1. Một số điểm nổi bật trong chính sách nhân tài của “4 con rồng kinh tế Châu Á”
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, hàng loạt các quốc gia trên thế giới bước vào thời kỳ phát triển với những biến động mới, bối cảnh mới. Năm 1993, báo cáo của Ngân hàng Thế giới mang tên gọi The East Asian Miracle (Kỳ tích Đông Á) đã ghi nhận các chính sách tân tự do cùng với sự bùng nổ kinh tế, bao gồm việc duy trì chính sách định hướng xuất khẩu, thuế thấp và các nhà nước phúc lợi tối thiểu. Thuật ngữ 4 con rồng kinh tế Châu Á được hình thành dựa trên chính sự phát triển thần kỳ của các quốc gia, vùng lãnh thổ, vốn xuất phát điểm có tốc độ phát triển kinh tế chậm, ít/nghèo tài nguyên, thiên nhiên… Từ những thập niên 1960, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông đã triển khai hàng loạt chính sách kinh tế nổi bật, đưa những quốc gia, vùng lãnh thổ này trở thành những nền kinh tế phát triển hiện đại; vị thế, vai trò, tầm vóc của đất nước, vùng lãnh thổ trên trường quốc tế được nâng lên rõ rệt. Sự thành công trong công cuộc phát triển kinh tế của “4 con rồng kinh tế Châu Á” đã trở thành di sản, hình mẫu để nhiều nước nghiên cứu học tập kinh nghiệm và vận dụng.
Để có thể trở thành những “con rồng”, đầu tàu về phát triển kinh tế hiện nay, chính quyền và giới lãnh đạo của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông, đã đề ra hàng hoạt những chính sách. Tất nhiên, về cơ bản chính sách kinh tế là trọng tâm, song, điểm chung của 4 quốc gia, vùng lãnh thổ này chính là việc chú trọng đầu tư nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả chính sách nhân tài. Trong bài nghiên cứu này, chính sách nhân tài của “4 con rồng kinh tế Châu Á” được hiểu không hẳn là một văn bản mang tính chất cụ thể, toàn bộ, mà là những quan điểm, mô hình, biện pháp được triển khai trong thực tiễn, có liên quan đến giáo dục, đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài. Cụ thể:
Singapore là quốc gia hình mẫu cho quá trình đi lên từ “đói nghèo” đến “thịnh vượng”. Với diện tích vỏn vẹn 728,6km2, không có tài nguyên thiên nhiên... nhưng Singapore lại có nền kinh tế phát triển mạnh, tỷ lệ việc làm và tuổi thọ cao hơn nhiều nước lớn. Trong quá trình phát triển đất nước, với những chính sách đúng đắn, Chính phủ Singapore đã không những thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong khu vực tư mà còn cả ở khu vực công.
- Chính phủ Singapore luôn quan tâm đến việc thu hút nhân tài để phục vụ nhân dân với quan niệm: người tài không có nghĩa là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất, học vị cao mà là người phù hợp với công việc, đạt kết quả tốt nhất trong công việc được giao. Việc đánh giá, phát hiện nhân tài chủ yếu dựa vào 2 tiêu chí: kết quả làm việc hiện tại và tầm nhìn, khả năng phát triển trong tương lai. Singapore hiện có đội ngũ lao động cấp cao hàng đầu thế giới. Để có được đội ngũ này, Singapore đã phải liên tục đầu tư vào việc đào tạo cả một thế hệ thông qua con đường giáo dục. Xác định giáo dục là một kênh hữu hiệu thu hút du học sinh nước ngoài nên ngoài cải tiến hệ thống giáo dục, Singapore cũng có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các giáo sư, tiến sĩ, người có chuyên môn cao, tư duy đột phá, đổi mới, sáng tạo...
- Việc thăng chức, đề bạt căn cứ vào 2 tiêu chuẩn: chất lượng công việc và năng lực, khả năng phát triển. Quan chức lãnh đạo cấp cao khi đào tạo được người kế nhiệm thì sẵn sàng giới thiệu người kế nhiệm lên thay, coi đó là niềm tự hào. Đối với công chức có khả năng phát triển, cấp trên dự đoán cương vị cao nhất họ có thể đạt được, trên cơ sở đó giao việc để thử thách, rèn luyện.
- Để bảo đảm việc thực hiện chính sách nhân tài hiệu quả, chính xác, Singapore thiết lập một cơ quan chuyên trách giám sát việc quản lý nhân tài là Ủy ban Dịch vụ công (PSC). Nguyên tắc hoạt động của PSC là trung lập, không có sự ưu ái trong việc lựa chọn, thu hút nhân tài. PSC cũng là một cơ quan hoạt động tương đối “đa năng”, chịu trách nhiệm từ việc nghiên cứu, tìm kiếm ứng viên để trao các suất học bổng nhằm nuôi dưỡng nhân tài có tiềm năng cho đến giám sát, có thẩm quyền trong việc xem xét sa thải, kỷ luật công chức….
- Chính sách thu hút nhân tài ở nước ngoài vào làm việc dựa trên các giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước với các nội dung, kế hoạch thực hiện, ưu đãi khác nhau. Chính sách đầu tiên là “Kết nối Singapore”. Vào năm 1997, Phòng Tài năng quốc tế thuộc Bộ Nhân lực đã thành lập Cơ quan có tên là “Contact Singapore” với sáu văn phòng trên thế giới để hỗ trợ tài năng quốc tế muốn đến Singapore làm việc. Ủy ban tuyển dụng người tài của Singapore (The Singapore Talent Recruitment Committee-STAR) được thành lập vào năm 1998 với mục tiêu thu hút người giỏi đến Singapore làm việc. Một chương trình khác ra đời vào năm 1999 gọi là chương trình Nhân lực thế kỷ XXI (Manpower 21); Chương trình Nhân lực quốc tế của Hội đồng Phát triển kinh tế (the International Manpower Program of the Economic Development Board) cũng được thành lập vào năm này. Trong giai đoạn hiện nay, để thu hút, giữ chân nhân tài trước sự cạnh tranh của khu vực tư nhân, Singapore tiến hành trả lương cao, xây dựng và triển khai dự án nhà ở nhằm thu hút nhân tài đến làm việc, giữ chân họ sinh sống và ở lại quốc gia này lâu dài.
Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề trong thời kỳ là thuộc địa của Nhật Bản (1910- 1945) và nội chiến kéo dài 3 năm (1950 - 1953). Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, nền kinh tế Hàn Quốc đã khiến thế giới phải ngạc nhiên với sự trỗi dậy thần kỳ từ năm 1960. Những cải cách mạnh mẽ khiến Hàn Quốc trở thành một cường quốc về công nghiệp và dịch vụ, trong đó nước này rất coi trọng đến vấn đề nhân tài, đặc biệt là xây dựng những chính sách nhằm phát hiện, giáo dục học sinh có năng khiếu giỏi trong các lĩnh vực. Hàn Quốc quan niệm trẻ em năng khiếu là một bộ phận không thể tách rời tổng thể tài nguyên và trí tuệ được coi là một loại tài nguyên quý nhất của một dân tộc, là tài sản quý nhất trong tương lai. Họ cho rằng giáo dục năng khiếu, tài năng là một chiến lược phát triển cơ bản phải được coi là ưu tiên số một so với bất kỳ ngành phát triển nào. Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược cụ thể để phát hiện và tuyển chọn học sinh năng khiếu. Từ cuối thập niên 1990, Quốc hội Hàn Quốc đã ban hành Luật Giáo dục nhân tài. Mỗi trường học, cơ quan, bộ ngành đều có thể xây dựng và tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, không chỉ riêng Bộ Giáo dục mới có thẩm quyền này.
Chính phủ Hàn Quốc có những chính sách đặc biệt với các nhà khoa học tài giỏi, dành đầu tư tốt nhất cho những nhà khoa học được lựa chọn là xuất sắc nhất của đất nước và cho họ toàn quyền sử dụng ngân sách khoa học (theo sự phân công và kế hoạch đề ra). Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng đối với các nhân tài như mục tiêu bồi dưỡng 10 nhà khoa học xuất sắc nhất để thực hiện mục tiêu đạt giải thưởng Nobel về khoa học…
Hàn Quốc tập trung xây dựng và thực hiện chính sách nhân tài gắn liền với các ngành công nghiệp được xác định là chủ lực của nền kinh tế. Từ những năm 1990 trở đi, Chính phủ Hàn Quốc có định hướng chiến lược phát triển 10 ngành công nghiệp chủ lực làm động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, có chính sách nhằm khuyến khích nhân tài thực hiện các hoạt động nghiên cứu và giáo dục trên lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ, nâng cao chất lượng giáo dục và học tập suốt đời được đẩy mạnh. Năm 1992, Hàn Quốc thực hiện cải cách giáo dục với mục tiêu tái cấu trúc hệ thống giáo dục hiện có thành hệ thống giáo dục mới bảo đảm cho người dân được học tập suốt đời. Giáo dục được định hướng để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế dựa trên sự hợp tác giữa nhiều tổ chức khác nhau về kinh tế và chính sách như Hội đồng hoạch định kinh tế, Viện Phát triển Hàn Quốc và Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc và về giáo dục như Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc. Đây là những tổ chức có rất nhiều nhà khoa học đầu ngành, được nhận định là nhân tài của đất nước về lĩnh vực khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế, giáo dục… Hàn Quốc đã xây dựng chương trình giáo dục cho người tài và người đặc biệt, chương trình cho giáo dục người tài gồm hai phần: giáo dục phổ thông và giáo dục với chương trình đặc biệt. Đổi mới giáo dục gắn liền với các sản phẩm sách số. Sách giáo khoa số là một dạng “nội dung” sẽ được lưu trong máy chủ internet thông qua hệ thống điện toán đám mây và được truy cập bằng máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh và Tivi thông minh cùng nhiều thiết bị khác. Điều này có nghĩa là học sinh có thể truy cập bất cứ những gì các em muốn học và vào bất cứ lúc nào. Cách này sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả học tập của các em. Việc số hóa sách giáo khoa sẽ giúp giảm chi phí liên quan giáo dục của các hộ gia đình và giảm nhu cầu học thêm.
Đài Loan là một nền kinh tế nhỏ song đã đạt được những bước đi và thành tựu xuất sắc trong việc phát triển nền kinh tế dựa vào tri thức. Khẳng định con người là tài nguyên quý báu nhất nên đất nước này đã thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài, vun đắp tri thức, đặc biệt là tri thức về công nghệ, sản xuất tiên tiến… Với định hướng tổng thể “liền mạch lâu dài”, bên cạnh việc sử dụng nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn cao, Chính phủ Đài Loan cũng có những chuẩn bị cần thiết để tạo thêm tiền đề, sức mạnh cho việc phát triển nền kinh tế dựa vào tri thức sau này. Cụ thể, Đài Loan đặc biệt chú ý vào việc đào tạo nghề sau trung học; luôn luôn cải cách chương trình học theo hướng giúp học sinh có thể đáp ứng những thay đổi nhanh chóng trong xã hội, học sinh được trang bị những kiến thức chung cùng với kỹ năng chuyên môn chuyên sâu và tham gia các hoạt động kinh doanh thực tiễn hoặc những công việc thực ngoài xã hội để tăng khả năng ứng biến, giải quyết vấn đề trong nhóm, cộng đồng.
Các trường đại học ở Đài Loan được phân loại có 4 nhóm đại học chính, bao gồm: Các trường đại học nghiên cứu (áp dụng với một số lượng nhỏ các trường đại học chịu trách nhiệm nghiên cứu. Các thiết bị tân tiến được cấp cho các trường này, giúp các nhà nghiên cứu hàng đầu tạo ra những kiến thức mới, tri thức mới, phát minh ra các công nghệ mới); các trường đại học thực nghiệm (một số trường đại học chủ chốt của Đài Loan được phân vào cấp này có nhiệm vụ chủ yếu là dạy cho sinh viên những kiến thức hiện đại nhất trong lĩnh vực kiến thức họ lựa chọn và cung cấp những khoá học cơ sở cho các sinh viên đó, nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kĩ năng cần thiết cho ngành nghề sau này); đại học cộng đồng (là những trường cao đẳng hệ 2 năm ở địa phương thay thế cho những trường dạy nghề cũ được thành lập trước đây); các trường đại học dành cho những mục đích đặc biệt (áp dụng với các trường dạy nghề như kỹ thuật viên, y tá và các giáo viên tiểu học đã có những đóng góp quan trọng cho nền giáo dục Đài Loan trong vòng hơn hai thập kỷ qua. Chính quyền Đài Loan đã chỉ đạo nâng cấp một số các trường dạy nghề này thành trường cao đẳng hệ 4 năm và các trường đại học bách khoa).
Để thu hút nhân tài, Đài Loan cũng đề ra những quy định mang tính chất “mở”, chẳng hạn như: lao động có tay nghề cao ở những lĩnh vực đặc biệt chỉ cần cư trú ở Đài Loan trong ba năm liên tục thì có thể xin thẻ thường trú, thay vì phải chờ năm năm như trước đây. Riêng những người đã có bằng tiến sỹ sẽ được giảm thêm 1-2 năm nữa khi xin thẻ thường trú. Sinh viên tốt nghiệp từ 500 trường đại học hàng đầu thế giới sẽ được phép làm việc ở Đài Loan mà không cần phải có hai năm kinh nghiệm làm việc theo các quy định cũ.
Đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài của Đài Loan cũng chú trọng liên kết trường đại học với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành lĩnh vực công nghệ cao để bảo đảm “học đi đôi với hành”. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhận được rất nhiều sự quan tâm không chỉ về phía nhà trường mà còn nhận được sự hỗ trợ tài chính, cũng như về mặt cơ chế, chính sách, và cơ sở hạ tầng từ Nhà nước. Nhờ việc thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, qua thời gian, rất nhiều công trình nghiên cứu có tính thực tiễn cao đã được ra đời, góp phần vào sự phát triển chung của nền khoa học, công nghệ của Đài Loan. Đài Loan cũng là một trong các quốc gia thành công về ươm tạo doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dựa vào công nghệ nói riêng. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Đài Loan, bắt đầu từ năm 1996, trong các trường đại học và viện nghiên cứu thường có các trung tâm ươm tạo (ICs) với sứ mệnh là thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp có định hướng công nghệ cao.
Hồng Kông từ một vùng đất hoang sơ, nằm dưới quyền kiểm soát của Anh trong 156 năm nhưng hiện nay đã trở thành trung tâm tài chính kinh tế lớn của thế giới. Ngoài ra, Hồng Kông đã trở thành trung tâm tài trợ công nghệ sinh học lớn nhất ở châu Á và lớn thứ hai thế giới; trung tâm quản lý tài sản quốc tế, trung tâm quản lý rủi ro và thị trường nhân dân tệ ngoài Trung Hoa đại lục lớn nhất thế giới.
Với diện tích nhỏ hẹp nên ngay từ đầu, Hồng Kông đặc biệt chú trọng đến phát triển những ngành mang tính chất kết nối, sử dụng chất xám, tạo ra một nền kinh tế đi trước, năng động, đổi mới, điển hình là tập trung vào nhóm ngành tài chính, vận tải biển, nghiên cứu công nghệ, thương mại quốc tế… Để có thể giữ vững vị thế là trung tâm tài chính kinh tế lớn của thế giới, một trong những yêu cầu được đặt ra là Hồng Kông phải thu hút và là nơi hội tụ của giới trí thức, tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao không chỉ từ Trung Hoa đại lục mà còn đến từ toàn cầu.
Trước hết, giới lãnh đạo Hồng Kông rất chú trọng đến vấn đề giáo dục với mô hình mang tên gọi “giáo dục khai phóng”. Theo đó, chương trình tập trung phát triển những cấu phần trí tuệ rộng lớn, gồm: học suốt đời thông qua phương pháp học mới; tăng cường nhận thức toàn cầu; cảm nhận tốt hơn về di sản văn hóa Trung Hoa; hiểu biết tốt hơn về bản chất liên kết nội tại giữa kiến thức của các môn học trong phạm vi giáo dục liên môn; hiểu rõ giá trị hoạt động doanh nhân từ các môn nghệ thuật, văn học; về vai trò tăng lên của công nghệ và khoa học trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Hồng Kông có nhiều chính sách khuyến khích các trường đại học nâng cao chất lượng sinh viên - nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng và năng lực toàn diện, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và các xã hội dựa trên tri thức. Về cơ bản, từ hiệu quả của chương trình giáo dục khai phóng, Hồng Kông đã đào tạo, bồi dưỡng lớp nhân tài từ chính nền giáo dục quốc dân. So với các học sinh tại Trung Hoa đại lục, người học tại Hồng Kông có trình độ tiếng anh tốt, phương pháp học tập và giáo dục kiểu mới, có tính gần với nền giáo dục phương Tây nên khi trưởng thành, họ dễ dàng và nhanh chóng hòa nhập với môi trường của các doanh nghiệp tài chính, thương mại quốc tế, vận tải biển – vốn là những đầu tàu ngành, lĩnh vực của Hồng Kông.
Hồng Kông cũng xây dựng “nguồn tài nguyên giáo dục chất lượng” với đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước đầu ngành, cộng thêm sự hỗ trợ về tài chính, nguồn lực vật chất đã tạo lập cơ hội cho học sinh, sinh viên trải nghiệm, học hỏi thêm về những đột phá, cải tiến mới. Tuy nhiên, để nhân tài của Hồng Kông phải là những người vừa có lý luận, vừa có thực tiễn, mhờ vào mối quan hệ hợp tác với các nhà tuyển dụng lớn, tại Hồng Kông có sự hỗ trợ nghề nghiệp hiệu quả cho sinh viên, cũng như mở ra nhiều cơ hội trao đổi, thực tập. Thông qua quá trình thực tập, sinh viên Hồng Kông được tiếp túc với thực tiễn doanh nghiệp. Với các công ty đa quốc gia trên thế giới nói chung và Hồng Kông nói riêng, các nhà lãnh đạo luôn đánh giá cao khả năng xử lý tình huống, tư duy độc lập và nhanh nhạy của các ứng cử viên. Việc trải qua quá trình thực tế tại các tổ chức lớn đã góp phần giúp cho nhân tài Hồng Kông trở thành những nhà lãnh đạo kiên cường và có tầm nhìn rộng trong tương lai.
Nhờ ngôn ngữ sử dụng chính thức là tiếng Anh nên nhân tài trên thế giới có thể dễ dàng đến thăm quan, làm việc tại Hồng Kông. Chính nhờ lợi thế này đã giúp cho học sinh, sinh viên quốc tế hòa nhập nhanh, là điểm cộng lớn giúp sinh viên có thể thoải mái trao đổi, cộng tác các vấn đề từ học tập cho đến cuộc sống thường nhật với giảng viên, bạn bè và người dân xung quanh. Xác định tri thức là vấn đề quan trọng cho sự phát triển, Hồng Kông đã có nhiều chính sách nhằm thu hút không chỉ các nhà đầu tư mà còn các học giả trẻ đầy tham vọng từ khắp nơi trên thế giới quy tụ tại đây trong môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
2. Giá trị tham khảo từ việc nghiên cứu chính sách nhân tài của “4 con rồng kinh tế Châu Á” đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển cho Việt Nam
Đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong những chính sách quan trọng, được thể hiện xuyên suốt trong truyền thống tốt đẹp và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều gian truân của đất nước, “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Hiện nay, nhân tài có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc tìm tòi, sáng tạo ra những ý tưởng mới, những con đường mới, những chủ trương mới nhằm cải tạo thực tiễn theo hướng cách mạng, cải cách và đổi mới. Thực hiện chính sách nhân tài có mối liên hệ mật thiết với mục tiêu phát triển con người toàn diện, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Để cụ thể hóa mục tiêu này, việc nghiên cứu chính sách nhân tài của các quốc gia, nền kinh tế lớn trên thế giới, từ đó rút ra giá trị tham khảo hữu ích cho Việt Nam đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển đất nước là rất cần thiết. Từ sự phân tích chính sách nhân tài của “4 con rồng kinh tế Châu Á” - Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông, có thể rút ra một số giá trị tham khảo chính như sau:
Thứ nhất, đổi mới căn bản, toàn diện và định hướng phát triển giáo dục có tính mở, hiện đại, đột phá. Cả “4 con rồng kinh tế Châu Á” đều là những nền kinh tế tri thức, là điểm đến của rất nhiều du học sinh với nền tảng giáo dục hiện đại, chất lượng. Để có được thành tựu này, mỗi một quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ xây dựng những chính sách, quy định hết sức cụ thể dựa trên thế mạnh, ưu thế của mình. Tuy vậy, về cơ bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông nói riêng và tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới này nói chung đều chú trọng, coi giáo dục là cốt lõi tạo ra nền kinh tế tri thức và phát triển con người trong thời đại mới. Đối với Việt Nam, giáo dục là quốc sách hàng đầu, luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng thực hiện. Song, những cải cách giáo dục vừa qua có phần chưa thực sự đem lại hiệu quả, giáo dục vẫn mang nặng tính lý thuyết, thiếu sáng tạo; “thừa thầy, thiếu thợ”. Nhân tài nói riêng và những học sinh, sinh viên nói chung vẫn có xu hướng “xuất ngoại”, tình trạng “chảy máu chất xám” còn phổ biến. Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần xây dựng một đơn vị chuyên trách về cải cách giáo dục và trọng dụng nhân tài. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Singapore trong việc xây dựng Ủy ban Dịch vụ công (PSC). Nguyên tắc hoạt động của PSC là trung lập, không có sự ưu ái trong việc lựa chọn, thu hút nhân tài. Mô hình PSC có thể áp dụng không chỉ ở cấp vĩ mô mà có thể giao quyền tự chủ cho từng bộ, ngành, địa phương… Đối với vấn đề giáo dục quốc dân, cần đặc biệt chú trọng đến tư duy đổi mới giáo dục theo hướng giải phóng tư duy, sức sáng tạo như cách mà Hồng Kông đã thực hiện. Thời gian tới, giáo dục quốc dân nên giảm tải lý thuyết, cải cách sách giáo khoa và chương trình học (xây dựng sách giáo khoa số, các mô hình bài giảng thực tế ảo); tích cực tăng thời lượng về kiến thức, kỹ năng mềm, khả năng xây dựng tư duy phản biện.
Thứ hai, tập trung xây dựng mối liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng. Thực tế cho thấy, về mặt tố chất và khả năng thì học sinh, sinh viên Việt Nam không thua kém so với các bạn trên thế giới. Song, chúng ta lại thiếu hụt môi trường để cho nhân tài rèn luyện, thậm chí là va vấp để học hỏi thêm những kinh nghiệm góp phần phát triển tư duy, kỹ năng. “4 con rồng kinh tế Châu Á” luôn bảo đảm ngân sách đầu tư thỏa đáng cho giáo dục, nghiên cứu khoa học; lấy Nhà trường là bệ đỡ cho việc hình thành nên những thế hệ kế tục xứng đáng; coi Nhà tuyển dụng, các tập đoàn lớn là nơi gửi gắm để nhân tài có cơ hội tiếp xúc với nghề, trưởng thành và cống hiến cho đất nước. Một số doanh nghiệp đầu ngành, chẳng hạn như Tập đoàn Viettel đã có sáng kiến trong việc tìm kiếm tài năng về công nghệ là sinh viên năm 3, 4, đăng ký tham gia chương trình sinh viên tài năng, thực tập sinh. Kết thúc chương trình, sinh viên có thể được giữ lại làm việc tại Tập đoàn. Đây là một trong những cách làm hay cần được khuyến khích và nhân rộng. Với vai trò là chủ thể quản lý xã hội, Nhà nước ta cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa về mặt vốn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tạo thành các trung tâm ươm mầm tài năng trẻ, các viện nghiên cứu đầu ngành thu hút các nhà khoa học, chuyên gia; phát triển các khu công nghệ cao trở thành nơi hội tụ của các tập đoán lớn, là nơi hình thành các hạt giống về công nghệ tiên tiến, đột phá. Đặc biệt, thời gian tới, Nhà nước cần cải cách cơ chế, chính sách về tiền lương, đãi ngộ, nhà ở sinh hoạt để nhân tài có thể an tâm làm việc, cống hiến “chất xám” cho sự phát triển chung của đất nước. Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông đều đã và đang là miền đất hứa, là khoảng trời rộng mở để nhân tài thế giới hội tụ, thỏa sức sáng tạo, phát triển.
Thứ ba, trong thời gian tới, Chính phủ và chính quyền địa phương của 63 tỉnh thành phố, trọng tâm là những đầu tàu kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… cần xây dựng khung pháp lý mang tính chất mở, thông thoáng để thu hút nhân tài đến làm việc. Theo khảo sát, có địa phương đăng tải thông tin về nhu cầu trong vòng 1 tháng, sau đó chuyên gia nộp hồ sơ ứng tuyển, hội đồng từng lĩnh vực sẽ thẩm định hồ sơ, kế đến chuyên gia được mời phỏng vấn để trình bày dự án hoặc kiểm tra năng lực, tiếp đến phê duyệt kết quả, rồi đơn vị thu hút nhân tài ký kết hợp đồng… thường kéo dài đến cả năm. Thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài, thậm chí đôi lúc còn nhiêu khê dẫn đến khó thu hút và giữ chân người tài ở lại làm việc. Thực tế thì, hiện nay chính sách thu hút chuyên gia giỏi, trọng dụng người tài là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, cộng thêm những tác động khách quan của dịch bệnh dẫn đến việc thực hiện chính sách còn khó khăn. Tuy vậy, tất yếu trong thời gian tới các đầu tàu kinh tế của Việt Nam phải thực hiện hiệu quả chính sách này. Đặc biệt trong bối cảnh, Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Theo tác giả, trước hết, Chính phủ cần phối hợp với các địa phương xây dựng một tổ chuyên gia, có sự tham vấn của các tổ chức uy tín về kinh tế để tiến hành khảo sát, học tập kinh nghiệm các nước, sau đó xây dựng chính sách đặc thù gắn với ngành, lĩnh vực thế mạnh cần thu hút. Ngoài trừ yếu tố tiền lương, tổ chuyên gia cần nghiên cứu cụ thể về chính sách nhà ở, cấp thị thực và môi trường làm việc. Sau khi xây dựng được khung chính sách hoàn chỉnh, Chính phủ nên cân nhắc giao toàn bộ quyền thực hiện chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi cho địa phương. Chính phủ giao tổ chuyên gia thực hiện nhiệm vụ giám sát và đánh giá hiệu quả của chính sách thường kỳ 6 tháng, 1 năm và 5 năm để có sự thay đổi phù hợp.
Thứ tư, nguồn lực chất xám là vấn đề có tính cốt yếu, tạo ra sức mạnh nội lực của dân tộc. “4 con rồng kinh tế Châu Á” luôn tạo ra hệ sinh thái rộng lớn để nuôi dưỡng và giữ chân nhân tài bởi xu thế dịch chuyển lao động là vấn đề mang tính chất toàn cầu trong nền kinh tế mở hiện nay. Đào tạo, tìm kiếm, phát hiện nhân tài là rất quan trọng, song giữ chân được nhân tài cũng là vấn đề quan trọng không kém. “Chảy máu chất xám” ở Việt Nam đang là trở lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Do vậy, trong thời gian tới, trước hết về phía gia đình, cần đổi mới tư duy về việc “xem nhẹ giáo dục trong nước” nên có xu hướng cho con em học tập và làm việc ở nước ngoài. Cần khơi dậy khát vọng phát triển và cống hiến tài năng của học sinh, sinh viên trước hết phải dành cho chính Tổ quốc, đất mẹ nơi họ sinh ra và lớn lên. Chính phủ và các doanh nghiệp Việt cần có những hội nghị, hội thảo, tọa đàm thu hút các chuyên gia là người Việt trên thế giới, đề ra những giải pháp và chính sách nhằm tạo điều kiện để họ quay trở về Việt Nam làm việc. Liên kết mục tiêu thu hút nhân tài Việt trở lại Tổ quốc gắn với cơ chế, chính sách về nhà ở, gia đình, môi trường làm việc. Thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam đã có nhiều công ty, doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tính chất khu vực và thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều dư địa phát triển và được đánh giá là năng động, hấp dẫn nên đây là yếu tố quan trọng để triển khai việc giữ chân và thu hút nguồn lực chất xám.
Thứ năm, bên cạnh việc thu hút nhân tài nói chung cho đất nước, hệ thống chính trị của Việt Nam cũng cần đổi mới, thu hút người tài vào làm việc. Hiện nay, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thôi việc là rất đáng báo động. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, ngành bảo hiểm, tòa án lượng công việc tăng lên rất lớn do sự phát triển của kinh tế - xã hội, dân số tăng nhanh chóng nhưng số biên chế không tăng dẫn đến áp lực công việc. Ngoài ra, tiền lương thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người trẻ, người có năng lực xin ra khỏi khu vực công vì không đủ để trang trải cuộc sống. Trong thời gian tới, để giữ chân, thu hút người tài, các cơ quan chức năng trước hết nên chú trọng cải cách tiền lương, thiết lập một môi trường làm việc minh bạch, hòa đồng, năng động, sáng tạo, đầu tư học bổng, tạo điều kiện về việc làm cho sinh viên các khối ngành hiện đang thiếu (nhu ngành y dược, sư phạm…), như cách mà Singapore áp dụng rất hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thiết phải đổi mới công tác tuyển dụng, từ cấp trung ương đến địa phương phải tổ chức những kỳ thi tuyển minh bạch, công khai, hiện đại để thu hút người trẻ mới ra trường vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị; kiên quyết xóa bỏ tình trạng “chạy việc, chạy biên chế”, chủ nghĩa kinh nghiệm, tư duy “sống lâu lên lão làng” trong công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả chủ trương “tinh giản biên chế” thông qua hình thức như thi tuyển, sát hạch, đánh giá khách quan để thanh lọc những người không đủ chất lượng. Khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức trẻ, đóng góp trí tuệ, sức lực của bản thân để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong tương lai thông qua việc đây mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ trẻ cần thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, cầu tiến bộ; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, có tinh thần sẵn sàng dấn thân, có lòng nhân ái, luôn vì sự nghiệp chung để đóng góp tốt hơn, nhiều hơn cho gia đình, quê hương, đất nước.
TS. PHAN THỊ TÂM
Bộ Nội vụ
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/chinh-sach-nhan-tai-cua-4-con-rong-kinh-te-chau-a-a8812.html