Hồ Chí Minh không chỉ sáng lập và là lãnh tụ của Đảng, Nhà nước, vạch đường lối và tổ chức mọi thắng lợi mà còn đào tạo nhiều thế hệ cán bộ xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Người để lại cho chúng ta di sản tư tưởng quý giá và rất phong phú về công tác cán bộ.
Thứ nhất, Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng và vai trò to lớn của cán bộ. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc - công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định. Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Vai trò của đội ngũ cán bộ là cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết, thống nhất, lấy lợi ích dân tộc làm tiêu chí, thước
đo; theo đó, cùng nhau tổ chức thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ là người nối liên lạc giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân, là người đem chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước đến với dân, giải thích cho dân hiểu rõ, cùng với nhân dân thực hiện tốt chủ trương chính sách đó. Đồng thời, cán bộ còn là người “đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Theo Người vai trò của người cán bộ được thể hiện qua bốn mối quan hệ phải giải quyết là: với đường lối, chính sách; với bộ máy (cơ quan lãnh đạo, quản lý); với công việc; với nhân dân. Chỉ khi nào giải quyết tốt các quan hệ đó thì người cán bộ mới thực hiện đúng vai trò của mình.
Thứ hai, về tiêu chuẩn cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư; Cả quyết sửa lỗi mình; Cẩn thận mà không nhút nhát; Hay hỏi Nhẫn nại (chịu khó); Hay nghiên cứu, xem xét; Vị công vong tư; Không hiếu danh, không kiêu ngạo; Nói thì phải làm; Giữ chủ nghĩa cho vững; Hy sinh; Ít lòng tham muốn về vật chất; Bí mật; Đối với người: với từng người thì phải khoan thứ; Với đoàn thể thì nghiêm; Có lòng bày vẽ cho người; Trực mà không táo bạo; Hay xem xét người; Làm việc phải: xem xét hoàn cảnh kỹ càng; Quyết đoán; Dũng cảm phục tùng đoàn thể”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn cán bộ, chúng ta nhận thấy cán bộ dù ở cấp cao hay thấp, dù ở địa vị nào trong xã hội điều trước tiên là phải làm được những việc bình dị, đời thường ấy. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi ở mỗi người cán bộ phải không ngừng tự học tập, tự rèn luyện cả về đạo đức cách mạng và nhân cách sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”. Phẩm chất của cán bộ là trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. Liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn và luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Để làm việc đó cán bộ phải nắm vững lý luận và gắn với thực tiễn. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là kém lý luận, khinh lý luận hoặc lý luận suông. Ngoài lý luận, công tác thực tiễn phải biết chuyên môn: “Mỗi người phải biết một nghề để sinh hoạt.
Riêng về cán bộ, ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy”. Cán bộ phải vừa hồng vừa chuyên, vừa có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, có chuyên môn vững, có ý thức tổ chức kỷ luật và gương mẫu, liên hệ chặt chẽ và có sức thuyết phục quần chúng, có sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ ba, về huấn luyện cán bộ trước hết phải huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hoá. Về học tập của cán bộ thì lý luận, kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau. Lấy tự học làm cốt, thảo luận và chỉ đạo giúp vào. Mở lớp huấn luyện nào đều phải chống bệnh chủ quan, hẹp hòi, bệnh ba hoa. Các tài liệu huấn luyện phải do cơ quan lãnh đạo xét kỹ. Khi sử dụng, đề bạt cán bộ phải xem xét đức, tài, phẩm chất và năng lực, kết quả học tập, công tác quần chúng. Nhận xét cán bộ không nên chỉ nhận xét ngoài mặt, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc, với cán bộ có 5 cách: Chỉ đạo, Nâng cao, Kiểm tra, Cải tạo, Giúp đỡ.
Thứ tư, về công tác cán bộ phải chú ý 6 vấn đề cơ bản: Phải biết rõ cán bộ. Phải cất nhắc cán bộ cho đúng. Phải khéo dùng cán bộ. Phải phân phối cán bộ cho đúng. Phải giúp cán bộ. Phải giữ gìn cán bộ. Về phê bình cán bộ. Đối với cán bộ bị sai lầm, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm ? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng. Cán bộ phải dân chủ nhưng dân chủ phải tập trung, thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, bộ phận phục tùng đoàn thể. Cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới. Cán bộ mới phải học tập tôn trọng cán bộ cũ. Hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau.
Thứ năm, về đào tạo cán bộ, theo Hồ Chí Minh, để có cán bộ tốt, làm được việc phải chú trọng đến khâu đào tạo, huấn luyện một cách chu đáo, thiết thực. Người chỉ rõ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Đảng có mở những lớp huấn luyện cán bộ. Nhưng đại đa số cán bộ, hoặc bận công việc, hoặc xa xôi quá, chưa được huấn luyện. Đối với những cán bộ đó, Đảng cần phải tìm cách huấn luyện họ (hoặc mở lớp ở địa phương, hoặc gửi sách vở cho họ nghiên cứu v.v..)”. Bởi vì, “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.
Người nói tập trung vào huấn luyện các loại cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, chuyên môn và huấn luyện nhân dân. Người huấn luyện phải là kiểu mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc của mình. Huấn luyện cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều, cốt yếu là phải làm cho người học thấu hiểu vấn đề, phải gắn lý luận với công tác thực tế. Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu, chú trọng cải tạo tư tưởng, nâng cao khả năng tẩy rửa khuyết điểm.
Thứ sáu, về bố trí, sử dụng cán bộ là khâu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành, bại của công việc. Bởi vì, nếu phân công, bố trí cán bộ không đúng với năng lực, sở trường và lòng nhiệt huyết đối với công việc đó thì sẽ dẫn đến lãng phí nguồn cán bộ, thậm chí làm “thui chột” tài năng của họ. Người chỉ rõ: Phải khéo dùng cán bộ. Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ.
Những quan điểm cơ bản trên của Hồ Chí Minh rất đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực và có thể vận dụng, cụ thể hoá trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hôm nay và mãi mãi sau này.
ThS. NGUYỄN HỮU LUÂN
Học viện Khoa học Xã hội
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-can-bo-va-cong-tac-can-bo-a8685.html