Tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên thông qua hoạt động xã hội của các trường đại học công lập ở thành phố Hà Nội hiện nay

CT&PT - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và những biến động phức tạp của xã hội hiện nay, việc trang bị cho thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên bản lĩnh chính trị để đối diện với những cơ hội, thách thức là vô cùng quan trọng. Giáo dục bản lĩnh chính trị có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó giáo dục thông qua hoạt động xã hội là cách hiệu quả giúp “mềm hóa” nội dung giáo dục. Khi tham gia hoạt động xã hội, sinh viên không chỉ được rèn luyện những kỹ năng kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và làm việc nhóm mà còn được tăng cường trải nghiệm thực tế, từ đó phát triển bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng thời giúp họ nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

1. Vai trò của hoạt động xã hội trong việc giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên

Bản lĩnh chính trị của sinh viên các trường đại học công lập là sự vững vàng trong quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị và hành động thực tế của họ khi đối mặt với những thử thách, khó khăn và áp lực từ môi trường chính trị, xã hội. Bản lĩnh chính trị của sinh viên thể hiện ở niềm tin chính trị, lý tưởng chính trị và hành vi chính trị. Sinh viên có bản lĩnh chính trị thể hiện sự kiên định trong việc bảo vệ và thực hiện các nguyên tắc, giá trị mà họ tin tưởng, đồng thời có khả năng phân tích, phán đoán, đưa ra quyết định sáng suốt, đồng thời hiện thực hóa quyết định đó và dẫn dắt người khác thực hiện quyết định đó trong thực tiễn.

Trong bối cảnh hiện nay, với những biến động không ngừng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với một lượng lớn thông tin. Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng chính xác và khách quan. Chính vì vậy, bản lĩnh chính trị là ‘tấm khiên” vững chắc cho sinh viên trong thời đại số giúp sinh viên có khả năng phân tích, phán đoán, tự đề kháng và miễn dịch trước những thông tin sai trái, xuyên tạc, thù địch, tự mình đưa ra được các quyết định sáng suốt và dẫn dắt người khác theo con đường đúng đắn.

Sinh viên là một trong những lực lượng nòng cốt quyết định tương lai và vận mệnh của đất nước sau này. Giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên vì thế là trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Để đạt được hiệu quả tốt, giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên cần đa dạng hóa và kết hợp các hình thức giáo dục: thông qua chương trình đào tạo chính khoá; thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và qua các hoạt động xã hội. 

Giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên thông qua các hoạt động xã hội có ưu thế đặc biệt bởi sự đa dạng và hấp dẫn của các hoạt động. Thông qua các dự án tình nguyện, các câu lạc bộ chuyên đề, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đến các chuyến đi thực tế, sinh viên không chỉ được rèn luyện kỹ năng mà còn trực tiếp đối mặt và xử lý các vấn đề xã hội. Thay vì ngồi trong những giờ học lý thuyết khô khan, sinh viên được tham gia vào những hoạt động thực tế, được tự do sáng tạo và thể hiện bản thân. Điều này không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng trong quá trình học tập mà còn tạo ra một động lực mạnh mẽ để sinh viên khám phá và tìm hiểu về thế giới xung quanh. Hơn nữa, việc kết hợp lý thuyết với thực tiễn sẽ giúp “mềm hóa” nội dung giáo dục, tránh sự khô khan, cứng nhắc, tạo điều kiện để sinh viên chủ động khám phá và xây dựng những quan điểm riêng của mình. Qua các hoạt động xã hội, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo… Việc tham gia các hoạt động xã hội giúp sinh viên nhận thức rõ hơn về vai trò của mình đối với cộng đồng và xã hội. Giáo dục thông qua các hoạt động xã hội như một chất xúc tác quan trọng giúp sinh viên không ngừng hoàn thiện bản thân, đặc biệt là giáo dục bản lĩnh chính trị. Đây là hình thức giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên, cụ thể là:

Thứ nhất, phát triển ý thức trách nhiệm công dân với các vấn đề xã hội

Thông qua các hoạt động xã hội, sinh viên hiểu rõ hơn về trách nhiệm công dân của mình, bao gồm việc tham gia vào các vấn đề xã hội, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Sinh viên có ý thức trách nhiệm xã hội cao sẽ có xu hướng tìm hiểu sâu về các vấn đề xã hội, từ đó hình thành những quan điểm chính trị rõ ràng và khách quan. Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động xã hội góp phần xây dựng tinh thần công dân, từ đó tạo ra một môi trường học tập và sinh hoạt tích cực giúp sinh viên hướng tới những lý tưởng cao đẹp, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thúc đẩy họ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Mặt khác, đối mặt với các vấn đề xã hội trong quá trình tham gia hoạt động, sinh viên sẽ rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp thông tin, đưa ra giải pháp, những kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề.

Thứ hai, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo và quản lý, bản lĩnh đối mặt với các thách thức và tình huống khó khăn

Việc tham gia các hoạt động xã hội trong giáo dục bản lĩnh chính trị giúp sinh viên phát triển toàn diện các kỹ năng lãnh đạo và quản lý, cũng như nâng cao khả năng đối mặt với các thách thức và tình huống khó khăn. Mặt khác, tham gia vào các dự án cộng đồng và hoạt động xã hội, sinh viên không chỉ có cơ hội đảm nhận các vị trí lãnh đạo mà còn học cách tổ chức, quản lý nguồn lực hiệu quả; rèn luyện kỹ năng điều hành nhóm. Hơn nữa, việc tham gia vào các hoạt động xã hội thường gắn liền với việc phải đối mặt với các khó khăn và áp lực thực tế. Qua việc đối mặt với những tình huống khó khăn giúp sinh viên rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, từ đó hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng. Họ học cách nhìn nhận và phân tích các vấn đề xã hội một cách sâu sắc, đồng thời phát triển sự nhạy bén trong việc đưa ra quyết định chính trị và xã hội. Nhờ đó, sinh viên rèn luyện được kỹ năng lãnh đạo và quản lý, có bản lĩnh sẵn sàng đối mặt với các thách thức trong tương lai.

Thứ ba, tăng cường hiểu biết về chính trị và xã hội, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc

Để tăng cường hiểu biết về chính trị và xã hội, đồng thời nuôi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng như tổ chức chương trình từ thiện, chiến dịch bảo vệ môi trường hay các dự án hỗ trợ cộng đồng không chỉ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mà còn là cơ hội tuyệt vời để họ chủ động tìm hiểu về các vấn đề xã hội, từ đó nâng cao hiểu biết về chính trị và xã hội, đồng thời nuôi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Những hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng không chỉ giúp sinh viên nhận ra giá trị của sự sẻ chia mà còn khơi dậy trong họ lòng yêu nước sâu sắc. Bên cạnh đó, những trải nghiệm thực tế này giúp sinh viên phát triển sự nhạy bén chính trị và hiểu biết sâu rộng về các vấn đề xã hội, từ đó hình thành quan điểm và thái độ đúng đắn đối với các vấn đề chính trị. Những giá trị này không chỉ nâng cao bản lĩnh chính trị của sinh viên mà còn giúp họ hình thành một lòng yêu nước vững chắc, sẵn sàng hành động vì lợi ích chung của quốc gia và cộng đồng.

Thứ tư, hình thành tư duy độc lập và khả năng tự định hướng cho sinh viên

Việc sử dụng các hoạt động xã hội trong giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên không chỉ có tác động tích cực đến việc hình thành tư tưởng độc lập mà còn nâng cao khả năng tự định hướng của họ. Trải nghiệm thực tế từ các hoạt động xã hội giúp sinh viên xây dựng hệ thống giá trị riêng, từ đó tự tin đưa ra quyết định và hoạch định tương lai. Những kỹ năng và phẩm chất được rèn luyện qua các hoạt động này giúp sinh viên có cái nhìn rõ ràng hơn về con đường học tập và sự nghiệp của mình. Nhờ đó, sinh viên không chỉ trở thành những công dân có trách nhiệm mà còn là những cá nhân độc lập trong tư duy, sẵn sàng đối mặt với những thử thách và xây dựng một tương lai bền vững.

Thứ năm, tăng cường tinh thần đoàn kết và gắn bó cộng đồng

Tham gia vào các dự án xã hội, sinh viên không chỉ đơn thuần là đóng góp sức lực cho cộng đồng mà còn là cơ hội để họ rèn luyện và phát triển bản thân một cách toàn diện. Trong môi trường làm việc nhóm, sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau là yếu tố thiết yếu để đạt được mục tiêu chung. Qua đó, sinh viên học được cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác, chia sẻ khó khăn và cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu. Những trải nghiệm này không chỉ giúp họ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm mà còn giúp họ hình thành tinh thần trách nhiệm, sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề. Những kỹ năng và kinh nghiệm được tích lũy từ các hoạt động xã hội không chỉ hữu ích trong cuộc sống hiện tại mà còn là hành trang quý báu cho tương lai. Khi ra trường, những sinh viên đã từng tham gia các hoạt động xã hội sẽ dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc, có khả năng làm việc nhóm hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng. Những trải nghiệm này không chỉ làm phong phú thêm kỹ năng cá nhân mà còn củng cố tinh thần đoàn kết và sự gắn bó với cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội hòa đồng và bền vững.

2. Các hoạt động xã hội được triển khai trong các trường đại học công lập Hà Nội nhằm tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên

Trong thời gian qua tại các trường đại học công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã triển khai tích cực có hiệu quả các hoạt động giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng cho sinh viên thông qua các chương trình, hội nghị, hội thảo khoa học, học tập chuyên đề, các phong trào do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức,… Việc thực hiện Công tác Đoàn và phong trào thanh niên của các Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường, Trung ương Đoàn, Thành Đoàn Hà Nội và sự quan tâm giúp đỡ của các đơn vị trong nhà trường. Đây được đánh giá là một trong những yếu tố thuận lợi mang tính quyết định đến công tác giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng mục tiêu và hình thành lý tưởng chính trị của đất nước vững vàng cho thế hệ sinh viên.

Các nhà trường đại học công lập khá linh hoạt, uyển chuyển trong việc lựa chọn nội dung giáo dục bản lĩnh chính trị để lồng ghép vào các hoạt động xã hội, theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chủ yếu là định hướng, dẫn dắt chứ không gượng ép nên sinh viên tiếp nhận các nội dung giáo dục bản lĩnh chính trị một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và chuyển hoá thành những tình cảm, hành vi một cách chủ động, tích cực. Thông qua các hoạt động xã hội, sinh viên được củng cố thêm niềm tin, lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, yêu Đảng, yêu Đoàn, có cơ hội thể hiện, khẳng định bản thân, đặt mục tiêu và động cơ phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các hoạt động xã hội được các trường đại học công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức thông dưới nhiều hình thức đa dạng: hoạt động vì cộng đồng; hoạt động văn hóa, văn nghệ; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…

Hoạt động vì cộng đồng

Đây là những hoạt động được tổ chức với mục đích hướng đến việc giúp đỡ các hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn; góp phần đóng góp cho sự phát triển của địa phương và tích cực phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Điều này được thể hiện qua các chương trình, hoạt động tình nguyện như xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho trẻ em nghèo, hiến máu nhân đạo, dọn dẹp môi trường… Nhiều câu lạc bộ tình nguyện, xung kích được thành lập trong các nhà trường, hoạt động thường xuyên với nhiều chương trình có ý nghĩa như Đội máu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ khi thành lập đến nay đã tổ chức 8 chương trình Hiến máu theo đề nghị của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương với tổng số là hơn 2800 đơn vị máu và vinh dự nhận giải thưởng Giọt Hồng năm 2021. Học viện cũng thường xuyên tổ chức các chương trình tình nguyện hằng năm mang tên “Mùa hè xanh”; chương trình “Đông ấm” đến với đồng bào và trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Từ năm 2020 đến nay, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phát động nhiều hoạt động nổi bật như: chương trình “Trường Sa xanh”, mô hình “Tiết kiệm vì biển đảo” và kêu gọi ủng hộ Quỹ Vì Trường sa thân yêu; Dự án “Chia sẻ yêu thương” với mục đích phát động các chương trình từ thiện, phát quà cho trẻ em khó khăn và gia đình chính sách. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng đã tổ chức các hoạt động thường niên như tình nguyện hè “Mùa hè xanh”, các chương trình quyên góp, ủng hộ cho bà con ở các miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo,... Bên cạnh những hoạt động tình nguyện thường niên, công tác Đoàn - Hội tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức các chương trình thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của sinh viên như: Chương trình “Tiếng Anh tình nguyện”; “Hướng về biển đảo”; “Tủ sách cho em”…

Hoạt động văn hóa, văn nghệ

Bên cạnh các hoạt động xã hội vì cộng đồng, các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng chú trọng xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm thúc đẩy sự khám phá và phát triển năng khiếu nghệ thuật, tính sáng tạo của sinh viên đồng thời góp phần vào công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tại các trường đại học, hoạt động này đã được xây dựng thông qua các buổi biểu diễn văn nghệ, các chương trình đón chào tân sinh viên, tham gia các cuộc thi hội họa, tham quan các di tích lịch sử… Các chương trình chào đón Tân sinh viên hằng năm Welcome to AJC (Đoàn Thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền), các chương trình của các khoa như Revolution (Khoa Xây dựng Đảng), FPS (Khoa Chính trị học), IJC Festival (Viện Báo chí - Truyền thông)… Đoàn Thanh niên trường Đại học Kinh tế quốc dân với chương trình NEU Youth Festival, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với HNUE on air, Dance storm;… thu hút được đông đảo sự quan tâm và tham gia của sinh viên trong và ngoài nhà trường.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Các trường đại học công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với mục tiêu định hướng cho sinh viên những ngành/nghề thích hợp khi ra trường, giúp sinh viên khám phá bản thân, tìm hiểu về các lĩnh vực đời sống xã hội nhằm hạn chế tối đa trường hợp sinh viên thiếu định hướng, tình trạng thất nghiệp. Điều này được thể hiện thông qua các hoạt động trại hè, chương trình thực tập, tham quan các doanh nghiệp, tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm về tư vấn định hướng nghề nghiệp, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, giữa khóa, cuối khóa,… giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia, doanh nhân từ đó trang bị cho sinh viên có cái nhìn đa chiều về các ngành, nghề, lĩnh vực xã hội. Có thể kể đến các hoạt động thực tế chính trị - xã hội được đan xen vào các chương trình học chính khóa; tổ chức Ngày hội AJC OPEN DAY - Ngày hội Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm cho học sinh và sinh viên; buổi tọa đàm “Những câu chuyện nghề”… của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp - NEU OPEN DAY;… Bên cạnh những hoạt động hướng nghiệp, các trường đại học công lập cũng tăng cường hoạt động trải nghiệm cho sinh viên. Ví dụ như trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức chương trình Kết nối và đồng hành với chủ đề “Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học khoa học tự nhiên”, hay trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức cho sinh viên trải nghiệm các chương trình về nguồn, đến với địa danh lịch sử như Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình Hà Nội; chuỗi hành trình “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”; thăm quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội; “Hành trình Thanh niên làm theo lời Bác” cho sinh viên, cán bộ Đoàn - Hội tiêu biểu tham quan, tìm hiểu, học tập tại các khu di tích, lịch sử tại Cao Bằng. 

Thông qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, thể hiện và khẳng định năng lực, bản lĩnh và sự cống hiến khi tham gia các hoạt động xã hội, nhiều sinh viên trưởng thành và được vinh dự trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo số liệu “Báo cáo sơ kết công tác Xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024” của Đảng ủy Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tính từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện nay, tổng số đảng viên là sinh viên của Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền là 351 đảng viên; trong đó, mỗi năm Đảng bộ kết nạp hơn 200 đảng viên mới. Công tác phát triển đảng viên của một số đảng bộ nhà trường đại học công lập khác cũng được quan tâm: Đảng bộ trường Đại học Sư phạm Hà Nội mỗi năm kết nạp 120 - 150 đảng viên, Đảng bộ trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng kết nạp 100 - 120 đảng viên mới mỗi năm.

3. Tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên thông qua hoạt động xã hội trong các trường đại học công lập ở thành phố Hà Nội thời gian tới

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các Đảng ủy, Ban Giám hiệu các nhà trường về tầm quan trọng của bản lĩnh chính trị của sinh viên và đa dạng hóa các hình thức giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên

Có thể thấy, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đóng vai trò trung tâm trong việc giáo dục bản lĩnh chính trị cho sinh viên. Đảng ủy có trách nhiệm chỉ đạo các chương trình, kế hoạch giáo dục chính trị phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng sinh viên; định hướng cho sinh viên lý tưởng cao đẹp, những giá trị cốt lõi của dân tộc. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công tác giáo dục chính trị được triển khai hiệu quả. Đảng ủy có trách nhiệm chỉ đạo các chương trình, kế hoạch giáo dục chính trị phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng sinh viên; định hướng cho sinh viên lý tưởng cao đẹp, những giá trị cốt lõi của dân tộc. Bằng cách đa dạng hóa hình thức giáo dục, như tổ chức tuần sinh hoạt công dân đầu khoá, giữa khóa, cuối khóa cho sinh viên; các hoạt động ngoại khóa; tham quan thực tế chính trị - xã hội và sử dụng công nghệ thông tin cũng là một hướng đi hiệu quả, nền tảng học tập trực tuyến, các diễn đàn thảo luận sẽ tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thông tin một cách chủ động. Để giáo dục bản lĩnh chính trị đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, các tổ chức đoàn thể và toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên. Sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành sẽ tạo ra một hệ thống giáo dục chính trị hiệu quả, góp phần đào tạo nên những sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng cống hiến cho đất nước.

Thứ hai, tăng cường các chương trình hoạt động xã hội phù hợp với nhu cầu và sở thích của sinh viên, gắn với đặc thù ngành nghề đào tạo của nhà trường và các vấn đề chính trị - xã hội hiện nay

Xây dựng các chương trình hoạt động xã hội đa dạng, phù hợp với nhu cầu và sở thích của sinh viên, gắn liền với đặc thù ngành nghề đào tạo và các vấn đề xã hội hiện nay sẽ không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về lý thuyết mà còn tạo cơ hội để họ rèn luyện kỹ năng, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân và hình thành những giá trị sống tích cực. Phát huy sở trường, thế mạnh và gắn với đặc thù ngành nghề đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức các buổi tuyên truyền ca khúc cách mạng kết hợp với các hoạt động truyền thông như xây dựng kênh Youtube “Mạch Nguồn”, trang thông tin “Sóng đỏ” tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trường đại học Sư phạm Hà Nội thành lập các câu lạc bộ dạy học tình nguyện - vừa rèn nghề cho sinh viên vừa thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Các chương trình hoạt động xã hội không chỉ đa dạng về hình thức mà còn phải luôn đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu và sở thích không ngừng thay đổi của sinh viên. Từ các hoạt động tình nguyện, các câu lạc bộ gắn với đặc thù ngành nghề đào tạo, các cuộc thi đến những hình thức mới như khởi nghiệp xã hội, các dự án cộng đồng trực tuyến, đều có thể trở thành những sân chơi bổ ích, nơi sinh viên được tự do thể hiện bản thân và đóng góp ý tưởng. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia các hoạt động xã hội bằng cách cung cấp các nguồn lực cần thiết như tài chính, cơ sở vật chất và tạo điều kiện về thời gian. Việc xây dựng các chương trình hoạt động xã hội đa dạng và hiệu quả là một giải pháp toàn diện để nâng cao bản lĩnh chính trị cho sinh viên. Qua các hoạt động này, sinh viên không chỉ được trang bị những kiến thức lý thuyết mà còn được rèn luyện kỹ năng, hình thành những giá trị sống tích cực và trở thành những công dân có trách nhiệm, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động xã hội từ phía nhà trường và các tổ chức xã hội

Để nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm xã hội và phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ, việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xã hội của sinh viên là một nhu cầu cấp thiết. Cần huy động tài trợ từ doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhất là các đơn vị sử dụng nhân lực được đào tạo theo ngành nghề của từng trường để hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, đặc biệt là các hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội. Các nguồn lực vật chất, nhân lực, chuyên môn từ doanh nghiệp và các tổ chức xã hội hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần tăng thêm ngân sách hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là các hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội – vừa rèn đức vừa luyện tài cho sinh viên. Việc tổ chức các hoạt động ý nghĩa và truyền thông hiệu quả giúp nhà trường thu hút được nhiều sinh viên tài năng và khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với việc hỗ trợ nguồn tài chính, nhà trường cần xây dựng cơ chế quản lý tài chính hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp cận các nguồn lực và hỗ trợ sinh viên trong việc lập kế hoạch và thực hiện các dự án xã hội.

Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi để sinh viên tham gia các hoạt động xã hội một cách tích cực và tự nguyện

Để khuyến khích sinh viên tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, nhà trường cần đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, tích lũy kinh nghiệm thực tế, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động. Nhà trường có thể đạt được mục tiêu này bằng cách xây dựng các chính sách hỗ trợ, cung cấp cơ sở vật chất, tạo điều kiện về thời gian và tài chính, đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu, các diễn đàn và các dự án chung. Để đánh giá hiệu quả của các hoạt động, nhà trường có thể tiến hành khảo sát ý kiến của sinh viên, tổ chức các hội thảo đánh giá và điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Khi sinh viên thấy được những đóng góp của mình tạo ra những giá trị tích cực, họ sẽ tự nguyện tham gia vào các hoạt động xã hội và đóng góp hết mình cho cộng đồng. Đồng thời, việc xây dựng cộng đồng sinh viên đoàn kết thông qua các hoạt động giao lưu, các diễn đàn và các dự án chung sẽ tạo ra một không khí sôi động, khuyến khích sinh viên cùng nhau tham gia các hoạt động ý nghĩa.

Thứ năm, có cơ chế ghi nhận, khen thưởng xứng đáng với những cá nhân, tổ chức tích cực

Xây dựng cơ chế khen thưởng cho sinh viên là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Khi được ghi nhận và khen thưởng, sinh viên sẽ cảm thấy có động lực, từ đó, thúc đẩy họ nỗ lực hơn trong học tập, hoạt động rèn luyện kỹ năng tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ chế khen thưởng còn góp phần hình thành những thói quen tích cực, xây dựng môi trường học tập lành mạnh và khuyến khích tinh thần sáng tạo của sinh viên. Việc thực hiện cơ chế ghi nhận, khen thưởng xứng đáng, tổ chức các giải thưởng dành cho cá nhân và tập thể sinh viên có thành tích xuất sắc trong các hoạt động xã hội giúp sinh viên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, từ đó tạo động lực cho sinh viên phấn đấu, nâng cao ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, các thành tích trong hoạt động xã hội của sinh viên cần được ghi nhận vào hồ sơ học tập, qua đó giúp sinh viên có thêm lợi thế trong quá trình tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Hơn nữa, khi các thành tích trong hoạt động xã hội được ghi nhận vào hồ sơ học tập, sinh viên cảm thấy được công nhận về những nỗ lực của mình. Điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các sinh viên và nhóm sinh viên.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT, ngày 05/4/2016 ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học chính quy.

2. Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Đại hội đại biểu lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 3. Đảng ủy Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Báo cáo sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, tháng 6/ 2024.

4. Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Văn kiện Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lần thứ XIV, nhiệm kì 2020 - 2025.

5. Kim Lân: “Bản lĩnh chính trị vững vàng - phẩm chất quyết định sự sống còn và thành công của chúng ta”, Báo Quân đội Nhân dân, ngày 14/4/2018.

6. Quang Quý: “Tạo môi trường thuận lợi để sinh viên rèn luyện, sáng tạo”, Báo Nhân dân, ngày 18/7/2019.

7. Trần Thị Thúy: “Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho thanh niên hiện nay”, Tạp chí Cộng sản số tháng 5/2021.

8. Nguyễn Thị Thủy: “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính tại các trường đại học công lập”, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 12/2021.

 

NGUYỄN HÀ PHƯƠNG

NGUYỄN THÁI DƯƠNG

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tang-cuong-giao-duc-ban-linh-chinh-tri-cho-sinh-vien-thong-qua-hoat-dong-xa-hoi-cua-cac-truong-dai-hoc-cong-lap-o-thanh-pho-ha-noi-hien-nay-a8725.html