Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc

CT&PT - Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận toàn diện về cách mạng Việt Nam phù hợp với thực tiễn đất nước và dòng chảy của thời đại. Trong đó, tư tưởng về dân tộc cách mạng là hệ thống những luận điểm của Người về con đường cứu nước, về chiến lược, sách lược và những nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam phát triển theo con đường cách mạng vô sản, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc là một nội dung cơ bản, cốt lõi trong hệ thống quan điểm đó của Người. Chỉ riêng tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc đã bao gồm một hệ thống quan điểm có giá trị trong “Học thuyết giải phóng” của Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; về lực lượng giải phóng dân tộc; về phương pháp cách mạng, khởi nghĩa vũ trang toàn dân… Hệ thống quan điểm về giải phóng dân tộc được hình thành từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước, bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin gắn với quá trình hoạt động thực tiễn sôi nổi, phong phú. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc mang bản chất cách mạng và khoa học, đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đã soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên giành được thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa dân tộc ta từ đêm dài nô lệ bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến bộ xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đã khẳng định: “Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam ngót nửa thế kỷ nay mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh…, người anh hùng dân tộc vĩ đại…, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, thống nhất Tổ quốc, cho sự nghiệp của Đảng và của dân tộc, làm rạng rỡ non sông đất nước ta, để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau những di sản bất diệt!”.

Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc trước hết là phải giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc phải được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc là sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của dân chúng bị áp bức, bao gồm lực lượng của cả dân tộc. Trong lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh hết sức nhấn mạnh vai trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân, lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những luận điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc gồm những nội dung sau:

Thứ nhất, để đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công phải có đảng cách mạng lãnh đạo

Trong tác phẩm Đường kách mệnh tập hợp những bài giảng của Hồ Chí Minh trong các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng, Người đã đặt ra và trả lời câu hỏi: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Vai trò của một đảng cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được Người khẳng định một cách dứt khoát và nhấn mạnh “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”; “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Người cho rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”

Thứ hai, lực lượng tiến hành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân tộc, tiến hành bằng phương thức cách mạng khoa học, sáng tạo

Trong Sách lược vắn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo được Hội nghị thành lập Đảng năm 1930 thông qua, đã xác định: Cách mạng dân tộc, đánh đuổi thực dân xâm lược giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, lực lượng trong dân tộc cách mạng phải là lực lượng tự thân của các dân tộc bị áp bức. Ngay từ năm 1921, trong Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa, tổ chức của những người dân bản xứ ở tất cả các thuộc địa, Người viết: “công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Xác định cách mạng Việt Nam là dân tộc cách mệnh, Hồ Chí Minh chỉ rõ lực lượng trong dân tộc cách mạng: “dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”.

Về vị trí vai trò của các giai cấp, tầng lớp trong dân tộc cách mệnh được Hồ Chí Minh đánh giá một cách rõ ràng, cụ thể, giai cấp công nhân và nông dân là lực lượng quan trọng nhất trong dân tộc cách mệnh. Người nói: “Công nông là người chủ cách mệnh” và “Công nông là gốc cách mệnh”, đồng thời chỉ rõ lý do “1. Là vì công nông bị áp bức nặng hơn, 2. Là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết…”. Người khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong cách mạng giải phóng dân tộc thông qua Đảng của mình: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”. Đồng thời, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc.  Người xác định:  giai cấp nông dân là lực lượng cách mạng tiềm tàng với những khả năng rất to lớn mà Đảng cần “Khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng to lớn ấy đánh tan” và “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi”. Xuất phát từ sự đánh giái đó, Hồ Chí Minh xác định cả hai giai cấp công nhân và nông dân làm thành động lực cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Với tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, Hồ Chí Minh cho rằng họ cũng bị thực dân, phong kiến áp bức bóc lột, họ là “bầu bạn cách mệnh của công nông”. Đến khi thành lập Đảng, Hồ Chí Minh xếp tiểu tư sản, trí thức vào hàng ngũ lực lượng cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, đồng minh gần gũi của công nhân và nông dân “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”.

Với các giai cấp, tầng lớp tư sản, dân tộc, địa chủ phong kiến, Hồ Chí Minh cho rằng họ cũng bị chủ nghĩa thực dân chèn ép, vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc chú trọng tranh thủ mặt tích cực của họ, lôi kéo họ hoặc ít nhất là trung lập họ, Đảng cần tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản dân tộc và trung, tiểu địa chủ, miễn là họ có lòng yêu nước. Người cho rằng Đảng: “phải ra sức tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi. Mặt trận ấy không những chỉ có người Đông Dương mà bao gồm cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương, không những chỉ có nhân dân lao động mà gồm cả giai cấp tư sản dân tộc”.

Hồ Chí Minh chủ trương đại đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc. Ngoài các giai cấp, tầng lớp, Người chú trọng tập hợp, huy động tất cả các đảng phái, dân tộc, tôn giáo, các đoàn thể, các lứa tuổi…
Những quan điểm sáng tạo về lý luận đại đoàn kết dân tộc, chủ trương đúng đắn của Hồ Chí Minh về tổ chức lực lượng đã góp phần quan trọng đưa cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam từng bước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Thứ ba, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân để đánh đổ thực dân đế quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc

Xuất phát từ sự hiểu biết các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trong truyền thống lịch sử dân tộc; trong quá trình đi tìm đường cứu nước và tiếp thu kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu của con đường bạo lực cách mạng bằng phương thức khởi nghĩa của quần chúng, khởi nghĩa dân tộc để giành độc lập, tự do.
Xem xét thực trạng tình hình kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam, phân tích tương quan lực lượng các giai cấp ở các nước thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng không phù hợp với quan điểm “Súng đẻ ra chính quyền” hoặc sử dụng lực lượng quân sự một cách đơn thuần mà là dùng sức mạnh tổng hợp các yếu tố chính trị, quân sự; của quần chúng nhân dân với hình thức khởi nghĩa và chiến tranh với nhiều bước đi, nhiều biện pháp và hình thức đấu tranh cụ thể để đạt được những mục tiêu của từng chặng đường, tiến tới mục đích cuối cùng là đánh đổ chủ nhĩa thực dân và tay sai, giành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Chính tư tưởng cách mạng bạo lực là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi, làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Hệ thống luận điểm dân tộc cách mạng của Hồ Chí Minh được xác lập đã đựa cách mạng Việt Nam vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, theo trào lưu phát triển của thời đại; cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; xóa bỏ sự áp bức giai cấp, áp bức dân tộc; cách mạng Việt Nam sử dụng bảo lực cách mạng, đặc biệt là sức mạnh chính trị của quần chúng nhân dân; cách mạng Việt Nam phải được tiến hành triệt để, đưa tới sự giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và xác lập vai trò làm chủ xã hội của nhân dân lao động, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

Thứ tư, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có thể giành thắng lợi trước và hỗ trợ cách mạng vô sản ở các nước tư sản giành thắng lợi

Vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, Hồ Chí Minh không xem cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, mà đặt hai cuộc cách mạng này trong mối quan hệ hữu cơ gắn bó với nhau, không thể tách rời. Từ cơ sở thực tiễn các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh cho rằng “hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”, Hồ Chí Minh đã bổ sung vào câu khẩu hiệu của V.I. Lênin vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! bằng khẩu hiệu: “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Với kết luận này, Hồ Chí Minh đã gắn kết cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam vào dòng chảy của thời đại, vào cách mạng vô sản thế giới, phát huy sự đoàn kết dân tộc và quốc tế góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

 

HOÀNG THỊ MỸ LINH

Học viện Hành chính quốc gia

 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-cach-mang-giai-phong-dan-toc-a8823.html