Kinh nghiệm của Singapore
Singapore đã trở thành một hình mẫu thực hành tốt về bảo vệ môi trường, tích hợp yếu tố môi trường vào phát triển đô thị, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng thông qua các quy định, kiểm soát quy hoạch và khuyến khích về mặt kinh tế (Leitmann, 2000), các quy định về thực hành môi trường trong quản lý tài sản dân cư (Christudason, 2002), tiến xa trong việc đạt được các mục tiêu không có bãi rác và không chất thải thông qua việc làm xanh các ngành công nghiệp, được hỗ trợ bởi chính phủ trong việc hình thành các hợp tác chiến lược và thúc đẩy sự bền vững (Lang, 2014).
Một trong những điểm nổi bật trong chiến lược phát triển kinh tế xanh của Singapore là sự chú trọng đến tài chính xanh. Cơ quan Tiền tệ Singapore đã triển khai chương trình Hỗ trợ Trái phiếu xanh và khuyến khích các công ty phát hành trái phiếu xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bền vững về môi trường (Chang, 2019). Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường mà còn tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xanh. Trong lĩnh vực phát triển đô thị, Singapore đã tích hợp các yếu tố môi trường vào quy hoạch và xây dựng, bảo đảm rằng mọi dự án phát triển mới đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng lên môi trường và nâng cao chất lượng sống của cư dân. Vào năm 2022, Singapore đã chính thức ký kết Thỏa thuận Kinh tế xanh cùng với Úc, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác song phương về môi trường và phát triển bền vững, mở ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp hai nước trong việc xuất khẩu năng lượng sạch, phát triển các giải pháp công nghệ xanh và tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường.
Có thể thấy rằng Singapore đi đầu trong việc thúc đẩy kinh tế xanh thông qua các chính sách và sáng kiến cụ thể. Sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng đã giúp Singapore trở thành một trong những mô hình mẫu về phát triển kinh tế xanh trên thế giới.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trong những năm qua, Trung Quốc đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh nhất và đạt được những thành tựu to lớn nhờ khai thác chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ quốc tế đã gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng cho Trung Quốc (Peng và Sun, 2015). Hệ thống thuế xanh và tăng chi tiêu chính phủ hỗ trợ cho nền kinh tế carbon thấp đã được xây dựng để giải quyết vấn đề này. Hệ thống thuế này đưa chi phí môi trường và suy thoái tài nguyên vào giá năng lượng bằng cách tăng mức phí ô nhiễm, mở rộng phạm vi thuế, thay phí ô nhiễm bằng thuế ô nhiễm và áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Trung Quốc cũng chi ra những khoản trợ cấp lớn cho các nhà sản xuất xe điện và sản xuất pin; thiết lập lộ trình cấm các phương tiện vận chuyển hành khách sử dụng xăng dầu, tiến đến hoàn toàn sử dụng điện kể từ năm 2030. Trên thực tế, năm 2017, thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đã trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% xe buýt chạy bằng điện (World Bank, 2021); xe bus chạy năng lượng mới tại các thành phố chiếm 77,2%, xe ô tô năng lượng mới NEV của Trung Quốc chiếm hơn 50% trên toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị nông thôn đã đặt ra mục tiêu tiết kiệm 50% năng lượng của các tòa nhà công cộng và nhà ở trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (Weng, 2015) và Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đặt ra mục tiêu 20% các tòa nhà mới phải tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng xanh vào năm 2015, 30% vào năm 2020.
Với những nỗ lực như vậy, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu trong cuộc cách mạng chuyển đổi sang sử dụng xe điện trên thế giới và là điển hình trong việc áp dụng các biện pháp chế tài để giảm bớt tác động của tăng trưởng kinh tế nóng đến môi trường.
Kinh nghiệm của Malaysia
Từ năm 1979, Malaysia đã triển khai khung phát triển năng lượng với mục tiêu đa dạng hóa nguồn năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu này, Malaysia đã triển khai nhiều kế hoạch xanh, bao gồm Chiến lược công nghệ xanh quốc gia 2009, công cụ Xây dựng xanh, Chương trình tài trợ công nghệ xanh. Cụ thể, chính sách xây dựng các khu đô thị xanh hướng tới tiết kiệm 10% năng lượng và nước trong tất cả các tòa nhà chính phủ qua việc thiết lập mức phát thải carbon cơ bản sử dụng phương pháp đo lường carbon thông thường do Chương trình xây dựng bền vững. Ngoài ra, các chủ đề về công nghệ xanh cũng đã được đưa vào chương trình đào tạo kỹ năng trong các cơ quan chính phủ, đặc biệt là Bộ Nhân lực, Bộ Thanh niên và Thể thao, Bộ Du lịch và Bộ Phát triển nông thôn và quốc gia nhằm tạo ra một lực lượng lao động có kỹ năng về lĩnh vực xanh dồi dào (Chua, 2011). Mô hình Kinh tế mới với đặc tính bền vững là một trong ba mục tiêu, mong muốn biến Malaysia thành một trung tâm xanh, được công bố vào năm 2010.
Điểm nổi bật nhất của Malaysia là làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Abdullah (2017) và Kasayanond (2019) chỉ ra rằng việc ưu tiên nâng cao nhận thức về các hoạt động xanh của các doanh nghiệp là yếu tố then chốt thúc đẩy nền kinh tế xanh ở Malaysia. Sự tham gia của chính phủ trong việc lan rộng phát triển xanh và đưa ra các ưu đãi, chính sách xanh đã được các doanh nghiệp thấm nhuần. Các nhà đầu tư công nghiệp, thương mại và chủ đầu tư xây dựng bắt đầu nhận ra những lợi ích về môi trường, sức khỏe cộng đồng và kinh tế lâu dài khi áp dụng các giải pháp xanh. Ngành công nghệ xanh của Malaysia được ước tính trị giá hơn 100 tỷ Ringgit Malaysia và có triển vọng tốt trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, quản lý nước và chất thải, và giao thông vận tải. Với những nỗ lực này, Malaysia đang tiến những bước vững chắc trên con đường phát triển bền vững và hướng đến một tương lai xanh khi đứng thứ hai ở Đông Nam Á (chỉ sau Singapore) trong bảng xếp hạng.
Có thể thấy, Malaysia là quốc gia có sự lan toả tốt trong nhận thức về các kinh tế xanh đến nhóm đối tượng trực tiếp tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với môi trường - doanh nghiệp và người tiêu dùng.
NGUYỄN HỮU LUÂN
Trường Chính trị Trường Chinh
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-xanh-cua-mot-so-nuoc-a8832.html