Giải pháp phát triển kinh tế báo chí số theo hướng đa phương tiện hiện nay

CT&PT - Việc phát triển kinh tế báo chí trong môi trường số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn mở ra không gian phát triển, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Với đặc thù riêng, việc phát triển kinh tế báo chí số tại Việt Nam cần tuân thủ quy luật của thị trường, đồng thời phải tuân theo đúng quy định pháp luật và đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Trên cơ sở trình bày thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí số tại Việt Nam hiện nay.

Trên thế giới, các nghiên cứu về kinh tế báo chí truyền thông được phát triển từ những năm 70 của thế kỷ XX đến những năm 80 của thế kỷ XX. Đây là hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp truyền thông, đồng thời là thành phần cấu thành của nền kinh tế - xã hội. 

Dấu hiệu của hoạt động kinh tế báo chí là việc tìm kiếm lợi nhuận dựa trên cơ sở các hoạt động báo chí truyền thông. Hoạt động này phải tuân thủ theo các quy luật kinh tế nói chung và phù hợp với tính đặc thù của hàng hóa, thị trường báo chí truyền thông nói riêng. Sản phẩm của hoạt động kinh tế báo chí luôn đa dạng về thể loại, cách thức thực hiện, kênh truyền thông phân phối, tệp khách hàng... Ngày nay, các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động được ứng dụng rộng rãi. Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, các sản phẩm của kinh tế báo chí số là thông tin, thông điệp được số hóa, xử lý, phân tích dữ liệu số, sử dụng truyền dẫn internet chất lượng cao để truyền tải, đồng bộ. Có thể nói, báo chí số vừa mang đặc tính của báo chí truyền thống, vừa mang đặc tính của công nghệ đa phương tiện. 

1. Phát triển kinh tế báo chí số ở Việt Nam hiện nay

Theo Phiên họp Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia thống kê, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm 2022 và năm 2023. Kinh tế số trong báo chí truyền thông là một lĩnh vực, môn khoa học mới, được nhiều chuyên gia nghiên cứu. Từ năm 1986, khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến kinh tế thị trường. Trước năm 1986, do điều kiện lịch sử nên báo chí truyền thông ở nước ta hoạt động theo cơ chế bao cấp, gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh tế báo chí chưa được chú trọng. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước thúc đẩy hoạt động thực tiễn của các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế báo chí. Hệ thống các chính sách, quy định của Nhà nước về báo chí số trở nên nhất quán, khoa học với tư duy đổi mới nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, đồng thời vẫn mang lại hiệu quả kinh tế báo chí trong giai đoạn chuyển đổi số.

Các cơ quan báo chí được tạo điều kiện để mở rộng và tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, nâng cao tính độc lập, tự chủ trong hoạt động của báo chí, đồng thời đưa ra các chính sách cụ thể về kinh tế báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xây dựng nhiều chiến lược, chương trình lớn hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế báo chí, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế báo chí trên nền tảng số. Luật Báo chí qua từng giai đoạn được sửa đổi, bổ sung, tạo những điều kiện thuận lợi cho việc báo chí hoạt động phát triển kinh tế.

Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được coi là một trong những văn bản quan trọng, có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế báo chí số nước ta. Chiến lược xác định mục tiêu chung: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”. 

Hưởng ứng mục tiêu của Chiến lược, nhiều cơ quan báo chí đã thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí số. Theo Cục Báo chí, nhiều tín hiệu tích cực về chuyển đổi số đã xuất hiện sau quá trình tập huấn, hướng dẫn cách thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí từ tháng 8/2023. Cụ thể, 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cho đơn vị mình.

Kinh tế báo chí số là một ngành đặc biệt, sản phẩm của báo chí số cũng là một sản phẩm đặc biệt, điều này đặt ra những yêu cầu cụ thể. Kinh tế báo chí dưới góc độ chính trị là nhằm tác động tới đời sống, tư duy, tình cảm... của công chúng; dưới góc độ thị trường, hoạt động này vẫn chịu tác động của quy luật cung - cầu, trong đó sản phẩm của báo chí là thông tin, tin tức, khách hàng của kinh tế báo chí là công chúng. Do đó, việc phát triển kinh tế báo chí số đòi hỏi sự nhanh nhạy và áp dụng đồng bộ.

2. Giải pháp phát triển kinh tế báo chí số theo hướng đa phương tiện hiện nay

Nâng cao chất lượng nội dung, hướng đến thu phí bạn đọc 

Theo đó, các đơn vị cần tăng cường phát triển đa dạng phương thức kinh doanh, thu phí. Thực chất, việc thu phí người đọc là thói quen vốn đã xuất hiện từ khi báo in xuất hiện. Công chúng trả tiền để mua tờ báo in, nắm bắt thông tin đời sống, tin tức thời sự mới nhất đang diễn ra hằng ngày. Tự chủ tài chính và phát triển kinh tế báo chí là xu thế của nền báo chí hiện tại, tuy nhiên đây cũng đang là thách thức lớn với các cơ quan báo chí hướng tới mục tiêu chuyển đổi số. Tòa soạn báo chí cần phát triển những trung tâm sáng tạo nội dung đa phương tiện, hình thành không gian kết nối giữa tòa soạn số với công chúng số, từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình thu phí báo chí. Sản phẩm nội dung của báo chí số có thể là ảnh, đồ họa, âm thanh hoặc những dạng bài bắt kịp xu hướng của báo chí số hiện đại như longform, megastory, emagazine, podcast... Đây là những xu hướng sáng tạo kiểu mới, ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có thể áp dụng trong sản xuất nội dung báo chí. 

Để phát triển nội dung số phù hợp với nhu cầu công chúng, các đơn vị cần phân loại cụ thể đối tượng độc giả, ví dụ: người dùng sẵn sàng trả phí; người dùng có tiềm năng trở thành người dùng trả phí; người dùng không sẵn sàng trả phí... Khi nội dung trên các nền tảng số đáp ứng được nhu cầu, công chúng sẵn sàng trả phí để được nhận thông tin chất lượng. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh sản xuất các thể loại báo chí như phóng sự điều tra, bình luận tin tức...; đồng thời, đa dạng hóa phương thức truyền tải thông tin như long-form, megastory, emagazine… nhằm thu hút độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Việc đa dạng nguồn thu có thể giúp tòa soạn số duy trì chất lượng sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người làm báo.

Ở Việt Nam, một số tờ báo đã bắt đầu triển khai mô hình báo chí trả tiền, tuy nhiên vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi. Ví dụ như trang VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam (triển khai từ tháng 11/2018) cho người dùng đọc báo miễn phí trên phần lớn nội dung, và yêu cầu người đọc phải trả một khoản phí với những bài viết chuyên biệt, chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền... Vào tháng 3/2021, Tạp chí điện tử Ngày nay đã trở thành tạp chí điện tử đầu tiên thu phí người đọc trong chuyên mục “Special Today” theo các gói dịch vụ tuần hoặc tháng...

Hiện nay, hai mô hình thu phí chính được áp dụng rộng rãi là thu phí cứng và thu phí mềm. Thu phí cứng yêu cầu công chúng phải đóng một khoản tiền cố định mỗi tháng để được tiếp cận tất cả các nội dung trả phí của tờ báo. Ở hình thức thu phí mềm, tờ báo sẽ cung cấp một số bài được tiếp cận miễn phí, trong khi đó, một số bài báo chất lượng sẽ chỉ hiển thị một phần nội dung và yêu cầu người dùng phải trả phí mới có thể truy cập đọc tiếp. Trên thực thế, rất nhiều tờ báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao từ việc thu phí cứng hoặc thu phí mềm, trong bối cảnh doanh thu từ quảng cáo giảm mạnh. Tờ The Times mỗi năm đạt doanh thu 1000 tỷ đồng/tháng từ việc thu phí 3,4 triệu thuê bao đăng ký. Tờ báo kinh doanh của Đức - Handelsblatt đã tăng doanh thu lên hơn 25% thông qua thu phí bạn đọc. Ngoài ra, các tờ báo nổi tiếng khác như: Wall Street Journal, New York Times, Financial Times Daily… cũng rất thành công trong việc thu phí bạn đọc. Đây là những ví dụ điển hình chứng minh các cơ quan báo chí trong nước hoàn toàn có thể tăng trưởng doanh thu từ những bài viết chất lượng. 

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực

Nicolas Windpassinger từng đề cập tới hai yếu tố đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số: Một là, yếu tố con người, bởi “trên thực tế, tài sản có giá trị nhất của một doanh nghiệp chính là con người mà họ sử dụng”; hai là, vai trò của nhà lãnh đạo, bởi tầm nhìn và chiến lược của họ có khả năng tiếp sức cho nhân viên và thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong tập thể. 

Hiện nay, cả nước có khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ, đây là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam. Câu chuyện về chuyển đổi số báo chí không chỉ nằm ở vấn đề xu hướng công nghệ, mà còn là yếu tố về con người, cụ thể là các lãnh đạo, quản lý tòa soạn số và các nhà báo, phóng viên cung cấp thông tin, bởi chỉ cần một mắt xích trong tòa soạn số bị gián đoạn, quá trình vận hành chuyển đổi số sẽ trở nên kém hiệu quả, thậm chí là không thể hoạt động. 

Với vai trò quản trị, người đứng đầu của các đơn vị phải là người nắm chắc các kiến thức, kỹ năng trong hoạt động kinh tế báo chí, đồng thời cần quyết liệt với các mục tiêu kinh tế báo chí số theo từng giai đoạn; sắp xếp vận hành mô hình tòa soạn số phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của tổ chức... Việc nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc và am hiểu công nghệ sẽ đưa ra những chỉ đạo kịp thời, chuẩn xác cho sự phát triển kinh tế báo chí số trong thời kỳ đổi mới. Mặt khác, cần có những quy định cụ thể về tuyển dụng cán bộ, sắp xếp và bố trí cán bộ; có chính sách đào tạo những người có năng lực trong quản lý kinh tế báo chí số để theo kịp tốc độ phát triển chung của xã hội và xu hướng chung các tòa soạn báo trên thế giới. 

Chính sách tuyển dụng cần đưa ra nhiều cơ chế hấp dẫn thu hút nhân lực tài năng, có tố chất của một người làm báo, yêu nghề và hăng say với nghề. Các phóng viên, biên tập viên phải rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, củng cố đạo đức nghề nghiệp, đổi mới tư duy để linh hoạt tác nghiệp báo chí đa phương tiện, từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng, kịp thời, bảo đảm tính chính xác, nhân văn và trách nhiệm với xã hội. Một đội ngũ nhân sự chất lượng sẽ giúp phát triển các chương trình chất lượng, thiết thực, thu hút công chúng để mở rộng, phát triển thu phí quảng cáo trên các khung giờ vàng, tin bài tiêu điểm... 

Nhân sự đào tạo chất lượng ở đây không chỉ đối với đội ngũ tác nghiệp, mà còn cần đào tạo nên một đội ngũ kinh doanh tiềm năng, giúp thu hút khách hàng và phát triển kinh tế báo chí số. Bộ phận kinh doanh sẽ đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế số bền vững, hiệu quả và lâu dài. Triển khai được điều này, các doanh nghiệp, đối tác sẽ sẵn sàng trả phí để được xuất hiện trên sóng, trên website hay hợp tác bằng một hình thức tài trợ khác, từ đó doanh thu của cơ quan báo chí sẽ được cải thiện, phát triển.

Việc phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực số để phát triển kinh tế báo chí phải xuất phát từ trong tư duy đổi mới của sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các chương trình đào tạo đại học và sau đại học, khóa học nghiệp vụ chuyên biệt, giảng dạy về kinh tế báo chí số, bám sát xu thế của kinh tế thị trường, tích cực “đưa không gian kinh tế báo chí số đến giảng đường”, đào tạo gắn với thực tiễn, tránh sáo rỗng, không có chiều sâu. Đáp ứng những điều này, trong tương lai, nguồn nhân lực báo chí số sẽ đồng bộ cả về kiến thức và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế báo chí số.

3. Kết luận

Trong xu thế tự chủ tài chính, kinh tế, các đơn vị báo chí truyền thông tại Việt Nam đã và đang xây dựng những hướng đi mới, phát huy tối đa mọi nguồn lực hiện có để xây dựng nền kinh tế báo chí bền vững, có tầm ảnh hưởng. Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, kinh tế báo chí số là yếu tố tiên quyết, giúp các cơ quan báo chí hướng tới sự chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, vừa đóng vai trò định hướng dư luận xã hội, vừa bảo đảm nguồn thu của cơ quan, tăng hiệu quả trải nghiệm của công chúng. 

Hiện nay, các tòa soạn đều xác định việc triển khai kinh tế báo chí số là mục tiêu tiên quyết cần triển khai, tuy nhiên đây vẫn là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, đòi hỏi việc triển khai thực hiền cần theo từng giai đoạn cụ thể nhằm hướng tới một nền kinh tế báo chí số Việt Nam toàn diện.

NGUYỄN THỊ NGỌC VÂN

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/giai-phap-phat-trien-kinh-te-bao-chi-so-theo-huong-da-phuong-tien-hien-nay-a8650.html