1. Hội Xuất bản Việt Nam với những nỗ lực không ngừng nghỉ
Xác định phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, Hội Xuất bản Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động trong kế hoạch công tác thường niên. Trong các hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản, Hội nghị tổng kết, triển khai công tác xuất bản và phát hành, cùng các hội nghị khác về hoạt động xuất bản, đại diện lãnh đạo Hội thường xuyên có tham luận phản ánh ý kiến của hội viên về những vấn đề liên quan đến ngành Xuất bản nói chung và phát triển văn hóa đọc nói riêng. Hằng năm, Hội Xuất bản Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn, động viên các hội viên tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam do Trung ương tổ chức; đồng thời, là hạt nhân tích cực tham mưu, giúp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc trong phạm vi địa phương, ngành và đối tượng tập hợp của các tổ chức hội, đoàn thể. Các hội sách ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ và nhiều địa phương khác trong cả nước đều thu hút sự quan tâm và tích cực tham gia của các nhà xuất bản, các công ty, đơn vị phát hành sách. Tại các ngày hội sách, các đơn vị tham gia không chỉ nhằm mục đích kinh doanh bán sách, mà còn tổ chức các hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền và ký kết các liên kết, hợp tác phát triển văn hóa đọc trên nền tảng, ứng dụng công nghệ số, như Hội sách trực tuyến quốc gia trên sàn Book365. Các hội sách trực tiếp và online, chương trình kích cầu sách của các đơn vị làm sách đều thu hút đông đảo bạn đọc, nhất là các độc giả trẻ. Theo quan sát, hiện nay các độc giả trẻ ở lứa tuổi học sinh, sinh viên không chỉ lựa chọn sách văn học nhiều như trước đây, mà đã quan tâm nhiều hơn đến các thể loại phi hư cấu, sách lịch sử, kiến thức, kỹ năng sống, du ký… Những loại sách này góp phần nâng cao văn hóa đọc, nâng cao tri thức đối với bạn đọc trẻ, đồng thời góp phần kích thích sự sáng tạo ở những người làm sách.
Nhằm góp phần phát triển thị trường sách và văn hóa đọc trong cộng đồng, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về việc hình thành thói quen đọc sách trong giới trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và những chuyên đề về nghiệp vụ, góp phần thúc đẩy trình độ, chuyên môn cho đội ngũ làm nghề. Hội tham mưu, tác động tích cực cho việc hình thành các chủ trương, chính sách góp phần phát triển hoạt động ngành Xuất bản và văn hóa đọc trong cộng đồng thông qua các hình thức: hội thảo chuyên đề, gửi kiến nghị bằng văn bản, tăng cường công tác truyền thông, vận động trực tiếp các đại biểu Quốc hội1… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, từng bước phát triển thị trường sách, giúp cho ngành Xuất bản, phát hành sách phát triển lành mạnh, như: mô hình nhà xuất bản; chính sách cho thuê đất, đặt hàng xuất bản phẩm; kiến nghị kịp thời các giải pháp chống sách lậu, tình trạng vi phạm bản quyền…
2. Một số kết quả đạt được
Sự hưởng ứng tích cực, chủ động của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách trong việc tổ chức các hội chợ sách, triển lãm sách trực tuyến thể hiện sự nhạy bén với xu thế, công nghệ mới, đồng thời là phương thức để giới thiệu sách, lan tỏa văn hóa đọc trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Căn cứ vào khả năng và thế mạnh của mình, nhiều nhà xuất bản, công ty phát hành, công ty sách đã chủ động nghiên cứu, tìm hướng đi mới, mô hình mới, tạo ra những không gian đọc sách hiện đại, hấp dẫn, tạo cảm hứng gắn với trải nghiệm sách cho các đối tượng độc giả, các thành viên trong một gia đình. Mô hình không gian trải nghiệm sách và văn hóa đọc tại các vị trí quan trọng ở các siêu thị, trung tâm thương mại và du lịch có uy tín ngày càng được các hội viên tổ chức của Hội quan tâm, vận dụng sáng tạo và phát triển khá mạnh mẽ, hiệu quả, đặc biệt là tại các trung tâm lớn của cả nước hoặc từng khu vực. Điển hình như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Công ty Văn hóa Phương Nam, Công ty Fahasha, Thái Hà Books, Tân Việt Books... Một số hội viên tập trung hướng văn hóa đọc đến các cộng đồng dân cư vùng nông thôn, miền núi, thông qua việc xây dựng tủ sách, giới thiệu sách, hướng dẫn đọc sách gắn với tận dụng, phát huy cơ sở vật chất của các điểm nhà văn hóa tại các thôn, bản, làng vùng nông thôn, miền núi.
Một trong những điểm nhấn về hoạt động phát triển văn hóa đọc do Hội thúc đẩy là Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị trực thuộc Hội Xuất bản Việt Nam trực tiếp quản lý. Ngay trong năm đầu tiên thành lập (năm 2016), Đường sách đã được người dân Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật nhất của Thành phố. Tính đến năm 2022, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 1.344 sự kiện với các loại hình hoạt động khá đa dạng. Trong đó, có 98 hoạt động chủ đề phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội - văn hóa - giáo dục; 97 hoạt động trưng bày, triển lãm những tác phẩm sáng tác trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; 761 sự kiện giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm, ký tặng sách; 40 chương trình giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống đến hiện đại; 30 hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật của các tổ chức nước ngoài; 36 chương trình giao lưu, trao đổi về nghề nghiệp trong lĩnh vực hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc; 67 chương trình giao lưu phát triển văn hóa đọc dành cho học sinh, sinh viên; 170 sân chơi động tương tác thu hút đông đảo bạn đọc, du khách, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Với doanh thu trên 205 tỷ đồng, số bản sách bán ra 3.977.641 bản, số tựa sách mới phát hành: 60.394 tựa sách, trên 11,5 triệu lượt bạn đọc, du khách tham quan. Không chỉ là điểm đến của văn hóa đọc thuần túy, Đường sách còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa chung nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn vinh các giá trị tri thức, phát huy tinh hoa văn hóa thế giới, thông qua ngôn ngữ của các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc.
Từ mô hình Đường sách tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đã cử đại diện lãnh đạo trực tiếp đến từng địa phương truyền đạt kinh nghiệm xây dựng Đường sách, Vườn sách tại các quận 5, 7, Gò Vấp, Thủ Đức của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk... Năm 2023, Đường sách tại thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Tạp chí điện tử Tri thức (ZNews) - cơ quan thông tin, tuyên truyền của Hội Xuất bản Việt Nam, đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như của ngành Xuất bản giúp định hướng thông tin, dư luận trên không gian mạng, góp phần phát triển văn hóa đọc. Tạp chí và một số hội viên chủ động phối hợp với một số cơ quan báo chí lớn, nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam mở chuyên mục mới với nội dung và hình thức hấp dẫn để quảng bá, giới thiệu những cuốn sách mới, những mô hình hay trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, điển hình như: Hình thành các điểm đọc, trải nghiệm sách tại các trung tâm siêu thị lớn của Công ty Cổ phần Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa), Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam… hoặc hình thành phong trào khuyến đọc như của Công ty Cổ phần Sách Thái Hà… Tạp chí đã có một số chuyên mục xuất bản như mục Sách hay và Tác giả với nhiều tiểu mục. Những hoạt động quan trọng của ngành Xuất bản, sách hay, tác giả nổi tiếng được đưa lên cụm nổi bật với 10 bài mới nhất. Số lượng tin, bài liên quan đến xuất bản tăng lên 7 - 10 tin, bài/ngày.
3. Những bước đi trong xu thế mới
Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong việc phát triển văn hóa đọc, bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các hội và liên chi hội, thúc đẩy xuất bản ra nước ngoài, tiếp tục truyền thông để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, hỗ trợ các tác giả trẻ, đề xuất các chế tài mạnh mẽ hơn để bảo vệ bản quyền, lợi ích hợp pháp cho các đơn vị và cá nhân hoạt động trong ngành Xuất bản…
Năm 2022, với vai trò Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Xuất bản ASEAN, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với Hiệp hội các nhà xuất bản ở Đông Nam Á. Đặc biệt trong năm qua, Hội đã đại diện cho Đông Nam Á tham gia các hoạt động, diễn đàn được tổ chức ở châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trong khu vực như Ngày hội bản quyền Sách giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, tổ chức các hoạt động sách với Đại sứ quán Thái Lan, các hoạt động hội sách tại Singapore, làm việc với các tập đoàn xuất bản của Trung Quốc, Myanmar…
Hiện nay, việc phát triển văn hóa đọc đang gặp phải thách thức trong việc tiếp cận sách với độc giả trẻ do nhu cầu, thu nhập chi phối. Để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, ngành Xuất bản phải thích ứng với thói quen đọc đang thay đổi của giới trẻ nhằm duy trì sự phù hợp trong thời đại kỹ thuật số. Giữa tháng 11/2023, Hội Xuất bản Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ TikTok Việt Nam về hỗ trợ phát triển văn hóa đọc và bảo vệ bản quyền sách giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị có cổng thanh toán điện tử để hỗ trợ các nhà xuất bản, công ty phát hành sách điện tử. Để khuyến khích các nhà xuất bản, công ty phát hành sách điện tử tham gia tại các cổng thanh toán điện tử của ngân hàng, Hội Xuất bản Việt Nam cần có những khuyến nghị Nhà nước có chính sách giảm phí cho các đơn vị có cổng thanh toán để hỗ trợ ngược lại cho các hội viên của Hội. Đây là hoạt động thiết thực của Hội, thể hiện vai trò thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, góp phần vào sự phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
1. Cụ thể là:
- Về “Thư viện các cơ sở giáo dục” tại Điều 15 và “Phát triển văn hóa đọc” tại Điều 30 Luật Thư viện ban hành ngày 21/11/2019.
- Về “Xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường” tại Điều 24 Điều lệ Trường Tiểu học và Điều 16 Điều lệ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông nhiều cấp lớp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 04/9/2020.
- Về “Các hoạt động khuyến đọc, hình thành và phát triển thói quen đọc” trong Công văn số 5750/BGDĐT-GDTH, ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức hoạt động Thư viện trong trường Tiểu học từ năm học 2020 - 2021.
- Các tiêu chuẩn về “Tài nguyên thông tin” trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Về “Đẩy mạnh giải pháp xây dựng thói quen đọc sách nhằm hình thành nhân cách của đội viên, học sinh trên địa bàn thành phố” trong nội dung phối hợp hoạt động được ký kết liên tịch giữa Hội Xuất bản Việt Nam - Thành đoàn - Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/8/2019.
- Về phối hợp tổ chức “Chương trình phát triển văn hóa đọc dành cho học sinh trong nhà trường và tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh” và tập huấn “Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường”.
TS. VŨ THÙY DƯƠNG
Ủy viên Thường vụ Hội Xuất bản Việt Nam