1. Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc ta, do yêu cầu tất yếu của quy luật dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sớm ý thức được vị thế và vai trò to lớn của nhân dân, từ đó hình thành nên “tư tưởng dân”, hay là tư tưởng thân dân, cận dân. Minh chứng điển hình nhất về “tư tưởng dân” là việc nhà Trần tổ chức Hội nghị Diên Hồng vào cuối năm 1284, nhằm thống nhất ý chí và tập hợp sức mạnh của toàn dân để bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng của giặc Mông - Nguyên. Có thể nói, “Hội nghị Diên Hồng là một sáng tạo rất độc đáo của nhà Trần, là biểu hiện của ý thức tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của toàn dân... Hội nghị Diên Hồng cũng mang ý nghĩa như một nguyên lý tạo nên sức mạnh dân tộc trước những thử thách của lịch sử... biểu hiện nhân tố cận dân, thân dân”1. Đến triều đại hậu Lê, tư tưởng thân dân được bộc lộ và định hình rõ nét ở Nguyễn Trãi. Ông quan niệm “dân” là nền tảng quan trọng của xã hội, là lực lượng chính bảo vệ đất nước và phát triển xã hội. Ông đặc biệt chú ý đến những tầng lớp thấp bé trong xã hội: “người dân trong thôn cùng xóm vắng”, “dân manh lệ”, “xích tử”, “sinh linh”, “bách tính”2... Tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi là một quan niệm rất tiến bộ, đánh giá đúng đắn vị thế và vai trò của nhân dân trên tất cả các phương diện: về sức mạnh quyết định của dân: “... mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”3; về lực lượng tạo ra của cải cho xã hội: “thường nghĩ những quy mô lộng lẫy đều do sức lao khổ của quân dân”4, và do đó, phải “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”; về mối quan hệ nhân quả, cộng sinh: phải nhận thấy rõ dân gắn liền với nước, yêu nước là thương dân; về trách nhiệm và lòng nhân nghĩa: phải thương dân, trọng dân, chăm lo đời sống của nhân dân: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”5. Như vậy, “Từ vai trò quan trọng của dân đến nhân nghĩa, yêu nước và thương dân, Nguyễn Trãi đã để lại cho hậu thế những tư tưởng lớn, vượt lên trên những khuôn khổ của học thuyết chính trị đạo đức Nho giáo, đạt tới những giá trị văn hóa có tính phổ biến của nhân loại, có ý nghĩa phương pháp luận cho nhiều thế hệ người Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và hạnh phúc, điển hình là tư tưởng thân dân”6.
2. Trên cơ sở “tư tưởng dân” trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển “tư tưởng dân”, nếu nội hàm của “tư tưởng dân” trước đây chỉ đề cập phạm trù “nhân dân” (tức là thân dân, cận dân), thì “tư tưởng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng ra hai phạm trù “nhân dân” (thân dân, cận dân) và phạm trù “dân tộc” (hội tụ và nhân lên sức mạnh của nhân dân).
Tư tưởng thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đậm tinh thần dân chủ. Sinh thời, Người coi: “Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Nói cách khác, tức là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc””7. Hồ Chí Minh cho rằng “nước lấy dân làm gốc”8, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”9. Để tư tưởng thân dân hoàn thiện hơn và phát huy được tối đa sức mạnh thì vị thế của người dân phải gắn liền với nơi hội tụ của nó, tức là dân tộc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ thân dân, tức là nhân dân được hưởng quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình. Quyền lợi của nhân dân theo nghĩa rộng như Người đề cập là: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”10. Nhiệm vụ của Nhà nước là phải: “1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”11. Đây là quan điểm rất nhân văn, rất hiện đại trong “tư tưởng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tư tưởng dân” là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện rõ nét trong Di chúc của Người. Mở đầu bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập quá trình phấn đấu của mình: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”12. Người đề nghị: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”13. Người yêu cầu, sau khi cách mạng thắng lợi, Đảng, Nhà nước và Nhân dân phải bắt tay ngay vào việc xây dựng đất nước, phục hồi sự phát triển của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải quan tâm tỉ mỉ, sát sao và có những việc làm cụ thể, những chính sách phù hợp với tất cả các tầng lớp nhân dân: đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu cho cách mạng (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...); đối với các liệt sĩ; đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ); đối với những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong; đối với phụ nữ; đối với đồng bào nông dân; thậm chí là đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ14. Bởi vậy, với vai trò là lực lượng cầm quyền, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”15.
Tiếp cận dưới góc độ dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân phải được sống trong một đất nước thống nhất, dân chủ, giàu mạnh; do đó, phải quyết tâm làm cho đất nước, dân tộc được “xây dựng hơn mười ngày nay”16. Tuy nhiên, theo Người, “công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”17. Bởi vậy, điều tất yếu là phải dựa vào dân, chỉ có dựa vào lực lượng vĩ đại của dân cách mạng mới thành công. “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”18. Song, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ở đây không nên chỉ bó hẹp trong quốc gia, mà dân tộc muốn có vị thế chân chính thì phải gắn với cộng đồng quốc tế. Bởi vậy, dự định của Người là sau khi nước nhà thống nhất, Người sẽ trước hết “đi khắp hai miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng”, kế theo đó, sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu...”19.
Như vậy, một lần nữa, thông qua Di chúc, “tư tưởng dân” (nhân dân và dân tộc) đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức và trở thành lý tưởng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Suốt cuộc đời, Người luôn tâm niệm phấn đấu hết mình cho hạnh phúc của nhân dân và sự trường tồn của dân tộc.
3. Tư tưởng dân theo tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được luật hóa trong các bản hiến pháp của nước Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân... Do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Điều này được quy định thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp năm 2013.
“Tư tưởng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng ta. Qua các kỳ đại hội Đảng, tư tưởng này được bổ sung và ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với việc bổ sung hai thành tố “dân giám sát, dân thụ hưởng”, tư tưởng dân đã có bước phát triển mới về chất, hệ thống hơn, hoàn thiện hơn, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế của thời đại. Văn kiện chỉ rõ: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân””20.
“Tư tưởng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới góc độ dân tộc cũng được Đảng ta vận dụng, cụ thể hóa trong thực tiễn. Sinh thời, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với Việt Nam, vị thế dân tộc và lợi ích quốc gia - dân tộc là quan trọng, thiêng liêng, được biểu hiện ở độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Quán triệt và nhất quán “tư tưởng dân” (dưới góc độ dân tộc) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), Đảng ta đã khẳng định rõ mục tiêu đối ngoại là vì lợi ích quốc gia - dân tộc21. Đặc biệt, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định nguyên tắc “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”, trở thành quan điểm chỉ đạo cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước ta. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, nhất là khi các quốc gia trên thế giới đều xuất phát từ lợi ích dân tộc để giải quyết các mối quan hệ và mọi vấn đề đang diễn ra, thì việc Đảng ta đưa ra quan điểm chỉ đạo trên là rất hợp lý, kịp thời. Do đó, hơn lúc nào hết, quán triệt và thấm nhuần “tư tưởng dân” (lợi ích dân tộc) của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các hoạt động đối ngoại là cơ sở quan trọng để bảo đảm tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
1. Xem Hội nghị Diên Hồng - Sức mạnh của sự đồng thuận, Tạp chí Dân vận, số 4/2017.
2, 6. Xem Cao Phan Giang: Từ tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi đến tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh, https://giaoduclyluanhcma.vn/Default.as px?portalid=33&tabid=19&distid=3481&name=Tu-tu-tuong-than-dan-cua-Nguyen-Trai-den-tu-tuong-dan-chu-cua-Ho-Chi-Minh.
3. Viện Sử học: Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr. 85.
4. Viện Sử học: Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr. 196.
5. Xem Nguyễn Trãi: Bình Ngô đại cáo.
7, 8, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 10, tr. 377; t. 5, tr. 501; t. 7, tr. 434.
10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64, 175.
12, 13, 16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 623.
14, 15, 19. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 616-617, 622, 621.
17, 18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 617.
20, 21. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 96-97, 110.
TS. PHẠM THỊ VUI
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tu-tuong-dan-trong-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-a8750.html