Lồng ghép nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị trong giảng dạy tại Học viện Chính trị khu vực II

CT&PT - Chương trình Cao cấp lý luận chính trị là chương trình trọng điểm trong toàn bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trong chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, các môn học, dù thuộc lĩnh vực nào đều khẳng định tính đúng đắn của hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng.

 

Nội dung, chương trình gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Nội dung chương trình giảng dạy Cao cấp lý luận chính tại Học viện Chính trị khu vực II thực hiện theo giáo trình thống nhất do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn và phát hành. Hiện nay, chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị bao gồm 19 môn học, được phân thành các nhóm kiến thức khác nhau. Mỗi môn học lại phân thành từng bài học được sắp xếp khoa học. Mục tiêu các môn học trong chương trình Cao cấp lý luận chính trị luôn tuân thủ nguyên tắc “tính Đảng” - trung thành, kiên định với lý tưởng và hệ tư tưởng của Đảng. Vì vậy, mỗi môn học trong chương trình giảng dạy, tuy có đặc thù khác nhau, song tất cả đều có nội dung hướng tới bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chẳng hạn, với môn Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, trong giảng dạy có nội dung: “Giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tinh thần yêu nước, yêu chế độ, tôn kính Đảng và lãnh tụ; giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng và nhân dân ta1. Thông qua những bài giảng cụ thể như Giáo dục đạo đức cách mạng giúp đảng viên nâng cao ý thức chính trị, “trước hết phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với giai cấp, với Đảng, với cách mạng, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, giai câp lên trên hết, trước hết”2. Với môn học Triết học Mác - Lênin, thông qua giảng dạy và học tập, giúp người học hiểu được tính khoa học, tính cách mạng và giá trị bền vững của triết học Mác - Lênin, “nó giải đáp được những vấn đề do nhiệm vụ giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, khỏi mọi sự tha hóa đặt ra”3. Với môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin, thông qua giảng dạy giúp học viên hiểu được Học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác và ý nghĩa thời đại của học thuyết Mác, hiểu rõ nội hàm và nội dung của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang thực hiện. Đó là nền kinh tế “vừa tuân theo các quy luật chung của nền kinh tế thị trường, vừa hàm chứa những giá trị xã hội chủ nghĩa trong vận hành, quản lý cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh”4. Đối với môn học Kinh tế phát triển đặt mục tiêu: “Cung cấp những tri thức khoa học về kinh tế phát triển, góp phần nâng cao nhận thức và phát triển tư duy hoạch định chính sách cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”5. Với môn học Văn hóa và phát triển, “hướng tới mục đích nâng cao nhận thức về những vấn đề cơ bản của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thực hiện chiến lược phát triển bền vững đất nước”6. Môn Chính trị học hướng tới mục tiêu: “Góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định”7. Với môn học Lý luận Dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam góp phần “trang bị cho học viên những tri thức cơ bản về dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố lập trường tư tưởng chính trị và kỹ năng lãnh đạo, quản lý của người học”8

Có thể thấy, dù các môn học là khác nhau, song tất cả các môn học trong chương trình Cao cấp lý luận chính trị đều có nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong những năm qua, Học viện Chính trị khu vực II đã có nhiều cách làm khác nhau, vừa bảo đảm nội dung chương trình, thời lượng giảng dạy, đồng thời lồng ghép các nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Học viện.

Thực hiện thường xuyên, liên tục

Việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, nhất là gắn với công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Học viện Chính trị khu vực II được thực hiện theo chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết hằng tháng, quý. Việc triển khai được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, phù hợp với tình hình công tác của Học viện Chính trị khu vực II. 

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị khu vực II chủ trì ký kết Quy chế phối hợp với Học viện Lục quân, Trường Đại học Nguyễn Huệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh/thành phố vùng Đông Nam Bộ và đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh: Tây Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Long An nhằm phát huy thế mạnh tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; tuyên truyền những thành tựu trong công tác xây dựng Đảng của các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, Học viện Chính trị khu vực II thực hiện rà soát, bổ sung các nhiệm vụ nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong kế hoạch hoạt động khoa học hằng tháng của Học viện. Đặt hàng các nhiệm vụ khoa học; xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tổ chức xây dựng các báo cáo kiến nghị, báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu khoa học, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn học, nghệ thuật và trên mạng xã hội. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, đề tài nghiên cứu khoa học…; tổ chức các buổi báo cáo thời sự định kỳ hằng tháng với các chủ đề thời sự giúp giảng viên, học viên nắm bắt tình hình nhanh chóng, chính xác. Toàn bộ các đơn vị giảng dạy trong Học viện Chính trị khu vực II đã thực hiện lồng ghép nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW vào các bài giảng, đề thi do các khoa phụ trách.

Một số định hướng tiếp tục thực hiện lồng ghép nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW trong công tác giảng dạy tại Học viện Chính trị khu vực II

Một là, thông qua các môn học như: Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh…, giảng viên cần làm rõ những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng để tạo cho học viên niềm tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, các thế hệ cha anh dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua đó góp phần phê phán những quan điểm “lật sử”, xuyên tạc lịch sử hiện nay. 

Hai là, thông qua giảng dạy các môn học như: Triết học; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Chính trị học; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Kinh tế chính trị; Kinh tế phát triển, cung cấp kiến thức, bồi đắp niềm tin vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hiện nay, góp phần khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng trên các lĩnh vực này. Khi giảng dạy các bộ môn này, cần lồng ghép các quyết sách của Đảng về khoán 100, khoán 10, về mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân, những quyết sách phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Ba là, thông qua các môn học: Quan hệ quốc tế; Lý luận và pháp luật về quyền con người; Lý luận dân tộc và Quan hệ dân tộc ở Việt Nam; Tôn giáo - Tín ngưỡng; Văn hóa và Phát triển, bồi đắp niềm tin vào đường lối của Đảng trên các lĩnh vực, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, xuyên tạc về quyền con người, chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Bốn là, đội ngũ giảng viên của Học viện phải am hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa, truyền thống, kinh tế - xã hội các tỉnh/thành phố ở Nam Bộ. Mỗi môn học, bài giảng cần lồng ghép các nội dung đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về vùng đất Nam Bộ giúp người học hiểu rõ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ.


1, 2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 126.

3, 4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Triết học Mác - Lênin, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 43, 216.

5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Kinh tế phát triển, Nxb. Lý luận chính trị Hà Nội, 2018, tr. 7.

6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Văn hóa và Phát triển, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 7.

7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Chính trị học, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 10.

8. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Lý luận dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 7.

VŨ TRUNG KIÊN

Học viện Chính trị khu vực II 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/long-ghep-noi-dung-nghi-quyet-so-35-nqtw-cua-bo-chinh-tri-trong-giang-day-tai-hoc-vien-chinh-tri-khu-vuc-ii-a8628.html