Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học lý luận chính trị tại Trường Đại học Phú Yên

CT&PT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chăm lo công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo Người, có lý luận mà không làm tốt công tác giáo dục thì lý luận không đi vào cuộc sống, không đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng, do đó, không trở thành hiện thực. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, lãnh đạo Trường Đại học Phú Yên thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, nhằm phục vụ tốt công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của nhà trường, góp phần xây dựng và phát triển Trường Đại học Phú Yên theo hướng bền vững.

1. Đặt vấn đề

Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, muốn làm cách mạng phải học lý luận cách mạng, bởi “không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”1. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác tư tưởng, lý luận nói chung, công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị nói riêng. Từ đó, hình thành hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 (Nghị quyết số 37-NQTW) xác định: “Tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nâng cao năng lực khoa học phục vụ phát triển công tác lý luận, bảo đảm cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”2. Là trường đại học công lập đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Trường Đại học Phú Yên thường xuyên quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và giáo dục của nhà trường.

2. Kết quả nghiên cứu khoa học lý luận chính trị tại Trường Đại học Phú Yên

Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lý luận chính trị

Trường Đại học Phú Yên được thành lập theo Quyết định số 112/QĐ-TTg, ngày 24/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp và sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên và Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Phú Yên. Trường có 22 đơn vị trực thuộc gồm: 11 khoa, 9 đơn vị hành chính, 2 Trung tâm (Trung tâm Khoa học và Công nghệ; Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ)3. Hiện nay, Trường Đại học Phú Yên có 163 viên chức, người lao động, với 122 giảng viên, trong đó có 1 phó giáo sư, 28 tiến sĩ, 90 thạc sĩ... Đảng bộ Trường Đại học Phú Yên gồm 9 chi bộ trực thuộc, với 175 đảng viên, trong đó, số đảng viên chính thức là 145 đồng chí, đảng viên dự bị là 30 đồng chí…

Quán triệt sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên và Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên về công tác lý luận, Đảng ủy và tập thể lãnh đạo Trường Đại học Phú Yên triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW đến đảng viên, giảng viên, viên chức nhà trường. Trên tinh thần đó, tập thể lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo giảng viên, viên chức và các đơn vị trực thuộc triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị, bảo đảm vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn, nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Kết quả nghiên cứu khoa học góp phần hình thành tri thức, kỹ năng, phương pháp cho quá trình tổ chức giảng dạy; cung cấp luận cứ, luận chứng khoa học cho việc hoạch định chiến lược phát triển của nhà trường.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị

Trong bối cảnh mới, hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Trường Đại học Phú Yên bao gồm nhiều loại hình nghiên cứu, có tính đa dạng, phong phú.

- Về đề tài nghiên cứu và công bố khoa học: Từ năm 2014 đến nay, Trường Đại học Phú Yên đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu thành công 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (cấp trường), gồm: Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016 - 2020”, do ThS. Võ Thị Tem làm chủ nhiệm, nghiệm thu năm 2015; Đề tài “Phát triển kinh tế tư nhân ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên”, do TS. Đào Văn Phượng làm chủ nhiệm, nghiệm thu năm 2018; Đề tài “Đoàn kết dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở tỉnh Phú Yên”, do ThS. Nguyễn Thị Trang làm chủ nhiệm, nghiệm thu năm 2019. Bên cạnh đó, giảng viên, viên chức nhà trường còn tích cực tham gia viết bài đăng trên các tạp chí khoa học và kỷ yếu hội thảo khoa học các cấp, trong đó có 12 bài nghiên cứu về lý luận chính trị của giảng viên, viên chức được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước, hơn 30 bài viết về lý luận chính trị của giảng viên và sinh viên được công bố tại hội thảo khoa học các cấp.

- Về công tác tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học: Triển khai công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, năm 2015, Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Phú Yên tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Nâng cao chất lượng dạy, học các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ”. Năm 2018, Trường Đại học Phú Yên phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Kế thừa và phát huy tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh tăng cường thế và lực của đất nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập”. Năm 2023, Đảng ủy Trường Đại học Phú Yên và Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác quán triệt, tuyên truyền, giảng dạy và học tập”. Năm 2024, Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và Trường Đại học Phú Yên tổ chức Hội thảo khoa học “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” tại Đảng bộ Khối giai đoạn hiện nay”.

- Về biên soạn tài liệu, xuất bản sách và tạp chí: Năm 2015, giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Phú Yên đã biên soạn và xuất bản Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng dạy, học các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ” (Lưu hành nội bộ). Năm 2018, Trường Đại học Phú Yên phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cuốn sách Kế thừa và phát huy tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh tăng cường thế và lực của đất nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập. Năm 2020, ThS. Nguyễn Thị Trang, giảng viên Trường Đại học Phú Yên và Nhà xuất bản Lý luận chính trị phối hợp biên soạn và xuất bản cuốn sách Một số vấn đề về đoàn kết các dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Phú Yên hiện nay. Từ năm 2018 đến nay, Tạp chí khoa học Trường Đại học Phú Yên đã đăng tải 15 bài viết về lý luận chính trị của các tác giả trong và ngoài nhà trường.

Các đề tài, bài viết, công bố khoa học của giảng viên, viên chức về lĩnh vực lý luận chính trị đều được nhà trường phổ biến, ứng dụng và phục vụ có hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường Đại học Phú Yên. Nhiều đề tài nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp có tính khả thi, cung cấp luận cứ khoa học, từ đó giúp cấp thẩm quyền đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm, phương hướng khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận chính trị, công tác giáo dục lý luận chính trị của giảng viên và sinh viên ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi để Đảng bộ nhà trường lãnh đạo, xây dựng, phát triển trường, thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị và tổng kết thực tiễn của Trường Đại học Phú Yên vẫn còn một số hạn chế nhất định: Nhà trường chưa có nhiều đột phá trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năng lực nghiên cứu khoa học lý luận và tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên, viên chức nhà trường còn hạn chế. Số lượng đề tài được triển khai nghiên cứu, công bố khoa học, biên soạn tài liệu, sách về lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên, viên chức nhà trường còn ít so với yêu cầu đặt ra…

3. Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị tại Trường Đại học Phú Yên trong thời gian tới

Một là, tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy khoa học, phương pháp, cách thức tiếp cận các vấn đề nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị có tính hệ thống; gắn nhiệm vụ nghiên cứu đề tài, đề án, công bố bài viết khoa học trên các tạp chí và hội thảo với công tác giáo dục, đào tạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Hai là, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực lý luận chính trị để có kế hoạch, giải pháp tốt hơn về nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ mục tiêu phát triển của nhà trường. Phát huy dân chủ, tăng cường tính phản biện, tranh luận trong nghiên cứu khoa học, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhằm hoàn chỉnh về lý luận, phương pháp luận nghiên cứu khoa học theo định hướng ứng dụng.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa nghiên cứu lý luận với phổ biến, ứng dụng các kết quả nghiên cứu đề tài, đề án, công bố khoa học vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Theo đó, đòi hỏi người nghiên cứu phải nắm chắc ý tưởng, mục tiêu, nội dung, phương pháp nghiên cứu, nhất là tính mới, tính thực tiễn, tính khả thi để việc vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đạt hiệu quả cao.

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, đề tài, đề án, công bố khoa học bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức sinh hoạt khoa học, hội thảo, báo cáo, sinh hoạt chuyên đề, phổ biến trên các phương tiện truyền thông, hay trong các hội nghị của cơ quan. Ngoài ra, cần tăng cường kênh thông tin khoa học nội bộ (bản tin khoa học, bản tin nội bộ…) để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục.

Năm là, tăng cường việc biên tập, in ấn, xuất bản các sản phẩm đề tài, đề án sau khi nghiệm thu thành tài liệu nghiên cứu, tham khảo phục vụ công tác chuyên môn của nhà

trường, đơn vị. Đồng thời, công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu đề tài, đề án trên báo chí các cơ quan Trung ương và địa phương như: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận chính trị, Báo Nhân Dân, Báo Phú Yên... Những kiến nghị, đề xuất của đề tài, đề án sau nghiệm thu cần gửi đến các chủ thể được kiến nghị để nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng.

Sáu là, xác định các đề tài, đề án quan trọng, cần thiết để tập trung nghiên cứu, làm tài liệu tham khảo cho giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị. Trong đó, cần chú trọng chất lượng nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu đề tài, đề án, công bố khoa học, giúp Đảng ủy, nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị nói riêng.

Tóm lại, qua thực tiễn công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, Trường Đại học Phú Yên đã xác định rõ tầm quan trọng của công tác lý luận và nghiên cứu, triển khai lý luận để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên lý luận chính trị nói riêng cần tiếp tục nâng cao nhận thức, chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, nhằm tham mưu, đề xuất, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng ủy và nhà trường trong hoạch định chiến lược phát triển của trường gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên.


  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 2, tr. 279.

  2. Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.

  3. https://pyu.edu.vn/vi/gioi-thieu/gioi-thieu-ve-truong-dai-hoc-phu-yen.

TS. TRẦN LĂNG 
TS. TRẦN VĂN TÀU

Trường Đại học Phú Yên

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/day-manh-nghien-cuu-khoa-hoc-ly-luan-chinh-tri-tai-truong-dai-hoc-phu-yen-a8707.html