Cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

CT&PT - Trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên là gìn giữ thể chế của đất nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người, ứng dụng công nghệ số trở thành định hướng chủ đạo ở mọi lĩnh vực và là một nhu cầu cấp thiết đối với mỗi cá nhân, các đối tượng thù địch, phản động đã lợi dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để công kích nền thể chế nước ta. Trước tình hình đó, báo chí cách mạng Việt Nam cần làm tốt vai trò tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

1. Sự xuất hiện của mối nguy mới

Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến 03 cuộc cách mạng công nghiệp, và đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

Trong môi trường xã hội số, sự gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với người dân trở nên dễ dàng, nhanh chóng; góp phần thúc đẩy mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được tiến hành thuận lợi, hiệu quả. Từ đó, khơi dậy sự tin tưởng của người dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoạt động của hệ thống chính trị.

Song, môi trường xã hội số cũng tồn tại những hạn chế không thể phủ nhận. Theo Bộ Công an, thông tin trên không gian mạng hiện đang được lan truyền một cách nhanh chóng, không được kiểm duyệt, gây nhiễu loạn thông tin, mất an ninh trật tự. Hình ảnh xấu, độc hại được phát tán tự do trên không gian mạng đã góp phần làm suy đồi giá trị đạo đức trong giới trẻ. Theo Asia Plus, 94% người sử dụng Facebook và Zalo ở Việt Nam là thế hệ trẻ, nhất là gen Z. Các thế lực thù địch, phản động đang triệt để lợi dụng điều này để “đầu độc” tư tưởng của thanh niên Việt Nam. Tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” xuất hiện ngày một nhiều trong thế hệ trẻ do đối tượng này đa phần chưa đủ kiến thức, bản lĩnh và kinh nghiệm để đương đầu với những thủ đoạn đê hèn của kẻ thù.

Tại Việt Nam, cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh, video và phát tán trên không gian mạng là một trong các thủ thuật chính mà các thế lực thù địch thường sử dụng  tạo ra sự hiểu lầm, nhằmnhân cơ hội dụ dỗ, lôi kéo ngày càng nhiều những người thiếu hiểu biết . Một bộ phận giới trẻ hình thành tư duy ỷ lại, lối sống buông thả,  lạc lối, mất phương hướng, tin vào các bài ca “tự do ngôn luận”, “văn minh”, “dân chủ”, “nhân quyền” là tiền đề của việc bị dẫn dắt vào con đường tà đạo, vi phạm đạo đức và pháp luật. Sự ra đời của Chat GPT, một ứng dụng đa năng và ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả Google, càng làm tình hình thêm tồi tệ. Rất nhiều thông tin phiến diện, vô lý được cung cấp bởi phần mềm này. Nhưng điểm mấu chốt là kẻ thù đã dùng các thông tin này như một nguồn chính thống và rất nhiều người bắt đầu tin vào những thông tin đó. . Bên cạnh đó, một số tờ báo vì chạy theo lợi nhuận mà dễ dàng đăng tải các tin tức ngụy tạo, thiếu xác thực, thậm chí đổi trắng thay đen, biến có thành không và ngược lại để câu view. Điều đó cho thấy sự đi xuống của đạo đức, của lương tâm người làm báo, vì chạy theo tiền bạc mà sẵn sàng không để tâm tới danh dự, sự tín nhiệm của Đảng và nhân dân. Các website “đen” với nhiều bài viết, ý kiến trái chiều về con người và đất nước Việt Nam làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng. Các thế lực thù địch đang tấn công Việt Nam ở mọi phương diện, đặc biệt là trên không gian mạng. Song các cơ quan kiểm duyệt của Việt Nam rất khó xử lý các trang web độc hại do chúng hầu hết đều bắt nguồn từ nước ngoài. Sự gia tăng các trang web độc hại là do sự móc nối của các thế lực phản động nhằm bịa đặt, bôi nhọ danh dự, làm tổn hại niềm tin mà nhân dân dành cho Đảng, Nhà nước và ảnh hưởng đến danh tiếng, vị thế của Việt Nam trên thế giới.

2. Cuộc chiến đấu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường số

Trong thời điểm hiện tại, chưa có giải pháp hữu hiệu nào để xác định và ngăn chặn tất cả các thông tin bịa đặt, xuyên tạc ngày ngày xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam. Nỗ lực phối hợp của các cơ quan chức năng, báo chí và người dân trong thực hiện các biện pháp đấu tranh gìn giữ hòa bình, ổn định của đất nước cũng như bảo vệ quốc gia trên môi trường không gian mạng sau đây góp phần hạn chế sức ảnh hưởng và tần suất xuất hiện của các nguồn tin độc hại:

Thứ nhất, tuyên truyền các bài viết, hình ảnh kỷ niệm 70 năm quân đội ta đánh thắng kẻ thù xâm lược ở Điện Biên Phủ. Trên cơ sở đó, các tờ báo ở Việt Nam có thể đăng tải các bài viết nói về tầm quan trọng của chủ nghĩa cộng sản, vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong giải phóng dân tộc, khơi gợi trong mỗi người dân Việt Nam lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Các nền tảng được nhiều người sử dụng như: Facebook, Youtube, Twitter, Tiktok, Quora... chính là “những trận địa chính” của cuộc chiến tư tưởng và ý thức hệ thông qua ngôn từ và lý luận. Thêm vào đó, lực lượng báo chí Việt Nam có thể hỗ trợ bằng cách kiểm tra, xem xét và tìm ra những bài viết có nội dung sai lệch về Việt Nam. Các bộ phận, tổ chức khác cũng góp sức bằng việc xuất bản các ấn phẩm, bài báo mang tính thời sự, có tính chuyên sâu, chuyên ngành. Đồng thời, tiến hành cảnh báo, nhắc nhở, góp phần nâng cao nhận thức của người dân để phòng tránh các thông tin giả mạo. Công dân Việt Nam cũng phải luôn cẩn thận, đề phòng trước sự ảnh hưởng của ngôn ngữ, một trong các công cụ của cách mạng màu...

Thứ hai, mỗi người dân, mỗi cán bộ phải tự trang bị các kỹ năng, hiểu biết chính xác và đầy đủ về Đảng và Nhà nước, để có  “sức đề kháng” trước những lời lẽ đường mật, dụ dỗ, lôi kéo làm điều sai trái nhằm chống phá Nhà nước. Chính quyền nên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ để hỗ trợ phiên dịch khi giao tiếp hay khi đọc các bài viết nước ngoài... Chú trọng vào chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền vai trò của chủ nghĩa cộng sản trong cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, ca ngợi những thành tựu mà Đảng ta đạt được trong thời gian qua.

Thứ ba, phân công cụ thể vai trò, nhiệm vụ của từng bộ phận, tạo thuận lợi trong việc hợp tác giữa các bộ phận nhằm thực thi nhiệm vụ liên quan tới kiểm duyệt thông tin trên internet. Trọng tâm là mọi vấn đề liên quan tới chủ nghĩa cộng sản, dư luận trong nước và dư luận nước ngoài về xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chỉ dẫn người dân tìm kiếm cũng như đánh giá tính đúng, tính chính xác của thông tin; khuyến khích người dân chủ động phản ánh cho chính quyền khi gặp phải thông tin sai sự thật trên mạng internet; tăng cường kiểm duyệt các nền tảng xã hội có nhiều người yêu thích và sử dụng; kết hợp sử dụng các kỹ thuật công nghệ thông tin tiên tiến để nhanh chóng tìm và sửa chữa các tin, bài có nội dung không đúng, thiếu chính xác; giới thiệu các website uy tín cho người đọc; luôn ứng biến linh hoạt trong quản lý và sử dụng báo chí...

Thứ tư, xuất bản các bài viết phân tích, lý giải con đường và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Các cán bộ, lãnh đạo và quản lý được đào tạo, trau dồi và rèn luyện tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác đã chọn. Đồng thời, luôn ở tâm thế chuẩn bị đối mặt với mọi thử thách của một thế giới đầy biến động. Chăm chỉ học tập, rèn luyện, tự nâng cấp bản thân để vững vàng tâm lý trước mọi công kích, tác động của kẻ thù.

Thứ năm, phát huy thành tựu khoa học và công nghệ mà đất nước ta đã nghiên cứu thành công trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: công nghệ thông tin, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng, chính trị, đối nội - đối ngoại, báo chí, thể thao - văn hóa, dân tộc, kinh tế… Luôn đặt quốc gia, dân tộc lên trên tất cả, lấy đó làm cơ sở để xây dựng, phát triển đất nước. Phân tích, tìm hiểu cặn kẽ tất cả câu hỏi về xã hội chủ nghĩa. Lường trước các mánh khóe, âm mưu, thủ đoạn phá hoại nền độc lập nước ta của thế lực phản động.

Thứ sáu, tích lũy hiểu biết, kinh nghiệm trong thực hiện truy cập internet cùng với tương tác trên các nền tảng mạng xã hội để biến các văn bản, Nghị quyết đi vào thực tiễn. Tích cực truyền bá những tấm gương đạo đức, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Thứ bảy, tận dụng triệt để vai trò của báo chí trên mặt trận thông tin; có phương án nhận biết và phương thức xử lý các nội dung có tính chất gây bạo loạn lật đổ, phản cách mạng Việt Nam.

Ngoài việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng, cách xử lý thông tin, tăng cường các bài đăng để đáp lại ngôn từ xấu, độc hại đang tràn lan trên mạng, phải chú trọng chia sẻ, lan tỏa các tin tức tích cực trong nhân dân. Đẩy mạnh chấp hành pháp luật, tích cực tuyên truyền, giáo dục để người dân không bị dao động trước những chiêu bài dụ dỗ của kẻ thù. Tuyên truyền, giáo dục cho mọi người học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

ThS. HOÀNG NHẬT ANH

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/cuoc-chien-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-tren-khong-gian-mang-a8639.html