Vai trò của kinh tế truyền thông ở Việt Nam hiện nay

CT&PT - Kinh tế truyền thông là tập hợp hoạt động của con người nhằm sản xuất dịch vụ truyền thông tin và thu lợi nhuận. Kinh tế học truyền thông là môn khoa học nghiên cứu về lý thuyết và hiện thực phát triển của kinh tế truyền thông.

1. Bản chất của kinh tế truyền thông

Kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau của con người và xã hội, là hoạt động sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các loại hàng hóa và dịch vụ… nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người trong một xã hội với một nguồn lực khan hiếm.

Truyền thông là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm… liên tục giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộng đồng xã hội. Đối với các doanh nghiệp, truyền thông là hoạt động cung cấp, truyền tải thông tin một cách rộng rãi đến các đối tượng khác nhau như công chúng, khách hàng tiềm năng, đối tác, đối thủ cạnh tranh… và cả nhân viên trong doanh nghiệp đó, để được nhiều người biết đến nhằm tạo ra sự quan tâm, ủng hộ từ các đối tượng mục tiêu. Do đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng sống còn trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Các yếu tố cơ bản của truyền thông bao gồm: nội dung thông tin; kênh truyền tải, người nhận, phản hồi, nhiễu tin. Quy trình của hoạt động truyền thông bao gồm: sáng tạo nội dung, hệ thống hóa, đóng gói và phân phối.

Sự phát triển của phân công lao động xã hội đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến sự ra đời của ngành kinh tế truyền thông. Phân công lao động xã hội (Social division of labor) là sự chuyên môn hóa lao động, tức là chuyên môn hóa sản xuất giữa các ngành, trong nội bộ từng ngành và giữa các vùng trong nền kinh tế quốc dân. Phân công lao động xã hội theo tính chất ngành nghề là nguồn gốc hình thành và phát triển các ngành kinh tế khác nhau. Quá trình phát triển của phân công lao động diễn ra liên tục, trong đó có thể khái quát ba cuộc đại phân công lao động xã hội lớn. Phân công lao động xã hội lần thứ nhất, trồng trọt tách khỏi chăn nuôi. Phân công lao động xã hội lần thứ hai, công nghiệp tách khỏi công nghiệp, hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp. Phân công lao động xã hội lần thứ ba, thương nghiệp tách khỏi công, nông nghiệp, hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ.

Trong bản thân mỗi ngành kinh tế, sự phát triển của lực lượng sản xuất tiếp tục thúc đẩy quá trình phân công lao động – quá trình phân công lao động trong nội bộ ngành kinh tế. Ở góc độ vi mô, hoạt động thương mại có chu trình từ: tiếp thị, bán hàng đến hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Truyền thông vốn là một chức năng của thương nghiệp, nhưng với sự phát triển của phân công lao động xã hội, truyền thông đã tách ra trở thành tiểu ngành kinh tế độc lập. 

Trên cơ sở những cách hiểu khác nhau có thể khái quát kinh tế truyền thông hay còn gọi là ngành công nghiệp truyền thông là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ truyền thông với đối tượng truyền thông để sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm truyền thông, nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người về thông tin phục vụ sản xuất và cuộc sống.

2. Vai trò của kinh tế truyền thông

Kinh tế truyền thông có vai trò thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng phát triển

Phát minh ra năng lượng điện và động cơ điện ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đã mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt. Tiếp nối thành tựu đó, trình độ của lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, hàng hóa hữu hình và rất nhiều công đoạn cung ứng dịch vụ được máy móc thực hiện sản xuất với khối lượng khổng lồ. Trọng tâm của chu trình sản phẩm và chuỗi giá trị hàng hóa chuyển sang khâu thương mại, tiêu thụ hàng hóa. Việc lưu thông hàng hóa trôi chảy, hàng hóa tiếp cận tốt với khách hàng sẽ có vai trò to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển. Lý thuyết lưu thông tư bản của kinh tế chính trị đã chỉ ra rằng: Nhà sản xuất chỉ có thể thu hồi về giá trị, bù đắp chi phí sản xuất và có lãi khi hàng hóa của họ được thực hiện xong toàn bộ giá trị và giá trị sử dụng, có nghĩa là người tiêu dùng tiếp cận và chấp nhận trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ đó về sử dụng. Bằng không, hàng hóa không bán được, nhà sản xuất không thu hồi được vốn, không có lợi nhuận, sản xuất sẽ ngưng trệ, phá sản.

Khi trở thành ngành kinh tế độc lập, kinh tế truyền thông hoạt động tích cực giúp kích thích sản xuất hàng hóa phát triển. Hoạt động của các doanh nghiệp truyền thông đảm nhiệm sản xuất và cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ hiệu quả có vai trò quan trọng giúp hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nhanh chóng, quay vòng vốn nhanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, nhà sản xuất có thể chuyên tâm vào phát triển sản phẩm, hoạt động truyền thông, marketing có doanh nghiệp truyền thông chuyên đảm nhiệm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp truyền thông đảm nhiệm việc thu thập thông tin phản hồi, giúp doanh nghiệp sản xuất cung ứng dịch vụ, kịp thời điều chỉnh hoạt động để tạo ra những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội. Với tiêu dùng, truyền thông cung cấp thông tin định hướng tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm hàng hóa phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Sự ra đời và phát triển của kinh tế truyền thông giúp sản xuất và tiêu dùng phát triển.

Tạo vốn cho phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới xác định kinh tế truyền thông là ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân. Hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế truyền thông mang lại đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Giá trị kinh tế mà ngành kinh tế truyền thông mang lại làm gia tăng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vào ngành kinh tế truyền thông và các ngành kinh tế khác.

Tạo việc làm và thu nhập cho một lực lượng lớn lao động

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tạo ra khối lượng việc làm và thu nhập cho một đội ngũ đông đảo người lao động. Theo Toplist.vn, các công ty truyền thông hàng đầu Việt Nam như: Dentsu Việt Nam, Tập đoàn Interpublic (IPG), Công ty CP VCCorp (VCCorp); Công ty XPR Brand Communications, Daiko Việt Nam, Công ty TNHH TMDV Mắt Bão…đảm nhiệm vai trò truyền thông cho nhiều đối tác lớn trên thế giới và Việt Nam. Dentsu Việt Nam sử dụng 54.000 lao động, hàng trăm chi nhánh và là đối tác tin cậy của các tập đoàn lớn Toyota, Lexus, Yamaha, Canon, Ajinomoto, Kao, Tập đoàn Saigon Tourist và nhiều thương hiệu khác. 

Kinh tế truyền thông thúc đẩy quảng bá hình ảnh về hàng hóa, dịch vụ, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới

Hoạt động của các công ty truyền thông phản ánh sáng tạo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đất nước và con người Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng có những hiểu biết rõ ràng về một hàng hóa, dịch vụ nào đó, một di sản vật thể, phi vật thể của Việt Nam thông qua các sản phẩm truyền thông.

Kinh tế truyền thông là ngành kinh tế mới xuất hiện và phát triển vào cuối thế kỷ XX. Ở Việt Nam, kinh tế truyền thông hình thành và phát triển vào đầu thế kỷ XXI. Hoạt động sản xuất, truyền tải thông tin, tiếp cận khách hàng đã thu hút hàng trăm tập đoàn và doanh nghiệp kinh doanh, đóng góp to lớn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam trong những năm gần đây.

 ThS. CHÂU TRƯỜNG THẮNG

Đại học Công nghiệp Hà Nội

 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/vai-tro-cua-kinh-te-truyen-thong-a8675.html