Hoàn thiện pháp luật về quản lý thuế đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ trên nền tảng số xuyên biên giới

CT&PT - Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử thông qua các nền tảng số xuyên biên giới như Facebook, Airbnb, Instagram và nhiều nền tảng khác đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới đã tạo ra thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý thuế. Do tính chất toàn cầu và phi vật lý của các giao dịch trực tuyến, việc xác định và thu thuế từ thu nhập này trở nên phức tạp hơn nhiều so với các hoạt động kinh doanh truyền thống. Việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với các hoạt động này được được đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của một số công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), công nghệ 5G, và sự hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang chứng kiến xu hướng bùng nổ mạnh mẽ của các hoạt động thương mại được thực hiện trên các nền tảng số cung ứng theo phương thức xuyên biên giới như: sàn giao dịch thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…), dịch vụ mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok, Instagram); hay các dịch vụ phát thanh, truyền hình trực tuyến (Netflix, Apple, Amazon, Tencent, IQIYI…).

Không thể phủ nhận những đóng góp của các hoạt động thương mại này vào sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến sự thịnh vượng, phồn vinh. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng, không thể dự đoán của khoa học kỹ thuật và thực tế những đơn vị thực hiện hoạt động thương mại trên không có trụ sở thương mại tại Việt Nam, những loại hình kinh doanh này đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thuế.

Điều 29 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”. Như vậy, nộp thuế là nghĩa vụ cơ bản tất cả mọi người, bao gồm cả tổ chức, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài đang thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và phát sinh thu nhập.

Thực tế cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước về thuế của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi, quản lý, kiểm soát hoạt động đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số trên các nền tảng số cung ứng xuyên biên giới. Mặc dù, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn quy định của Luật Quản lý thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư nhằm đưa ra cơ chế đặc thù để quản lý thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh từ các hoạt động kinh doanh này, song trên  thực tế tình trạng thất thu thuế vẫn xảy ra.

2. Tổng quan về thuế đối với hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số

Hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số cung ứng xuyên biên giới

Nền tảng số liên quan đến hoạt động thương mại được hiểu là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch thương mại trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia thực hiện giao dịch, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay lập tưc, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì.

Thuật ngữ “xuyên biên giới” xuất hiện tại các Hiệp định Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chủ yếu là trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATS) liên quan đến các cam kết của các quốc gia về mở cửa thị trường đối với thương mại dịch vụ. Cung ứng dịch vụ qua biên giới được hiểu là việc cung cấp dịch vụ từ lãnh thổ của một thành viên đến lãnh thổ của bất kỳ một thành viên nào khác.

Như vậy, có thể hiểu cung ứng dịch vụ qua các nền tảng số xuyên biên giới là một phương thức cung cấp dịch vụ, theo đó, bên cung ứng dịch vụ ở quốc gia khác với khách hàng, và dịch vụ được cung ứng qua các nền tảng số kết nối trực tuyến giữa bên cung ứng dịch vụ và khách hàng.

Cung ứng dịch vụ trên nền tảng số xuyên biên giới bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, từ thuê phòng ở nước ngoài thông qua ứng dụng điện thoại di động, đặt mua trực tuyến một món đồ trang sức từ nghệ nhân trên khắp thế giới, lấy dữ liệu vệ tinh về thành phần đất để khai thác hoặc một doanh nghiệp bán lẻ bổ sung nguồn hàng từ một nhà cung cấp nước ngoài thông qua giao tiếp tự động trên nền tảng trực tuyến.

Các nền tảng xuyên biên giới có thể được định dạng dựa trên loại tài nguyên mà chúng cấp quyền truy cập như: (i) Quyền truy cập thông tin (hoặc nội dung) như các công cụ tìm kiếm chung (ví dụ: Google, Bing) hoặc các công cụ tìm kiếm chuyên biệt (ví dụ: TripAdvisor, Yelp, Google Mua sắm, Kelkoo, Twenga); (ii) Quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân và nội dung “riêng tư” khác như mạng xã hội (ví dụ: Facebook, LinkedIn); (iii) Quyền truy cập vào hàng hóa, dịch vụ được cung cấp bởi các bên thứ ba như thị trường trực tuyến (ví dụ: Amazon, eBay, Alibaba, Allegro, Booking.com) hoặc nền tảng kinh tế chia sẻ (ví dụ, Airbnb, Uber, BlaBlaCar), tại đây, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ được cung cấp; (iv) tiếp cận với lực lượng lao động hoặc khả năng chuyên môn hoặc trí tuệ của con người (TaskRabbit, Upwork...); (v) truy cập vào tiền hoặc vốn như các trang website huy động vốn cộng đồng (ví dụ: Kickstarter, Gofundme) hoặc hệ thống thanh toán (ví dụ: PayPal, Mastercard, Bitcoin)...

Các loại hình cung ứng dịch vụ trên nền tảng xuyên biên giới phổ biến hiện nay có thể kể đến như: (i) Các nền tảng xuyên biên giới mà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, như: Netflix, App TV, Amazon...; (ii) Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, như: Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram; (iii) Các ứng dụng nhắn tin, gọi điện xuyên biên giới như: Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram...

Thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước

Các nền tảng thương mại số xuyên biên giới đang ngày càng mở rộng và phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây xuất phát từ mô hình kinh doanh mới, các hình thức tương tác mới, tạo ra nhiều lợi thế trong kinh doanh, cho phép mở rộng quy mô nhanh chóng và ít tốn kém, ngày càng tác động lớn đến các quốc gia. Thương mại điện tử xuyên biên giới là hình thức mua bán trực tuyến giữa các nhà bán hàng và khách hàng ở các quốc gia khác nhau, thông qua sử dụng các nền tảng thương mại điện tử như website, sàn thương mại điện tử, ứng dụng di động, các kênh truyền thông xã hội.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã kết nối các quốc gia trên toàn thế giới, tạo nên một thị trường mua bán không giới hạn, giúp cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được đến khách hàng toàn cầu và tăng cường năng lực cạnh tranh của mình. Đồng thời, giúp người tiêu dùng có thể mua sắm và tiếp cận được những sản phẩm, dịch vụ từ các nước khác. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các hoạt động này cũng tạo ra nhiều thách thức đối với cơ quan nhà nước trong quản lý hoạt động này.

Luật Quản lý thuế năm 2019 bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới theo hướng quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài có thể trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam đã thu được các khoản thuế của các doanh nghiệp xuyên biên giới đối với khoản doanh thu từ các tổ chức thông qua hình thức thuế nhà thầu. Doanh thu các doanh nghiệp xuyên biên giới ước đạt hơn 1 tỷ USD/năm, song hiện tại, Nhà nước mới thu được một số ít thuế nhà thầu do doanh nghiệp Việt Nam kê khai và nộp, mà chưa thu được các loại thuế có liên quan đối với các doanh nghiệp xuyên biên giớido các goanh nghiệp này chưa chấp nhận việc đặt trụ sở, pháp nhân tại Việt Nam. Như vậy, hiện Nhà nước đang thất thu thuế lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Từ ngày 21/3/2022 (thời điểm các doanh nghiệp xuyên biên giới hiện diện tại Việt Nam kê khai, nộp thuế) đến nay, cơ quan thuế mới chỉ thu được hơn 3.444 tỷ đồng của 42 nhà cung cấp nước ngoài khai và nộp qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong đó, có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam.

3. Pháp luật về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua các nền tảng số

Tổng quan các văn bản pháp luật

Trước xu thế bùng nổ của hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số cung ứng xuyên biên giới tại Việt Nam trong những năm gần đây, cơ quan có thẩm quyền đã chủ động thực hiện rà soát, ban hành một số cơ chế, chính sách quản lý hoạt động của lĩnh vực thương mại điện tử như: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư số 103/2014/TT-BTC, ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Các nội dung liên quan tới thuế nhà thầu ở Việt Nam được quy định trong hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam như Thông tư số 103/2014/TT- BTC. Theo đó, các loại thuế áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài (không hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam) có phát sinh thu nhập từ việc cung ứng dịch vụ hoặc những loại dịch vụ gắn liền với hàng hóa tại Việt Nam bao gồm: (1) Đối với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; (2) Đối với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thì thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành. Mặc dù đã có thuế nhà thầu nhưng chưa thu được thuế của các doanh nghiệp xuyên biên giới phát sinh từ các giao dịch với khách hàng là người dùng Việt Nam. Thông tư số 103/2014/TT-BTC chưa tính toán hết mọi trường hợp phát sinh doanh thu đối với các doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (cụ thể là trường hợp doanh thu nhận được từ cá nhân không kinh doanh). Điều này khiến cho các doanh nghiệp xuyên biên giới không nộp thuế được.

Để giải quyết những bất cập trước đây trong quản lý thuế, thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, cũng như khắc phục những “lỗ hổng” trong việc nộp thuế, ngày 29/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Thông tư số 80/2021/TT-BTC quy định rõ về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Thông tư quy định rõ doanh nghiệp dù hiện diện pháp nhân ở đâu , khi dịch vụ đó được tiêu dùng ở Việt Nam thì vẫn thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng. Nhìn chung, trong những năm qua, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động thu thuế các dịch vụ xuyên biên giới. Theo đó, nhà cung cấp xuyên biên giới có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế với cơ quan thuế Việt Nam.

Người dùng cá nhân sử dụng dịch vụ của công ty xuyên biên giới thì công ty đó có nghĩa vụ nộp thuế. Số phí người dùng nộp đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp này chưa thực hiện kê khai thuế do cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, chưa có pháp nhân hiện diện ở Việt Nam. Nếu doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng dịch vụ của các công ty đó thì có thể kê khai và nộp thuế cho nhà thầu.

Ví dụ cụ thể, Netflix là công ty cung cấp dịch vụ streaming xuyên biên giới được thành lập tại Mỹ. Dù mới bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2019 với việc ra mắt giao diện tiếng Việt, đến cuối năm 2020, nền tảng đã có khoảng 150.000 người dùng tại Việt Nam. Người dùng Việt Nam mua tài khoản Netflix thì Netflix thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế Việt Nam.

Kể từ ngày 21/3/2022, với sự ra đời của Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và ứng dụng eTax Mobile. Việc đóng thuế của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xuyên biên giới đã phần nào trở nên dễ dàng hơn khi có thể chủ động đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Tóm lại, việc yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài phải đăng ký thuế và khai thuế tại Việt Nam thông qua cổng thông tin điện tử, cùng với việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, là một giải pháp quan trọng nhằm quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới. Điều này không chỉ giúp bảo đảm nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước, mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bền vững.

Những khó khăn và bất cập về pháp luật quản lý thuế

Pháp luật Việt Nam đã có những bước tiến trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới. Tuy nhiên, nguồn thu thuế vẫn còn một số bất cập dẫn đến số thuế thu được còn “nhỏ giọt” so với nguồn thu khổng lồ mà các nhà cung cấp nước ngoài thu được tại Việt Nam. Hệ thống các quy định pháp luật về quản lý thuế đối với hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, những chế tài về việc không kê khai hay việc kê khai gian dối không đúng sự thật vẫn chưa được quy định cụ thể. Ngoài ra, vấn đề quản lý đầy đủ nguồn thu, sự phân biệt các loại thu nhập bởi hoạt động thương mại điện tử chưa cụ thể, rõ ràng. Việc quản lý dòng tiền còn gặp nhiều khó khăndo việc giao dịch tiền mặt tại Việt Nam vẫn diễn ra phổ biến.

Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục về hành vi, cách thức để trốn thuế trong hoạt động này đã tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý thuế. Do đó, cần sớm hoàn thiện về khuôn khổ pháp luật, có độ phổ quát cao hơn và chấp nhận sự thay đổi liên tục.

4. Kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế đối với kinh doanh qua các nền tảng số xuyên biên giới

Trước sự bùng nổ ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử trên các nền tảng số xuyên quốc gia, các quốc gia khác trên thế giới đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều quy định về việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh cung ứng dịch vụ xuyên biên giới. Một số kinh nghiệm từ các nước có thể được nghiên cứu và vận dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Kinh nghiệm của một số nước EU

Nhìn chung, luật về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại các nước EU tuân thủ các quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Cơ quan thuế Nhà nước tập trung xác định đối tượng chịu thuế và giao dịch để xác định trị giá thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước. Ở một số nước EU, các cơ quan thuế thực hiện việc so sánh thông tin trên internet với thông tin trong cơ sở dữ liệu nội bộ có chứa thông tin về tờ khai thuế như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu để tạo hồ sơ phân tích rủi ro về người nộp thuế. Căn cứ vào đó để sàng lọc ra các trang website không tuân thủ việc nộp thuế.

Tại Đức, cơ quan thuế đã sử dụng công cụ Xpider để phát hiện các websites của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; nhận diện các hoạt động thương mại điện tử chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế; thu thập và lưu trữ thông tin để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Cơ quan thuế của Áo, Pháp, Alien, Italia và Thụy Điển cho thành lập các nhóm điều tra đặc biệt để giảm thiểu rủi ro liên quan đến mạng internet. 

Pháp sử dụng các công cụ Copernic Agent, Metacrawler, web scrap để tìm kiếm, thu thập thông tin từ website, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để phục vụ thanh tra máy tính. Công cụ tìm kiếm sẽ tự động phân loại thông tin theo từng mục như ngôn ngữ, đơn vị tiền tệ, mục tiêu kinh doanh, địa chỉ văn phòng, địa chỉ liên lạc, kết nối viễn thông, dữ liệu nhà cung cấp, banner quảng cáo. Quá trình tìm kiếm được tự động hóa, đồng bộ với các địa chỉ liên kết mạng và các trang website với dữ liệu kinh doanh đã được đăng ký thuế.

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Cơ quan thuế Nhật Bản yêu cầu ngân hàng cung cấp tài khoản sử dụng để thanh toán thương mại điện tử nhằm nhận diện nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, cơ quan thuế Nhật Bản sử dụng phần mềm khôi phục dữ liệu từ các thiết bị từ tính và đĩa cứng cá nhân để nhận diện và khôi phục dữ liệu. Thành lập tổ quản lý thuế thương mại điện tử, bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin và cán bộ thanh tra có kinh nghiệm. Phát triển cơ sở dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, kể cả đấu giá qua mạng, và hệ thống dò tìm tự động trên internet để thu thập thông tin. Hằng năm, Nhật Bản tổ chức tập huấn cho kiểm tra viên cao cấp về kỹ năng sử dụng phần mềm thương mại và thu thập, phân tích dữ liệu.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Cơ quan thuế Hàn Quốc có phòng quản lý thuế thương mại điện tử, phân tích xu hướng ngành nghề và nghi vấn trốn thuế. Thông tin được thu thập từ Tổng cục Thống kê, Hiệp hội Quản lý gian hàng trực tuyến và các trang website bán hàng. Cơ quan thuế Hàn Quốc phát hiện nghi vấn trốn thuế và có bộ phận chống trốn thuế công nghệ cao thuộc Cục Thuế Seoul để điều tra và thu thập chứng cứ trốn thuế.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Cơ quan thuế Trung Quốc sử dụng các phần mềm như Huge Search để tìm kiếm văn bản, Access và Excel để trích xuất và phân tích dữ liệu, Bcp Utility để sao chép dữ liệu, PC Tools để phân tích dữ liệu trên đĩa, Ghost để truy cập hình ảnh từ đĩa CD, PowerrIP để phân tích hệ thống và Easy Recovery để khôi phục dữ liệu. Lựa chọn hồ sơ thanh tra theo tiêu thức định sẵn và chuyển đổi dữ liệu vào công cụ Access và Excel để phân tích, đối chiếu.

Có thể thấy, kinh nghiệm của các quốc gia nêu trên đều có điểm chung là sử dụng các phần mềm công nghệ để theo dõi, giám sát, truy xuất thông tin và có thể áp dụng công nghệ vào công cuộc truy thu thuế các quốc gia và đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể sử dụng được các phần mềm.

5. Một số đề xuất kiến nghị

Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua các nền tảng số cung ứng xuyên biên giới cần được chú trọng đẩy mạnh thực hiện. Nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tạo ra sự thống nhất trong các quy định về thuế, từ đó giảm thiểu sự chênh lệch thuế giữa các quốc gia. Một hệ thống quy định thuế chi tiết, rõ ràng và nhất quán không chỉ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ, mà còn nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra và giám sát thuế. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nơi các doanh nghiệp thường xuyên hoạt động qua biên giới và chịu ảnh hưởng của nhiều hệ thống thuế khác nhau. Hơn nữa, việc đồng bộ hóa các quy định thuế giữa các quốc gia cũng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và minh bạch trong nền kinh tế, giảm thiểu các hành vi trốn thuế và tăng cường thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện những giải pháp về con người và công nghệ, như:

- Xây dựng các cơ sở dữ liệu và sử dụng các công nghệ vào công cuộc truy thu thuế. Có thể tham khảo một số công nghệ để sao chép, phân tích dữ liệu từ các nước bạn, từ đó áp dụng vào Việt Nam. Việc tiếp thu các công nghệ từ nhiều nước sẽ giúp hạn chế được thời gian, đồng thời có thể sàng lọc các ưu, khuyết điểm của các công nghệ và tạo ra được một công nghệ phù hợp cho Việt Nam.

- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn các kỹ năng khai thác, tìm kiếm, truy tìm và thu thập thông tin trên mạng internet nhằm nhận diện người nộp thuế không tuân thủ, thu thập thông tin trực tiếp phục vụ thanh tra, kiểm tra người nộp thuế; tổ chức tập huấn, đào tạo về các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, các kỹ năng đặc biệt cho cán bộ các kỹ năng thanh tra, kiểm tra máy tính, phương pháp thu thập, truy lần dấu vết giao dịch, phân tích và khôi phục dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp.

- Chủ động tham gia chương trình hành động hợp tác về hành chính, quản lý, chống xói mòn nguồn thu và chống chuyển lợi nhuận ra các “thiên đường thuế”, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử mà hiện nay Việt Nam đang cam kết tham gia. Ngoài ra, tích cực hợp tác với các doanh nghiệp chuyên về hoạt động thương mại điện tử như các trang mạng: Amazon, Google, Facebook, YouTube… nhằm đề ra cơ chế kiểm soát hợp lý.  

- Cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử mở tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, các tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; phối hợp với các công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông... có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển của tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử... nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động thương mại điện tử.

ThS. NGUYỄN THỊ THẢO TRANG, ThS. HÀ THỊ PHƯƠNG THẢO, CN. LƯU NGUYÊN TRUNG

Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/hoan-thien-phap-luat-ve-quan-ly-thue-doi-voi-cac-hoat-dong-cung-ung-dich-vu-tren-nen-tang-so-xuyen-bien-gioi-a8647.html