Kinh doanh xuất bản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử hiện nay

CT&PT - Xuất bản số và kết nối thông minh đang là xu hướng phát triển của ngành xuất bản, các nhà xuất bản truyền thống đang tích cực chuyển đổi sang xuất bản số. Đến nay, nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ tích cực cho xu hướng xuất bản và kinh doanh xuất bản phẩm trực tuyến. Thực hiện kinh doanh trực tuyến các xuất bản phẩm truyền thống, xuất bản phẩm số, quản lý số và xuất bản đa phương thức bằng các nguồn lực hiện có của nhà xuất bản… trên nền tảng thương mại điện tử đã trở thành yêu cầu quan trọng đối với sự phát triển của xuất bản ở Việt Nam.

1. Hiện trạng trạng kinh doanh xuất bản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử của các nhà xuất bản Việt Nam qua kết quả khảo sát

Thương mại điện tử ra đời dựa trên thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là mạng máy tính và internet, bắt đầu định hình nửa đầu thế kỷ XX. Đến nay, thương mại điện tử trở thành một phương tiện giúp các nhà xuất bản đạt được lợi thế cạnh tranh và phát triển. Trên nền tảng thương mại điện tử, nhà xuất bản xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới với môi trường làm việc và phương pháp làm việc. Sự tham gia của nhà xuất bản trên nền tảng thương mại điện tử trở thành cửa sổ tự hiển thị trong môi trường internet. Đây là sự mở rộng hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm truyền thống về thời gian và không gian, thay đổi phương thức kinh doanh nhằm đưa các nhà xuất bản tiếp cận công chúng một cách nhanh chóng.

Bước sang thời đại 4.0, các ngành nghề hướng đến mô hình số hoá từ quản lý dữ liệu đến các hoạt động thương mại, ngành xuất bản thế giới bước vào thời kỳ số hoá, trong khi đó ngành xuất bản Việt Nam chuyển đổi số tương đối chậm chạp. Hiểu một cách đầy đủ, xuất bản số không gồm việc xuất bản các loại hình ấn phẩm điện tử, mà là số hóa trong toàn bộ quá trình xuất bản và quản lý số hoạt động xuất bản. Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông1, chuyển đổi số cần trải qua ba giai đoạn: Một là, số hóa một số hoạt động mang tính kỹ thuật như kế toán, bán hàng, quảng cáo…; hai là, ứng dụng công nghệ AR (Augmented Reality - Công nghệ thực tế ảo tăng cường), trí tuệ nhân tạo AI, Công nghệ IOT (Internet of things - Kết nối vạn vật) và Bigdata (Dữ liệu lớn) để tạo ra sản phẩm mới và ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý; ba là, chuyển đổi hoàn toàn thành nhà xuất bản số.

Từ hiện trạng ngành Xuất bản Việt Nam, chúng ta đang ở giai đoạn thứ nhất chuyển đổi số, đánh dấu sự gia tăng số lượng nhà xuất bản Việt Nam bước đầu số hóa hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, một số nhà xuất bản Việt Nam bước đầu sản xuất sản phẩm số kết hợp kinh doanh số. Hiện nay, Việt Nam có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản, trong đó 48 nhà xuất bản thuộc trung ương và 9 nhà xuất bản địa phương. Theo Báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm 2023, tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm, trong đó: Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 31.208 cuốn (giảm 4,4%) với 460.929.167 bản (giảm 14,6%); Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 4.000 xuất bản phẩm (tăng 19,4%) với ước tính khoảng 36.000.000 bản (tăng 11%). Xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 2.279 xuất bản phẩm (tăng 12%) với 39.249.964 bản (tăng 48%). Tính đến hết năm 2023, có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản và phát hành điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản2. Một số nhà xuất bản dẫn đầu về xuất bản và phát hành điện tử như Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Tài nguyên, Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ… Trong giai đoạn đầu của lộ trình số hoá, kinh doanh số là bước chuyển đổi cơ bản. Từ khảo sát thực tế, hiện nay, hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm tại các nhà xuất bản triển khai dựa trên các nền tảng thương mại điện tử B2C như website sàn thương mại điện tử trực truyến, website kinh doanh xuất bản phẩm trực truyến của doanh nghiệp phát hành và website kinh doanh xuất bản phẩm của nhà xuất bản.

Một là, kinh doanh xuất bản phẩm trên website thương mại điện tử của nhà xuất bản. Đây là mô hình kinh doanh kết nối nhà xuất bản với độc giả một cách trực tiếp, hiệu quả mà không cần có sự tham gia của khâu trung gian (nhà phân phối, bán buôn hoặc môi giới). Mô hình kinh doanh này xuất hiện sớm nhất trên internet, còn được gọi bằng cái tên khác là mô hình bán hàng trực tuyến. Mô thức vận hành kinh doanh khá đơn giản với các website bán lẻ trực tuyến. Ở Việt Nam, các đơn vị phát hành sách đã nhanh chóng thay đổi mô thức kinh doanh, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, với những website bán sách trực tuyến nổi bật như fahasha.com, vinabook.com, buybook.com, phuongnam.com.vn… Tuy nhiên, sự chuyển biến kinh doanh xuất bản phẩm trực tuyến tương đối chậm chạp ở các nhà xuất bản. Theo kết quả khảo sát của tác giả, nhà xuất bản có thể triển khai kinh doanh xuất bản phẩm trực tiếp chỉ đạt 13/57 nhà xuất bản, đạt tỷ lệ 23%. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này do thiếu các điều kiện công nghệ và nguồn lực vận hành. Thông thường, một website kinh doanh xuất bản phẩm trực tuyến có thể hoạt động được phải có đủ các nội dung và công cụ cơ bản thực hiện giao dịch điện tử, chẳng hạn như catalog sản phẩm, giỏ hàng, kết nối thanh toán, giao hàng cùng hệ thống quản trị ổn định. Tuy nhiên, các nhà xuất bản hiện nay đều có website nhưng lại thiếu khuyết tính năng. Hiện trạng website của các nhà xuất bản như sau: (1) nhóm website giới thiệu nhà xuất bản. Nội dung webiste giới thiệu nhà xuất bản, giới thiệu ấn phẩm nhưng không hỗ trợ giỏ hàng, cổng thanh toán trực tuyến, giao hàng và các tính năng thương mại tìm kiếm, giỏ hàng thông minh. (2) nhóm website vận hành chức năng kinh doanh trực tuyến. Một số nhà xuất bản tiên phong như Nhà xuất bản Trẻ (Ybook.com), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (ebook365.com), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (websach.com), Nhà xuất bản Kim Đồng (nxbkimdong.com.vn), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (sachquocgia.com, stbook.vn, sachsuthattphcm.com.vn), Nhà xuất bản Đại học sư phạm (nxbdhsp.edu.vn), Nhà xuất bản Đại học Bách Khoa (nxbbachkhoa.vn)…

Hai là, kinh doanh xuất bản phẩm qua website thương mại điện tử của doanh nghiệp phát hành. So với hình thức tự phân phối bằng nguồn lực của nhà xuất bản, phân phối qua các doanh nghiệp phát hành là hình thức phổ biến đối với các nhà xuất bản hiện nay. Các đơn vị phát hành như công ty cổ phần phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh - Fahasha (fahasha.com), Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Mekong (vinabook.com), Công ty cổ phần văn hoá Phương Nam (nhasachphuongnam.com), Công ty cổ phần sách Việt Nam (savina.com),… cộng tác với nhiều nhà xuất bản trên cả nước. Theo kết quả khảo sát của tác giả tại website fahasha.com, vinabook.com có 10 nhà xuất bản thường xuyên hợp tác phát hành cùng fahasha. Một số nhà xuất bản kết nối thương mại điện tử: Trẻ, Kim Đồng, Phụ nữ, Văn học, Hội nhà văn, Giáo dục, Chính trị quốc gia Sự thật, Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Văn hóa văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Thế giới…

Ba là, kinh doanh bằng cửa hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử là hình thức phát triển mở rộng của mô hình B2C. Đây là hình thức của E-market Place gồm các gian hàng đến từ cá nhân, doanh nghiệp. Sự ra đời của sàn giao dịch điện tử giúp các doanh nghiệp vừa, nhỏ tiết kiệm chi phí xây dựng website, tận dụng được hệ thống thương mại khép kín từ giới thiệu, bán hàng, thanh toán đến vận chuyển, đưa sản phẩm đến người dùng cuối thông qua thao tác đăng ký và chấp nhận điều khoản mở gian hàng. Vì vậy, kinh doanh trực truyến trên sàn điện tử là phương thức đơn giản nhất, tiết kiệm chi phí quản lý, vận hành đối với các nhà xuất bản. Tuy ra đời sau nhưng mô hình sàn thương mại điện tử phát triển nhanh, với cái tên như Tiki, Shopee hay book365.

Book365.vn là sàn thương mại điện tử xuất bản do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức. Book365.vn ra đời nhằm mục tiêu tiếp tục duy trì hoạt động thường niên ngành xuất bản - hội sách quốc gia tổ chức hình thức trực tuyến, kênh giao lưu, kinh doanh của nhà xuất bản. Khảo sát tại website sàn sách trực truyến quốc gia Book365.vn cho thấy, số đơn vị xuất bản tham gia trên sàn giao dịch sách in có 67 đơn vị, trong đó có 26/57 nhà xuất bản (đạt tỷ lệ 45,6%) - 24 nhà xuất bản trung ương, hai nhà xuất bản địa phương (Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh), trên sàn giao dịch sách điện tử với sự tham gia Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông và các đơn vị phát hành sách điện tử Waka, VoiceFM, Fonos. Tiki.vn là sàn giao dịch điện tử kinh doanh đa mặt hàng. Xuất phát điểm là đơn vị kinh doanh sách trực truyến, tiki có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản - phát hành. Tại sàn giao dịch Tiki.vn cho thấý, có 20 đơn vị xuất bản, phát hành mở gian hàng kinh doanh, trong đó chỉ có hai nhà xuất bản mở gian hàng - Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ (2/59 nhà xuất bản, đạt tỷ lệ 3,4%).

Nhìn chung, mô hình kinh doanh xuất bản phẩm trực tuyến ở các nhà xuất bản đang trong giai đoạn chuyển đổi để hoàn thiện các nền tảng giao dịch. Điểm khác biệt giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh điện tử ở chỗ, kinh doanh điện tử cho phép sự triển khai đồng thời các hoạt động từ tiếp thị, bán hàng, phân phối và thanh toán thông qua các phương tiện điện tử, nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiệu quả kinh doanh xuất bản phẩm. Để thực hiện kinh doanh thương mại điện tử, các nhà xuất bản/doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh cần có: Trang Web/Gian hàng thương mại điện tử; sản phẩm truyền thống/sản phẩm số hóa, hệ thống thanh toán an toàn, hệ thống logistics - kho lưu trữ, vận chuyển, phân phối, bộ phận kinh doanh trực tuyến và chăm sóc khách hàng. Ở mức độ phát triển cao hơn, kinh doanh điện tử phải tích hợp hệ thống quản trị số.  

2. Vấn đề đặt ra đối với kinh doanh xuất bản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử

Trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số, xây dựng nền tảng điện tử, các nhà xuất bản Việt Nam gặp phải những vấn đề tương tự như ngành xuất bản các nước. Chúng ta học hỏi giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Ở đây, chúng ta cần thống nhất quan niệm về kinh doanh điện tử, đó là kinh doanh điện tử không chỉ đơn thuần là các giao dịch điện tử diễn ra trên môi trường internet. Kinh doanh điện tử đúng nghĩa là mô hình kinh doanh kết hợp mô hình quản lý với biện pháp công nghệ phù hợp để thúc đẩy thành công quá trình chuyển đổi số. Một số vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển đổi kinh doanh điện tử như: vấn đề cơ sở hạ tầng thông tin và kết nối dữ liệu trong nội bộ nhà xuất bản, vấn đề quản trị sản xuất, bán và lưu thông hàng hoá, vấn đề nghiên cứu và quản trị khách hàng, vấn đề quản trị website kinh doanh trực tuyến.

Thứ nhất, vấn đề cơ sở hạ tầng công nghệ và kết nối dữ liệu trong nội bộ nhà xuất bản. Cơ sở hạ tầng công nghệ là điều kiện công nghệ cần để nhà xuất bản tham gia vào thị trường điện tử bán lẻ và sản xuất, phân phối nội dung số. Bên cạnh đó, yêu cầu về dữ liệu kết nối và thay đổi về chất cách thức quản lý quy trình xuất bản truyền thống cũng là yêu cầu cơ bản. Hiện nay, các nhà xuất bản Việt Nam vẫn theo mô hình tổ chức và quản lý xuất bản truyền thống, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý số đối với các khâu vận hành nhà xuất bản còn xa lạ. Kinh nghiệm của các nhà xuất bản đã chuyển đổi số thành công cho thấy, mô hình kinh doanh điện tử được tổ chức trên cơ sở ứng dụng công nghệ quản lý số.

Thứ hai, vấn đề quản trị sản xuất, bán hàng và lưu thông hàng hóa. Sự gia tăng mức độ chuyên môn hóa và cạnh tranh trong và ngoài ngành đòi hỏi các nhà xuất bản quản trị tốt chuỗi sản xuất trên cơ sở kết hợp các nguồn lực, hoàn thành việc sản xuất và lưu thông, phân phối xuất bản phẩm. Thực tế, quy trình xuất bản bao gồm nhiều công đoạn với đa dạng nguồn lực. Thành phần tham gia chuỗi sản xuất gồm tác giả/đối tác liên kết, đối tác bản quyền; đối tác thiết kế, trình bày minh họa, đối tác hiệu đính, nhà máy in, đơn vị kho bãi, vận tải, đơn vị phát hành bán buôn, các trung tâm và cửa hàng bán lẻ sách, v.v. Việc tổng hợp cơ sở dữ liệu sản xuất giúp người quản lý điều phối tất cả khía cạnh của chuỗi như xây dựng kế hoạch xuất bản, kế hoạch in ấn, kế hoạch phát hành cùng nguồn lực tương ứng.

Yêu cầu quản lý chuỗi sản xuất là việc thiết lập các liên kết trong các công đoạn nói trên, thực hiện phối hợp quản lý, thống nhất tiêu chuẩn chất lượng xuất bản phẩm, rút ​​ngắn thời gian của từng công đoạn, giảm giá thành sản phẩm cuối và nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể.

Thứ ba, vấn đề nghiên cứu và quản trị khách hàng. Khi trọng tâm sản xuất chuyển từ sản phẩm sang khách hàng thì quản trị quan hệ khách hàng là nội dung thiết yếu của kinh doanh. Có thể hiểu một cách đơn giản, người kinh doanh cần phải nghiên cứu để hiểu, nắm bắt được thông tin khách hàng của mình, triển khai các hoạt động tương tác, chăm sóc khách hàng. Với kinh doanh điện tử, mọi sự tương tác và kết nối thông tin thực hiện qua máy tính. Website là cửa sổ hiển thị thông tin nhà xuất bản, thông tin sản phẩm sách, hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ được cung cấp, đồng thời lưu vết thông tin khách hàng, từ đó sử dụng thông tin để phục vụ khách hàng bằng cách tăng cường các dịch vụ theo dõi, cải thiện sự hài lòng của khách hàng, tăng doanh số bán hàng. Chuyển đổi phương thức quan hệ khách hàng là vấn đề khó khăn hiện nay, cần có hỗ trợ của hệ thống quản trị chuyên biệt.       

Thứ tư, vấn đề quản trị website kinh doanh trực tuyến. Website là giao diện giao tiếp, tương tác trực tiếp giữa nhà xuất bản và khách hàng. Website kinh doanh điện tử gồm giao diện hiển thị thông tin trực quan, tiếp cận khách hàng và quản trị website xử lý các vấn đề liên quan yêu cầu khách hàng. Đây là vấn đề đa phần website kinh doanh điện tử của các nhà xuất bản chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, quản trị website kinh doanh cũng đặt ra những vấn đề cốt yếu về quản trị tài nguyên khách hàng, quản lý hàng hoá xuất bản phẩm, quản lý tin tức, quản lý hỗ trợ kỹ thuật, quản lý giao dịch, bảo mật và an toàn thông tin…

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin diễn ra mạnh mẽ đã đưa thế giới bước bước sang thời đại thông tin mới. Một thế giới tương đối phẳng và con người bước ra thế giới chỉ với một cái “nhấp chuột”. Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ 78,6%. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương cho biết, tính đến nay, tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực truyến đạt 88%, số lượng người tiêu dùng trực tuyến đạt 61 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến ước tính đạt 336USD/người3. Rõ ràng, hạ tầng cơ sở và thói quen của người tiêu dùng Việt Nam thị trường rộng cho các nhà xuất bản phát triển kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.


1. Quế Phương: Chuyển đổi số: Lối đi tương lai cho ngành xuất bản, https://baoquocte.vn/chuyen-doi-so-loi-di-tuong-lai-cho-nganh-xuat-ban-143260.html.

2. Cục Xuất bản - In - Phát hành: Báo cáo Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

3. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: Báo cáo thương mại điện tử năm 2023.

TS. TRẦN THỊ MAI DUNG 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/kinh-doanh-xuat-ban-pham-tren-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-hien-nay-a8751.html