Thấu triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng hiện nay

CT&PT - Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, góp phần quan trọng trong việc huy động sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bài viết khái quát, hệ thống hóa những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ, từ đó gợi mở các giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

1. Quan điểm tiến bộ, khoa học của C. Mác và Ph. Ăngghen về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng

Mặc dù, C. Mác và Ph. Ăngghen không có một tác phẩm nào bàn riêng về vai trò của phụ nữ, nhưng trong tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen đã thể hiện cách nhìn nhận khách quan, khoa học về vai trò, địa vị của người phụ nữ trong lịch sử xã hội loài người.

Thông qua việc phân tích những nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng nam - nữ, C. Mác và Ph. Ăngghen đã vạch ra con đường giải phóng phụ nữ, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng ngày càng bình đẳng và tiến bộ.

Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, phụ nữ là một phần không thể tách rời của giai cấp công nhân và cuộc đấu tranh giai cấp, do vậy, phụ nữ là một lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh giai cấp và giải phóng xã hội. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848), C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định, sự giải phóng của giai cấp công nhân đồng nghĩa với sự giải phóng của phụ nữ, giai cấp vô sản không thể giải phóng mình nếu không đồng thời giải phóng toàn bộ xã hội.

Về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ sự bất công mà phụ nữ phải chịu đựng khi cho rằng: mặc dù chế độ mẫu quyền đã tồn tại hàng vạn năm trong lịch sử nhân loại, người phụ nữ có trách nhiệm rất cao trong việc chăm lo cho cuộc sống của cộng đồng, và cũng từng có địa vị cao, với ảnh hưởng chi phối trong cộng đồng, nhưng kể từ khi chuyển sang chế độ phụ quyền, người phụ nữ luôn phải chịu đựng địa vị thấp kém, thậm chí bị áp bức, bóc lột. Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước, Ph. Ăngghen đã đưa ra giả thuyết rằng sự áp bức đối với phụ nữ sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của tư hữu tư bản và xã hội giai cấp. Ph. Ăngghen khẳng định: trong xã hội tư bản chủ nghĩa, mặc dù vẫn tham gia vào quá trình lao động sản xuất nhưng phụ nữ không thể có được sự bình đẳng với nam giới - thứ mà họ đã từng có trong các xã hội nguyên thủy. Theo ông, gốc rễ của sự áp bức đối với phụ nữ nằm ở chế độ tư hữu chế độ gia trưởng. Ph. Ăngghen lập luận: “Sự đối lập giai cấp đầu tiên xuất hiện trong lịch sử là trùng với sự phát triển của sự đối kháng giữa chồng và vợ trong hôn nhân cá thể, và sự áp bức giai cấp đầu tiên là trùng với sự nô dịch của đàn ông đối với đàn bà”1;  “Trong gia đình, người chồng là nhà tư sản, người vợ đại biểu cho giai cấp vô sản”2, bởi “Ngay cả ở trong nhà, người đàn ông cũng nắm lấy quyền cai quản, còn người đàn bà thì bị hạ cấp, bị nô dịch”3.

Với tư duy logic đó, C. Mác và Ph. Ăngghen lập luận rằng phụ nữ là đối tượng của sự bóc lột kép, đồng thời nhấn mạnh phụ nữ trong xã hội tư bản chủ nghĩa bị bóc lột không chỉ với tư cách người công nhân, mà còn với tư cách người nội trợ. Họ phải chịu đựng cả sự áp bức về kinh tế và áp bức về giới. Ph. Ăngghen viết: “Tình trạng không bình quyền giữa đôi bên, do những quan hệ xã hội trước kia để lại cho chúng ta, tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân, mà là kết quả của việc áp bức đàn bà về mặt kinh tế”4, “sự thống trị của người đàn ông trong hôn nhân chỉ đơn thuần là kết quả của sự thống trị của họ về kinh tế, và sẽ tiêu vong cùng với sự thống trị về kinh tế”5. Như vậy, sự xuất hiện chế độ tư hữu dẫn đến sự phụ thuộc về mặt kinh tế của người phụ nữ vào người đàn ông, và trong các giai cấp bị bóc lột thì nó đồng thời dẫn đến sự nô dịch người phụ nữ về mặt giai cấp. Người phụ nữ bị tước mất những quyền về kinh tế và chính trị, bị nô dịch về tinh thần và bị cô lập với xã hội, phạm vi hoạt động của họ bị giới hạn chỉ trong công việc nội trợ gia đình.

Trên cơ sở những lập luận đó, C. Mác và Ph. Ăngghen tin rằng việc giải phóng phụ nữ là một phần không thể tách rời của sự nghiệp giải phóng xã hội toàn diện. C. Mác và Ph. Ăngghen đã vạch rõ xu hướng thay đổi địa vị của người phụ nữ theo hướng tiến tới sự bình đẳng nam nữ trong xã hội, gắn với sự tất yếu tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng toàn thể nhân loại khỏi sự áp bức, bất công. Vì thế, C. Mác và Ph. Ăngghen đề nghị tiến hành một số biện pháp để thực hiện bình đẳng giới: Một là, thủ tiêu chế độ bóc lột của tư bản, tức phải xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và từng bước thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Đây chính là điều kiện đầu tiên nhằm thủ tiêu sự lệ thuộc kinh tế của người phụ nữ vào người đàn ông. Điều này sẽ tạo ra cơ sở quan trọng để thực hiện bình đẳng giới. Trong Thư gửi Gertrud Guillaume-Schack ở Beuthen (tháng 7/1885), Ph. Ăngghen đã viết: Một là, sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới chỉ có thể trở thành hiện thực khi đã thủ tiêu được chế độ bóc lột của tư bản đối với cả hai giới. Hai là, xác lập sự bình đẳng nam nữ về mặt pháp lý trong đời sống xã hội cũng như trong gia đình. Ph. Ăngghen khẳng định rằng phương thức xác lập sự bình đẳng xã hội thật sự giữa người chồng và người vợ trong gia đình chỉ bộc lộ ra hoàn toàn rõ ràng một khi cả vợ lẫn chồng đều hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật. Ba là, giải phóng người phụ nữ khỏi gánh nặng công việc gia đình. Theo Ph. Ăngghen, “phải làm cho gia đình cá thể không còn là một đơn vị kinh tế của xã hội nữa”6, phải làm cho công việc nội trợ riêng trong gia đình trở thành một nền công nghiệp xã hội. Xuất phát từ quan niệm giải phóng phụ nữ là một phần không thể tách rời của sự nghiệp giải phóng xã hội, C. Mác và Ph. Ăngghen khuyến khích phụ nữ tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh cách mạng và tin rằng phụ nữ cần có vai trò chủ động trong việc lật đổ chế độ tư sản và xây dựng xã hội mới. Không giải phóng phụ nữ thì không có sự giải phóng xã hội thật sự. Như vậy, C. Mác và Ph. Ăngghen đã nhấn mạnh sự cần thiết của bình đẳng giới trong việc đạt được một xã hội không có áp bức, hay nói cách khác giải phóng phụ nữ là một phần của cuộc cách mạng giai cấp rộng lớn hơn.

2. V.I. Lênin tiếp nối và phát triển quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn cách mạng nước Nga

V.I. Lênin đã phát triển, làm sâu sắc và phong phú thêm những quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về vấn đề giải phóng phụ nữ, cũng như bàn về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng với bối cảnh thực tiễn ở nước Nga. Các vấn đề về tình cảnh lầm than của phụ nữ dưới chủ nghĩa tư bản và những luận điểm có tính cương lĩnh của đảng cộng sản về đấu tranh đòi quyền bình đẳng và giải phóng phụ nữ thời kỳ trước Cách mạng Tháng Mười Nga đã được V.I. Lênin bàn tới trong nhiều tác phẩm, như: Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở nước Nga; Dự thảo cương lĩnh của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga; Chủ nghĩa tư bản và lao động nữ; Giai cấp vô sản cách mạng và quyền dân tộc tự quyết; Nhiệm vụ giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng của chúng ta… Trong các tác phẩm của mình, Lênin đã chỉ trích mạnh mẽ sự áp bức và bất bình đẳng mà phụ nữ phải chịu đựng trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Ông cho rằng chế độ tư bản chủ nghĩa không thể cung cấp cho phụ nữ quyền bình đẳng thực sự. Trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, V.I. Lênin khẳng định sự áp bức phụ nữ trong xã hội tư bản chủ nghĩa là một trong những biểu hiện tàn nhẫn nhất của giai cấp tư sản.

Bên cạnh đó, V.I. Lênin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xóa bỏ chế độ gia trưởng. Ông cho rằng, giải phóng phụ nữ phải đi kèm với việc xóa bỏ chế độ gia trưởng và các tập quán phong kiến. Đồng thời khẳng định, phụ nữ chỉ có thể thực sự được giải phóng khi các cấu trúc gia đình cổ hủ và bất bình đẳng giới được thay thế bằng các mối quan hệ bình đẳng và tự do. Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, V.I. Lênin cho rằng, cách mạng xã hội chủ nghĩa không chỉ giải phóng giai cấp công nhân, mà còn giải phóng phụ nữ khỏi ách áp bức của chế độ gia trưởng.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga  năm 1917 thành công, V.I. Lênin đã viết khá nhiều về những nội dung xung quanh vấn đề phụ nữ trong thực tiễn nước Nga Xôviết khi đó. Các vấn đề về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị - xã hội trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, phát huy vai trò quan trọng của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa... được V.I. Lênin đề cập thường xuyên trong các tác phẩm như: Sáng kiến vĩ đại; Bàn về nhiệm vụ của phong trào nữ công nhân nước cộng hòa Xôviết; Chính quyền Xôviết và địa vị của phụ nữ…; trong các bài viết ngắn đăng trên Báo Sự thật; hay trong các diễn văn, thư, lời chào mừng… gửi tới các hội nghị phụ nữ hoặc nhân ngày quốc tế phụ nữ, như: Diễn văn tại Đại hội I toàn Nga các nữ công nhân; Thư gửi nữ công nhân; Kỷ niệm Ngày Phụ nữ quốc tế lao động; Lời chào mừng Hội nghị toàn Nga các ban phụ vận tỉnh; Ngày quốc tế của nữ công nhân

Cũng như các nhà mácxít tiền bối, V.I. Lênin nhấn mạnh rằng, giải phóng phụ nữ là một phần không thể thiếu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông cho rằng, phụ nữ không chỉ là đối tượng của sự giải phóng, mà còn là lực lượng chủ động trong việc xây dựng xã hội mới. Theo V.I. Lênin, phụ nữ có vai trò to lớn trong tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế, V.I. Lênin cho rằng: “Sự nghiệp mà chính quyền xô-viết bắt đầu đó, chỉ có thể tiến lên nếu ở nước Nga, không phải chỉ có mấy trăm phụ nữ, mà có mấy triệu phụ nữ tham gia”7; trong lĩnh vực chính trị: “Không thể thu hút được quần chúng tham gia sinh hoạt chính trị nếu không lôi cuốn phụ nữ tham gia sinh hoạt chính trị”8… V.I. Lênin đề cao vai trò của phụ nữ trong đấu tranh cách mạng và khuyến khích phụ nữ tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị và xã hội. Ông coi việc giải phóng phụ nữ là một phần không thể thiếu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và nhấn mạnh rằng chỉ trong xã hội xã hội chủ nghĩa, phụ nữ mới có thể đạt được sự bình đẳng thực sự. Trong Bài nói tại Đại hội Phụ nữ toàn Nga lần thứ ba, V.I. Lênin khẳng định không thể thực hiện cách mạng nếu không có sự tham gia tích cực, chủ động của phụ nữ và nhấn mạnh cần phải để phụ nữ tham gia vào mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội và chính trị, khuyến khích họ tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh cách mạng.

Trong thực tiễn, V.I. Lênin và chính quyền Xôviết đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội. Các chính sách này bao gồm quyền bình đẳng trong lao động, giáo dục, chăm sóc y tế và bảo vệ quyền làm mẹ. Ông khẳng định sự cần thiết phải tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, kèm theo đó là các chính sách cụ thể để bảo vệ và hỗ trợ họ. Đó cũng là cách V.I. Lênin và chính quyền Xôviết phát huy vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng.

Như vậy, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng là rất tiến bộ. C. Mác và Ph. Ăngghen không chỉ nhận ra sự áp bức kép mà phụ nữ phải chịu đựng trong xã hội tư bản chủ nghĩa, mà còn khẳng định sự giải phóng phụ nữ là một phần không thể thiếu của cuộc cách mạng xã hội. Các ông kêu gọi sự tham gia tích cực của phụ nữ trong cuộc đấu tranh giai cấp và nhấn mạnh rằng không thể đạt được sự giải phóng xã hội thực sự mà không có sự giải phóng phụ nữ. Sau này, ở thời kỳ của mình, trên mảnh đất hiện thực của nước Nga Xôviết, V.I. Lênin đã tiếp nối và phát triển sâu sắc các quan điểm đó. Quan điểm của V.I. Lênin về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng đã trở thành một phần quan trọng trong lý thuyết và thực hành cách mạng của ông. Chính phủ Xôviết dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin đã thực hiện nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ phát huy vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng.

3.Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng - Sự kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn cách mạng Việt Nam

Trên cơ sở kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà lãnh đạo vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã có những quan điểm sâu sắc và tiến bộ về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng. Người luôn coi phụ nữ là một lực lượng quan trọng và không thể thiếu trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng xã hội mới. Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (năm 1952), Bác viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”9. Bên cạnh đó, Người nhấn mạnh vai trò của phụ nữ không chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, mà còn trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

Cũng như các bậc tiền bối của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng sự nghiệp giải phóng phụ nữ không phải là công việc cách mạng của riêng phụ nữ, mà gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”10. Vì thế, phụ nữ phải “trước giúp nước, sau giúp mình”, tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Người khẳng định con đường cách mạng vô sản là con đường duy nhất đúng để phụ nữ giải phóng bản thân khỏi sự trói buộc, áp bức bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến. Phụ nữ muốn giải phóng phải cùng dân tộc, giai cấp đứng lên làm cách mạng. Chỉ đi theo cách mạng, phụ nữ mới được giải phóng triệt để. Chỉ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, nữ giới mới hoàn toàn bình đẳng với nam giới trong sự nghiệp đấu tranh chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thương cảm với địa vị của người phụ nữ trong chế độ cũ và đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Theo Người, phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng nhiều hình thức áp bức trong xã hội phong kiến và thực dân. Người khẳng định rằng cách mạng phải giải phóng phụ nữ khỏi ách áp bức này. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người nhấn mạnh: Cách mạng phải phá tan những phong tục, tập quán lạc hậu để giải phóng phụ nữ, làm cho phụ nữ được tự do, bình đẳng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội không hạn chế, triệt tiêu nhau, mà thống nhất, bổ sung cho nhau. Theo Người, người phụ nữ được giải phóng từ trong gia đình thực chất là thực hiện tốt hơn chức năng làm mẹ, làm vợ trong mối quan hệ bình đẳng với nam giới ở chính gia đình của họ. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội được thể hiện chính từ vai trò của họ trong gia đình với tư cách là hạt nhân của xã hội. Phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; tích cực xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cũng chính là vai trò xã hội của nữ giới. Được giải phóng về mặt xã hội là một điều kiện để phụ nữ xây dựng gia đình, góp phần để nam giới đề cao, coi trọng nữ quyền. Chính vì vậy, giải phóng phụ nữ từ trong gia đình phải đi liền với giải phóng phụ nữ về mặt xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm cách đấu tranh cho quyền bình đẳng giới và khẳng định rằng phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để phát huy vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, Người không chỉ khẳng định cần giải phóng phụ nữ khỏi những áp bức, bất công trong chế độ cũ mà còn khuyến khích phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị và đảm nhận các vị trí lãnh đạo. Người nhấn mạnh: Phụ nữ phải tham gia vào công cuộc kiến thiết nước nhà, phải tích cực tham gia sản xuất, học tập, công tác, để làm tròn nhiệm vụ của mình đối với Tổ quốc; đồng thời phải tham gia vào các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương để đóng góp ý kiến và thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Người khẳng định: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”11.

Như vậy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng là rất rõ ràng và tiến bộ. Trong quan điểm và hành động thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn thể hiện sự kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của người phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng.

4. Một số giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới

Một là, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có trình độ học vấn và kỹ năng làm việc tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Để nâng cao trình độ học vấn và tăng cường năng lực khoa học và công nghệ của phụ nữ, cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách nhằm bảo đảm cho trẻ em gái và phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với trẻ em trai và nam giới trong hoạt động giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học. Đặc biệt, cần thúc đẩy và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật thông qua các chương trình học bổng và các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Để nâng cao kỹ năng làm việc, cần mở rộng và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nghề cho phụ nữ, đặc biệt là ở vùng nông thôn và các khu vực khó khăn, trong đó tập trung vào các kỹ năng phù hợp với thị trường lao động hiện đại, ví dụ như cung cấp các khóa đào tạo về kỹ năng số cho phụ nữ để họ có thể sử dụng công nghệ trong công việc và cuộc sống, gia tăng cơ hội tham gia vào các ngành, nghề có giá trị kinh tế cao hơn.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện các chính sách bảo đảm phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình dinh dưỡng đặc biệt cho phụ nữ mang thai và trẻ em, nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện thể lực của phụ nữ và trẻ em gái, nhất là ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ba là, tăng cường thực hiện các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu quả đóng góp kinh tế của phụ nữ, cũng như phát huy vai trò dẫn dắt của phụ nữ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông qua các chính sách về tài chính và tín dụng, có thể đẩy mạnh việc cung cấp các khoản vay ưu đãi và các chương trình hỗ trợ tài chính cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Cần quan tâm thỏa đáng đến các biện pháp thực hiện đầy đủ chính sách bảo đảm quyền lợi lao động cho phụ nữ, nhất là về chế độ thai sản, chăm sóc con cái, bảo hiểm xã hội và mức lương công bằng, gia tăng thu nhập..., đồng thời khuyến khích phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thúc đẩy triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Bốn là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới và vai trò quan trọng của phụ nữ trong đời sống xã hội. Bên cạnh việc tổ chức các chiến dịch truyền thông, cần đẩy mạnh việc tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục về bình đẳng giới vào chương trình học ở tất cả các cấp để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới từ sớm cho cả nam và nữ. Đặc biệt, chú trọng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình và quấy rối tình dục, bao gồm cả việc tuyên truyền, giáo dục cũng như tăng cường các biện pháp hỗ trợ pháp lý đối với nạn nhân bạo lực gia đình và quấy rối tình dục, bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Các diễn đàn, câu lạc bộ và mạng lưới hỗ trợ cũng cần được tiếp tục khai thác và tạo điều kiện phát triển để phụ nữ có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và phát triển kỹ năng phục vụ cuộc sống và công việc.

Năm là, đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý để tăng cường ảnh hưởng của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành các chính sách, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ, giúp họ có đủ tự tin và năng lực để đảm nhận các vị trí quan trọng; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tỷ lệ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị do phụ nữ nắm giữ.

Tóm lại, quan điểm xuyên suốt của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải phóng phụ nữ và sự tham gia tích cực của họ trong cuộc đấu tranh giai cấp và xây dựng xã hội mới; coi việc giải phóng phụ nữ là một phần không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những quan điểm này góp phần quan trọng vào việc nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh và xây dựng đất nước, đồng thời khẳng định sự tham gia của phụ nữ là điều kiện cần thiết để đạt được một xã hội công bằng và bình đẳng. Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để vừa nâng cao năng lực mọi mặt của phụ nữ, vừa tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có thể chứng minh được các năng lực đó bằng những đóng góp có hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc thấu triệt và tiếp tục vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng thông qua hệ thống giải pháp phù hợp là thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay. Phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong thực tế cũng góp phần quan trọng huy động tối đa sức mạnh của các lực lượng xã hội nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, như khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.


1, 2, 3, 4, 5, 6. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 21, tr. 104, 116, 93, 115, 127, 116.

7, 8. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 39, tr. 234; 2006, t. 42, tr. 463.

9, 10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 7, tr. 340; t. 2, tr. 506; t. 13, tr. 60-61.

TS. LÊ THỊ MINH HÀ

Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/thau-triet-va-van-dung-sang-tao-quan-diem-cua-chu-nghia-mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-vai-tro-cua-phu-nu-trong-su-nghiep-cach-mang-hien-nay-a8695.html