Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay

CT&PT - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận nhằm thực hiện đường lối, Cương lĩnh lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước và mục tiêu phát triển đất nước.

1. Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Thực tế là, không phải đến khi ban hành Nghị quyết 35 Đảng ta mới đề cập đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,mà ngay từ khi Đảng ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu khách quan, Đảng luôn coi trọng công tác bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng và bảo vệ nhân dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch.
Trong thời kỳ lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc (1930 - 1945), Đảng hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù, nhiều thế lực phản cách mạng tập trung đánh phá quyết liệt, Đảng còn non trẻ nhưng đã thể hiện bản lĩnh của một đảng cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đảng đã đấu tranh không khoan nhượng với những phần tử theo Trotskyt. Tổng Bí thư Hà Huy Tập (bút danh Thanh Hương) viết tác phẩm “Trotskyt và phản cách mạng”; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Tự chỉ trích” nhằm đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái của phái Trotskyt, tạo sự thống nhất về nhận thức, về tư tưởng, chính trị và hành động trong toàn Đảng”. Qua cuộc đấu tranh về  tư tưởng, Đảng được xây dựng, trưởng thành, giữ vững vai trò lãnh đạo, phát động toàn dân tộc làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), tại Đại hội III (năm 1960) của Đảng đã đề ra nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng  đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Trong bối cảnh chủ nghĩa cơ hội, xét lại ra sức chống lại chủ nghĩa Mác, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác. Tháng 12/1963, Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 9 về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng. Nghị quyết khẳng định lập trường kiên định của Đảng; kiên quyết đấu tranh bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, trước những khó khăn cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại sự chống phá của các phần tử phản động, cơ hội, Đảng luôn giữ vững đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, lý luận, lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Tổng thống Nga V.Putin trong “Thông điệp Liên bang năm 2005” gọi đó là “một chấn động chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ XX”. Sự đổ vỡ này xảy ra ngay tại Liên Xô - quê hương của Cách mạng Tháng Mười, nơi được coi thành trì của Chủ nghĩa xã hội hiện thực, khiến cho các học giả tư sản phương Tây được dịp lên tiếng phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin. Kể từ sau sự kiện này đến nay đã gần 30 năm, các thế lực thù địch vẫn luôn ra sức lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ cho rằng sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin”; và bởi, “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được” .v.v.
Có thể nói, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn ra sôi động, mau lẹ, phức tạp, khó lường. Lợi dụng xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chúng sử dụng triệt để chiêu bài dân chủ, nhân quyền để tạo dựng những lực lượng chống đối ở các quốc gia, kích động xu hướng chia rẽ, ly khai nhằm gây ra các cuộc bạo loạn để kiếm cớ can thiệp, lật đổ. 
2. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là quá trình liên tục trên cơ sở kế thừa, phát huy những nội dung đã tiến hành trước đây, nhưng cũng phải đổi mới, cải tiến cho phù hợp với tình hình mới nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh tư tưởng trước những phương thức, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch. Đặc biệt, trong giai đoạn chúng ta đang gấp rút triển khai những thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch lại càng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta, đặc biệt về tư tưởng. Chúng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường các hoạt động lợi dụng đường lối đối ngoại mở rộng của Đảng, Nhà nước ta để tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp, nhằm phá hoại ta từ bên trong và kết hợp với bên ngoài. Chúng thường dùng luận điệu “phản biện xã hội”, đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, xây dựng “xã hội dân sự”, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ…, để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ thù địch. Trước tình hình đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Nghị quyết cũng chỉ ra rằng: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong thời đại ngày nay, trước hết là trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị”. 
Mục đích của công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là:
Thứ nhất, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ, phát triển và làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần, xã hội Việt Nam; đồng thời vô hiệu hóa các luận điệu và hoạt động phá hoại tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; bảo vệ thành công các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng cũng góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam. 
Thứ hai, chủ động phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại những âm mưu của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế ở Việt Nam làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ được độc lập, tự chủ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài.
Thứ ba, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hòng thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam; lợi dụng đổi mới để gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo; lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam. Đảng không ngừng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. 
Thứ tư, làm thất bại mưu đồ bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam, cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế. Việt Nam tạo được môi trường thuận lợi phục vụ cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao; tranh thủ được nhiều diễn đàn quốc tế để đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị.
Như vậy, có thể thấy bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ mang lại những thành tựu to lớn trong lĩnh vực tư tưởng - lý luận mà còn mang đến những thành quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các mặt của đời sống xã hội; đóng góp quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới đất nước.


 TS. TẠ VIẾT TRƯỜNG

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-la-nhiem-vu-cap-thiet-hien-nay-a8885.html