Yêu cầu tổng quát và các điều kiện chủ yếu đối với nhà nước kiến tạo phát triển

CT&PT - Nhà nước kiến tạo phát triển là một mô hình quản lý nhà nước, trong đó nhà nước đề ra các thể chế mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, đồng thời nhà nước tăng cường giám sát để phát hiện và khắc phục kịp thời các mất cân đối có thể xảy ra nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của các mô hình nhà nước kiến tạo phát triển trong lịch sử, đa số các học giả trên thế giới và trong nước cho rằng, có hai yêu cầu tổng quát đối với một nhà nước kiến tạo phát triển thành công là: Năng lực quản lý nhà nước tốt và hướng tới mục tiêu phát triển của cả dân tộc. Hai yêu cầu tổng quát này được cụ thể hóa bằng các điều kiện chủ yếu sau đây:
1. Nhà nước kiến tạo phát triển chủ động định hướng, can thiệp nhưng phải phù hợp với các nguyên tắc cạnh tranh của thị trường
Điểm mấu chốt của điều kiện này là sự "chủ động" phải "phù hợp với nguyên tắc cạnh tranh". Nếu như trường phái Tân tự do nhấn mạnh sự hợp lý của thị trường và do vậy, nhà nước cần hạn chế can thiệp, và xem đó là quan điểm thống trị ở các nước phương Tây như được thể hiện qua Đồng thuận Washington (Washington Consensus), thì Johnson, khi lý giải sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của nhà nước kiến tạo phát triển Nhật Bản, lại khẳng định rằng, thị trường "tự do" thật ra không tự do, thị trường không tồn tại độc lập và cũng không tách biệt khỏi lợi ích chính trị, mà luôn có sự tác động, chi phối của chính trị, đặc biệt là nhà nước. Ông cho rằng: "các nhà quan sát tin vào sự hợp lý của hệ thống kinh tế thị trường thường hiểu sai sự hợp lý của hệ thống kinh tế kế hoạch, bởi vì họ không thấy rằng hệ thống kinh tế kế hoạch có cơ sở chính trị chứ không phải là cơ sở kinh tế"1. Do đó, theo ông, nhà nước kiến tạo phát triển có thể được tạo lập trước, sau đó mới quyết định các ưu tiên phát triển (quan điểm này hoàn toàn ngược lại với quan điểm về nhà nước hạn chế, coi trọng cạnh tranh thị trường), và yếu tố cốt lõi của nhà nước kiến tạo phát triển không phải là các chính sách kinh tế, mà chính là khả năng huy động, tập trung mọi nguồn lực của đất nước cho sự phát triển. Đây là đặc điểm rất nổi bật của nhà nước kiến tạo phát triển và là cũng vấn đề không dễ thực hiện trong hệ thống chính trị TBCN dựa trên chế độ tư hữu và không có sự tập trung quyền lực như các nước XHCN.
Chính vì lẽ đó, nhà nước kiến tạo phát triển cần có 4 đặc điểm nổi bật về thể chế2:
Một là, bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, tiết kiệm, chuyên nghiệp và hiệu quả, bao gồm những người tinh túy nhất được tuyển chọn bởi chế độ trọng dụng nhân tài, có trình độ quản lý hệ thống, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ: (1) nhận diện và lựa chọn các ngành công nghiệp chiến lược để phát triển, cũng như những ngành công nghiệp không có tính chiến lược cần phải chuyển đổi (chính sách cấu trúc công nghiệp); (2) tạo lập môi trường lành mạnh để phát triển nhanh các ngành công nghiệp đã được lựa chọn (chính sách hợp lý hóa công nghiệp); (3) định hướng, giám sát các ngành công nghiệp chiến lược nhằm bảo đảm tính hiệu quả của nền kinh tế cũng như khả năng kiến tạo phát triển kinh tế, được thể hiện ở mức độ tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh;
Hai là, hệ thống chính trị với nền hành chính đủ năng lực, hoạt động có hiệu quả, trong đó các nhánh quyền lực lập pháp và tư pháp phải được giới hạn với chức năng như là những chiếc "van an toàn" trong kiểm soát quyền lực, bảo đảm sự vận hành thống nhất của cả hệ thống chính trị;
Ba là, có một cơ quan điều phối (ví dụ như MITI - Bộ Công nghiệp Thương mại quốc tế Nhật Bản) với kích cỡ nhỏ, có chức năng định hướng, tư vấn chính sách - "think-tank", có tính độc lập, đủ năng lực và đủ thẩm quyền, không bị thao túng bởi các nhóm lợi ích, đồng thời được các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp tín nhiệm, tôn trọng và tuân thủ trong việc điều phối các nguồn lực hướng tới các ưu tiên phát triển mang tính đột phá;
Bốn là, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế không được đi ngược lại các nguyên lý nền tảng của thị trường, tức là cần phải hoàn thiện các phương pháp can thiệp của nhà nước phù hợp với thị trường3, thông qua các thiết chế tài chính mang tính định hướng về tiền tệ và thuế cũng như các hướng dẫn hành chính. Đây là yếu tố rất cần thiết để tránh khỏi việc ban hành các luật quá chi tiết, mà từ đó nó có thể trói buộc tính sáng tạo, linh hoạt của nền hành chính.
Từ đó, ông kết luận: "Một nhà nước mong muốn đạt được những thành tựu kinh tế, đầu tiên phải áp dụng các ưu tiên tương tự như Nhật Bản. Trước hết nhà nước đó phải là một nhà nước kiến tạo phát triển - và sau đó là một nhà nước điều chỉnh, một nhà nước phúc lợi, một nhà nước bình đẳng, hoặc bất cứ loại nhà nước chức năng nào mà xã hội muốn áp dụng"4.
Có thể nói, bốn đóng góp lý thuyết quan trọng về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển của Chalmers Johnson chính là các gợi ý về thể chế cho một nhà nước muốn thực hiện tốt chức năng "kiến tạo", "định hướng" sự phát triển. Những đóng góp đó được các học giả như Peter Evans, Linda Weiss, Adrian Leftwich, Ha-Joon Chang, v.v… đồng tình, ủng hộ, phát triển và từng bước hoàn thiện về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, các luận điểm này cũng bị một số học giả khác phê phán là tính chặt chẽ và khái quát hóa của lý thuyết chưa cao. Omano Edigheji, tiến sĩ kinh tế chính trị học phát triển, giám đốc điều hành Trung tâm nguồn cảm hứng lãnh đạo ZeeZi Oasis, Nigeria đã đánh giá rằng, trong phân tích của Chalmers Johnson vẫn có chỗ chưa thật sự thuyết phục, bởi vì ông đã đặt các quan hệ giữa nhà nước và xã hội vào mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp (government-business relations), hay nói cách khác là vào "sự liên minh của giới tinh hoa" ("elitecoalition")5, trong khi trên thực tế, các mối quan hệ này thường rộng lớn và phức tạp hơn rất nhiều.
2. Nhà nước kiến tạo phát triển phải có ý chí chính trị và tầm nhìnphát triển nhất quán với các chiến lược, chính sách ưu tiên, đặc thù
Điểm quan trọng trong điều kiện này là "sự nhất quán", tức tính đồng bộ, hệ thống xuyến suốt từ đường lối, chiến lược, cho đến chính sách, biện pháp cũng như các hành động cụ thể. Điều này chỉ có thể được đảm bảo bởi một đội ngũ những nhà lãnh đạo có ý chí chính trị mạnh mẽ và có hiệu lực, có một tầm nhìn phát triển nhất quán, khả thi, có cam kết hành động vì sự phát triển.
Từ những quan điểm của Johnson, Adrian Leftwich, nguyên giáo sư Chính trị học, giám đốc Chương trình lãnh đạo học phát triển của Đại học York, Vương quốc Anh, đã phát triển mô hình nhà nước kiến tạo phát triển theo hướng nhấn mạnh vai trò của nhân tố chính trị trong việc đảm bảo hiệu quả của nhà nước. Ông cho rằng, nhà nước kiến tạo phát triển là một hình thái chuyển đổi của nhà nước hiện đại mà ở đó giới tinh hoa chính trị và quan chức nhà nước thường đạt được sự độc lập tương đối, không bị chi phối bởi các lực lượng chính trị - xã hội trong xã hội và sử dụng sự độc lập đó để thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Rõ ràng, khác với các nhà nước điều tiết, yếu tố chính trị chủ đạo là một trong những đặc điểm cơ bản nhất của nhà nước kiến tạo phát triển. Vai trò chủ đạo của nhân tố chính trị trước hết phải được thể hiện ở tầm nhìn phát triển nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc. Điều này đòi hỏi nhà nước kiến tạo phát triển phải xây dựng một đội ngũ các nhà lãnh đạo chính trị có tầm nhìn, có tâm huyết, có năng lực vượt trội, bởi vì để thực hiện hiệu quả chức năng "kiến tạo", "chủ động định hướng, dẫn dắt", "can thiệp phù hợp với thị trường" nhằm hướng đến tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, nhà nước phải có một tầm nhìn xuyên suốt, nhất quán, có tính khả thi, và tầm nhìn ấy phải được nhân dân chia sẻ và ủng hộ rộng rãi.
Loriaux đã từng khẳng định, nhà nước kiến tạo phát triển đưa ra các tầm nhìn hay các mục tiêu phát triển, sau đó can thiệp để dẫn dắt đầu tư, điều tiết các nguồn lực để đạt được các mục tiêu hay tầm nhìn đó. Như vậy, khả năng hoạch định tầm nhìn và các mục tiêu phát triển của nhà nước cũng như tính khả thi của tầm nhìn đó chính là cơ sở khoa học cho việc thảo luận, thương thuyết và xác định các ưu tiên chính sách, phát huy mọi nguồn lực và tập trung cho các đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay, khi mà các nước đang phát triển, các nước công nghiệp hóa muộn phải cạnh tranh quyết liệt với các nước phát triển, các nước tiên tiến vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn và đang chiếm lĩnh các địa vị thống trị trên thị trường quốc tế.
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn của các nhà nước kiến tạo phát triển cổ điển, đặc biệt là ở các nước NICs Đông Á, một tầng lớp lãnh đạo chính trị có tầm nhìn, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có sự ưu tiên chính sách rõ rệt thường xuất hiện trong điều kiện một xã hội công dân yếu và phụ thuộc, chưa có các sức ép dân chủ rộng rãi và ít bị chi phối bởi các lợi ích ngắn hạn của các tầng lớp bên dưới, mà chủ yếu là hướng đến những lợi ích chung của cả dân tộc; hoặc là trong xã hội xuất hiện 3 vấn đề quan trọng sau đây:
(1) Nguồn lực, tài nguyên quốc gia hạn hẹp và do vậy quốc gia này chỉ có một con đường duy nhất để phát triển là khơi dậy, khai thác, và không ngừng phát huy nguồn lực nhân lực của mình;
(2) Có những mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh quốc gia và sự tồn vong của dân tộc, buộc quốc gia đó phải cố gắng vượt lên, bởi vì nếu không sẽ bị lệ thuộc và phải trả giá đắt cho vị thế thấp yếu của mình;
(3) Người dân có nhu cầu bức thiết là phải tăng trưởng và phát triển, do xuất phát từ những bức bách, những khó khăn của cuộc sống và khát vọng vươn lên của cả dân tộc, đồng thời có sự cam kết được chia sẻ giữa các nhóm có quan điểm chính trị khác nhau.
Chính những thực tại chính trị - xã hội mang tính lịch sử cụ thể này là tiền đề cho việc xuất hiện, tồn tại và phát triển của một ý chí chính trị chung, một nhu cầu, khát vọng phát triển mạnh mẽ của cả dân tộc, đó là làm thế nào để phát triển kịp và vượt các quốc gia, dân tộc khác. Ý chí chính trị và khát vọng chung đó vừa là động lực, đòn bẩy để hiện thực hóa tầm nhìn và các mục tiêu phát triển, vừa là một trong những nền tảng cơ bản cho việc xây dựng và vận hành thành công một nhà nước kiến tạo phát triển.
Từ góc độ nghiên cứu xem chính trị là chủ đạo, là cốt lõi, Adrian Leftwich khẳng định, các nhà nước kiến tạo phát triển thành công chia sẻ 6 đặc điểm nổi bật: Một là, nhà nước kiến tạo phát triển thường do giới tinh hoa ưu tú lãnh đạo, tạo thành hạt nhân vững chắc, chú trọng vào phát triển với một cam kết tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đồng thời có đủ năng lực để gây ảnh hưởng, dẫn dắt và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân hoạt động có hiệu quả; Hai là, có đội ngũ công chức chuyên nghiệp, vững mạnh, trung lập, có tính tự chủ, có cam kết với sự nghiệp và đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích cá nhân; Ba là, có năng lực cao về quản lý kinh tế, có đủ thẩm quyền để điều phối, điều hòa lợi ích công - tư thông qua các thiết chế tổ chức chuyên biệt (Ví dụ như Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế (MITI) tại Nhật Bản, Ủy ban Kinh tế kế hoạch (EPB) tại Hàn Quốc và Singapore, và Bộ Tài chính và Kế hoạch Phát triển (MFDP) ở Botswana), bảo đảm cho các thiết chế đó có thực quyền trong việc xây dựng và thực thi các chính sách phát triển; Bốn là, có khả năng thể hiện sự áp đặt và không ưu tiên các quyền cá nhân, quyền dân sự ở một mức độ nhất định, nhất là ở thời kỳ đầu; Năm là, thường xuất hiện trong một môi trường dân sự khá yếu và phụ thuộc; Sáu là, hiệu quả hoạt động của nhà nước là tiêu chí đánh giá tính chính đáng chính trị của chủ thể lãnh đạo. Sáu đặc điểm cơ bản này là kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Adrian Leftwich về các nhà nước Đông Á. Ông cho rằng, đa số các nhà nước kiến tạo phát triển Đông Á thành công đều có các chế độ độc đoán, phi dân chủ, nhưng các nhà nước đó vẫn mang tính chính đáng chính trị và nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi từ phía xã hội và người dân chính là nhờ vào vai trò dẫn dắt, định hướng của nhân tố chính trị với những thành quả tăng trưởng kinh tế cao và phân phối tương đối công bằng các lợi ích trên các mặt của đời sống xã hội như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, v.v… Điều này có nghĩa là, tính chính đáng chính trị của nhà nước kiến tạo phát triển không chỉ được nhìn nhận từ chất lượng của bộ máy, mà còn từ hiệu quả của sự tăng trưởng và sự ủng hộ của người dân trong quá trình phát triển.

3. Nhà nước kiến tạo phát triển cần chủ động định hướng nền kinh tế dựa trên cơ sở lý luận Kinh tế Chính trị học Thể chế thay vì Kinh tế học Tân tự do
Đây là một điều kiện quan trọng, đảm bảo tính nhất quán trong các hoạt động định hướng của nhà nước, bởi vì về bản chất, đó là sự định hướng chính trị thông qua các thể chế mang tính quyền lực nhà nước.
Ha-Joon Chang, một chuyên gia phản biện các vấn đề kinh tế - chính trị, giảng viên Khoa kinh tế, Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, khi đưa ra cách tiếp cận nhà nước kiến tạo phát triển dưới góc độ Kinh tế Chính trị học Thể chế (Institutional Political Economy - IPE) là nhằm củng cố một lý thuyết khác về sự can thiệp của nhà nước đối với thị trường và cung cấp một khuôn khổ tiếp cận khác nhằm thay thế cho cách tiếp cận Kinh tế học Tân tự do (Economic Neo Liberalism - ENL), vốn được xem là nền tảng phương pháp luận cho mô hình nhà nước điều chỉnh kiểu Anh - Mỹ, và cũng là nền tảng của các khuyến nghị chính sách theo Đồng thuận Washington trong những năm gần đây, liên quan đến việc cải cách kinh tế theo hướng đẩy mạnh cạnh tranh thị trường tự do. Điều này có nghĩa là, để đánh giá và phân tích vai trò của nhà nước kiến tạo phát triển, không thể dựa trên cách nhìn nhận và khuôn khổ tiếp cận của chủ nghĩa Tân tự do, mà phải nhìn nhận dưới góc độ Kinh tế chính trị học thể chế. Để minh chứng cho khuôn khổ tiếp cận của mình, ông nghiên cứu, xem xét sự hạn chế của tư tưởng Tân tự do bằng việc phân tích 4 phạm trù trụ cột của nó, đó là: (1) Thị trường tự do, (2) Thị trường cần được ưu tiên, (3) Sự thất bại của thị trường và (4) Mối quan hệ giữa thị trường, nhà nước và hoạt động chính trị.
Một là, khác với trường phái Tân tự do - luôn tin tưởng vào một thị trường tự do cạnh tranh và nhà nước hạn chế, chủ yếu là can thiệp để điều tiết hành vi, thì Kinh tế chính trị học Thể chế xem nhà nước có vai trò quan trọng, không chỉ điều tiết mà còn chủ động tạo lập và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường nhờ vào tính chính trị trung lập, không vị lợi cũng như tính kỹ trị và khả năng kế hoạch hóa tối ưu của bộ máy nhà nước. Ông lập luận, hầu như tất cả các nước phát triển hiện nay, kể cả các nước Anh - Mỹ, vốn là những nước cổ súy cho tư tưởng Tân tự do về tự do thương mại và thị trường tự do, và luôn ép buộc các nước đang phát triển chấp nhận các chính sách Tân tự do, nhưng trở nên giàu có và phát triển là nhờ vào việc theo đuổi các chính sách ngược lại với Kinh tế học Tân tự do như chính sách bảo hộ mậu dịch, đánh thuế xuất nhập khẩu, áp đặt hạn ngạch và trợ giá cho xuất khẩu để bảo vệ và phát triển các ngành công nghiệp non trẻ của họ. Trong khi đó, những quốc gia Đông Á đạt được những thành công là nhờ vào cách tiếp cận Kinh tế chính trị học Thể chế trong việc hoạch định các chính sách và thể chế của họ.
Hai là, Kinh tế chính trị học Thể chế cho rằng, không nên quan niệm thị trường "tự do" và "tự nhiên", mà ngược lại, thị trường cũng cần được kiến tạo, dẫn dắt và điều chỉnh nếu muốn nó phục vụ cho các mục tiêu phát triển. Do vậy, thị trường cũng là một loại thể chế, bởi lẽ trên thực tế, cách thức hoạt động, cơ chế vận hành và tính trật tự của thị trường chủ yếu do nhà nước tạo lập trên cơ sở phù hợp với các quy luật khách quan chứ không phải được hình thành một cách tự nhiên theo quy luật thị trường tự do cạnh tranh như quan niệm của kinh tế học tân tự do.
Ba là, với cách tiếp cận Kinh tế chính trị học Thể chế, khi nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các nền kinh tế thành công, đã chứng thực rằng, nhân tố có khả năng phối hợp đầu tư, thực hiện các quyết định kinh tế, tài trợ cho các ngành công nghiệp, cũng như hạn chế độc quyền một cách có hiệu quả và cung cấp một tầm nhìn phát triển có tính khả thi không phải là thị trường, mà chính là nhà nước.
Do đó, đối với các nước đang phát triển, vai trò của nhà nước càng lớn và càng cần thiết hơn. Đặc biệt là, để thúc đẩy và bảo vệ các ngành công nghiệp mới, các ngành công nghiệp còn non trẻ của mình, nhà nước ở các nước đang phát triển cần có sự áp đặt và kỷ luật cao trong việc tạo ra và phân bổ lợi nhuận, chứ không chỉ dựa vào "lợi thế so sánh" và "tự do cạnh tranh" như quan điểm của trường phái tân tự do ở các nước phương Tây, bởi lẽ trên thực tế sẽ có những ngành, những lĩnh vực liên quan đến lợi ích cộng đồng, đến các ưu tiên chính sách mà thị trường không thể đảm nhận hoặc đảm nhận nhưng không hiệu quả, đó chính là các thất bại của thị trường. Như vậy, các thất bại của thị trường không đồng nghĩa với thất bại kinh tế, mà chỉ là thất bại của một kiểu thể chế, do vậy, cần tạo lập, xây dựng một thể chế khác có thể đảm nhận các chức năng đó tốt hơn. Điều này có nghĩa là, nhà nước cần chủ động can thiệp phù hợp vào thị trường, đặc biệt là ở những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của quốc gia, tức là nhà nước nên trao trả lại những chức năng mà thị trường - xã hội đảm nhiệm sẽ có hiệu quả hơn như giá cả, phân bổ vốn, quản trị doanh nghiệp… và tập trung vào những chức năng mà nhà nước phải thực hiện như xác định mục tiêu phát triển, xây dựng thể chế pháp lý, cung cấp hàng hóa và dịch vụ công, hỗ trợ và quản trị rủi ro trong phát triển, dự báo tình hình biến động của thị trường, kiểm soát độc quyền, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh...
Bốn là, Kinh tế chính trị học Thể chế nhìn nhận thị trường là một loại thể chế và trong bản chất của nó cũng có tính chính trị nội tại. Do vậy, cần xem xét lại quan niệm về "thị trường tự do", "thị trường cần được ưu tiên" cũng như tư tưởng chống lại "sự can thiệp của nhà nước" của trường phái Kinh tế học Tân tự do.
Từ đó, có thể thấy, để phát triển kinh tế đòi hỏi nhà nước phải có khả năng tạo lập và điều chỉnh các quan hệ kinh tế - chính trị để hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa bền vững - tức là cần có một nhà nước kiến tạo phát triển. Chính vì lẽ đó, nhà nước kiến tạo phát triển cần phải đảm nhận 4 chức năng cốt lõi: một là, phải có khả năng điều phối các kế hoạch đầu tư; hai là, có tư duy chiến lược và tầm nhìn phát triển đất nước; ba là, tích cực, chủ động xây dựng, tạo lập thể chế để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển; bốn là, đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong quá trình phát triển. Trong đó, tạo lập "tầm nhìn phát triển quốc gia" và tạo lập "thể chế" là hai chức năng trung tâm của nhà nước kiến tạo phát triển.
Từ những phân tích trên, rõ ràng, quan niệm về "thị trường tự do", "thị trường cần được ưu tiên" và một "nhà nước hạn chế, chủ yếu là can thiệp để điều tiết hành vi" theo cách tiếp cận Kinh tế học Tân tự do là chưa thật sự hợp lý, bởi vì 2 lý do: Trước hết, trong mọi thị trường, tất cả các chủ thể tham gia thị trường, cũng như các điều kiện, thể chế của sự tham gia đó luôn là hệ quả của một hình thức can thiệp nào đó của nhà nước; Thứ hai, một hành động nào đó của nhà nước sẽ được coi là "can thiệp" ở một quốc gia nhưng lại không được coi là "can thiệp" ở quốc gia khác là hoàn toàn tùy thuộc vào quan niệm về tính chính đáng quyền lực cũng như cấu trúc quyền hạn - trách nhiệm ngầm ẩn của các chủ thể tham gia thị trường. Ví dụ điển hình mà ông đưa ra là hành động nhà nước "cấm sử dụng lao động trẻ em". Ở các nước Âu - Mỹ không ai coi đó là một hành động có chủ ý chính sách hay sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, bởi vì đó là vấn đề về quyền trẻ em được cả xã hội công nhận một cách phổ quát. Nhưng ở các nước khác thì đó lại được coi là sự can thiệp của nhà nước, và có thể làm "méo mó thị trường", vì điều này sẽ làm một số nhóm được lợi và một số nhóm bị thiệt hại. Các quy định pháp lý về môi trường cũng vậy, một khi xã hội coi đó là "chuẩn mực phổ quát" cần tuân thủ (chứ không phải là vấn đề nên hay không nên, tức vấn đề về ưu tiên chính sách) thì sẽ không coi đó là sự can thiệp chính trị của nhà nước, nhưng đối với các nước đang phát triển, vấn đề đó có thể bị coi là sự can thiệp, và trong trường hợp này, sức ép của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển sẽ tạo nên các hàng rào kỹ thuật nhằm đem lại các lợi thế cho các nước phát triển. Như vậy, không có thị trường "tự do" một cách thuần túy mà luôn có sự can thiệp của chính trị - nhà nước. Muốn xác định một thị trường là "tự do" như thế nào cần phải xem xét cả các yếu tố về chuẩn mực xã hội, về cấu trúc quyền hạn - trách nhiệm của các bên tham gia thị trường. Những đóng góp của Ha-Joon Chang về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường có ý nghĩa lý luận cao, bởi vì khác với cách tiếp cận Kinh tế học Tân tự do, dưới góc độ tiếp Kinh tế chính trị học Thể chế khi nhìn nhận, đánh giá vai trò, điểm mạnh, điểm yếu của một mô hình nhà nước trong sự phát triển, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, HaJoon Chang đã góp phần hình thành một hệ thống lý luận, một cách tiếp cận chặt chẽ, hợp lý, khoa học về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, mà theo ông, là rất phù hợp với các nước đang phát triển trong bối cảnh hiện đại.

4. Nhà nước kiến tạo phát triển phải quan tâm đến hiệu quả và công bằng xã hội, có khả năng thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa
Một trong những điều kiện để một nhà nước kiến tạo phát triển có khả năng thích ứng với những biến đổi trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là nhà nước - chính phủ đó phải có năng lực quản lý xã hội hiệu quả và công bằng. Điều này có nghĩa là, nhà nước phải thực hiện tốt các chức năng cơ bản của mình, vừa phải tập trung phát triển kinh tế, vừa phải khắc phục những bất công, bất bình đẳng trong xã hội, vừa phải tạo lập sự đồng thuận xã hội và chia sẻ rộng rãi các thành quả phát triển. Johnson, đã nêu ra 4 đặc điểm cơ bản thể hiện năng lực quản lý xã hội hiệu quả và công bằng của một nhà nước kiến tạo phát triển, đó là: (1) Giới tinh hoa chính trị - hành chính thiết lập các quy tắc quản trị ổn định để nhà nước có thể tự chủ một cách tương đối trước các sức ép chính trị từ xã hội, có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách kinh tế (2) Có một cơ quan chuyên trách (ví dụ như MITI của Nhật Bản) giám sát mối quan hệ hợp tác mật thiết giữa khu vực công và khu vực tư, giữa nhà nước và doanh nghiệp (3) Có một chính phủ mạnh, thậm chí chuyên chế, nhưng tôn trọng và vận dụng đúng các quy luật của nền KTTT, (4) Đầu tư mạnh vào y tế, giáo dục, thực hiện các chính sách xã hội nhằm bảo đảm công bằng xã hội.
Các nhà nước kiến tạo phát triển Đông Á, ngay từ rất sớm, đã tính tới là làm thế nào để hạn chế sự bất bình đẳng xã hội và đã có các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế gắn với việc khắc phục và giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội một cách hợp lý. Phải chăng đây là những tiêu chí đo lường tính chính đáng chính trị và hiệu quả quản lý của nhà nước kiến tạo phát triển Đông Á, đúng như Johnson đã từng nhận xét rằng, ở các nước Đông Á, tính chính đáng chính trị không dựa vào truyền thống lịch sử, tính hợp pháp và sức cuốn hút cá nhân như trước đây Weber đã từng tổng kết, mà dựa vào tính chính đáng của cải cách, đổi mới chính trị, tức là lãnh đạo chính trị được người dân tự nguyện ủng hộ và tuân thủ, xét đến cùng, là do hiệu quả, chất lượng của quá trình cải cách, đổi mới và phát triển đất nước của họ, cũng như những giá trị mà họ mang lại cho nhân dân trong cuộc sống. Hay nói cách khác, tính chính đáng chính trị này không phải dựa trên quá trình cầm quyền, thể chế cầm quyền mà dựa vào kết quả của sự cầm quyền thông qua sự can thiệp chủ động, hợp lý, hiệu quả của nhà nước nhằm bảo đảm hai trụ cột cơ bản, đó là tăng trưởng kinh tế và sự bình đẳng tương đối trong thu nhập cho mọi người dân. Điều này càng chứng tỏ tính hiệu quả và khả năng trở thành hiện thực của một nhà nước kiến tạo phát triển trong điều kiện một thể chế chính trị XHCN mang tính đặc thù ở nước ta hiện nay.


1. Chalmer Johnson (1999), ''The Developmental State: Odyssey of a Concept" inThe Developmental State, Woo-Cumings, Meredith, ed, Cornell University Press.

2. David M. Trunek (2008), Developmental States and the Legal Order: Towards a New Politial Economy of Development and Law, Paper prepared for the presentation at the Conference on Social Science in the Age of Globalization, National Institute for Advanced Study on Social Science, Fudan University,
Shanghai, pp.14-15.

3, 4, 5. Chalmer Johnson (1982), MITI and the Japanese Miracle - The Growth of Industrial Policy, 1925 - 1975, Stanford University Press, USA.

NCS. HỨA HUY HOÀNG

Đại học Luật Hà Nội 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/yeu-cau-tong-quat-va-cac-dieu-kien-chu-yeu-doi-voi-nha-nuoc-kien-tao-phat-trien-a8758.html