1. Khái niệm hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị theo quy định của pháp luật
Xuất bản và phát hành, theo nghĩa thông thường là việc làm ra và phổ biến, công bố rộng rãi các tác phẩm chính trị, văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính hoặc thông tin nói chung. Đây là hoạt động cung cấp thông tin cho công chúng. Theo truyền thống, thuật ngữ này đề cập đến việc làm ra, phân phối các tác phẩm in, chẳng hạn như sách và báo chí. Với sự ra đời của hệ thống thông tin số và internet, phạm vi xuất bản, phát hành đã mở rộng để bao gồm các tài nguyên điện tử như phiên bản điện tử của sách và tạp chí, cũng như xuất bản, phát hành vi mô, trang web, blog, nhà phát hành trò chơi video và những thứ tương tự.
Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan không có định nghĩa sách lý luận, chính trị cũng như quy trình xuất bản loại sách này. Do đó, sách lý luận, chính trị nói chung, sách lý luận, chính trị điện tử nói riêng có thể được hiểu là sách “có nội dung về lý luận chính trị” và quy trình xuất bản, phát hành tuân thủ theo quy trình chung của xuất bản, phát hành xuất bản phẩm, trong đó có một số quy định liên quan đến ưu đãi về thuế, quyền sử dụng đất đối với hoạt động xuất bản, phát hành loại sách này.
Theo khoản 1, Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) (sau đây viết là Luật Xuất bản năm 2012), xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị có thể hiểu là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử. Luật Xuất bản năm 2012 không định nghĩa về “tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu”; nhưng khoản 2 và khoản 3, Điều 4 này định nghĩa về in và phát hành, cụ thể:
- In là việc sử dụng thiết bị in để tạo ra xuất bản phẩm từ bản mẫu;
- Phát hành là việc thông qua một hoặc nhiều hình thức mua, bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa xuất bản phẩm đến người sử dụng.
Ngoài ra, một số thuật ngữ liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất bản, phát hành cũng được định nghĩa khá cụ thể tại các khoản còn lại của Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012. Theo đó, xuất bản điện tử là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu và sử dụng phương tiện điện tử để tạo ra xuất bản phẩm điện tử. Xuất bản phẩm điện tử là xuất bản phẩm như sách in; tranh, ảnh, bản đồ, áp phích, tờ rời, tờ gấp; các loại lịch; bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách được định dạng số và đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử. Phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Phương thức xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử là việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên các phương tiện điện tử.
2. Xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử theo quy định pháp luật hiện hành
Điều kiện xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử
Việc xuất bản, phát hành điện tử phải do nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức có giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh thực hiện và phải tuân theo quy định của pháp luật của Việt Nam về xuất bản. Nhà xuất bản thực hiện xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị điện tử khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực về thiết bị, công nghệ và nhân lực kỹ thuật để điều hành và quản lý quá trình xuất bản, phát hành điện tử,
- Có năng lực về thiết bị, công nghệ để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử bao gồm:
+ Có máy chủ đặt tại Việt Nam;
+ Có đường truyền kết nối Internet được đăng ký hợp pháp để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trên mạng Internet;
+ Có giải pháp kỹ thuật để kiểm soát việc xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, bao gồm việc phát hành, loại bỏ hoặc khôi phục để phát hành;
+ Có hệ thống lưu trữ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để lưu trữ các xuất bản phẩm điện tử đã xuất bản, phát hành; xuất bản phẩm điện tử được lưu trữ phải bảo đảm yêu cầu về tính xác thực, toàn vẹn, an toàn thông tin, có khả năng truy cập ngay từ khi được tạo lập;
+ Có chứng thư số hợp pháp theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với xuất bản phẩm điện tử;
- Có nhân lực kỹ thuật được đào tạo về công nghệ thông tin để điều hành và quản lý quá trình xuất bản, phát hành điện tử;
- Có biện pháp kỹ thuật phù hợp với quy định của cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn sao chép, can thiệp bất hợp pháp vào nội dung xuất bản phẩm, cụ thể:
+ Có giải pháp kỹ thuật chống xâm nhập trái phép qua hệ thống mạng Internet;
+ Có quy trình nghiệp vụ xử lý sự cố về an toàn, an ninh thông tin;
+ Có quy trình nghiệp vụ để xác định việc can thiệp làm thay đổi nội dung xuất bản phẩm điện tử;
+ Có giải pháp kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về kiểm soát bản quyền số đối với nhà cung cấp nội dung, các kênh phân phối nội dung.
- Có tên miền Internet Việt Nam theo quy định của pháp luật (tên miền “.vn”) để thực hiện xuất bản, phát hành điện tử trên internet;
- Có đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành điện tử với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện phát hành xuất bản phẩm điện tử phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực về thiết bị, công nghệ và nhân lực kỹ thuật để điều hành và quản lý quá trình phát hành xuất bản phẩm điện tử, bao gồm các điều kiện cụ thể như đối với năng lực về thiết bị, công nghệ và nhân lực kỹ thuật để điều hành và quản lý quá trình xuất bản, phát hành điện tử;
- Có biện pháp kỹ thuật phù hợp với quy định của cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn sao chép, can thiệp bất hợp pháp vào nội dung xuất bản phẩm như đối với việc có biện pháp kỹ thuật phù hợp với quy định của cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn sao chép, can thiệp bất hợp pháp vào nội dung xuất bản phẩm;
- Có tên miền internet Việt Nam theo quy định của pháp luật (tên miền “.vn”) để thực hiện phát hành xuất bản phẩm điện tử trên Internet;
- Có đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Thẩm định đề án và đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị điện tử
Việc thẩm định đề án hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử thực hiện như sau:
- Nhà xuất bản phải có đề án hoạt động xuất bản điện tử và tổ chức, cá nhân phải có đề án hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử gửi Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Đề án hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử thể hiện rõ việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP);
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề án, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, có ý kiến thẩm định đề án bằng văn bản.
Việc đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân phải triển khai thực đề án theo ý kiến thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông và có hồ sơ đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử gửi Bộ Thông tin và Truyền thông. Hồ sơ gồm có đơn đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử; bản sao văn bản đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông về đề án;
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm kiểm tra việc triển khai đề án và có văn bản xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do;
- Nhà xuất bản chỉ được hoạt động xuất bản điện tử và tổ chức, cá nhân chỉ được hoạt động phát hành sách lý luận, chính trị sau khi có văn bản xác nhận đăng ký của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mẫu đề án, mẫu đơn đăng ký, mẫu xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Phân loại sách lý luận, chính trị điện tử và yêu cầu về nội dung, kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử loại này
Sách lý luận, chính trị điện tử gồm 02 (hai) loại:
- Được chuyển sang hình thức điện tử từ xuất bản phẩm đã được xuất bản hợp pháp dưới hình thức khác;
- Được tạo lập bằng phương thức điện tử, chưa được xuất bản dưới hình thức khác và có quyết định xuất bản của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Cách thức xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử
Sách lý luận, chính trị xuất bản, phát hành lần đầu theo phương thức điện tử phải:
- Thông qua nhà xuất bản hoặc phải được cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản cấp giấy phép xuất bản;
- Được phát hành trên phương tiện điện tử;
- Việc xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Việc chuyển sách lý luận, chính trị điện tử sang xuất bản phẩm in để phổ biến tới nhiều người phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất bản và pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị điện tử phải:
- Thực hiện đúng quy chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước đối với xuất bản phẩm điện tử;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nộp lưu chiểu sách lý luận, chính trị điện tử, nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam và quảng cáo trên sách lý luận, chính trị điện tử
Nhà xuất bản, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản, phát hành tài liệu không kinh doanh thực hiện nộp lưu chiểu sách lý luận, chính trị điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định tại Điều 28 của Luật Xuất bản năm 2012 và nộp xuất bản phẩm điện tử cho Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản chỉ được sử dụng xuất bản phẩm điện tử lưu chiểu để phục vụ công tác quản lý.
Thư viện Quốc gia Việt Nam lưu trữ và chỉ được sử dụng xuất bản phẩm điện tử vào việc phục vụ bạn đọc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam theo quy định của pháp luật.Việc quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử thực hiện theo quy định sau đây:
- Không được quảng cáo lẫn vào nội dung hoặc làm gián đoạn nội dung của xuất bản phẩm điện tử dưới mọi hình thức;
- Thực hiện quy định của pháp luật về quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử
Nhà xuất bản, tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập, biên tập viên của nhà xuất bản có trách nhiệm:
- Thực hiện quy định tại các quy định liên quan đến trách nhiện của nhà xuất bản, tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập, biên tập viên của nhà xuất bản tại Luật Xuất bản năm 2012;
- Bảo đảm nội dung xuất bản phẩm điện tử được phát hành đúng với nội dung xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu;
- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Dừng việc phát hành xuất bản phẩm khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản;
- Kiểm tra, giám sát nội dung xuất bản phẩm liên kết.
Đối tác liên kết xuất bản có trách nhiệm:
- Thực hiện quy định tại các Điều 23, 45, 46, 47 và 49 của Luật Xuất bản năm 2012;
- Thực hiện đúng nội dung bản thảo đã được tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản ký duyệt;
- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Dừng việc phát hành xuất bản phẩm khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hành sách lý luận, chính trị có trách nhiệm:
+ Thực hiện đúng quy định tại Điều 46 của Luật Xuất bản năm 2012 và các quy định liên quan đến trách nhiệm của Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm được quy định tại Luật Xuất bản năm 2012 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan;
+ Thực hiện đúng văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phát hành xuất bản phẩm điện tử.
- Cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử không kinh doanh có trách nhiệm:
+ Thực hiện đúng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh có tại khoản 6 Điều 25 Luật Xuất bản năm 2012;
+ Thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm có vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông tại Việt Nam có trách nhiệm:
- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung sách lý luận, chính trị hoặc loại bỏ sách lý luận chính trị vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; dừng việc phát hành sách lý luận, chính trị khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản;
- Thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải thực hiện đúng quy định về sở hữu trí tuệ khi phát hành sách lý luận, chính trị điện tử.
Nhập khẩu sách lý luận, chính trị điện tử
Cơ sở phát hành nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử (trong đó có sách lý luận, chính trị điện tử) để kinh doanh hoặc phổ biến phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cấp giấy phép theo quy định của Luật Xuất bản năm 2012 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ sở phát hành có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm được nhập khẩu sách lý luận, chính trị điện tử để kinh doanh. Hoạt động nhập khẩu sách lý luận, chính trị điện tử để kinh doanh thực hiện theo quy định sau đây:
- Trước khi nhập khẩu sách lý luận, chính trị điện tử trong thiết bị lưu trữ dữ liệu, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải đăng ký nhập khẩu theo quy định tại Điều 39 Luật Xuất bản năm 2012; trường hợp nhập khẩu qua mạng internet thì phải lập danh mục xuất bản phẩm đã được nhập khẩu và đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông chậm nhất 10 ngày trước khi phát hành, kèm theo bản sao hợp đồng nhập khẩu hoặc chứng từ thanh toán;
- Cơ sở nhập khẩu sách lý luận, chính trị điện tử phải tổ chức thẩm định nội dung sách lý luận chính trị điện tử nhập khẩu trước khi phát hành theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP).
Có thể nói, xu thế toàn cầu hóa về văn hóa, tri thức và quốc tế hóa hoạt động xuất bản, phát hành đã tạo thuận lợi cho Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hơn, sâu hơn vào hoạt động xuất bản quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế xuất bản. Xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị điện tử góp phần quốc tế hóa hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị, quảng bá hình ảnh đất nước, sự nghiệp đổi mới, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Qua đó, giúp độc giả trên thế giới có những thông tin chính xác về thành tựu đổi mới của đất nước. Ngược lại, ngành Xuất bản Việt Nam có thêm cơ hội khai thác, chuyển tải các xuất bản phẩm giá trị của nước ngoài về Việt Nam, phục vụ nhu cầu của độc giả trong nước, góp phần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tư tưởng của nhân loại. Những thay đổi đó đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của ngành Xuất bản Việt Nam.
TRẦN HÀ TRANG
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/khung-kho-phap-luat-viet-nam-hien-hanh-ve-xuat-ban-phat-hanh-sach-ly-luan-chinh-tri-dien-tu-a8815.html