Xã hội loài người đã và đang trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp đem lại sự thay đổi trên mọi phương diện trong đời sống của con người trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Lịch sử chứng minh và khẳng định, mỗi cuộc cách mạng đều đặc trưng bằng sự thay đổi về bản chất của sản xuất và sự thay đổi này được tạo ra bởi các đột phá của khoa học và công nghệ. Con người ngày càng chiếm lĩnh, chinh phục và khám phá, lý giải những điều vốn bí ẩn trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được bắt đầu ở nước Anh vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đánh dấu sự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, nhờ sự phát minh ra máy móc, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa hàng loạt, mà không bắt nguồn từ đất đai. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại - kỷ nguyên sản xuất cơ khí, cơ giới hóa… Nó đã thay thế hệ thống kỹ thuật cũ có tính truyền thống của thời đại nông nghiệp (kéo dài 17 thế kỷ), chủ yếu dựa vào gỗ, sức mạnh cơ bắp (lao động thủ công), sức nước, sức gió và sức kéo động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước và nguồn nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng mới là sắt và than đá. Nó khiến lực lượng sản xuất được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, tạo nên tình thế phát triển vượt bậc của nền công nghiệp và nền kinh tế. Đây là giai đoạn quá độ từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền sản xuất cơ giới trên cơ sở khoa học.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ khoảng năm 1870 đến khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra vào đầu thế kỷ XIX. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép và (đặc biệt) là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba xuất hiện vào khoảng từ cuối những năm 1960, đánh dấu sự chuyển đổi từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin và dịch vụ, nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin với máy tính và tự động hóa trong sản xuất. Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990), tạo nên một thế giới kết nối.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) là cuộc cách mạng phát triển từ nền tảng của công nghiệp lần thứ ba với nội dung liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các điều khiển mềm thông qua các máy tính và mạng máy tính để liên kết hầu hết các lĩnh vực liên quan đến đời sống con người, như kinh tế, ngân hàng, xây dựng, nông nghiệp, giao thông, giáo dục, giải trí, thiết bị gia dụng, công nghệ thông tin truyền thông,... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang gây chú ý với những ứng dụng đã và đang hình thành mang tính đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D và công nghệ nano. Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai yếu tố nền tảng chính là khoa học và công nghệ để tạo ra một thế giới vạn vật kết nối thông minh. Đặc trưng nổi bật của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nhân loại dùng công nghệ thay thế dần sự có mặt của con người trong mọi hoạt động sản xuất và đời sống xã hội. Cuộc cách mạng này đang dần loại con người ra khỏi quá trình sản xuất trực tiếp, biến họ trở thành những chủ thể sáng tạo thực sự, tạo tiền đề vật chất và lực lượng sản xuất mới cho một nền kinh tế mới, đang được gọi bằng nhiều tên khác nhau, đưa nhân loại đến giai đoạn phát triển mới cũng với những tên gọi khác nhau như: kinh tế số; kinh tế mềm; kinh tế tri thức; xã hội thông tin; xã hội tri thức, xã hội của kỷ nguyên internet,…
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ, toàn diện trên các phương diện chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động... Cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế thế giới chuyển sang nền kinh tế tri thức, bởi nguồn lực phát triển quan trọng nhất của cuộc cách mạng này là nhân lực có năng lực sáng tạo công nghệ. Theo đó, quốc gia nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế cạnh tranh toàn cầu. Các nước đang phát triển có cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu biết tiếp cận nhanh từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng có thể sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không tận dụng tốt những lợi thế và cơ hội từ cuộc cách mạng này. Lao động giản đơn, ít kỹ năng, dễ bị thay thế bởi người máy; nhóm lao động có kỹ năng gắn với công nghệ cũ, lạc hậu và lao động có tuổi cũng chịu tác động mạnh. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 cũng chỉ ra 9 khu vực/lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm: bán lẻ; các nhà máy sản xuất; ngành công nghiệp sản xuất phương tiện vận chuyển; nhà ở; văn phòng; nơi làm việc; các thành phố; môi trường sống, và đặc biệt đó là yêu cầu về năng lực của nguồn nhân lực - một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất.
Việt Nam được dự báo là một trong số các quốc gia sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có lĩnh vực nguồn nhân lực. Với lợi thế đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có những lợi thế riêng nhưng cũng có những thách thức đáng kể.
Tính đến tháng 7/2022, Việt Nam có quy mô dân số gần 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo Điều tra Lao động việc làm quý IV/2021 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý III và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2021 là 67,7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,1%. Trong tổng số 24,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý IV năm 2021, có 13,2 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15 - 19 tuổi (gần 5,5 triệu người). Như vậy, Việt Nam có nguồn nhân lực tương đối dồi dào và đang trong thời kỳ dân số vàng. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi của Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với số lượng nhân lực đông, dồi dào thì chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo của Việt Nam cũng có thể được xem là thế mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh lực lượng lao động đã qua đào tạo, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo chiếm một tỷ lệ khá cao (55,96%). Đây thực sự là rào cản, hạn chế lớn của nhân lực Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, những hạn chế này đã đưa đến nhiều hệ lụy khác như năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh cũng như giá trị nguồn nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động không cao.
Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ với những công nghệ mới được tạo ra, đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp, có khả năng thích nghi và sáng tạo công nghệ, hay nói cách khác cần “tài năng” nhiều hơn là “kỹ năng”. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần nguồn nhân lực có năng lực vượt trội, có năng lực chuyên môn, có khả năng làm việc với công nghệ thông minh và khả năng ngoại ngữ để tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng này nhằm đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Điều này là thách thức rất lớn đối với nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ đặt ra những yêu cầu mới cho nguồn nhân lực, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nguồn nhân lực và việc làm. Và cũng giống như ba cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trước đó, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư có tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho người lao động thông qua việc tăng năng suất lao động dẫn tới tăng thu nhập, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được ra đời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, và đặc biệt là việc mở cửa thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm mới. Hệ thống tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, sự chuyển dịch từ nhân công sang máy móc sẽ gia tăng sự chênh lệch giữa lợi nhuận trên vốn và lợi nhuận với sức lao động, điều này sẽ tác động đến thu nhập của lao động giản đơn và gia tăng thất nghiệp. Số lượng công việc cần lao động chất lượng cao ngày càng gia tăng, phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt: thị trường kỹ năng cao, thị trường kỹ năng thấp và dẫn đến gia tăng sự phân hóa, hoặc tạo ra nhu cầu việc làm hoàn toàn mới so với trước đây, do vậy cần có sự chủ động chuẩn bị trong việc đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố tháng 4/2018, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực. So sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về chỉ số nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaixia, Thái Lan, Philíppin và chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị mất việc làm trong vài thập niên tới. Còn một nghiên cứu khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á đứng trước nguy cơ mất việc vì robot. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cũng theo dự báo của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong tương lai, một số ngành nghề ở Việt Nam sẽ biến mất do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, tích cực hơn, cuộc cách mạng này sẽ tạo thêm ngành nghề, việc làm mới mà người máy hay robot không thể đáp ứng được, điều đó đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, trình độ cao mới có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Theo dự báo, tới năm 2025, có tới 80% công việc sẽ là những công việc mới mà chưa từng có ở thời điểm hiện nay.
Như vậy, bên cạnh những tác động to lớn mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại thì cũng có nhiều thách thức được đặt ra đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động và thị trường lao động. Yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là cần tập trung phát triển nguồn nhân lực số - nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
BÙI THỊ BẮC
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-va-nhung-thach-thuc-doi-voi-nguon-nhan-luc-viet-nam-a8814.html