Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí

CT&PT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm vấn đề phòng, chống tham ô, tiêu cực. Người coi tệ tham ô là thứ “giặc nội xâm”, dù không mang gươm, mang súng, nhưng vô cùng nguy hiểm, sẽ làm mất cán bộ, bào mòn, suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng chống tham ô, bài viết đề xuất phương hướng vận dụng tư tưởng của Người vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

 

1. Quan điểm Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống tham ô

Trực tiếp sáng lập, giáo dục, rèn luyện Đảng ta, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chế độ dân chủ mới, Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng việc phòng, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Người chỉ rõ, tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận, tham lam, là “trộm cướp”.
Người chỉ rõ những biểu hiện, các hành vi tham ô: “Tham ô là gì? Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”1.

Đặc trưng bản chất của hành vi tham ô là biến “của công” thành “của tư”. Theo Hồ Chí Minh, “của công” chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước; “của công” thành “của tư” tức là tài sản chung khi không nhằm phục vụ mục đích chung mà chỉ dành làm của riêng, quỹ riêng cho một tập thể, một địa phương. Bất cứ hành vi lấy “của công” làm “của tư” nào cũng đều là hành vi tham ô. Đây chính là hình thức tham ô trực tiếp. Trong hình thức này, chủ thể của hành vi tham ô không chỉ là cán bộ, đảng viên - những người nắm chức vụ, quyền hạn nhất định trong bộ máy nhà nước. Người dân thường không có chức vụ, nếu “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” cũng có thể coi là chủ thể của hành vi tham ô.

Hồ Chí Minh còn chỉ ra một hình thức tham ô tinh vi, rất khó nhận thấy trong cuộc sống đời thường, đó là tham ô gián tiếp. Người nói về tham ô gián tiếp: “Thí dụ một cán bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hàng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân”2.

Đây là hình thức tham ô tuy không nhanh chóng gây hậu quả vật chất như những hành vi trực tiếp chiếm đoạt tài sản công, nhưng tham ô gián tiếp xảy ra hằng ngày, thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu lực quản lý của Nhà nước, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, là một trong những mối nguy hại lớn đối với sự nghiệp cách mạng.

Nguyên nhân sinh ra tham ô. Theo Hồ Chí Minh, nguyên nhân sâu xa sinh ra tệ nạn tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân. Bởi theo Người, chủ nghĩa cá nhân là một thứ trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người. Người giải thích, chủ nghĩa cá nhân thường đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, chỉ muốn hưởng thụ, đãi ngộ, còn công việc thì lười nhác, so bì hơn thiệt, công thần, địa vị. Người chỉ rõ sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, mà tham ô, lãng phí là một biểu hiện: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành”3. “Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng, mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi. Tất cả những lỗi lầm nói trên đều là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân”4.

Người còn chỉ ra một số nguyên nhân khác dẫn đến tham ô, tiêu cực như: do trình độ non kém, thiếu kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; độc đoán đưa ra những quyết định sai lầm gây tốn kém tiền công quỹ của Nhà nước hoặc do chủ ý “ném tiền qua cửa sổ”, coi của công là “của chùa”; do thói ăn uống, biếu xén, tiêu xài xa hoa, lãng phí; do chế độ cũ để lại.

Về tác hại của tham ô. Tham ô là lỗ hổng trực tiếp làm thất thoát, thiệt hại tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Sinh thời, Người luôn coi tham ô, lãng phí và quan liêu là ba kẻ thù hết sức nguy hiểm, là “bạn đồng minh của thực dân, phong kiến”. Người chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”, nó là “Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”5.

Trong ba kẻ thù trên, tham ô là kẻ thù nguy hiểm nhất, bởi đó là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Người xếp tham ô ngang hàng với tội phản quốc. Người nhấn mạnh: “Đồng bào luôn luôn vui lòng đóng góp, bộ đội luôn sẵn sàng hy sinh để kháng chiến, kiến quốc. Trong lúc đó, một bọn không có lương tâm, tham ô, lấy của công làm của tư, hoặc lãng phí, tiêu xài bừa bãi; chúng làm thiệt hại đến bộ đội, đến nhân dân, đến Chính phủ và đoàn thể. Như vậy, không khác gì giúp cho giặc phá hoại ta”6. Tham ô còn làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Về biện pháp phòng, chống chống tham ô. Xuất phát từ tác hại của tham ô mà việc phòng, chống tệ nạn này là một yêu cầu tất yếu khách quan, mang tính cấp thiết của cách mạng. Hồ Chí Minh coi đây là “một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu”7. Để phòng, chống có hiệu quả những tệ nạn đó, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các biện pháp, trong đó Người đề cập một số biện pháp sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham ô. Theo Hồ Chí Minh, đây là biện pháp quan trọng hàng đầu, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô. Người nêu rõ: “Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”8. Theo Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến thành bại của cuộc đấu tranh PCTN.

Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tác hại, sự nguy hiểm của căn bệnh tham ô, tham nhũng cũng như ý nghĩa của công tác phòng, chống bài trừ, tiêu diệt nó. Theo Người, đây là biện pháp quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Người quan niệm: “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”9. Người chỉ ra mục đích của việc tuyên truyền, giáo dục là nhằm nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần tích cực, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo Người, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao tính tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, có như vậy mới mang lại hiệu quả lâu dài và triệt để. Qua công tác tuyên truyền, giáo dục sẽ giúp nêu gương tốt, lên án các hành vi tham ô, lãng phí, góp phần vào việc ngăn chặn nạn tham ô, lãng phí. Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải khai hội đủ mặt mọi người trong cơ quan, đơn vị, trường học, v.v.. để giải thích rõ ràng, nói đi nói lại, cho mọi người đều hiểu: Tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân cho nước thế nào? Vì sao phải chống những nạn ấy?”10.

“Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”. Theo Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến thành bại của cuộc đấu tranh PCTN.

Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là thứ vi trùng rất độc, là kẻ thù nguy hiểm gây ra mọi sai lầm, tội lỗi trong đó có tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc dẫn đến nhiều sai lầm, khuyết điểm. Hồ Chí Minh đã nhiều lần cảnh báo: “Chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”11.

Cùng với công tác giáo dục, rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ban hành sắc lệnh trừng trị nghiêm khắc những người cố tình vi phạm. Ngày 26/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Quốc lệnh, quy định cụ thể 10 điều thưởng và 10 điều phạt, cho quân và dân biết rõ những điều nên tránh, những việc nên làm. Trong đó điều phạt thứ 8 đã quy định: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”. Năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, tòa án đã xét xử nguyên đại tá Trần Dụ Châu, mức án tử hình vì tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu.

Để phòng, chống tham ô hiệu quả, Hồ Chí Minh yêu cầu nhân dân phải biết phát huy quyền làm chủ của mình. Người cho rằng: “Quan tham vì dân dại”, nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hoá ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”. Theo Người, phòng, chống tham ô, tiêu cực không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Để giành lấy thắng lợi, chúng ta phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ”12.

2. Các biện pháp phòng, chống tham ô, lãng phí

Thứ nhất, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng là biện pháp hàng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Người cho rằng trước hết phải đánh thông tư tưởng: “Phải khai hội đủ mặt mọi người trong cơ quan, đơn vị, trường học, v.v.. để giải thích rõ ràng, nói đi nói lại, cho mọi người đều hiểu: tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân cho nước thế nào? Vì sao phải chống những nạn ấy”13.

Hồ Chí Minh cho rằng, thói quen và truyền thống lạc hậu là một trong những nguyên nhân dẫn tới tệ tham nhũng, ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Người cho rằng, nhân dân sống trong chế độ cũ, ảnh hưởng bởi tư tưởng lạc hậu sẽ tồn tại những tàn dư tư tưởng thủ cựu, lỗi thời. Trong cuộc sống hàng ngày, những hiện tượng tốt, xấu, đúng, sai, có đạo đức và vô đạo đức vẫn tồn tại, đan xen nhau, đối chọi nhau. Vì vậy, muốn xây phải gắn liền với chống, chống nhằm mục tiêu xây nhưng lấy xây làm chính. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật.

Xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới, bằng việc nêu gương người tốt, việc tốt; những tấm gương đạo đức trong sáng xuất hiện trong cuộc sống và bằng việc khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh, để mỗi người tự giác với trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Thứ hai, chú trọng công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, muốn chống tham nhũng có hiệu quả cần phải làm tốt công tác cán bộ, từ việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng... 

Khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý phải dân chủ, công khai và đủ các tiêu chuẩn đề ra, trong đó tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng là quan trọng nhất. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Vì thế, điều kiện tiên quyết để đưa sự nghiệp cách mạng đi tới thắng lợi là phải có cán bộ tốt. Cán bộ là yếu tố quyết định chất lượng của đường lối, chính sách, đặc biệt là vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chính sách.

Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ chỉ có đạo đức trong sáng cùng lòng nhiệt tình, hăng hái sẵn sàng hy sinh thôi thì chưa đủ, mà còn phải có năng lực, trí tuệ, biết nhận thức và vận dụng đúng đắn những quy luật của tự nhiên và xã hội vào hoạt động thực tiễn của mình. Năng lực đầu tiên mà Hồ Chí Minh đòi hỏi ở người cán bộ cách mạng là năng lực lãnh đạo, quản lý, là khả năng tổ chức động viên quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có phong cách làm việc dân chủ, tập thể. Đây là đặc trưng phản ánh nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Người cán bộ cần luôn gắn với tổ chức đảng và có trọng trách trong tập thể lãnh đạo. Cán bộ phải có tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao. Khi người cán bộ có ý thức và phong cách làm việc tập thể, biết tạo ra bầu không khí dân chủ, biết lắng nghe ý kiến tập thể thì sẽ huy động được sức mạnh tập thể.

Thứ ba, phải công khai, dân chủ, có khen thưởng, có kỷ luật

Công khai, dân chủ là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng. Chế độ mà chúng ta lựa chọn và xây dựng là chế độ dân chủ. Thực hiện tốt dân chủ và công khai sẽ tạo dựng được khối đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, đồng thời sẽ tạo môi trường tốt để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng.

Cùng với cơ chế công khai, dân chủ, Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề khen thưởng, kỷ luật công minh. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Những ai đã lầm đường mà nay biết hối cải thì sẽ được khoan thứ. Những người đã có công thì sẽ được khen thưởng”14, và “Ai có lỗi mà không thật thà nói ra, sẽ bị kỷ luật. Ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật”15.

Trong bất kỳ cơ quan, đơn vị nào, từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, nếu thực hiện nghiêm túc cơ chế công khai, dân chủ, khen thưởng, kỷ luật công minh thì chắc chắn sẽ ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí. Nếu tất cả cán bộ, đảng viên đều thực sự làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, làm việc với động cơ đúng đắn thì sẽ đẩy lùi được chủ nghĩa cá nhân.

Thứ tư, thực hiện tự phê bình và phê bình

Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ và nhân dân ta muốn chống tham ô, lãng phí thì phải thực hiện tự phê bình và phê bình: “Chính phủ và Đoàn thể hết sức chống bệnh quan liêu, chống tham ô, chống lãng phí. Tất cả mọi người đều phải trông thấy ai sai thì phê bình. Phê bình để sửa chữa, để tiến bộ. Không phê bình là tự làm mất quyền dân chủ”16.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, như việc rửa mặt hàng ngày và tạo thành phong trào rộng rãi chống lại nạn tham ô, lãng phí. Đồng thời, Người cũng lưu ý trong quá trình tự phê bình và phê bình phải thành thật. Thường là việc nhận ra khuyết điểm của bản thân mình, của tổ chức mình không dễ dàng, do đó tự phê bình thường khó hơn việc phê bình. Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người không được “giấu bệnh, sợ thuốc”, nó sẽ giúp cho việc tự phê bình và phê bình có kết quả tốt.

Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải trung thực, không “đặt điều”, “không thêm bớt”. Tự phê bình và phê bình phải kiên quyết, không nể nang, phải dựa vào sự thực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm. Không nên thoa vẽ, che giấu. Không nên “ít thít ra nhiều”, càng không nên nói việc nhỏ bỏ việc lớn, nói việc cũ quên việc mới.

Tự phê bình và phê bình “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; tự phê bình và phê bình phải thấm nhuần những chuẩn mực của văn hóa ứng xử giữa con người với con người, hơn nữa ở đây là giữa những đảng viên với nhau - những người đồng chí, cùng nhau phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Chính vì vậy, khi nhận được thông tin từ cơ sở về việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Bác nhận được nhiều thư trong bộ đội gửi lại, hoặc trong chỉnh huấn gửi tới, tự phê bình là có tham ô lãng phí và xin hứa sửa chữa. Chắc rằng trong bộ đội, cơ quan còn có người tham ô lãng phí mà chưa tự phê bình”17.

Đặc biệt là, ở Công trường đá Sơn Tây, 551 thanh niên làm việc tại đây đã báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành tích tiết kiệm, tăng năng suất, tính ra tiền là 6 triệu 41 vạn 8900 đồng; đồng thời, tự phê bình về những tham ô, lãng phí, làm thiệt hại công quỹ 3 triệu đồng. Người đã viết Thư gửi thanh niên Công trường đá Sơn Tây với nội dung:

“Thân ái gửi các cháu nam nữ thanh niên công trường đá Sơn Tây,

Bác đã nhận được báo cáo của các cháu (4-10),

Các cháu đã cố gắng tăng năng suất và tiết kiệm. Kết quả tính ra tiền là hơn 6 triệu đồng.

Thế là tốt.

Nhưng đồng thời các cháu còn phạm khuyết điểm tham ô, lãng phí, tính ra tiền là độ 3 triệu đồng. Thế là khác nào các cháu đã tự làm hỏng một nửa thành tích của mình!

Bác mong các cháu từ nay thi đua làm đúng những lời hứa hẹn trong báo cáo, tức là:

- Nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, Nam cũng như Bắc.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thi đua tăng năng suất và tiết kiệm.

- Nâng cao cảnh giác, chống tham ô, lãng phí”18.

Như vậy, để chống tham ô, lãng phí có hiệu quả, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình để sớm phát hiện những hành vi tham ô, tư lợi, đi ngược lại với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân.

Thứ năm, xây dựng cơ chế chống tham ô, lãng phí

Ngày 26/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Quốc lệnh quy định cụ thể 10 điều thưởng và 10 điều phạt, cho quân và dân biết rõ những điều nên tránh, những việc nên làm. Trong đó điều phạt thứ 8 đã quy định: Trộm cắp của công sẽ bị xử tử.

Khi trả lời phỏng vấn của đại biểu Quốc hội khóa I trong phiên họp ngày 30/10/1946, Hồ Chí Minh đã tuyên bố sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết.

Để đấu tranh có hiệu quả chống tham ô, lãng phí, trong khi đang ráo riết chỉ đạo công cuộc chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 23/11/1946, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64 - SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Sắc lệnh đã ghi rõ Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các Ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Tòa án đặc biệt. Ban Thanh tra có thể truy tố cả các việc đã xảy ra trước ngày ban bố Sắc lệnh này. Ban Thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan.

Sắc lệnh cũng quy định về thành lập Tòa án đặc biệt để xét xử những nhân viên của các Ủy ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố. Tòa án đặc biệt có toàn quyền định ấn, có thể tuyên án tử hình. Những án tuyên lên sẽ thi hành trong 48 giờ.

Đến ngày 18/12/1949, Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh số 138B-SL về tổ chức Thanh tra Chính phủ quy định rõ thêm chức năng thanh tra cả Ủy ban Kháng chiến - Hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết. Như vậy, ngay từ những ngày đầu lãnh đạo chính quyền và trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm xây dựng và phát triển Nhà nước cách mạng Việt Nam, để phục vụ cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, việc thành lập một tổ chức chuyên trách đặc biệt chống tham ô thể hiện quyết tâm lớn của Người.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Trong công tác kiểm tra, giám sát cần phải có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, mục đích kiểm tra là xem xét các vấn đề phát sinh để phát hiện ưu điểm mà phát huy, những khuyết điểm mà khắc phục, sửa chữa. Kiểm tra là công việc thường xuyên, hàng ngày của lãnh đạo. Người coi công tác kiểm tra như “ngọn đèn pha” giúp người lãnh đạo: “Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ”19.

Về cách thức kiểm tra, Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai vấn đề:

Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải biết tự kiểm tra, tự kiểm soát hành vi, công việc của chính mình thông qua tự phê bình và phê bình. Cán bộ cấp càng cao, cơ quan lãnh đạo càng cao, càng phải tự giác và thành khẩn tự phê bình và phải làm gương, nêu gương cho cấp dưới, không để xảy ra “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Để phòng, chống tham ô, lãng phí, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ phải “khéo kiểm tra” và kiểm tra phải “khéo”. Phải kết hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức kiểm tra, kiểm tra từ dưới lên, từ trên xuống dưới; kiểm tra thường xuyên, bất thường, định kỳ; kiểm tra trực tiếp, gián tiếp. Trong các hình thức và phương pháp kiểm tra, Hồ Chí Minh đề cao kiểm tra thường xuyên và kiểm tra trực tiếp. Người thường xuyên nhắc nhở các đồng chí ở các bộ, ban, ngành ở Trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết các công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều.


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 355.

 2, 5, 6, 8, 9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 345, 357, 452, 358, 361, 358. 

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 15, tr. 547.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 14, tr. 469.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 13, tr. 421.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 609, 601.

12, 15, 16, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 358, 361, 553, 433.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 6, tr. 467.

18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 10, tr. 189.

19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 637.

ThS. NGUYỄN DOÃN HOA

Đại học Công nghiệp Hà Nội  

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/quan-diem-cua-ho-chi-minh-ve-phong-chong-tham-o-lang-phi-a8916.html