Nghiên cứu bản chất của việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam

CT&PT - Đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch là sự tác động tích cực, tự giác của chủ thể vào đối tượng đào tạo nhằm trang bị kiến thức nhất định về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kỹ xảo cho người lao động trong ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển ngành và của đất nước.

Đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch là quá trình bao gồm nhiều yếu tố nội tại. Chúng tác động biện chứng lẫn nhau. Tổng hòa đặc trưng của các yếu tố nội tại chính là biểu hiện thực chất của quá trình này.
Một là, chủ thể đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch
Khái niệm “chủ thể” lúc đầu (chẳng hạn như ở Aritxtot) có nghĩa là cái mang những đặc tính, trạng thái, hoạt động, và về mặt này thì là đồng nhất với khái niệm thực thể. Kể từ thế kỷ XVII, khái niệm “chủ thể” cũng như khái niệm tương quan với nó là “khách thể” bắt đầu được dùng với ý nghĩa nhận thức luận.
Ngày nay, nhìn chung các nhà nghiên cứu đều thống nhất về nội dung của khái niệm “chủ thể”. Theo đó, chủ thể là con người hoạt động với những cấp độ tồn tại khác nhau, nhận thức và cải tạo thế giới xung quanh cũng như chính bản thân mình. Chủ thể đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch tạo dựng tiền đề, định hướng thường xuyên tác động tích cực liên tục, đã chủ quan hóa cái khách quan trong quá trình nhận thức chuyển hoá ở đối tượng đào tạo, đảm bảo theo các yêu cầu ngành du lịch đặt ra.
Chủ thể trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch bao gồm các tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Vì vậy, hệ thống chủ thể đó rất đa dạng, nhiều cấp độ.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tập trung nghiên cứu những chủ thể cơ bản, trực tiếp nhất trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của Ngành, gồm cấp độ cá nhân và tổ chức. Chủ thể là tổ chức gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp khác nhau (Trung ương, địa phương), các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh du lịch và các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Chủ thể là cá nhân gồm: đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý đứng đầu các tổ chức, những cá nhân trực tiếp tham gia công tác đào tạo, và những cá nhân người lao động hoặc là nguồn nhân lực lao đông trực tiếp trong những chuyên ngành du lịch.
Các cấp độ chủ thể trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch có mối quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau. Các tổ chức do các cá nhân tạo thành, cá nhân là đối tượng điều chỉnh của tổ chức. Tuy nhiên, tổ chức không phải là tập hợp số cộng giản đơn của các cá nhân, mà có những nét đặc trưng riêng của tổ chức, tạo nên tính tổ chức, kỷ luật, sức mạnh tập thể, sự phối hợp trong công tác…Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi tập trung đến chủ thể đào tạo là những giảng viên, giáo viên của các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch - chủ thể của hoạt động dạy.
Hai là, đối tượng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch
Đối tượng của việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch là những học viên, sinh viên, học viên đang học các chuyên ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo - chủ thể của hoạt động học.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lưu, hiện nay mỗi năm cả nước tuyển sinh khoảng 22.000 học viên, sinh viên du lịch, trong đó có 3.870 sinh viên (1.770 sinh viên, cao đẳng chuyên nghiệp và 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch); 18.190 học viên (gồm 14.495 học viên trung học chuyên nghiệp và 3.695 học viên trung cấp nghề du lịch).
Bên cạnh đó sơ cấp nghề và đào tạo du lịch dưới 3 tháng chưa có số liệu thống kê đầy đủ, ước khoảng 5.000 học viên. Số lượng học viên, sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 20.000. Đào tạo, dạy nghề sơ cấp và đào tạo dạy nghề ngắn hạn có xu hướng tăng1. Từ những số liệu minh chứng này chúng ta có thể thấy đây là nhóm đối tượng khá đông đảo.
Ba là, nội dung chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch
Trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, thì việc xác định nội dung, chương trình đào tạo là vấn đề cốt lõi để đạt được mục tiêu đào tạo cũng như tạo ra sự khác biệt của sản phẩm của quá trình đào tạo. Nội dung giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về hệ thống đào tạo, mục tiêu đào tạo. Luật Giáo dục năm 2019 quy định hệ thống giáo dục quốc dân gồm 04 bậc, đó là: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Theo đó, đào tạo nguồn nhân lực du lịch bao gồm đào tạo qua bậc giáo dục nghề nghiệp (đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác) và giáo dục đại học (đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn.
Giáo dục đại học có mục tiêu là đào tạo nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học và công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế. Đào tạo người học phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có tri thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi với môi trường làm việc; có tinh thần lập nghiệp, có ý thức phục vụ Nhân dân2.
Đối với đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, bên cạnh những yêu cầu chung về đào tạo nói trên, cần phải dựa trên xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là cần dựa trên các hệ tiêu chuẩn năng lực nghề du lịch của quốc tế và khu vực để tạo nên khung năng lực riêng cho lao động du lịch (như Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam VTOS và Tiêu chuẩn chung trong ASEAN về nghề du lịch ACCSTP). Bên cạnh đó, nội dung đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch cũng cần dựa trên khung năng lực đối với lao động ngành du lịch theo Tiêu chuẩn kĩ năng nghề quốc gia 2017. Đặc biệt là, nội dung, chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch cần căn cứ trên Công văn số 4929/BGDĐT-GDĐT về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch. Theo đó, cần chú ý đến những nội dung như: “Những ngành được áp dụng cơ chế đặc thù gồm: Du lịch (7810101); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (7810103); Quản trị khách sạn (7810201); Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (7810202) và các mã ngành đào tạo thí điểm trong lĩnh vực du lịch chưa có trong danh mục giáo dục đào tạo cấp IV hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

unnamed-1727510603.jpg

Đào tạo kiến thức văn hóa chung: như văn học, lịch sử, âm nhạc, hội họa, thể thao, quan hệ giao tiếp xã hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng…giúp cán bộ nhân viên du lịch có khả năng giao tiếp một cách rộng rãi, phục vụ tốt tất cả đối tượng khách.
Đào tạo kiến thức kinh tế: giúp nguồn nhân lực trong ngành du lịch có khả năng phân tích các hoạt động kinh tế và tạo điều kiện để quản lý tốt hoạt động của các doanh nghiệp du lịch.
Đào tạo kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ: giúp nguồn nhân lực có thể đảm nhận là làm tốt các chức năng nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu phát triển ngành du lịch. Ví dụ: nhân viên phục vụ bàn phải nắm vững kỹ năng bày bàn ăn, đưa thức ăn lên, rót rượu…; hướng dẫn viên du lịch phải thực hiện thành thạo kỹ năng thuyết minh, tổ chức trò chơi, hoạt náo…phục vụ du khách.
Đào tạo chính trị tư tưởng: giúp nguồn nhân lực ngành du lịch nhận thức đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, lòng yêu nước, bảo vệ sự tôn nghiêm và danh dự cho quốc gia, đồng thời phải yêu công việc của mình, tinh thần trách nhiệm,
phát huy tính cần cù, sáng tạo…
Đào tạo ngoại ngữ: du lịch quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, do vậy nguồn nhân lực ngành du lịch phải có trình độ ngoại ngữ và giao tiếp phục vụ khách quốc tế, không chỉ tiếng Anh mà những ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thái…3.
Bên cạnh đó, để tạo được đội ngũ nhân lực du lịch "vừa hồng, vừa chuyên” thì nội dung đào tạo cần chú ý rèn luyện cho người học những phẩm chất tốt đẹp, tinh thần phục vụ làm hài lòng du khách…
Bốn là, hình thức đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch
Theo hình thức đào tạo, có đào tạo chính quy và đào tạo không chính quy, đào tạo có chứng chỉ văn bằng và đào tạo không chứng chỉ văn bằng, đào tạo tại trường và đào tạo tại nơi làm việc trên cơ sở công việc đang làm, hình thức liên kết trong đào tạo: liên kết trong nước và liên kết quốc tế…

Hình thức đào tạo chính quy: là hình thức ở đó người học được học tập theo chương trình học có hệ thống theo thứ bậc tuần tự trong hệ thống nhà trường với thời gian học liên tục, thường xuyên. Người học được học từ đơn giản đến phức tạp, từ lý thuyết đến thực hành, có điều kiện nắm vững các kiến thức cơ bản và kỹ năng nghiệp vụ. Hình thức đào tạo này đòi hỏi quy chuẩn về điều kiện trường, lớp, bộ máy quản lý, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị thí nghiệm và dạy học, xưởng thực hành, thư viện, chương trình đào tạo, người học…

Hình thức đào tạo không chính quy: giúp cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, suốt đời nhằm hoàn thiện và mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để thích nghi với thay đổi của công việc và đời sống xã hội.
Đào tạo tại nơi làm việc: là đào tạo trực tiếp, chủ yếu là thực hành ngay trong quá trình sản xuất. Đối với hình thức này, thời gian học tập ngắn, chủ yếu vừa sản xuất vừa học tập, kiến thức lý thuyết không theo hệ thống. Vì vậy, hình thức này chỉ thích hợp với những công việc không đòi hỏi trình độ lành nghề cao. Đào tạo tại các lớp cạnh doanh nghiệp du lịch: việc đào tạo tại doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực du lịch tại môi trường cụ thể, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng nhân lực cho doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tổ chức các lớp đào tạo cho riêng mình hoặc cho doanh nghiệp cùng ngành.
Ngoài ra, còn có hình thức tự học, là hình thức ở đó con người học thông qua các hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm của bản thân và học qua sách báo, các phương tiện truyền thông…
Bên cạnh đó, theo tính chất công việc, còn có thể chia làm các hình thức đào tạo khác như: đào tạo mới khi bắt đầu nhận việc, đào tạo trong khi làm việc, đào tạo cho công việc tương lai…
Hình thức liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, nhất là liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là một cách thức hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Sự liên kết này có hệ thống cơ sở pháp lý và hiệu quả hoạt động thực tiễn.
Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch thường bao gồm những hình thức cơ bản sau: Chương trình thực tập (Internship Program); Tour trải nghiệm nghề nghiệp (Career Tour); Ứng viên tiềm năng (Fresher Program); Lớp liên kết (Linkages Training Course); Ngày hội việc làm (Career Expo); Giảng viên thỉnh giảng (Visiting Lecturer); Tập huấn giảng viên (Lecturer Training Workshop); Hội nghị (Conference); Các học bổng (Scholarships)…

tai-xuong-1-1727510775.png
 

Năm là, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Phương pháp đào tạo là hệ thống những con đường, cách thức, biện pháp của chủ thể đào tạo tác động vào đối tượng nhằm chuyển hóa tri thức thành năng lực, phẩm chất, hiện thực hóa mục tiêu đào tạo. Phương pháp đào tạo bao gồm cả phương pháp giảng dạy của chủ thể đào tạo và phương pháp học tập của đối tượng đào tạo, trong đó phương pháp giảng dạy đóng vai trò quan trọng định hướng cho phương pháp học tập phù hợp từng trình độ nhất định chẳng hạn:
Đối với giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên sử dụng phương pháp kết hợp học lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành, bảo đảm để sau khi tốt nghiệp, người học có khả năng hành nghề.
Phương pháp đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học phải coi trọng việc bồi dưỡng ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng.
Phương pháp đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện bằng cách phối hợp các hình thức học tập trên lớp với tự học, tự nghiên cứu; coi trọng việc phát huy năng lực thực hành, năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề chuyên môn.
Phương pháp đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện chủ yếu bằng tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nhà giáo, nhà khoa học; coi trọng rèn luyện thói quen nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy sáng tạo trong phát hiện, giải quyết những vấn đề chuyên môn. 

Trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, đòi hỏi việc sử dụng linh hoạt các phương pháp, phù hợp với từng đối tượng, vị trí công việc. Trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong sự phối hợp linh hoạt đó, cần chú trọng chủ yếu đến phương pháp kết hợp lý thuyết với thực hành, với tỷ lệ 50 - 50.


1. Nguyễn Văn Lưu, Phát triển nguồn nhân lực yếu tố quyết định sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, NXB Thông tấn,2014, tr.146.

2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật Giáo dục, Nxb Lao động, Hà Nội.

3. Trần Văn Thông (2006), Tổng quan du lịch, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

ThS. PHẠM MAI PHƯƠNG

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/nghien-cuu-ban-chat-cua-viec-dao-tao-nguon-nhan-luc-nganh-du-lich-viet-nam-a8757.html