Tính tất yếu của phát triển kinh tế vùng chuyên canh trong tái cơ cấu nông nghiệp ở nước ta hiện nay

CT&PT - Nông nghiệp là ngành có trình độ phát triển của lực lượng sản xuất lạc hậu nhất so với các ngành khác trong nền kinh tế. Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển đòi hỏi phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đổi mới mô hình tăng trưởng.

kinh-te-nong-nghiep-1730181178.jpg
 

Phát triển kinh tế vùng chuyên canh trong tái cơ cấu nông nghiệp là việc tổ chức lại các hoạt động sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Trong đó các ngành công nghiệp và dịch vụ được tổ chức theo hướng hỗ trợ cho ngành nông nghiệp chuyên canh gắn với ưu thế về điều kiện tự nhiên của vùng, từ đó khai thác tối đa mọi lợi thế so sánh của vùng nhằm nâng cao tính hiệu quả, bền vững trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.
Xét về bản chất, phát triển kinh tế vùng chuyên canh cấp tỉnh là tổng thể các hoạt động sản xuất vật chất trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ được tổ chức để khai thác các nguồn tài nguyên của vùng, cùng với cơ chế chính sách và toàn bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật đảm bảo cho các hoạt động kinh tế diễn ra thuận lợi. Trong đó các ngành công nghiệp và dịch vụ được phát triển theo hướng hỗ trợ cho ngành nông nghiệp nhằm phát huy những ưu thế về điều kiện tự nhiên để sản xuất một hoặc vài loại nông sản có lợi thế so sánh.
Phát triển kinh tế vùng chuyên canh cấp tỉnh còn là quá trình làm cho mục tiêu của phát triển kinh tế vùng chuyên canh phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương đó là: Cho phép khai thác tối đa lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới nhằm phát triển nền sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chấ lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ; tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển các mô hình sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuấtánh cung cấp cho thị trường.

Mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển kinh tế vùng chuyên canh sẽ đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu này và thể hiện ở các nội dung sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế vùng chuyên canh là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng suất lao động cho ngành nông nghiệp:
Về mặt lý luận, cách thức tối ưu để nâng cao năng suất lao động trong ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là hình thành các vùng chuyên canh gắn với thị trường. Điều đó thể hiện qua những nội dung sau:
Một là, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng chuyên canh sẽ góp phần hình thành các vùng sản xuất tập chung quy mô lớn chuyên canh về một hoặc vài loại sản phẩm chủ lực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa ngành nông nghiệp và góp phần nâng cao năng suất lao động.
Hai là, quá trình đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất trong các vùng chuyên canh buộc người lao động phải tham gia vào quá trình đào tạo mới, đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của quá trình sản xuất, từ đó nâng cao trình độ tay nghề của lực lượng lao động và góp phần nâng cao năng suất lao động.
Ba là, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và nâng cao trình độ tay nghề cho lực lượng lao động trong các vùng chuyên canh sẽ tạo điều kiện giải phóng một phần lao động trong ngành nông nghiệp chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng chuyên canh nói riêng và của ngành nông nghiệp nói chung theo hướng tích cực. Đồng thời góp phần nâng cao diện tích đất bình quân đầu người trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho tập trung ruộng đất để phát triển các mô hình sản xuất lớn.
Thứ hai, phát triển kinh tế vùng chuyên canh là phương thức tối ưu để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp:
Phát triển kinh tế vùng chuyên canh mà trọng tâm của nó là phát triển các vùng chuyên sản xuất một loại cây trồng chủ lực gắn với điều kiện tự nhiên của vùng ngoài việc nâng cao năng suất cây trồng còn góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Các nghiên cứu khoa học và thực tiễn phát triển các vùng chuyên canh đều cho thấy: điều kiện tự nhiên (thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước…)
giữ vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, việc lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, việc chuyên sản xuất một loại cây trồng chủ lực với quy mô lớn sẽ cho phép tận dụng được các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất để một mặt bảo tồn các giống cây có chất lượng cao, đồng thời tạo ra các giống mới có năng suất, chất lượng ổn định. Mặt khác, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ như công nghệ màng nano, công nghệ khí canh, thủy canh… còn cho phép giảm thiểu các tác nhân gây hại như sâu bệnh, biến đổi bất thường của khí hậu…
Thứ ba, phát triển kinh tế vùng chuyên canh là giải pháp để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trong chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp cung ứng ra thị trường:
Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi giá trị cung ứng ra thị trường là mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phát triển kinh tế vùng chuyên canh sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất, tạo điều kiện tổ chức lại các mô hình sản xuất gắn với vùng chuyên canh như: tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp cổ phẩn, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất là quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được ứng dụng rộng dãi sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, từ đó giảm chi phí sản xuất và nâng cao tương ứng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Thứ tư, phát triển kinh tế vùng chuyên canh là cách thức để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp:
Trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu, rộng, khi các cam kết mở cửa nền kinh tế (trong đó có ngành nông nghiệp) của các FTA được thực hiện đầy đủ thì sức ép cạnh tranh của nông sản ngay tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam ngày càng gay gắt.
Ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với những quốc gia có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia…
Những sản phẩm đang giữ vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam như: gạo, thịt bò, thịt gia cầm, trái cây… đang đứng trước nguy cơ mất thị trường và không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản tất yếu phải đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản trên cơ sở đẩy mạnh các ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất, tổ chức lại mô hình quản lý sản xuất tiến bộ… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản.
Thứ năm, phát triển kinh tế vùng chuyên canh là biện pháp để giúp cho ngành nông nghiệp thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững:
Việc phát triển thành công các vùng chuyên canh không chỉ góp phần giải quyết các nội dung về kinh tế như: năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng cho sản phẩm và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn tạo lập tiền đề để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, có khả năng thích ứng tốt với những biến đổi khí hậu. Sở dĩ như vậy là vì:
Một là, phát triển kinh tế vùng chuyên canh với việc ứng dụng mạnh mẽ các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường như quy trình sản xuất thực phẩm tốt (VietGAP), hay các quy trình VietGAHP (Vietnamese Good Animal Husbandry Practices - VietGAP trong chăn nuôi) sẽ tạo lập cho người nông dân thói quen lập sổ theo dõi, ghi chép toàn bộ quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, từ đó góp phần giảm thiểu việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ sử dụng trong trồng trọt, các loại kháng sinh dùng trong chăn nuôi… từ đó đảm bảo cung cấp ra thị trường thực phẩm an toàn, vệ sinh và góp phần bảo vệ môi trường.
Hai là, việc ứng dụng công nghệ vi sinh và các công nghệ hiện đại khác trong xử lý chất thải chăn nuôi và phế thải của trồng trọt vừa tạo ra nguồn phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường, vừa giảm ô nhiễm môi trường và các nguồn lan truyền dịch bệnh gây hại cho ngành nông nghiệp.
Ba là, phát triển kinh tế vùng chuyên canh tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó giúp cho quá trình sản xuất giảm thiểu sự phụ thuộc vào môi trường, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Tóm lại, từ các nội dung đã nêu trên cho ta thấy: phát triển kinh tế vùng chuyên canh trong tái cơ cấu nông nghiệp là thực sự cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu mà đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đề ra: hiện đại, hiệu quả, bền vững…


PHAN THỊ TÂM

Học viện Nông nghiệp Hà Nội
 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tinh-tat-yeu-cua-phat-trien-kinh-te-vung-chuyen-canh-trong-tai-co-cau-nong-nghiep-o-nuoc-ta-hien-nay-a8896.html