hai, về công tác xây dựng Đảng

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, thì mọi việc của dân, mọi thành công, thất bại đều phụ thuộc trực tiếp vào năng lực lãnh đạo của Đảng. Chính bởi vì tầm quan trọng như vậy, nên công tác xây dựng Đảng phải được đặt lên trên hết, trước hết với ưu tiên đặc biệt. Trong Di chúc, Người nêu rõ trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Đặc biệt, Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Tình đồng chí của những người cộng sản là tình thương yêu trong sáng, chân thành, tôn trọng, quan tâm, thông cảm lẫn nhau, khiêm tốn, nhường nhịn nhau. Sự yêu thương đó không có nghĩa là bao che, tha thứ lỗi lầm, khuyết điểm của đồng chí mình; trái lại, người cộng sản thường xuyên giúp đỡ đồng chí mình giữ vững phẩm chất cách mạng và nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết và năng lực công tác.

Trong Di chúc, Người nêu ra một số phương thức để xây dựng Đảng như: Rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; phải thật trong sạch, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Những di huấn, lời căn dặn, chỉ dạy của Người vừa là sự tổng kết sâu sắc về lý luận, vừa là những vấn đề mang tính nguyên tắc để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo nên sức mạnh quy tụ lực lượng, củng cố và nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng. Thực tiễn lịch sử cho thấy, Đảng ta vẫn luôn thực hiện nghiêm túc di huấn của Người về công tác xây dựng Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khi đề cập đến chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta xác định: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”14.

Thứ ba, về giá trị nhân văn cao đẹp

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện thấm đượm tình cảm với đồng chí, đồng bào và niềm tin của Bác Hồ về tương lai của dân tộc Việt Nam; đây là một di chúc về con người, thực sự vì con người, cho con người. Trong tư tưởng nhân văn nói chung của nhân loại và trong bản Di chúc nói riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. “Đầu tiên là công việc đối với con người”15.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giá trị nhân văn cao đẹp trong Di chúc vừa rộng nhưng lại vừa hẹp. Rộng ở điểm, Người nhắc đến các cụm từ chỉ đối tượng rộng, mang tính phổ quát như đồng bào Nam - Bắc, đồng chí cả nước, toàn quân, toàn dân ta. Hẹp ở chỗ, mặc dù dung lượng của Di chúc rất ngắn, nhưng Người vẫn để lại di huấn cho từng đối tượng cụ thể như: phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn thanh, thanh niên - “thế hệ cách mạng cho đời sau”, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”; có kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhận dân lao động; đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”; xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta; quyết không để cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu bị đói rét; xây dựng đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta là những chiến sĩ trẻ ưu tú; bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo.

Trong những khoảnh khắc thời gian cuối của cuộc đời, ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, Người không có điều gì phải hối hận trong suốt cuộc đời oanh liệt của mình, mà “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”16. Đó là sự phục vụ của người chiến sĩ cộng sản, người con ưu tú của đất nước Việt Nam đối với Tổ quốc, cách mạng và nhân dân. Tư tưởng nhân văn trong Di chúc còn thể trong chính những di nguyện của Người về việc riêng; không vì cá nhân mình, mà luôn nghĩ cho dân, cho nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”17. Di chúc còn thể hiện sự khoan dung của bậc lãnh tụ “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”18.

Hơn 50 năm qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh. Những giá trị bất hủ, trường tồn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục được thuấm nhuần sâu sắc, vận dụng vào thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay để hiện thực hóa điều mong muốn cuối cùng của Người trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”19.


1. Tham khảo theo những thông tin được đồng chí Vũ Kỳ, người thư ký thân cận của Bác Hồ viết trong hồi ký Bác Hồ viết di chúc, ấn phẩm toàn văn đọc theo sách in tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

2. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một văn kiện lịch sử, Sđd, tr. 129.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 15, tr. 611.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 612.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 613.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 616.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 616.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 617.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 611.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 617.

13. Hiện nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 33-34.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 616.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 623.

17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 623.

18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 617.

19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 624.

ThS. NGUYỄN CÔNG TÂY

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-qua-trinh-viet-va-nhung-gia-tri-truong-ton-bat-hu-doi-voi-dan-toc-ta-a8968.html