1. Nhận diện các luận điệu của thế lực thù địch trên không gian mạng
Nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch thường tập trung vào một số vấn đề sau:
Chủ thể chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng bao gồm các quốc gia, tổ chức quốc tế chống Cộng, chống Việt Nam; các tổ chức phản động lưu vong bên ngoài và một số đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị, có quan điểm phức tạp trong nước; những đối tượng xấu tung tin sai trái, thù địch, độc hại nhằm trục lợi. Ngoài ra, còn có những người từng vi phạm pháp luật Việt Nam, có lòng hận thù với chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Động cơ của chúng là dùng mọi thủ đoạn tấn công trực diện hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, gây tâm lý hoang mang, hỗn loạn trong nhân dân, từng bước làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị, hòng tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động “bạo loạn lật đổ” và hiện nay triệt để lợi dụng mạng xã hội như “một chiến trường không tiếng súng” để chống phá, xây dựng các trang web, blog, tài khoản ở các máy chủ đặt tại nước ngoài làm “các máy cái, hà hơi, tiếp sức” cho các blog, tài khoản trong nước.
Nội dung mà chúng tập trung chống phá nhằm phủ nhận, xuyên tạc giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ nhận vai trò lãnh đạo, xuyên tạc lịch sử Đảng; xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đóng góp của Người cho lịch sử dân tộc và sự tiến bộ nhân loại; kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; phủ nhận thành tựu cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; thổi phồng khuyết điểm, hạ thấp và phủ nhận thành tựu đổi mới đất nước; xuyên tạc, bội nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
Nguồn tin mà các thế lực phản động, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng qua không gian mạng, chủ yếu từ: 1) các tổ chức của một số quốc gia (như Mỹ, Đức, Thụy Điển…); 2) các hãng thông tấn báo chí quốc gia, “quốc tế” (tuy có mức độ khác nhau), đáng chú ý có BBC, VOA, RFA, RFI; 3) các trang mạng của tổ chức thù địch có máy chủ ở nước ngoài (như: Tổ chức Theo dõi nhân quyền, Tổ chức Phóng viên không biên giới, Tổ chức Ngôi nhà Tự do, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Đảng Việt Tân…); 4) các blog của tổ chức, cá nhân trên Facebook, mạng xã hội...
Cách thức mà chúng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội, chủ yếu: 1) Lợi dụng trang mạng lớn trên thế giới chống phá Việt Nam; 2) Sử dụng và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên để viết bài, đưa tin chống phá Đảng và Nhà nước ta; 3) Sử dụng các thông tin chống phá Đảng ta của các quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới, những cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng lớn ở trong và ngoài nước để tán phát; 4) Tạo dựng các trang web, blog các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook để chia sẻ (share), phát tán thông tin; 5) Nắm bắt, tận dụng thời điểm quan trọng, lợi dụng vấn đề, sự cố lớn của đất nước để phát tán thông tin xuyên tạc, chống phá…
Chiêu bài mà chúng sử dụng để chống phá thường là: 1) Gửi “kiến nghị”, “thư ngỏ” của hội, nhóm đến cơ quan tổ chức và các đồng chí lãnh đạo cấp cao; 2) Phát tán trên mạng để tranh thủ sự ủng hộ của xã hội, truyền bá quan điểm chính trị của mình và gây áp lực đối với Đảng, Nhà nước; 3) Ra “tuyên ngôn”, “tuyên bố” (với tư cách là nhóm xã hội hoặc các cá nhân) về một vấn đề nào đó; 4) Gửi “thư riêng”, tài liệu của cá nhân, tổ chức đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời phát tán trên mạng xã hội; 5) Bằng các hình thức bình luận (comment), hoặc thể hiện trạng thái (status) video clip, hình ảnh ở tài khoản cá nhân trên Facebook…
Thực tế hiện nay, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” triệt để tận dụng mạng xã hội để hô hào tụ tập đông người, kích động phản đối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống đối chính quyền; cổ súy cho người vi phạm pháp luật, thổi phồng bức xúc trong nhân dân…
2. Kết quả trong công tác đấu tranh với các luận điệu của thế lực thù địch trên không gian mạng
Hiện nay, đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trở thành một “mặt trận” hết sức lợi hại, bước đầu chúng ta đạt được một số kết quả đáng chú ý là:
Một là, các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ.
Đảng ta liên tục ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, đấu tranh trên không gian mạng nói riêng. Đáng chú ý là Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16.9.2013 của Ban Bí thư (khóa XI) về “tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng” và Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 25.12.2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet”.
Quan điểm của Đảng ngày càng nhấn mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng thông qua các nghị quyết. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Tập trung chấn chỉnh, quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân... Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”. Đại hội XII của Đảng chủ trương: “Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đánh giá: “Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình…; đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn”. Đến Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thể chế hóa quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội chỉnh sửa và bổ sung nhiều quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; ban hành văn bản quy phạm pháp luật về viễn thông, Internet. Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm dưới luật (về xử lý vi phạm hành chính) là những căn cứ pháp lý quan trọng để phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của đối tượng cơ hội chính trị trong nước sử dụng Internet tuyên truyền phá hoại.
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính; tích cực tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường bảo vệ nền tảng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Hai là, công tác xây dựng, phát triển và phối hợp lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng không ngừng được đẩy mạnh.
Ngay sau khi Ban Bí thư (khóa IX) ban hành Thông báo Kết luận số 94-TB/TW ngày 30/12/2002 về nhiệm vụ tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; tiếp đó là Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 17/4/2009 Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”. Ở Trung ương và địa phương nhanh chóng thành lập, kiện toàn các Ban Chỉ đạo 94, Tổ Thư ký giúp việc, Nhóm Chuyên gia; ban hành chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động.
Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, từ Trung ương đến cấp huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo 35, Tổ Thư ký giúp việc và Nhóm Chuyên gia, tạo nên bộ máy thông suốt, thống nhất; tổ chức lực lượng tác chiến ngày càng quy củ, bài bản, có tính chuyên nghiệp, tập trung đấu tranh trên không gian mạng.
Các Ban Chỉ đạo 35 chủ động tham mưu, định hướng thông tin và tích cực tổ chức lực lượng triển khai nhiều hoạt động đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương; có sự phối hợp lực lượng tác chiến với các cơ quan, đơn vị, lực lượng, đặc biệt là với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng làm công tác 35.
Ba là, công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng được tiến hành liên tục, đồng bộ, hình thành mạng lưới rộng khắp từ Trung ương tới địa phương.
Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của bộ, ngành, cơ quan triển khai một số biện pháp và tổ chức lực lượng đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Đặc biệt, sự phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc quản lý và định hướng thông tin các cơ quan báo chí, viết bài tuyên truyền, đấu tranh phản bác trên các báo và tạp chí từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, nhiều báo, đài, tạp chí chủ lực ở Trung ương và địa phương đã xây dựng, duy trì nền nếp chuyên trang, chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao theo dõi sát dư luận báo chí nước ngoài về tình hình Việt Nam, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, vấn đề biển Đông, quan hệ Việt Nam với các nước. Theo dõi, kịp thời ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền, chống phá của các tổ chức phản động ở nước ngoài. Các chương trình truyền hình trên mạng cũng phát huy tốt hiệu quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Một số Ban Chỉ đạo 35 bộ, ngành, địa phương có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng, tổ chức lực lượng đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cơ quan báo, đài, tạp chí duy trì chuyên trang, chuyên mục, đăng tải nhiều bài viết, kịp thời định hướng thông tin để cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời ngăn ngừa, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, sớm phát hiện những vấn đề nổi cộm phát sinh trong nhân dân; phối hợp có hiệu quả với các cấp, các ngành, địa phương trong xử lý các vụ việc phức tạp, điểm nóng; vận động, giáo dục thuyết phục hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sức đề kháng trước thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Bốn là, công tác quản lý mạng xã hội, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, xấu, độc được đẩy mạnh; hệ thống các chuyên trang, chuyên mục, trang mạng thuộc hệ thống Ban Chỉ đạo 35 không ngừng mở rộng, nâng cấp.
Ngày 04/6/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 53-KL/TW về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội. Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng chặn, lọc các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, nắm tình hình, thường trực theo dõi, giám sát hàng nghìn cổng thông tin, blog của các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ngăn chặn kịp thời hàng chục chiến dịch kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ, sử dụng Internet xâm phạm an ninh quốc gia. Công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng được tăng cường; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát trên không gian mạng, đưa các trang web, blog có nội dung xấu, độc vào danh sách ngăn chặn.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook, Google yêu cầu giải quyết các đề nghị ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội. Cùng với công tác ngăn chặn, tháo gỡ trang, tin phản động, chúng ta không ngừng mở rộng hệ thống chuyên trang, chuyên mục, các trang điện tử, fanpage phục vụ công tác 35, đăng tải nhiều bài viết, thu hút hàng triệu lượt truy cập, có sức lan tỏa nhất định. Thông qua đó, đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp, chuyên sâu và phản ứng kịp thời trong việc nhận diện và đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngoài ra, trên các blog cũng như các mạng xã hội, nhiều tài khoản được lập tham gia vào cuộc đấu tranh, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
3. Giải pháp đấu tranh với các luận điệu của thế lực thù địch trên không gian mạng
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân hiểu, ủng hộ, chấp hành tốt Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ thông tin và Truyền thông và các văn bản pháp luật khác có liên quan để tránh bị vi phạm, hay vô tình bị lợi dụng, tiếp tay cho những thế lực thù địch. Tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, phản ánh, giám sát, phản biện của báo chí, truyền thanh cơ sở, tổ công nghệ số cộng đồng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân trong công tác này. Quyết tâm thực hiện đẩy mạnh việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Hai là, trong công tác tuyên truyền, chú trọng thực hiện chia sẻ các nội dung bài viết, thông tin chính thống từ các cơ quan báo chí, cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị Nhà nước lên mạng xã hội. Triển khai xây dựng hệ thống các trang tin, fanpage của các đơn vị, địa phương nhằm tạo thành hệ thống thông tin tuyên truyền chính thống trên mạng xã hội. Thông qua các trang tin, tài khoản mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những thông tin tích cực, thông tin tốt, phản bác mạnh mẽ các quan điểm sai trái, thù địch. Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa các hình thức, cách thức lan tỏa thông tin tích cực một cách sinh động, phù hợp với tâm lý công chúng và nền tảng truyền thông đa phương tiện hiện nay.
Ba là, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên không gian mạng, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng không gian mạng để “nhân danh Nhân dân” để “mị dân”… Đầu tư trang thiết bị công nghệ và phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp các cơ quan chức năng giám sát thông tin trên không gian mạng một cách tự động, toàn diện, kịp thời.
Bốn là, tăng cường các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng mạng xã hội để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Các cơ quan Nhà nước tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin chính thống từ nhiều góc nhìn khách quan trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên về nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Năm là, tăng cường quản lý đối với mạng xã hội, báo chí, xuất bản; phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà mạng để gỡ bỏ những thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật; ngăn chặn, xử lý triệt để, kịp thời các kênh “tin rác”, xuyên tạc, bịa đặt, kích động…Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng vi phạm để cảnh cáo, răn đe.
ThS. NGUYỄN THỊ KIỀU
Học viện Dân tộc
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/nhan-dien-va-dau-tranh-voi-cac-luan-dieu-cua-the-luc-thu-dich-tren-khong-gian-mang-a8911.html