1. Đặt vấn đề
Chuyển dịch năng lượng và kinh tế xanh là hai khái niệm có mối liên hệ chặt chẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững. Chuyển dịch năng lượng đề cập đến quá trình chuyển đổi từ sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch hơn. Kinh tế xanh là mô hình kinh tế nhấn mạnh vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự công bằng xã hội. Chuyển dịch năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn cung năng lượng sạch và bền vững cho kinh tế xanh. Sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió và thủy điện không chỉ giúp giảm thiểu phát thải carbon, mà còn tạo ra cơ hội mới cho các ngành công nghiệp sạch, tăng cường sự phát triển của kinh tế xanh.
Hiện nay, chuyển dịch năng lượng là một xu hướng toàn cầu, hứa hẹn mang lại công bằng xã hội và nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (Ví dụ: Thông qua điện khí hóa ngành giao thông vận tải và dần xóa bỏ các nhà máy nhiệt điện than). Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, ngừng đầu tư sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai điện sạch và loại bỏ điện than vào những năm 2040. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, khi vừa thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, vừa bảo đảm đạt mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế.
2. Một số vấn đề về chuyển dịch năng lượng
Chuyển dịch năng lượng (Energy transition) là sự chuyển dịch các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch, năng lượng hạt nhân... sang các dạng năng lượng sạch và giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Chuyển dịch năng lượng không chỉ đề cập đến tác động môi trường, mà còn là những thay đổi về kinh tế - xã hội cần thiết nhằm thúc đẩy sự dịch chuyển năng lượng trên phạm vi toàn cầu, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Quá trình chuyển dịch năng lượng đã làm nảy sinh khái niệm “Chuyển dịch năng lượng công bằng” (Just Energy Transition). Đây là một khái niệm đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, nhằm bảo đảm quá trình chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững diễn ra một cách công bằng. Chuyển dịch năng lượng công bằng đặt sự chú trọng vào việc bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan trong quá trình này, bao gồm cả người lao động, cộng đồng địa phương và các nhóm dân tộc thiểu số. Không chỉ tập trung vào việc giảm lượng khí thải và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng công bằng còn nhấn mạnh vai trò của công bằng xã hội và kinh tế trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi này. Mục tiêu của chuyển dịch năng lượng công bằng là bảo đảm mọi người có quyền tiếp cận năng lượng sạch, giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng và môi trường, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm và phát triển kinh tế cho tất cả các nhóm dân số, đặc biệt là cho các cộng đồng bị tác động bởi quá trình chuyển dịch.
Kinh tế xanh (green economy) đề cập đến một hệ thống kinh tế được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Theo Liên hợp quốc, nền kinh tế xanh là “nền kinh tế ít carbon, tiết kiệm tài nguyên và hòa nhập xã hội. Trong nền kinh tế xanh, tăng trưởng việc làm và thu nhập được thúc đẩy bởi đầu tư công và tư nhân vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng, tài sản cho phép giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên cũng như ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái”. Trong nền kinh tế xanh, sản xuất và tiêu dùng các hàng hóa và dịch vụ không chỉ tập trung vào lợi nhuận kinh tế, mà còn phải xem xét các tác động đến môi trường và xã hội. Mục tiêu chính của kinh tế xanh là tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững và cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội. Như vậy, kinh tế xanh có thể được hiểu là việc phát triển kinh tế bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi của tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên.
3. Thực trạng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển năng lượng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới1. Đồng thời, nhấn mạnh quan điểm của Đảng trong định hướng phát triển các nguồn năng lượng thời kỳ tới: Phát triển mạnh nguồn năng lượng hợp lý, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng2.
Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm định hướng dài hạn chiến lược an ninh năng lượng nói chung, sự phát triển bền vững, ổn định của ngành năng lượng Việt Nam nói riêng. Nghị quyết số 55-NQ/TW định hình một giai đoạn phát triển mới, toàn diện của ngành năng lượng Việt Nam, từ khâu cung ứng, truyền tải và phân phối, đến tiêu dùng năng lượng, trong đó, tiêu dùng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hay nói cách khác việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước. Trong thời gian qua, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có đề cập đến các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo... Ngày 05/7/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2023/QĐ-BCT phê duyệt “Chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” và nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện.
Phát triển năng lượng tái tạo
Hiện nay, năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới, khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng, buộc các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước, do lợi ích to lớn trong việc tận dụng tối đa nguồn thiên nhiên vô tận (như gió, mặt trời…), cũng như góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hây gây ra. Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng việc đốt nhiên liệu trong ngành sản xuất năng lượng (điện than) của Việt Nam đã chiếm tới 31,1% tổng phát thải khí nhà kính năm 2020, và dự kiến sẽ tăng lên đến 51% tổng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Theo báo cáo của ngành Điện, tính đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 80.555MW, tăng 2.800MW so với năm 2022. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664MW, chiếm tỷ trọng 26,9%, thủy điện là 22.872 MW chiếm tỷ trọng 28,4%, nhiệt than là 26.757MW, chiếm tỷ trọng 33,2%, nhiệt điện ký 7.160 MW, chiếm tỷ trọng 8,9%.
Hình 1: Cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống theo loại hình nguồn điện năm 2022 và năm 2023
Đơn vị tính: (%)
Nguồn: Theo http://www.nangluongvietnam.vn.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Sự phát triển này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Có thể nói, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Về năng lượng mặt trời, với vị trí địa lý nằm ở khu vực cận xích đạo, với bức xạ mặt trời cao, số giờ nắng dao động từ 1.600 - 2.600 giờ/năm, đặc biệt là khu vực phía Nam, Việt Nam có thể tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời. Tiềm năng điện mặt trời tốt nhất tập trung ở các vùng từ Thừa Thiên Huế trở vào miền Nam (bức xạ dao động từ 4,0 - 5,9 kWh/m2/ngày). Mặc dù, Việt Nam đã bổ sung 16.000 MW năng lượng mặt trời kể từ năm 2019, Quy hoạch phát triển điện 8 (PDP8), song dự báo rằng không phải điện mặt trời, mà là năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Về năng lượng gió, Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn cho việc khai triển điện gió thương mại. Công suất điện gió của Việt Nam đã tăng gấp 10 lần, từ mức dưới 300 MW vào năm 2018 lên 4.000 MW vào năm 2022. Chỉ tính riêng năm 2021, đã có khoảng 75 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, một trong những rào cản của việc phát triển năng lượng điện gió và năng lượng mặt trời là tích hợp lưới điện. Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang làm quá tải lưới điện. Số lượng các dự án mới đi vào vận hành kể từ năm 2020 đã vượt xa khả năng tiếp nhận của lưới điện, đặc biệt là ở các tỉnh tập trung lượng lớn năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Nâng cao hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp tính theo MJ/USD theo giá cơ sở 2015 cho năm 2019 của Việt Nam đạt khoảng 5,94, thấp hơn so với Trung Quốc (6,69), song lại cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN (Malaysia: 4,68; Indonesia: 3,53; Philippines: 3,12), và cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế hiện đại. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam chưa đạt hiệu quả năng lượng so với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới. Theo nhiều đánh giá của chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu uy tín quốc tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí trong khâu sử dụng năng lượng trên tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến hộ gia đình.
Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 - 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% vào năm 2010 và tăng lên xấp xỉ 70% vào năm 2014. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10%, đặc biệt là thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng... của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%; tiềm năng tiết kiệm năng lượng khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ cũng không hề nhỏ.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Như vậy, kể từ khi kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2006 - 2015), sau 4 năm, Việt Nam đã có kế hoạch tổng thể về sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, cũng như bảo tồn tài nguyên năng lượng. Chương trình quốc gia đặt đặt trọng tâm vào việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Mục tiêu thứ nhất của Chương trình quốc gia là tiết kiệm từ 8 - 10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Mục tiêu này được phân kỳ thành hai giai đoạn: Giai đoạn 2019 - 2025, tiết kiệm từ 5 - 7% tổng năng lượng cho phát triển đất nước; Giai đoạn 2026 - 2030, tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Với mục tiêu này, nếu hoàn thành, chúng ta có thể tiết kiệm đươc khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với tổng lượng năng lượng sơ cấp đã tiêu thụ của cả nước vào năm 2014. Mục tiêu thứ hai là thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm. Đây là mục tiêu hướng tới xây dựng con người, xã hội Việt Nam có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau thông qua việc thay đổi nhận thức, tư duy, hành vi, hình thành thói quen của người Việt Nam về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nói cách khác, với mục tiêu này, Chương trình quốc gia định hướng lối sống văn minh, hiện đại, trách nhiệm và có văn hóa về sử dụng năng lượng, bảo tồn tài nguyên năng lượng.
Giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch
Nguồn nhiên liệu hóa thạch không được phân bố đồng đều trên Trái Đất, từ đó dẫn tới sự bất bình đẳng đối với các quốc gia nghèo tài nguyên trong việc tiếp cận nguồn nhiên liệu phục vụ cho phát triển. Việc phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các vấn đề về kinh tế - xã hội ở trong nước. Tại Việt Nam, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác nguồn nhiên liệu như hiện nay, sản lượng dầu mỏ chỉ còn khoảng 34 năm, khí thiên nhiên còn 63 năm và than đá là khoảng 4 năm. Hơn nữa, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến tự nhiên, sức khỏe con người và hủy hoại môi trường.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, kiềm chế tăng nhiệt toàn cầu, bảo đảm phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã đi theo hướng sử dụng nhiên liệu tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Tiêu biểu như: Trung Quốc giảm điện than và nhiên liệu hóa thạch với cam kết giảm CO2/đơn vị GDP hơn 65% so với mức năm 2005, nâng sản lượng điện sạch, tỷ trọng nhiên liệu phi hóa thạch lên 25% vào năm 2030. Hoa Kỳ cũng giảm phát thải CO2 nhờ giảm điện than và tăng điện khí, trong đó, cam kết giảm CO2/đơn vị GDP ít nhất 50% so với mức năm 2005, thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch và điện khí hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải vào năm 2030. Phát triển kinh tế và phát thải CO2 của các loại nhiên liệu tại Việt Nam có thay đổi rõ rệt theo từng giai đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn 1990 - 2020, năng lượng hóa thạch đóng vai trò bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 1990, than và dầu chiếm 95% (20 triệu tấn CO2tđ) tổng lượng phát thải của các loại nhiên liệu. Năm 2020, than và dầu chỉ còn chiếm 73% nhưng đã tăng gấp hơn 9 lần (185 triệu tấn CO2tđ).
Sản xuất điện của Việt Nam phụ thuộc vào ba nguồn chính là thủy điện, khí tự nhiên và than. Tuy nhiên, dư địa để phát triển thủy điện không lớn, do đó, điện khí và điện than được tập trung phát triển. Điện khí phát triển mạnh từ năm 1999 - 2014, với đỉnh điểm gấp 3 lần điện than vào năm 2010. Tuy nhiên, từ các bản quy hoạch điện VI (năm 2007), quy hoạch điện VII (năm 2011) và quy hoạch điện VII hiệu chỉnh (năm 2016) đã lựa chọn điện than làm trụ cột. Từ năm 2015, sản lượng than đã vượt qua sản lượng khí, tăng trung bình 13%/năm. Theo quy hoạch điện VIII (tháng 7/2023), năng lượng tái tạo và điện khí sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất, thay thế các loại năng lượng hóa thạch khác. Dự kiến, tỷ trọng than sẽ giảm còn 26% vào năm 2030, và giảm còn 10% vào năm 2045; tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 5% lên 22% vào năm 2030, và tăng lên 52% vào năm 2045; tỷ trọng điện khí sẽ tăng lên 22% vào năm 2030, và giảm xuống 19% vào năm 2045. Cũng theo quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu công suất năng lượng gió đạt 23.900 MW, nhu cầu nhập khẩu 14 - 18 tỷ m3/năm.
Hiện nay, năng lượng tái tạo biến đổi như năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon và định hình lại ngành điện. Điện khí đóng vai trò là nguồn năng lượng trung gian, hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng sạch và có xu hướng tăng trưởng trong tương lai.
Việc chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ thay đổi mọi khía cạnh của xã hội và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, ngành nghề mới, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào từ mặt trời và gió biển, Việt Nam có thể triển khai các dự án điện mặt trời và điện gió quy mô lớn, cung cấp nguồn điện sạch và ổn định. Bên cạnh đó, ngành năng lượng tái tạo còn mang lại môi trường làm việc an toàn, loại trừ các yếu tố độc hại thường thấy trong ngành điện than. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không tránh khỏi các thách thức lớn, bao gồm sự phụ thuộc vào năng lượng truyền thống như than đá và dầu mỏ, cùng với khó khăn về hạ tầng truyền tải và phân phối điện. Việc đầu tư lớn và thời gian triển khai dài hạn là cần thiết, cùng với chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển năng lượng xanh. Bảo đảm công bằng và bền vững trong việc tiếp cận năng lượng xanh cho cả cộng đồng nông thôn và thành thị cũng là một thách thức cần được giải quyết. Như vậy, mặc dù có nhiều cơ hội và tiềm năng, quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam cũng đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực từ tất cả các bên liên quan để đạt được mục tiêu hài hòa lợi ích.
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 208, 250.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
2. Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Quyết định số 280/QĐ-TTg, ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
4. Miranda A Schreurs and Julia Balanowski: Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng đảm bảo công bằng xã hội và kinh tế tại châu Á, Viện Friedrich Ebert Việt Nam, 2017.
5. Green ID: Báo cáo nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam.
6. Cục Điều tiết điện lực, http://www.erav.vn.
7. Tạp chí năng lượng Việt Nam, http://nangluongvietnam.vn/.
8. “Renewable Energy Market Update: Outlook for 2023 and 2024” (Tạm dịch: Báo cáo cập nhật thị trường năng lượng tái tạo: Triển vọng năm 2023 và năm 2024), IEA, tháng 6/2023, https://iea.blob.core.windows.net/assets/63c14514-6833-4cd8-ac53f9918c2e4cd9/RenewableEnergyMarketUpdate_June2023.pdf.
ThS. PHÓ THANH HƯƠNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-van-de-chuyen-dich-nang-luong-tai-viet-nam-a8741.html