1. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Di chúc về giáo dục đạo đức cho thanh niên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”2. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “trồng người” không chỉ giới hạn ở việc bồi dưỡng, giáo dục những người giữ vị trí lãnh đạo, mà còn được “mở rộng đối với toàn thể nhân dân lao động”, trong đó có thanh niên.
Trong bất cứ thời đại nào thanh niên cũng luôn là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của các quốc gia, dân tộc trên thế giới; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhận những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Kế thừa những di sản tư tưởng quý báu của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin về thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển một cách sáng tạo và đưa ra những luận điểm sâu sắc về vị trí, vai trò của thanh niên. Nhân dịp Hội nghị thanh niên Việt Nam, Trong Thư gửi thanh niên (ngày 17/8/1947), Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”3. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới thế hệ trẻ, thấy rõ vai trò quyết định của thanh niên trong tiến trình lịch sử và có niềm tin sâu sắc vào khả năng cách mạng của thanh niên. Trong Di chúc, Người căn dặn và khẳng định tính cấp thiết phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau trên cơ sở chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đề hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất trọng và rất cần thiết”4. Quan điểm đó không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp cách mạng, vun trồng cái “gốc” để sự nghiệp của các thế hệ đi trước luôn được gìn giữ, phát triển, mà còn cho thấy tầm nhìn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hiện tại và tương lai bền vững của nước nhà, với vai trò vô cùng quan trọng của lực lượng thanh niên, thế hệ trẻ. Từ đó, nhằm “giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc, ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam ta”5. Người nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong mọi lĩnh vực công tác, trong đó có công tác Đảng. Theo Người, muốn làm tốt công tác Đảng, phải có lực lượng nòng cốt là thanh niên; muốn xây dựng Đảng phải quan tâm giáo dục thế hệ trẻ, đoàn viên và thanh niên. Sau khi kháng chiến giành thắng lợi, xây dựng đất nước trong điều kiện mới, toàn Đảng, toàn dân nhất định phải đầu tư, chăm lo phát triển lực lượng nòng cốt này.
Từ việc đánh giá cao vị trí, vai trò của thế hệ trẻ cũng như vị trí, vai trò của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu phải giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thanh niên một cách toàn diện. Trong Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa (ngày 31/8/1960), Người căn dặn: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”6. Có thể thấy, Người quan niệm đạo đức là nền tảng của người cách mạng, “đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Vì “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”7; “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”8; “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”9; “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”10. Trong nhiều bài nói, bài viết và chỉ dẫn của mình, Người khẳng định giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên sẽ giúp thanh niên trở thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ tương lai của đất nước. Việc rèn luyện phẩm chất đạo đức phải luôn gắn bó chặt chẽ với năng lực. Tin tưởng vào thanh niên và đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực đối với thanh niên, Người chỉ rõ: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài”11. Hai mặt đức và tài, “hồng” và “chuyên”, phẩm chất và năng lực phải kết hợp chặt chẽ với nhau mới làm cho thanh niên kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân giao cho. Trong giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, Người luôn quan niệm đức và tài là hai mặt không thể thiếu, trong đó đức là “gốc”. Người xem đạo đức như ngọn nguồn của sông, như gốc của cây, như sức mạnh của con người: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”12. Phẩm chất đạo đức của mỗi người không phải trên trời sa xuống, mà nhờ sự đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mà phát triển và củng cố. Đối với thanh niên, việc tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi người “phải thường xuyên như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề cao lý tưởng cách mạng của thanh niên. Theo Người, thanh niên có lý tưởng cách mạng là phải có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc. Lòng yêu nước đó là sự kết tinh của tinh thần giác ngộ cách mạng, giác ngộ về quyền lợi dân tộc và quyền lợi giai cấp vô sản, là sự kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Bác nhấn mạnh: Người có lòng yêu nước nồng nàn phải có sự nhất trí cao trong việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa dân tộc - giai cấp - gia đình, khi cần thiết dám hy sinh lợi ích của riêng mình vì lợi ích của dân tộc, của giai cấp; phải có tình yêu lớn - yêu nước, yêu nhân dân, yêu giai cấp; phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đối với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của thanh niên, người căn dặn thanh niên phải luôn nêu cao tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”13. Thanh niên phải có lý tưởng cao thượng, mà muốn có lý tưởng cao thượng thì phải có lập trường dứt khoát, rõ ràng về sự sống và cái chết, cống hiến và hưởng thụ; phải có dũng khí chiến đấu, kiên cường bất khuất, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, dám xả thân vì cách mạng, vì nhân dân, vì nghĩa lớn; tận tụy với công việc được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, Đảng, tổ chức Đoàn Thanh niên và các thế hệ đi trước có trách nhiệm to lớn. Trong đó, với tư cách là người lãnh đạo, Đảng phải sâu sát phong trào thanh niên, kịp thời biểu dương những việc làm tốt, những hành động anh hùng, dũng cảm, sáng suốt của thanh niên; đồng thời, luôn nhấn mạnh vai trò xung kích đi đầu của thanh niên trong hành động cách mạng. Cùng với đó, phải phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản. Đoàn trực tiếp giúp Đảng giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thanh niên, vận động thanh niên đi theo lý tưởng của Đảng; Đoàn lôi cuốn, tập hợp đông đảo thanh niên xung phong thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng giao phó. Dưới sự dìu dắt, giúp đỡ của Đoàn, thanh niên sẽ không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, xứng đáng là lực lượng kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thông qua hoạt động, tổ chức Đoàn phát hiện và giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng, giúp Đảng ngày càng vững mạnh.
2. Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Di chúc vào việc giáo dục đạo đức cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay
Kế tục sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhiều lần xác định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thanh niên và công tác thanh niên ngày nay có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và hết sức to lớn. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không; đất nước ta có hội nhập và sánh vai được với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn và căn dặn hay không; cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không; một phần lớn là tùy thuộc vào lực lượng thanh niên và phụ thuộc vào việc bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo thế hệ trẻ”14.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự kỳ vọng của Đảng, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên Việt Nam luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, hăng hái đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, giữ vững vai trò là đội quân xung kích cách mạng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng dân tộc làm nên những chiến thắng lịch sử, giành trọn vẹn độc lập và thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tuổi trẻ cả nước đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, bắt nhịp nhanh với điều kiện mới, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, đi đầu trong thực hiện các chương trình, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, nổi bật là hai phong trào lớn “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”; đồng thời tích cực nếu cao tinh thần xung kích, sáng tạo, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ, góp phần tạo dựng một thế hệ thanh niên thời đại mới, đóng góp đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có những hạn chế nhất định về nhận thức, trình độ, kinh nghiệm sống. Một số thanh niên có suy nghĩ thực dụng, dễ bi quan, không có ý chí và định hướng rõ ràng, ngại khó, lười lao động; thậm chí, một số thanh niên có biểu hiện phai nhạt niềm tin, lý tưởng cách mạng, dẫn đến dần “Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời Chính trị”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do đó, thanh niên, thế hệ trẻ trở thành đối tượng mà các thế lực thù địch tích cực tiếp cận, lôi kéo, kích động, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tạo tâm lý hoang mang, dao động, “xói mòn” niềm tin, lôi kéo thanh niên thực hiện mưu đồ chống phá của chúng, từ đó tiến tới phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.
Trước thực trạng đó, vận dụng tư tưởng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Di chúc vào việc giáo dục đạo đức cho thanh niên trong giai đoạn mới hiện nay là việc làm vô cùng cấp thiết, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, các địa phương cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên trong thời kỳ mới; tin tưởng, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho thanh niên; quan tâm, giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện để thanh niên tự tin tham gia vào các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, của các địa phương, đơn vị. Chăm lo quyền lợi chính đáng của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên được học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện, cống hiến và trưởng thành.
Hai là, vận dụng tư tưởng giáo dục đạo đức cho thanh niên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần các nghị quyết, chỉ thị, tiêu biểu là Chỉ thị số 42- CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030.
Ba là, chú trọng xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, thực sự là “trường học xã hội chủ nghĩa” của thanh niên, đội dự bị tin cậy của Đảng. Đoàn phải hường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để giải quyết được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, lấy thanh niên là chủ thể sáng tạo các hoạt động, tổ chức các hoạt động luôn vì lợi ích chính đáng của thanh niên, đồng thời định hướng tư tưởng, dạo đức đúng đắn cho thanh niên.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin, tuyền tuyền; đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, phát huy vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên; tích cực đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên; xây dựng chuẩn mực đạo đức và định hướng giá trị mới cho thanh niên theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Năm là, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên; trang bị kiến thức, giúp thế hệ thanh niên hôm nay biết yêu cuộc sống, giàu lòng nhân ái, kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, ứng xử văn minh, thanh lịch, nghĩa tình; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; sẵn sàng bày tỏ chính kiến, kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực; thường xuyên khơi dậy, phát huy sự nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động và cuộc sống; không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân hữu ích, thành viên tốt trong gia đình. Xây dựng một thế hệ có ý thức tự giác tiếp thu những kiến thức về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội, có khả năng làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Sáu là, bản thân mỗi thanh niên phải luôn tự giác trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu thị; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn; khẳng định thế hệ trẻ hôm nay sẵn sàng kế thừa xứng đáng truyền thống cách mạng của cha ông, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, quyết tâm góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.
1, 3, 6, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 13, tr. 293; t. 5, tr. 216; t. 12, tr. 647; t. 10, tr. 216.
2, 7, 8, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 528, 602, 603, 399.
4. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 48.
5, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 135-136, 265.
9, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 292.
14. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thanh-nien-phai-la-luc-luong-tien-phong-trong-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-713967.
ThS. PHẠM XUÂN HƯƠNG
Đại học Thái Nguyên
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/giao-duc-dao-duc-cho-thanh-nien-viet-nam-hien-nay-theo-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-1-a8841.html