1. Tính tất yếu của xây dựng nông thôn mới
Do đặc thù của Việt Nam nên vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho nên Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đại hội VII của Đảng đã chỉ rõ: Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Trải qua gần 40 năm đổi mới, cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, nông thôn Việt Nam đã có nhiều biến đổi trên cả hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực. Tích cực được thể hiện ở chỗ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; nhiều hình thức tổ chức sản xuất mới được hình thành và phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường. Bên cạnh những điểm tích cực cũng cho thấy môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc...
Xuất phát từ những bất cập trên, Nghị quyết 26- NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nhấn mạnh mục tiêu: xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Tính tất yếu về kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội của quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam được thể hiện cụ thể trên các phương diện sau:
Một là, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bảo quản chế biến còn hạn chế, chưa gắn chế biến với thị trường tiêu thụ sản phẩm; chất lượng nông sản chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, xây dựng nông thôn mới làn nhằm đáp ứng yêu cầu, quy luật của nền kinh tế thị trường; của quá trình thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực tam nông;
Hai là, mặc dù đã có nhiều thay đổi tuy nhiên nhìn chung hiện nay, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn chủ yếu phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch… Thu nhập của nông dân thấp; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; sự liên kết giữa người sản xuất và các thành phần kinh tế khác ở khu vực nông thôn chưa chặt chẽ. Do vậy, xây dựng nông thôn mới là biện pháp kinh tế quan trọng nhằm khai thác hợp lý, nuôi dưỡng các nguồn lực, đạt tăng trưởng kinh tế cao, bền vững;
Ba là, nhìn chung kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, chợ, thủy lợi) ở khu vực nông thôn còn nhiều yếu kém, vừa thiếu, vừa không đồng bộ.
Do vậy, xây dựng nông thôn mới là quá trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, tạo nền tảng cho khu vực này phát triển toàn diện và bền vững.
Bốn là, xây dựng nông thôn mới là biện pháp thúc đẩy nông dân, nông thôn có văn hoá phát triển, dân trí được nâng cao, sức lao động được giải phóng. Người nông dân có cuộc sống ổn định, giàu có, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật, tay nghề cao, lối sống văn minh hiện đại nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hoá, bản sắc truyền thống, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tham gia tích cực mọi phong trào chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Năm là, xây dựng nông thôn mới là biện pháp nhằm thúc đẩy tính hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở khu vực nông thôn. Kết hợp hài hòa giữa quản lý của Nhà nước, quản lý xã hội và tự quản ở nông thôn nhằm hướng đến bảo tồn và phát huy các giá trị, chuẩn mực truyền thống làng, xã.
Sáu là, xây dựng nông thôn mới là biện pháp chính trị nhằm thúc đấy dân chủ nông thôn mở rộng và đi vào thực chất. Các chủ thể nông thôn có khả năng, điều kiện, trình độ để tham gia tích cực vào các quá trình ra quyết định về chính sách phát triển nông thôn; thông tin minh bạch, thông suốt, hiệu quả giữa các tác nhân có liên quan; phân phối công bằng.
2. Nội dung, tiêu chí và đặc điểm xây dựng nông thôn mới
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, bao gồm 11 nội dung sau: 1) Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; 2) Phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; 3) Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; 4) Giảm nghèo và an sinh xã hội; 5) Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; 6) Phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn; 7) Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn; 8) Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn; 9) Cấp nước sạch và vệ sinh môi trýờng nông thôn; 10) Nâng cao chất lượng tổ chức Ðảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn; 11) Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.
Các nội dung này tạo nên cấu trúc nông thôn mới có mối liên hệ chặt chẽ với nhau bởi các chủ thể nhà nước và nhân dân. Trong đó, nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, tổ chức điều hành quá trình hoạch định và thực thi chính sách, xây dựng đề án, cơ chế, tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nguồn lực, tạo điều kiện, động viên tinh thần. Đồng thời, nhân dân tự nguyện tham gia, chủ động trong thực thi và hoạch định chính sách.
Khái quát lại, đặc điểm của quá trình xây dựng nông thôn mới được thể hiện ở những điểm sau: Một là, nông thôn được cấu trúc trên nền tảng của làng, xã truyền thống, có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao; Hai là, những ngành nghề truyền thống gắn với quá trình công nghiệp hóa; Ba là, những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội; Bốn là, hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, môi trường ngày càng được gìn giữ, tái tạo; Năm là, về dân chủ cơ sở ở nông thôn ngày càng được phát huy mạnh mẽ, đi vào thực chất; Sáu là, chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay được thực hiện chủ yếu theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; trong đó, dân tự làm là chính; Bảy là, việc xây dựng nông thôn mới hiện nay bị ràng buộc bởi các tiêu chí chung của nông thôn mới nhưng mang nặng tính đặc thù của từng địa phương (xã), do bị quy định, chi phối bới đặc điểm làng, xã truyền thống, tập quán, điều kiện tự nhiên....
3. Các nguyên tắc của xây dựng nông thôn mới
Đề thực hiện thành công các mục tiêu của quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam cần kiên định thực hiện tốt các nguyên tắc sau:
Một là, các nội dung, hoạt động của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phải hướng tới mục tiêu thực hiện 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành và sửa đổi bổ sung tại các văn bản: Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/ 4/2009; Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/2/2013; Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2020; Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018 của của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, xác lập, kiên trì, quyết tâm và dành nguồn lực thời gian xứng đáng đề thực hiện các nội dung trong xây dựng nông thôn mới. xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại là nội dung vừa có tính bức xúc trước mắt, vừa có tính lâu dài; Chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn là công việc lâu dài, gian khó; Tăng thu nhập gấp 2 - 3 lần hiện nay và nâng cao đời sống tinh thần cho cư dân nông thôn là việc làm lâu dài; Tổ chức lại sản xuất gắn với tổ chức lại và tạo lập mới những tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với trình độ phát triển của cư dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn và mang tính lâu dài;
Tập trung giải quyết những mâu thuẫn lớn ở nông thôn, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa là vấn đề chiến lược xây dựng bản chất tốt đẹp của chế độ; Xây dựng người nông dân mới - chủ thể của nông thôn là hạt nhân để xây dựng nông thôn mới.
Ba là, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.
Bốn là, chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới do Chính phủ quyết định. Cụ thể là: 1) Quyết định lựa chọn một cách khoa học, sát thực tế với từng địa phương những nội dung, việc cần ưu tiên làm trước; 2) Kiên trì, lâu dài hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, nông thôn; 3) Đầu tư từ nhiều nguồn cho nông thôn; 4) Hình thành “giá đỡ” để nông dân yên tâm sản xuất sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp; 5) Tạo môi trường tốt nhất cho các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với trình độ cư dân từng xã, làng, từng loại hình sản phẩm cây trồng, vật nuôi, làng nghề, tính chất sản phẩm của từng dân tộc với mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; 6) Củng cố, xây dựng các tổ chức xã hội vì lợi ích trực tiếp của chính cư dân nông thôn.
Năm là, kế thừa và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác dang triển khai trên địa bàn nông thôn. Trong đó cần đặc biệt quan tâm chú ý đến chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Sáu là, quá trình xây dựng nông thôn mới ngày càng hoàn thiện về mục tiêu, nội dung, cách thức và kết quả thực hiện. Cụ thể là, xây dựng nông thôn mới thực hiện trên địa bàn xã theo Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới; trước đây xây dựng nông thôn cấp huyện, có thời kỳ cấp thôn, nay trên địa bàn cấp xã và phạm vi toàn quốc; cộng đồng dân cư trong xã là những người xây dựng nông thôn mới. Nhà nước chỉ định hướng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chính sách hỗ trợ; chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình khung về phát triển nông thôn đã bao gồm các nội dung cần cho thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện, sẽ có nhiều chương trình, dự án thành phần do các Bộ, ngành hướng dẫn, chỉ đạo hướng vào thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới. Đây là chương trình tổng thể, bao trùm các mục tiêu xây dựng và phát triển nông thôn nước ta.
Bảy là, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có quy hoạch và cơ chế đảm bảo thực hiện các quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tám là, công khai, minh bạch về quản lý, sử dụng các nguồn lực; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện các công trình, dự án của Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò làm chủ của người dân và cộng đồng, thực hiện dân chủ cơ sở trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; giám sát, đánh giá.
Chín là, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp uỷ đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
ThS. NGUYỄN THỊ VÂN ANH
Đại học Sư phạm Hà Nội
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/mot-so-van-de-ly-luan-ve-xay-dung-nong-thon-moi-a8898.html