Hiệu quả từ Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Việc trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước là một chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện nhận thức và quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cơ sở. Sau 10 năm thực hiện (2009-2019), Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã xuất bản hàng trăm đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với hàng chục triệu bản in, cung cấp những tri thức cơ bản, thiết thực, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, công tác quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật... cho cơ sở xã, phường, thị trấn.

Tóm tắt: Việc trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước là một chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện nhận thức và quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cơ sở. Sau 10 năm thực hiện (2009-2019), Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã xuất bản hàng trăm đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với hàng chục triệu bản in, cung cấp những tri thức cơ bản, thiết thực, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, công tác quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật... cho cơ sở xã, phường, thị trấn.
Từ khóa: Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn
Hiệu quả thiết thực của Đề án

Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cũng như sự tiện ích của các loại hình báo chí truyền thông đa phương tiện, mạng Internet,... đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở đã có thêm nhiều kênh tiếp nhận thông tin, tri thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng nổ các trang mạng xã hội cũng đã đưa đến không ít những bất cập, hạn chế: một số nguồn thông tin không chính thống, thiếu chuẩn xác, thậm chí có thông tin sai lệch, mang tính phản động; một số sách trên thị trường truyền tải kiến thức, thông tin chưa được biên tập và thẩm định kỹ lưỡng... Trong tình hình đó, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đáp ứng được nhu cầu tiếp cận nguồn thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Được triển khai từ năm 2009, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phổ biến tri thức đến đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong giai đoạn 2009-2018, đã xuất bản 451 đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với gần 10 triệu bản sách. Các ấn phẩm đã bám sát yêu cầu của cơ sở, cập nhật những thông tin, tri thức mới nhất với các mảng nội dung chính:
Sách tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Đây là mảng sách giữ vai trò đặc biệt quan trọng với các đầu sách giới thiệu văn kiện Đại hội của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương như: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, CD-ROM Văn kiện Đảng toàn tập,…; sách lý luận chính trị tiêu biểu như: Cương lĩnh chính trị - ngọn cờ tư tưởng lý luận chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của chúng ta; Phát triển văn hóa xây dựng nông thôn mới; Hỏi - đáp chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo;… giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân cơ sở học tập, nghiên cứu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước; thấy được những định hướng lớn, nhiệm vụ cơ bản của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tình hình mới, từ đó nỗ lực thi đua trong lao động sản xuất cũng như trong các công tác khác. 
Sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là mảng sách được đông đảo bạn đọc ở cơ sở đón nhận, phục vụ thiết thực việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với các đầu sách tiêu biểu như: Hồ Chí Minh - Tiểu sử; Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; Học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì; Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; Học tấm gương làm việc và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Những câu chuyện về Bác Hồ trong hoạt động ngoại giao; v.v.. Với nội dung ngắn gọn, cô đọng, súc tích, các cuốn sách giới thiệu về con người, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những câu chuyện thường ngày về Người đã khơi dậy trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân những tình cảm sâu sắc về Vị cha già dân tộc, từ đó nâng cao ý thức của mỗi người trong học tập, lao động và công tác, góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Sách phục vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở. Mảng sách này chiếm số lượng đầu sách lớn, tiêu biểu là các sách về công tác xây dựng Đảng, chính quyền: Cẩm nang công tác Đảng; Nghiệp vụ công tác đảng viên và văn bản hướng dẫn thi hành; Hỏi - đáp về công tác của cấp ủy và bí thư chi bộ; Cẩm nang về kỹ năng giám sát của Đảng; Cẩm nang công tác tổ chức cán bộ cấp xã, phường, thị trấn; Hỏi - đáp về lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; Quản lý chỉ đạo công tác tư pháp xã, phường, thị trấn…; sách giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở (Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên,…) với các đầu sách: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Một số điều cần biết; Cẩm nang công tác Hội Cựu chiến binh ở cơ sở; Cẩm nang cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở; Cẩm nang hoạt động của cán bộ đoàn cơ sở;… Đây là mảng sách có nội dung cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở dễ dàng tiếp nhận và liên hệ, áp dụng vào thực tiễn hoạt động ở địa phương.
Bên cạnh đó, mảng sách phổ biến pháp luật đã phục vụ kịp thời việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc hoặc những vấn đề thường xảy ra ở cơ sở như: quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã; tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa;... Các đầu sách hướng dẫn nghiệp vụ cung cấp những kỹ năng tác nghiệp cần thiết để xử lý công việc hằng ngày của cán bộ cấp xã - còn được gọi là sách “cầm tay chỉ việc” dành cho cán bộ cơ sở. Đây là mảng sách có lượng đề tài lớn nhất, thường được viết dưới dạng sổ tay, cẩm nang và hỏi - đáp: Sổ tay pháp luật dành cho cán bộ cơ sở; Cẩm nang về chính sách và quản lý chương trình giảm nghèo; Cẩm nang về kỹ năng giải quyết tố cáo trong Đảng; Hỏi - đáp về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã; Hỏi - đáp về cải cách thủ tục trong hoạt động thu, nộp thuế.
Ngoài ra, Đề án còn có các đầu sách cung cấp kiến thức về nông nghiệp, nông thôn, trồng trọt, chăn nuôi, phòng và chữa bệnh: Công nghệ sinh học cho nông dân chăn nuôi sạch; Hỏi - đáp về bệnh của gia súc, gia cầm; Kỹ thuật chăn nuôi gà sạch trong trang trại; Sổ tay danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên rau ở Việt Nam;… Các cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt là nhà nông những thông tin, tri thức quan trọng phục vụ cho hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như sự phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung.
Như vậy, với các mảng đề tài đa dạng, sách thuộc Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã góp phần trang bị kiến thức cơ bản, khá toàn diện cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, từ đó từng bước nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, trình độ dân trí của các tầng lớp nhân dân. 
Việc sử dụng và khai thác các ấn phẩm ở xã, phường, thị trấn chủ yếu nhằm phục vụ công việc hằng ngày của cán bộ cấp xã trong công tác xây dựng Ðảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các chi bộ, tổ dân phố, ấp, khóm tìm hiểu, bổ sung kiến thức cần thiết. Trong điều kiện nguồn kinh phí của các xã, phường, thị trấn dành cho việc mua sách, báo, tài liệu phục vụ công tác còn khó khăn, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa thì việc triển khai trang bị sách của Ðề án đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng trong công tác chuyên môn, kiến thức về lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống.

Các đầu sách phục vụ cho cơ sở xã, phường, thị trấn


Qua khảo sát việc thực hiện và triển khai Đề án cho thấy, hằng năm, sau khi các xã, phường, thị trấn thực hiện tiếp nhận sách do Đề án trang bị thì phần lớn các địa phương đều tiến hành lập sổ theo dõi, sắp xếp khoa học, phân loại tài liệu thành các nhóm ngành, lĩnh vực như sách pháp luật, sách công tác Đảng, sách giáo dục, văn hóa, y tế, khoa học, kỹ thuật..., đồng thời phát tới các đoàn thể, các thôn, khu phố để cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân khai thác, nghiên cứu. Công tác quản lý tủ sách cũng được chú trọng, các đảng ủy xã, phường, thị trấn đều phân công cán bộ văn phòng, cán bộ tư pháp - hộ tịch hoặc cán bộ văn hóa tiếp nhận, phân loại và sắp xếp tủ sách; mở sổ theo dõi, quản lý, hướng dẫn việc đọc, mượn sách. Ở các địa phương, cơ sở đều có bưu điện văn hóa, tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn (sách về lý luận chính trị, nông nghiệp, kinh tế, pháp luật, văn hóa - xã hội...), có phân công cán bộ quản lý, có nơi còn xây dựng quy chế bảo quản, sử dụng sách. Ví dụ như tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), Đảng ủy xã Phong Bình đã đề ra Nội quy mượn và trả sách như sau: mỗi lần mượn không quá 4 cuốn, thời gian mượn không quá 1 tuần, có ký mượn, ký trả nghiêm túc1. Hay tại Đảng ủy phường Tây Lộc (thành phố Huế), sách được đặt ngay tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường, giao cho đồng chí cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch theo dõi và quản lý; phục vụ 5 ngày làm việc trong tuần, buổi sáng từ 7h30 đến 11h00, buổi chiều từ 14h00 đến 16h30; đối tượng đọc sách là cán bộ cốt cán ở cơ sở và cán bộ trong phường; ngoài ra, nhân dân đến làm các thủ tục hành chính cũng được nghiên cứu, đọc và mượn sách. 
Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng sách, nhiều địa phương đã tuyên truyền, giới thiệu sách của Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng như: hệ thống loa truyền thanh, qua các cuộc họp chi bộ, đoàn thể, qua đội ngũ cán bộ văn hóa, tư pháp - hộ tịch ở xã, phường; tổ chức giới thiệu sách pháp luật, mở hội nghị câu lạc bộ bạn đọc, giới thiệu nội dung sách, phát động phong trào đọc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân... nhằm thu hút cán bộ, nhân dân đến đọc và tìm hiểu. Xây dựng, bố trí chỗ ngồi tại bộ phận một cửa tại trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để cán bộ, đảng viên, nhân dân đến liên hệ công việc, trong quá trình chờ đợi có thể kết hợp đọc, nghiên cứu sách, báo, tài liệu của Đề án. Vận động các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tặng sách, báo, tài liệu… cho tủ sách cơ sở đặt tại nhà văn hóa thôn, khu phố, góp phần làm phong phú thêm tủ sách của địa phương.
Những kết quả đạt được của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn rất đáng ghi nhận. Song, trên thực tế, việc thực hiện, triển khai Đề án vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế: một số địa phương chưa ban hành nội quy quản lý, khai thác và sử dụng sách; thậm chí, một số địa phương không có sổ ghi chép tình hình số lượng, các đầu sách được cung cấp hằng năm để lập danh mục theo dõi, giới thiệu, tuyên truyền; cán bộ quản lý tủ sách ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chế độ, phụ cấp riêng; đa số cán bộ quản lý sách chưa được tập huấn về nghiệp vụ quản lý, khai thác và sử dụng sách nên hiệu quả sử dụng, bảo quản chưa cao; vẫn còn tình trạng sách được tiếp nhận nhưng không được khai thác kịp thời; việc khai thác, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số đơn vị còn hạn chế; đa số các đơn vị chưa có phòng đọc độc lập, bố trí địa điểm đọc sách chưa thực sự thuận lợi cho bạn đọc, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện Đề án.  
Mặc dù còn một số hạn chế như trên, song Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn thực sự là một Đề án có ý nghĩa quan trọng, cần tiếp tục thực hiện bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Vì vậy, việc xác định các giải pháp thiết thực để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện, triển khai Đề án là hết sức cần thiết. 
Tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án
Căn cứ vào Kết luận số 30-KL/TW, ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy được lợi ích thiết thực của Đề án; phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; thực hiện tốt việc tuyên truyền, quán triệt và thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương và địa phương về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa đọc, phong trào đọc sách trong xã hội nói chung và sách của Đề án nói riêng; phát triển văn hóa đọc gắn liền với nâng cao dân trí, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận thông tin và tri thức dễ dàng; chú trọng lồng ghép giới thiệu sách trong sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức đoàn thể: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… Đặc biệt, để phát huy hơn nữa hiệu quả của Đề án, trong quá trình chủ trì triển khai Đề án, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cần tăng cường cung cấp thêm nhiều đầu sách có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương như: sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác Đảng, quản lý nhà nước, đoàn thể; sách nghiên cứu khoa học, lịch sử; sách về vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường sống; kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới; sách phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giới thiệu những mô hình làm kinh tế giỏi ở nông thôn...; những cuốn sách “cầm tay chỉ việc” dành cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Cần quán triệt đến các địa phương thực hiện nghiêm túc Thông báo Kết luận số 396-TB/TW, ngày 23/11/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1622-QĐ/BTGTW, ngày 12/7/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng sách trang bị cho xã, phường, thị trấn, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã, đồng thời nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân. Để việc quản lý, sử dụng và khai thác ấn phẩm của Đề án được thuận lợi, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần chú trọng quan tâm chỉ đạo việc xây dựng quy chế lưu giữ, bảo quản sách và các tài liệu được cấp phát, phân công cán bộ chuyên môn phụ trách, lập sổ theo dõi, quản lý sách; ngoài ra cần quan tâm chỉnh trang, tu bổ các địa điểm đọc sách: nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và người dân đến đọc sách; động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Ðề án; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong quản lý, khai thác, sử dụng sách, góp phần đưa sách của Đề án trở thành nguồn thông tin chính thống, tin cậy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở.
Có thể khẳng định, việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng đắn và thiết thực của Ban Bí thư, đã và đang có tác động tích cực trong việc giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn cập nhật được những kiến thức cần thiết, được nghiên cứu, học tập những mô hình tốt, những cách làm hay, được trao đổi thông tin và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả trong việc đưa kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao trình độ dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân.
1.https://tinhuytthue.vn/ipage/ban-tuyen-giao-tinh-uy/van-hoa-nghe-thuat-725/hieu-qua-tu-de-an-trang-bi-sach-cho-co-so-xaphuongthi-tran.htm
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2016) của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2016.

ThS. Nguyễn Thị Thúy

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/hieu-qua-tu-de-an-trang-bi-sach-cho-co-so-xa-phuong-thi-tran-a88.html