1. Những vấn đề cơ bản về giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ngừng trang bị, củng cố, nâng cao trình độ LLCT cho cán bộ, đảng viên, trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, giúp cán bộ, đảng viên nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng trong mỗi giai đoạn cách mạng.
Thông qua giáo dục, bồi dưỡng LLCT giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên có thể hiểu được những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; hiểu được sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình đổi mới đất nước. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh cách mạng, củng cố niềm tin; nỗ lực phát triển bản thân, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thông qua giáo dục, bồi dưỡng LLCT để cán bộ, đảng viên tránh sai lầm, mất phương hướng về chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”1.
Thông qua giáo dục, bồi dưỡng LLCT giúp cho cán bộ, đảng viên có nền tảng lý luận vững chắc, có ý thức bảo vệ, lan tỏa, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao tinh thần cảnh giác và khả năng “miễn dịch” của cán bộ, đảng viên trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng Internet và mạng xã hội để tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như những thành quả của cách mạng Việt Nam... Đã có không ít cán bộ, đảng viên do hạn chế về trình độ LLCT nên mất niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, bị lôi kéo, mua chuộc. Do đó, giáo dục, bồi dưỡng LLCT giúp cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, củng cố thế giới quan và phương pháp luận khoa học; nhận diện rõ, sàng lọc chuẩn xác thông tin; tích cực đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ. Theo Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ vừa qua, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn một nghìn tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu2.
Mặt khác, cùng với việc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng như dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thi ở nhiều cán bộ (trong đó có cán bộ trưởng thành từ nguồn nhân lực lý luận chính trị trước đây) vẫn còn những hạn chế về phẩm chất, năng lực, trong đó có phương pháp làm việc. Ở không ít người vẫn còn có những biểu hiện giáo điều, lý luận không gắn với thực tiễn, nói không đi đôi với làm; không đồng đều về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa nắm vững khoa học - công nghệ hiện đại để vận dụng vào thực tiễn công tác. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị hiện nay còn nặng về lý thuyết, thiếu cập nhật kiến thức, kỹ năng, nhất là phương pháp hoạt động thực tiễn... Trước thực trạng trên, Đảng ta đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” . Do vậy, trong đào tạo nguồn nhân lực lý luận chính trị hiện nay, cần phải trang bị và giúp người học hình thành được phương pháp làm việc khoa học và phương pháp công tác cụ thể, sát thực tế, nhờ đó mà họ có thể đạt được thành công trong công việc.
Công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay đang được triển khai trong bối cảnh mới. Sau 35 năm đổi mới với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên đáng kể, đất nước có thế và lực mới tạo tiền đề quý báu cho thời kỳ phát triển tiếp theo. Bên cạnh đó, các nguy cơ mà Đảng nêu ra từ năm 1994 vẫn tồn tại, có mặt nghiêm trọng hơn, trong đó nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa, rơi vào bẫy thu nhập trung bình và các biểu hiện của không đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa là rất đáng lo ngại.
2. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị theo quan điểm đại hội XIII của Đảng
Tại Đại hội XIII, cùng với đánh giá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, Đảng ta đã chỉ rõ những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, trong đó có công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên”3.
Thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong những qua, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT liên tục được đổi mới, cập nhật, có sự thống nhất hài hòa giữa lý luận và thực tiễn. Phương pháp giáo dục, bồi dưỡng cũng được thay đổi theo hướng tích cực, hiện đại, ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, đánh giá thái độ, kết quả học tập, rèn luyện. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT từng bước được cải thiện, góp phần đáng kể khắc phục “tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”4.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại hội XIII cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị nói chung và giáo dục LLCT nói riêng. Đó là “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”5. Những hạn chế trong công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT là một trong những nguyên nhân khiến cho: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”6.
Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp tăng cường giáo dục, bồi dưỡng LLCT trong thời gian tới là:
Một là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục LLCT. Đây là giải pháp đầu tiên đóng vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT. Theo quan điểm của Đại hội XIII: “Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”7. Như vậy, với 4 phương châm: khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, có thể hiểu, nếu tính khoa học nhằm đảm bảo sự đúng đắn thì tính sáng tạo chính là hướng đến sự đột phá; tính hiện đại nhằm đảm bảo sự mới mẻ, cập nhật thì gắn lý luận với thực tiễn là để những vấn đề lý luận luôn hài hòa với thực tiễn cuộc sống, tránh lối lý luận suông, xa rời thực tiễn cũng như tránh thực tiễn thuần túy, khô khan, không có có lý luận.
Để đáp ứng được tốt phương châm trên, trong giáo dục và đào tạo cần phải triển khai thực hiện các nội dung sau: một là, giáo dục và đào tạo phải hướng đến “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”8; hai là, phải chú trọng “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”9.
Những định hướng nêu trên vừa nhằm khắc phục những hạn chế cả về mặt nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay, đồng thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đất nước qua 35 đổi mới với nhiều thay đổi mang tính đột phá so với trước kia. Đòi hỏi nội dung, chương trình giáo dục, bồi dưỡng LLCT phải có những điều chỉnh, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với tình hình mới. Cùng với đó, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng LLCT cũng cần được đổi mới theo hướng hiện đại, sáng tạo, phát huy tối đa vai trò của người học. Như vậy, công tác giáo dục LLCT mới ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Đại hội XIII nhấn mạnh: “đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”10.
Hai là, tăng cường quản lý việc học tập gắn với rèn luyện, tu dưỡng; khắc phục tình trạng lười học, ngại học LLCT. Một trong những điểm mới của Đại hội XIII khi đưa ra những phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục LLCT là tăng cường quản lý quá trình học tập với quá trình rèn luyện, tu dưỡng của học viên. Điều đó nhằm khắc phục tính một chiều của quá trình giáo dục LLCT - chủ yếu chú trọng tới truyền thụ kiến thức, ít quan tâm đến kỹ năng, thái độ của người học. Đồng thời khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, chưa thường xuyên quan tâm đến việc rèn luyện phẩm chất chính trị, tu dưỡng đạo đức, lối sống; học hình thức, đối phó, chạy theo bằng cấp, không thực sự hiệu quả. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để năng cao bản lĩnh chính trị”11.
Đại hội XIII cũng đề ra việc gắn trách nhiệm của công tác giáo dục LLCT với khắc phục triệt để bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên - một trong những biểu hiện của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016). Thực tiễn cho thấy, khi công tác quản lý quá trình học tập, rèn luyện, tu dưỡng bị buông lỏng tất yếu dẫn đến không ít cán bộ, đảng viên nảy sinh tâm lý lười học, học hình thức, đối phó, qua loa, “học cho có” vì bằng cấp, chứng chỉ để bổ nhiệm, luân chuyển, nâng ngạch...Việc gắn trách nhiệm của công tác giáo dục LLCT với việc khắc phục triệt để bệnh lười học, ngại học LLCT của cán bộ, đảng viên là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn: xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” trong tình hình mới.
Ba là, củng cố, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên LLCT và hiệu quả hoạt động của các trường chính trị. Tại Đại hội XIII, Đảng ta cũng nhấn mạnh đến việc phải: “tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên”, đồng thời “kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị”12.
Có thể nói, nếu nội dung, chương trình, phương pháp được đổi mới mà bản thân mỗi giảng viên, báo cáo viên không được và không tự đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp thì quá trình đổi mới cũng chỉ mang tính “nửa vời”. Giảng viên, báo cáo viên chính là “nhạc trưởng” trong thực hiện nội dung, chương trình, phương pháp, vì thế, nếu “người chỉ huy dàn nhạc” không “làm mới” được chính mình thông qua không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ LLCT, phẩm chất đạo đức, tác phong nghề nghiệp... thì rất khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục LLCT.
Hệ thống các cơ sở đào tạo LLCT ở nước ta có thể nói là khá phong phú. Ngoài các học viện, nhà trường có cơ sở đào tạo LLCT, thì các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có trường chính trị; một số bộ, ban ngành cũng có các trung tâm đào tạo LLCT. Nhằm thực hiện có hiệu quả tinh thần của Đại hội XIII, trước mắt, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nói chung, trường chính trị nói riêng cần tiến hành đổi mới đồng bộ từ mô hình, cơ chế hoạt động đến đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý...
Như vậy, Đại hội XIII đã đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, cụ thể đến vấn đề giáo dục, bồi dưỡng LLCT, từ đánh giá những kết quả đạt được cùng hạn chế, bất cập đến phương hướng, giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đây chính là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5 tr.273-274.
2. Quỳnh Hoa, https://daihoidang.vn/nhin-lai-nhiem-ky-xii-siet-chat-ky-luat-ky-cuong-trong-dang/1166.vnp
3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.170,
5, 6, 7, 8, 9, 10,11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.172, tr.168, tr. 235, tr. 231, tr. 232-233, tr. 235-236, tr. 236, tr. 237.
ThS. VÕ THỊ HIỀN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tang-cuong-giao-duc-boi-duong-ly-luan-chinh-tri-theo-quan-diem-dai-hoi-xiii-cua-dang-a8957.html