Đặc trưng và những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer

CT&PT - Măc dù, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đến đời sống của hộ nông dân Khmer thông qua các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên so với các dân tộc khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì thu nhập của hộ nông dân Khmer vẫn còn thấp, tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn cao so với các dân tộc khác trong Vùng.

dan-toc-khmer-1729933381.jpg
 

1. Đặc trưng của kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer

Kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer có những đặc trưng tuân thủ đặc trưng chung của kinh tế hộ, tuy nhiên, do có những đặc điểm riêng nên kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer có những đặc trưng riêng như sau:

Một là, chủ hộ và các thành viên trong hộ là người Khmer.

Do đặc trưng này nên các thành viên trong hộ Khmer có những nét riêng về lịch sử hình thành, phong tục tập quán, sắc thái văn hóa và phương thức canh tác, sản xuất kinh doanh riêng. Ngôn ngữ thường sử dụng là tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ hai. Đối với những thành viên lớn tuổi thường không biết tiếng Việt, điều này cản trở đến việc hòa nhập của họ vào cuộc sống cũng như quá trình sản xuất kinh doanh.

Số lượng thành viên trong mỗi hộ trung bình từ 4 đến 5 người, trong đó có từ 2 đến 3 lao động chính trong gia đình, họ rất cần cù, chịu khó hoạt động kinh tế nhưng trình độ về mọi mặt còn thấp.

Hai là, kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer còn mang nặng tính tự cấp, tự túc.

Với phong tục tập quán và phương pháp canh tác truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác trên những vùng đất cao, ruộng đất với diện tích nhỏ, sản xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên, ít ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, những năm thời tiết tốt thì được mùa, ngược lại thì đời sống của hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer gặp nhiều khó khăn.

Do thói quen và tập quán canh tác nêu trên nên đa phần người Khmer sản xuất ra sản phẩm chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của chính bản thân và gia đình họ, phần còn lại dư thừa sẽ đem đi bán để trao đổi sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Mặc dù trong thời gian qua sản xuất hàng hóa của hộ nông dân Khmer có bước phát triển, tuy nhiên vẫn còn tình trạng một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc Khmer chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất khép kín, manh mún.

Ba là, cơ cấu sản xuất - kinh doanh ngày càng đa dạng, trong đó nông nghiệp là nền tảng.

Trong quá trình sản xuất theo tập quán, người Khmer đã dần dần cải tiến cách thức sản xuất khi được giao lưu văn hóa với các dân tộc khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên họ dần thay đổi cách thức sản xuất, biết ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, làm cho sản phẩm chất lượng hơn, hình thành những sản phẩm đặc trưng riêng có của người Khmer trong quá trình hội nhập.

Bốn là, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Đặc trưng vốn có của hộ nông dân Khmer là sản xuất với tập quán truyền thống, quy mô canh tác manh mún, nhỏ lẻ, một mặt do đời sống kinh tế gặp khó khăn nên đã bán đất, diện tích đất sản xuất bình quân rất ít, số hộ không có đất và thiếu đất sản xuất ngày càng tăng, hiện nay diện tích đất sản xuất bình quân là 0,44 ha/người.

Bên cạnh không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, tình trạng phổ biến hiện nay đối với hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer là khả năng tích lũy và huy động vốn thấp nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu vốn phục vụ cho sản xuất. Mặc dù nhà nước có kích hoạt các gói hỗ trợ, tuy nhiên chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu vốn của hộ nông dân Khmer, vì vậy xuất hiện tình trạng đi vay vốn của tư nhân với lãi suất cao, từ dó nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải cầm cố tài sản, bán đất để trả nợ.

Năm là, mức sống và thu nhập của hộ còn nhiều khó khăn.

Do chủ yếu sống bằng nghề nông nên đa phần thu nhập của người Khmer có được từ sản xuất nông nghiệp. Các hộ có thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp.

Măc dù thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đến đời sống của hộ nông dân Khmer thông qua các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên so với các dân tộc khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì thu nhập của hộ nông dân Khmer vẫn còn thấp, tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn cao so với các dân tộc khác trong Vùng.

Thu nhập thấp, ý thức tiết kiệm chưa cao nên đa phần thu nhập của hộ nông dân Khmer chỉ đủ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của gia đình, ít chủ ý đến tiết kiệm để mở rộng sản xuất - kinh doanh hay đầu tư vào việc học cho thế hệ trẻ. Đó cũng là lý do giải thích vì sao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer còn thấp so với các dân tộc khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer

2.1. Nhóm các yếu tố thuộc về lực lượng sản xuất

Thứ nhất, vị trí địa lý và đất đai.

Với diện tích mặt nước lớn, việc đánh bắt cá nước ngọt và nuôi thủy sản có tầm quan trọng trong hoạt động kinh tế của hộ nông dân Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa lũ hàng năm tuy có thể là một bất lợi nhưng cũng là một nguồn lợi đáng kể từ tự nhiên. Ngoài lượng phù sa làm màu mỡ ruộng đất thì mùa lũ cũng mang về một nguồn lợi thủy sản lớn góp phần không nhỏ vào việc giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo. Các nghề chế biến thủy sản như làm khô, làm mắm… nổi tiếng từ khá lâu. Phát huy tiềm năng mặt nước, các nông hộ Khmer đã phát triển nghề nuôi cá, đặc biệt là nuôi cá bè. Nhà bè và nuôi cá bè tạo ra những khu cư trú trên sông cũng là một đặc trưng trong đời sống của một bộ phận cư dân Khmer.

Bên cạnh đó, thiên nhiên còn ưu đãi cho Đồng bằng sông Cửu Long nhiều cảnh quan. Ngoài những thắng cảnh thì vùng đất cao ở các địa phương do chưa chủ động nước tưới để tăng vụ lúa thì có thể quy hoạch làm các khu chăn nuôi, trồng cây công nghiệp (ca cao), cây dược liệu… là những mô hình nông lâm kết hợp mới xuất hiện rất đáng chú ý. Phát triển lâm nghiệp vùng đồi núi cũng là một tiềm năng. Trong những năm qua các địa phương cũng đã hỗ trợ cho một số hộ đồng bào dân tộc Khmer xây dựng mô hình chăn nuôi nai và hươu sao mở ra một hướng sản xuất mới. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn tiềm năng tăng vụ lúa hoặc tăng vụ màu và tăng năng suất lúa, màu nếu hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi để chủ động nước tưới.

Vị trí tiếp giáp Campuchia với hơn 100 km đường biên giới là một thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và phát triển mạnh khu vực dịch vụ, nhất là phát triển kinh tế cửa khẩu và dịch vụ du lịch đang ngày càng được phát huy.

Thứ hai, khí hậu, thời tiết, môi trường sinh thái và tình hình biến đổi khi hậu.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khí hậu gió mùa, chia làm hai mùa: mưa và nắng kéo dài trung bình mỗi mùa khoảng 6 tháng; hàng năm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hiện tượng nước lũ về tràn đồng, mang phù sa phì nhiêu cho vùng đất nơi đây thuận lợi sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa và các loại cây ăn trái. Vào mùa mưa, nước lũ ngập từ 1-2,5m, đặc biệt có khu vực ngập tới 3,5m. Khí hậu và thủy văn là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển các ngành nông, lâm, thủy sản. Hàng năm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng có hiện tượng gió lốc, mưa đá vào tháng 5 và tháng 6 ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nhưng cũng đang gặp khó khăn trong thực hiện vì vùng này đang đối mặt với nhiều thách thức hiện hữu hiện nay như: Sự thay đổi của tự nhiên không theo trật tự như lịch sử trước đây, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, ô nhiễm môi trường gây ra nhiều thảm họa thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất và đời sống của người nông dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Tình trạng sản xuất khó khăn, dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng đất để di cư đến các tỉnh, thành sản xuất công nghiệp để làm công nhân.

Thứ ba, lao động, vốn và kết cấu hạ tầng.

Để thành công trong sản xuất, nông hộ phải có trình độ học vấn và tay nghề để tiếp thu khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất. Những hộ nông dân nắm được khoa học công nghệ sẽ thuận lợi trong sản xuất, từ đó thu được lợi nhuận cao hơn.

Vốn là điều kiện rất quan trọng trong sản xuất - kinh doanh. Nhờ có vốn, nông hộ sẽ chủ động được đầu vào của quá trình sản xuất, có khả năng mở rộng kinh doanh và chủ động ứng biến với những thách thức, biến động của thị trường.

Ngoài ra, để sản xuất có hiệu quả thì yếu tố công cụ lao động rất cần thiết. Khi khoa học công nghệ càng phát triển thì việc công cụ lao động được đầu tư, cải tiến sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất của nông hộ Khmer.

Kết cấu hạ tầng chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer bao gồm: Hệ thống thuỷ lợi, hệ thống điện, giao thông, trường học, y tế… là những điều kiện cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế hộ.  Ở nơi nào có kết cấu hạ tầng tốt thì tình hình sản xuất - kinh doanh có điều kiện phát triển, thu nhập và mức sống của người dân có điều kiện nâng cao.

Thứ tư, khoa học và công nghệ.

Do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của mỗi vùng khác nhau, nên trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có kỹ thuật canh tác khác nhau. Kỹ thuật, thói quan, kinh nghiệm canh tác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh tế hộ, đặc biệt là đối với số đông đồng bào dân tộc Khmer, bởi họ thường có kỹ thuật canh tác lạc hậu. Sản xuất - kinh doanh của hộ đòi hỏi phải ứng dụng khoa học và công nghệ. Nhờ có khoa học và công nghệ mà các nguồn lực khác như lao động, đất đai, vốn… được kết hợp với nhau một cách hiệu quả, góp phần thay đổi trình độ, phương thức tổ chức sản xuất - kinh doanhcủa hộ để thích nghi với những thay đổi của cơ chế thị trường.

2.2. Nhóm các yếu tố thuộc về quan hệ sản xuất

Thứ nhất, quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất.

Vấn đề sở hữu về tư liệu sản xuất có vai trò rất quan trọng đối với quá trình thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển nói chung và thúc đẩy phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Từ việc phân định rõ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và quyền sử dụng đất đai sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc điểm của hộ nông dân Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long là thu nhập chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn liền với khai thác tài nguyên đất, sự thay đổi ngành nghề phù hợp với tình hình mới còn chậm. Đa phần đồng bào dân tộc Khmer sinh sống dựa vào sản lượng nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, có thể khẳng định sinh kế của người Khmer gắn liền với đất đai và chính sách đất đai.

Thứ hai, quan hệ tổ chức và quản lý sản xuất.

Trong kinh tế, để cạnh tranh có hiệu quả, các hộ nông dân Khmer cần có sự hợp tác để có thêm nguồn vốn, thêm nhân lực, thêm kinh nghiệm, tự vệ hạn chế sự ép giá của thương lái, doanh nghiệp. Đặc biệt, thông qua hợp tác, phối hợp các hộ mới có điều kiện tập hợp, gia tăng sức mạnh, có điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Các hình thức hợp tác của hộ nông dân Khmer có thể đề cập đến đó là các tổ hợp tác, các loại hình hợp tác xã nhằm liên kết đầu vào, đầu ra sản phẩm, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hàng hóa làm ra.

Thứ ba, quan hệ phân phối sản phẩm.

Ngoài việc liên kết trong sản xuất, các hộ nông dân Khmer cần thiết phải liên kết trong tiêu thụ sản phẩm làm ra nhằm tiết kiệm chi phí, quay vòng nhanh nguồn vốn để tiếp tục tái sản xuất, thu được nhiều lợi nhuận.

Trong giai đoạn hiện nay, thị trường đóng vai trò rất quan trọng đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh của mỗi nông hộ Khmer. Hộ sẽ chú trọng đến việc sản xuất ra sản phẩm có giá cả cao, do đó những nơi này thị trường sẽ sôi động. Ngược lại, ở những vùng có điều kiện sản xuất - kinh doanhkhó khăn thì kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer sẽ kém phát triển cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

2.3. Nhóm yếu tố về tâm lý, tập quán

Hầu hết đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông. Nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi và làm thuê mướn theo thời vụ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Chống Mỹ cứu nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là căn cứ địa cách mạng, bản thân người Khmer cũng đóng góp nhiều công sức và tiền của cho sự nghiệp cách mạng. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam (1976 - 1979), đồng bào Khmer trong khu vực này được di chuyển về tuyến sau ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng; còn một bộ phận bị Pônpốt bắt sang Campuchia. Do vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, nơi đây bị tàn phá nặng nề, đồng bào quay về quê cũ, nhưng đất đai bị xáo trộn, cuộc sống khó khăn. Mặt khác, đây là khu vực biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia, là cửa ngõ thuận lợi cho các thế lực thù địch bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam, nhất là lực lượng Khmer CPC Krom (KKF) dễ dàng tiếp cận vào cộng đồng người dân Khmer trong khu vực.

Đồng bào Khmer chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, thu nhập từ ngành này có sức ảnh hưởng to lớn, quyết định đến đời sống kinh tế - xã hội, văn hoá của người Khmer. Song, quá trình hoạt động sản xuất của đồng bào Khmer còn mang tính chất tiểu nông, lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khi tự nhiên thay đổi sẽ tác động đến đời sống của người Khmer.

Mặt khác, do ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Phật giáo, đa phần người dân Khmer thích một cuộc sống an lành, không đua chen để làm giàu lớn. Họ thích thảnh thơi, an nhàn hơn so với các dân tộc khác. Công việc làm ăn đều trông chờ ở số phận. Họ tin rằng có phận, có phước mới làm giàu được, vì thế họ ít chịu tìm hiểu làm thế nào để nâng cao năng suất, thu hoạch có kết quả nhiều như người Kinh, người Hoa. Hầu hết họ thiên về đời sống tinh thần hơn vật chất, họ tin ở kiếp sau, kiếp này chỉ là sống tạm.

2.4. Nhóm yếu tố về quản lý vĩ mô của Nhà nước

Các chính sách của Nhà nước về thuế, ruộng đất, bảo hộ sản phẩm, tín dụng, đầu tư, thương mại, dân tộc, vùng miền khó khăn… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc nói chung và kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Đồng thời, chính định hướng của Nhà nước sẽ giúp cho kinh tế hộ nông dân Khmer phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào dân tộc ở nước ta.

2.5. Nhóm yếu tố về sự ảnh hưởng của các điều kiện bên ngoài

Các điều kiện bên ngoài (vị trí địa lý, kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm, chính sách trợ giá nông nghiệp, tình hình chính trị, xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, quá trình hội nhập quốc tế,…) cũng tác động đến quá trình phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, quá trình phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer không thể đứng ngoài xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, đặc biệt hiện nay, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa cũng như xu thế tiến trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ thư và hội nhập quốc tế.


ThS. VŨ THỊ MAI VÂN

Học viện Chính sách và Phát triển

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/dac-trung-va-nhung-yeu-to-anh-huong-den-su-phat-trien-kinh-te-ho-nong-dan-dong-bao-dan-toc-khmer-a8881.html