1. Vai trò của nguồn nhân lực trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số là kết quả và cũng là thể hiện nét đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điểm khác biệt của chuyển đổi số so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước là mặc dù đều dựa trên nền tảng kỹ thuật và công nghệ, nhưng chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đưa con người thực sự trở lại vị trí trung tâm của sự đổi mới, tri thức trở thành thống trị. Trong chuyển đổi số, tiếp theo bước chuyển hoá thông tin thành dữ liệu dạng số (giai đoạn số hoá - digitization), bằng cách áp dụng công nghệ số như Internet vạn vật (IOT), điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (IT), chuỗi khối (Blockchain),… chuyển đổi số cho phép kết nối các thực thể trên thế giới thực con người đang sống bằng việc kết nối chúng (dưới dạng phiên bản số) trên không gian số. Thông qua chuyển đổi số, con người làm cho các dữ liệu thông tin dạng số và sự liên kết trên môi trường số đó trở nên hữu ích và có sức sáng tạo hơn, qua đó làm thay đổi phương thức phát triển và thay đổi cách thức làm việc của người lao động trong xã hội cũng như cách thức và phương thức tổ chức lao động. Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là sản xuất thông minh nhờ vào tiến bộ của công nghệ số trong hai thế giới kết nối với nhau trong đó thế giới con người đang và sẽ sống, đó là thế giới các thực thể và thế giới các phiên bản số của các thực thể (thế giới số). Chuyển đổi số là quá trình là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Như vậy có thể thấy, nội dung của chuyển đổi số là rất rộng và đa dạng, nhưng có chung một số nội dung chính gồm chính phủ số (như dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở…), kinh tế số (như tài chính số, thương mại điện tử…), xã hội số (như giáo dục, y tế, văn hóa…).
Mọi tiến trình chuyển đổi số trong tổ chức hay doanh nghiệp đều liên quan và phụ thuộc vào những người tham gia hoạt động trong tổ chức hay doanh nghiệp để tạo thành chuỗi giá trị. Yêu cầu để được tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tổ chức, doanh nghiệp là người lao động cần được đào tạo kiến thức về kỹ năng số ít nhất ở mức độ cơ bản và tùy từng vị trí trong chuỗi giá trị đó mà có các yêu cầu về kỹ năng khác nhau. Các kỹ năng số cơ bản bao gồm kỹ năng về công nghệ (ứng dụng công nghệ số) và kỹ năng quản trị (tự quản trị mình và quản trị tổ chức) phù hợp với yêu cầu và trình độ của chuyển đổi số. Mặc dầu cả cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số bắt nguồn từ công nghệ, nhưng trong số các yếu tố quyết định cho thành công gồm yếu tố con người, yếu tố thể chế và yếu tố công nghệ thì đối với chuyển đổi số thì yếu tố con người là yếu tố mang tính chất tiên quyết và quyết định bởi nếu không có thay đổi trong tư duy và nhận thức của con người thì không thể có chuyển đổi số.
2. Đặc trưng của nguồn nhân lực trong chuyển đổi số
Thứ nhất, có đủ năng lực chuyên môn để làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình tương tác các hoạt động trong môi trường chuyển đổi số. Đây là điều kiện cần để người lao động tham gia vào quá trình chuyển đổi số tại các tổ chức, doanh nghiệp vì chỉ khi người lao động được trang bị đủ các kiến thức và kỹ năng để sử dụng các thiết bị công nghệ thì mới chủ động phát huy được vai trò của mình trong các mối liên kết, không làm gián đoạn hoặc đứt gãy sự vận hành liên tục của chuỗi giá trị trong chuyển đổi số.
Thứ hai, có khả năng thích nghi nhanh trong môi trường lao động số và với các tiến bộ mới của khoa học công nghệ. Do các tiến bộ của khoa học công nghệ là liên tục và không ngừng phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, chu kỳ công nghệ ngày càng được rút ngắn nhất là trong thời đại công nghệ số, vì thế chuyển đổi số cũng là một quá trình liên tục và không ngừng nghỉ, có điểm bắt đầu nhưng không xác định được điểm kết thúc, hướng tới mục tiêu cải tiến không ngừng và ngày càng hoàn thiện về quy trình, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, thúc đẩy và khuyến khích mọi năng lực sáng tạo. Vì vậy người lao động trong guồng máy đổi mới đó phải nhanh chóng nắm bắt, nhanh chóng thích nghi với sự đổi mới để đồng hành cùng với vận động của cả hệ thống trong nền kinh tế.
Thứ ba, có tác phong lao động kỷ luật và đề cao tính tuân thủ. Trong nền kinh tế số, công nghệ số tạo ra các nền tảng. Khi mọi người đều làm việc trên một nền tảng số thì các quy trình và quy định làm việc đối với người lao động đều đã được tích hợp vào trong nền tảng đó, vì thế nếu như tách ra khỏi nền tảng thì không làm việc được. Khi có thay đổi mới hoặc có quy trình mới thì chỉ cần cập nhật vào trong nền tảng để mọi người lao động làm việc trên cùng một nền tảng đều có thể biết và vận hành và cũng bởi nếu như một ai đó nếu không làm theo quy trình mới thì máy tính sẽ không chạy. Điều này đặt ra yêu cầu và cũng là đặc trưng của lao động làm việc trong chuyển đổi số là vừa xác lập một cơ chế làm việc theo nguyên tắc tuân thủ đồng thời hình thành đội ngũ người lao động tập thể theo quy trình được xác lập trước.
Thứ tư, có đạo đức và tác phong kỷ luật trong lao động. Mặc dầu chuyển đổi số được bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số, mà là quá trình chấp nhận cái mới, là cuộc cách mạng về tư duy, về đổi mới nhận thức, về đổi mới thể chế và đổi mới chính sách chứ không chỉ đơn thuần là một cuộc cách mạng về công nghệ.
Thứ năm, có sáng tạo trong công việc và có khả năng tư duy đột phá. Nếu như việc có đủ năng lực chuyên môn để làm chủ các thiết bị công nghệ số là điều kiện cần thì việc có khả năng tư duy đột phá, sáng tạo trong công việc là điều kiện đủ và là tiêu chí đặc trưng nhất của nguồn nhân lực số. Tuân thủ quy trình dựa trên nền tảng số nhưng điều đó không thủ tiêu tính chủ động và năng lực sáng tạo của người lao động trong công việc.
TS. LÊ THỊ HÒA
Viện nghiên cứu con người
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/vai-tro-va-dac-trung-cua-nguon-nhan-luc-trong-chuyen-doi-so-a8684.html