Vai trò của kinh tế xanh trong tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững

CT&PT - Đảng và Nhà nước ta xác định, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là lựa chọn tất yếu, nhằm bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Để làm được điều này rất sự quyết tâm của các nhà chính trị, nhà môi trường và các doanh nghiệp để giảm thải.

1. Thực tế cho thấy, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như Quyết định số 2139/QĐ-TTg, ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg, ngày 05/10/2012 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg, ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Trước yêu cầu ngày càng cao của phát triển bền vững, chúng ta cần xác định: Nền kinh tế xanh phải ghi nhận các giá trị tự nhiên và vai trò của đầu tư cho vốn tự nhiên. Vốn tự nhiên là các tài nguyên nhiên nhiên như rừng, hồ, đất, nước… có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người.

Kinh tế xanh cần tạo ra công ăn việc làm và cải thiện công bằng xã hội. Kinh tế xanh phải khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ carbon thấp và khuyến khích sử dụng nguồn lực, năng lượng hiệu quả hơn; kinh tế xanh góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Cùng với đó, nền kinh tế xanh phải giảm thiểu phát thải carbon mở ra cuộc sống đô thị bền vững. Việc sử dụng nhiên liệu sạch, cải thiện hiệu quả năng lượng trong khu vực giao thông chuyển từ các phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và sức khỏe con người. Khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường gia tăng thì việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính và những rủi ro về biến động giá nhiên liệu hóa thạch.

Một nền kinh tế khi chuyển sang nền kinh tế xanh cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào đầu tư, tăng vốn và khai thác tài nguyên thiên nhiên với hiệu quả sử dụng thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào các yếu tố năng suất liên quan đến sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Kinh tế xanh phải nhất quán ở tất cả các khu vực của nền kinh tế từ quá trình sản xuất cho đến tiêu dùng phải đảm bảo yếu tố xanh.

Bên cạnh đó, cần chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên những ngành ít phát thải, tiết kiệm năng lượng; phải tính toán việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các ngành từ đó phát huy lợi thế của các tài nguyên có thể tái tạo; đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, carbon thấp, ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như công nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái; đặt ra các tiêu chí về kỹ thuật để tạo ra sản phẩm xanh, sản phẩm có thương hiệu quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các đối tác thương mại.

2. Để phát triển kinh tế xanh trong tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, chúng ta cần tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung huy động nguồn vốn nước ngoài. Để làm được điều đó cần phải cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng tiêu chí chặt chẽ để lựa chọn những dự án đầu tư thực sự có hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường.

Hai là, cần đầu tư cho khoa học và công nghệ cần được tăng cường, đồng thời tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường... Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ cần được đẩy mạnh, vì đây là nội dung quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp quản lý, đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.

Ba là, các chính sách về môi trường cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới; hệ thống thuế tài nguyên, thuế môi trường cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh và hoàn thiện...

Bốn là, chúng ta cần có những đánh giá đúng mức nguy cơ, tác động của ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên thông qua cơ chế như thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái. Cần tăng cường tổ chức các diễn đàn khoa học, hội thảo để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về phát triển nền kinh tế xanh.

Năm là, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường... Chính phủ cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa vào phát triển và ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế; đảm bảo cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không vi phạm các quy định về ô nhiễm môi trường, khí hậu.

Sáu là, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, làm ô nhiễm môi trường chuyển đổi sang công nghệ hiện đại, tiên tiến để tiết kiệm nguyên liệu, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.

Bảy là, cần đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục đổi mới tư duy trong nhận thức về bảo vệ môi trường với cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường, để mỗi người dân, góp phần nâng cao tính hiệu quả của kế hoạch, các chiến lược, chương trình hành động của Chính phủ, thúc đẩy nền kinh tế xanh, phát triển xanh và bền vững.


NCS. NGUYỄN ĐỨC ANH

Đại học Kinh tế Luật - Thành phố Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/vai-tro-cua-kinh-te-xanh-trong-tai-co-cau-nen-kinh-te-viet-nam-theo-huong-ben-vung-a8795.html