1. Nhận thức và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản
Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận và quan niệm khác nhau về chuyển đổi số. Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức tổ chức, tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới. Theo Techopedia, chuyển đổi số là những thay đổi tổng thể và toàn diện trong lĩnh vực công nghệ số cũng như mọi khía cạnh của đời sống xã hội, làm thay đổi cách thức tổ chức đời sống, học tập, làm việc và giao dịch với nhau1.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh”2.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách sống, làm việc và liên hệ với nhau3.
Hiện nay, trước sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trên mọi bình diện, chuyển đổi số đã và đang là xu thế chủ đạo, trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế chung, tất yếu của thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản tại Việt Nam, gắn với 4 giai đoạn:
Một là, số hóa dữ liệu - bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số, giúp thay đổi dữ liệu truyền thống trên giấy từ analog sang định dạng kỹ thuật số, được lưu trữ trên máy chủ hay nền tảng đám mây. Quy trình số hóa dữ liệu giúp hoạt động truy xuất thông tin trở nên dễ dàng, tối ưu hóa quá trình vận hành…, từ đó trở thành bước đệm quan trọng để các đơn vị xuất bản tiến tới chuyển đổi số.
Hai là, ứng dụng các nền tảng số vào một số hoạt động hành chính, kế toán… Việc ứng dụng các phần mềm hóa đơn điện tử, bán hàng điện tử, văn phòng điện tử… góp phần tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Ba là, ứng dụng các nền tảng số vào quy trình xuất bản: biên tập, hiệu đính, phát hành, truyền thông…
Bốn là, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình làm việc.
Với quá trình này, chuyển đổi số có ảnh hưởng lớn đến mọi khía cạnh của lĩnh vực xuất bản, từ khâu số hóa dữ liệu, sáng tạo nội dung, lựa chọn công nghệ sản xuất cho đến chiến lược truyền thông - tiếp thị sản phẩm và quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm trên thị trường. Do đó, có thể nói chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực xuất bản. Cụ thể:
Tốc độ của sự thay đổi: Chuyển đổi số diễn ra phổ biến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó, nếu không nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, hoạt động xuất bản sẽ trở nên trì trệ, lạc hậu. Tính chất “không biên giới” của chuyển đổi số cũng khiến các đơn vị xuất bản Việt Nam phải cạnh tranh mạnh mẽ với các tổ chức nước ngoài vốn có tiềm lực và kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực xuất bản.
Cạnh tranh số: Với sự thâm nhập của công nghệ số, mô hình xuất bản truyền thống và cung cấp dịch vụ thông tin trước đây ngày càng đứng trước nhiều áp lực từ các doanh nghiệp khởi nghiệp số. Thay đổi cách thức truy cập và trải nghiệm của người dùng: Chuyển đổi số gắn với sự phát triển của các thiết bị thông minh, hiện đại giúp người dùng có thể truy cập tìm kiếm, khai thác, tra cứu thông tin, tri thức mọi lúc, mọi nơi. Sự thay đổi mang tính cách mạng này đặt ra yêu cầu các đơn vị xuất bản phải thay đổi cách thức làm việc, vượt ra ngoài khuôn khổ vốn có để cung cấp các dịch vụ một cách nhanh chóng, chất lượng tới khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ mới không chỉ giúp các nhà xuất bản giải quyết vấn đề trên, mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức liên kết với nhau trên phạm vi quốc gia và quốc tế, cùng hướng tới các mục tiêu chung.
2. Thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam hiện nay
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chú trọng vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, được thể hiện trong nhiều văn bản chỉ đạo: Quyết định số 115/QĐ-TTg, ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược thúc đẩy phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước yêu cầu tình hình mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu xây dựng và phát triển “ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”4.
Quán triệt thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong thời gian qua, ngành Xuất bản Việt Nam đã có nhiều cố gắng, tích cực đổi mới và thích ứng với xu thế chuyển đổi số, thích nghi với cơ chế thị trường và từng bước hình thành thị trường phát hành sách đa dạng, phục vụ tốt nhu cầu của độc giả. Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, trong đó thể hiện rõ nhất ở hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử và xuất bản điện tử.
Về hoạt động marketing, bán hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử: Hệ thống phát hành đã mở rộng ra ngoài phạm vi các kênh phát hành truyền thống. Các nền tảng phát hành trực tuyến được xây dựng với đa nền tảng và đa giao diện, nghĩa là tương thích và phù hợp với mọi chủng loại thiết bị, kích thước màn hình, nền tảng công nghệ tạo ra thiết bị và phần mềm điều khiển thiết bị đó. Hiện nay, bên cạnh sách in truyền thống, các loại hình sách mới như: Ebook (sách điện tử), Audio book (sách nói), Video book (sách có video), Interative book (sách tương tác), hay CD-Rom, DVD-Rom… ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường, mà còn đáp ứng nhu cầu của những đối tượng khách hàng đặc biệt như học sinh thuộc các cấp học, người khiếm thị... Bên cạnh đó, các hệ thống marketing, bán hàng tự động và bán tự động với trí tuệ nhân tạo như Chatbot (ứng dụng phần mềm dùng để quản lý một hệ thống thảo luận trực tuyến bằng văn bản hoặc văn bản chuyển thành giọng nói, thay vì cung cấp các thảo luận trực tiếp với người dùng có thật) xuất hiện ngày càng nhiều.
Về xuất bản điện tử: Hiện nay, một số nhà xuất bản, công ty sách có xu hướng chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử, đây là minh chứng sinh động và rõ nét nhất cho quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trực thuộc 54 cơ quan chủ quản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 19 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản ấn phẩm điện tử (tăng 72,7% so với năm 2021), góp phần đưa số lượng đầu sách điện tử tăng gần 1,5 lần. Riêng trong năm 2022, có 8 nhà xuất bản được xác nhận hoạt động xuất bản phẩm điện tử. Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 bản (tăng 15,42% so với năm 2021), với 598.938.423 bản (tăng 49,5%). Trong đó, xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 bản (tăng 45,6%), ước tính khoảng 32.500.000 bản (tăng 30%)5.
Nhà xuất bản Hà Nội đã triển khai xây dựng Tủ sách điện tử Thăng Long nghìn năm văn hiến. Kho tư liệu sách điện tử cung cấp miễn phí 137 đầu sách hàn lâm, 41 đầu sách phổ thông thuộc các lĩnh vực văn hóa - xã hội, văn học - nghệ thuật, địa lý, kinh tế..., cung cấp nguồn tư liệu có giá trị, độ tin cậy cao từ nền tảng internet; giúp bạn đọc khắc phục những khó khăn trong khai thác, trích dẫn, sử dụng nguồn tài liệu tại các thư viện công cộng. Hiện nay, nhiều xuất bản phẩm mới của Nhà xuất bản Hà Nội cũng được phát hành song song hai phiên bản sách giấy và sách điện tử.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại để đa dạng hóa các xuất bản phẩm, đồng thời có ưu thế nổi bật, giữ vị trí quan trọng trong xuất bản sách điện tử lý luận, chính trị, trong thời gian qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tích cực phát triển mảng sách điện tử. Từ năm 2003 đến nay, đã có nhiều đĩa CD-ROM và DVD-ROM được xuất bản, tạo một diện mạo mới, phong phú, hiện đại cho các ấn phẩm của Nhà xuất bản. Nhà xuất bản đã triển khai hệ thống xuất bản, phát hành sách điện tử trên các trang stbook.vn, sachquocgia.vn, thuviencoso.vn gồm hàng nghìn đầu sách khác nhau, đa dạng, phong phú về nội dung, tạo thêm kênh cho bạn đọc có thể truy cập để mua và đọc sách điện tử trên máy tính và điện thoại di động. Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, Nhà xuất bản đã tổ chức ra mắt hơn 10 tủ sách điện tử. Đặc biệt, gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, Nhà xuất bản đã ra mắt Tủ sách điện tử Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều đầu sách và bổ sung nhiều ấn phẩm điện tử trên hệ thống xuất bản điện tử stbook.vn, sachquocgia.vn, thuviencoso.vn để phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân đọc, tra cứu miễn phí các ấn phẩm có giá trị này. Các sách giấy đều có mã QR-Code chỉ dẫn đến bản sách điện tử6.
Cùng với các nhà xuất bản khác, trong những năm qua, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cũng tập trung giới thiệu các ấn phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử book365.vn và ebook365.vn. Trong tổng số 601 đầu sách xuất bản năm 2021 của Nhà xuất bản, có tới 282 đầu sách điện tử, trong đó cuốn sách Cẩm nang phòng, chống Covid-19 trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động thu hút hơn 120.000 lượt người đọc7…
Bên cạnh sách điện tử, thị trường sách nói cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Hiện nay, việc xuất bản các xuất bản phẩm điện tử hiện đại có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử với các doanh nghiệp công nghệ. Sự tăng trưởng ấn tượng của một số Start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty Cổ phẩn Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giải pháp công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên internet..., cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo nên diện mạo mới cho ngành Xuất bản trên không gian số. Đặc biệt là sự phối hợp, hợp tác giữa các nhà xuất bản với các doanh nghiệp công nghệ trong khai thác lĩnh vực sách nói, tiêu biểu là sự hợp tác giữa Nhà xuất bản Kim Đồng với Công ty Cổ phần Công nghệ WeWe và Công ty Cổ phần Fonos. Thực tế cho thấy, ngay từ khi sách điện tử xuất hiện ở Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng đã chú trọng đầu tư xây dựng thư viện điện tử, cho phép bạn đọc đọc các ấn phẩm miễn phí trên website của Nhà xuất bản nhằm thăm dò thị hiếu và từng bước tạo dựng thói quen mới cho bạn đọc. Việc phối hợp với WeWe, Fonos đã giúp Nhà xuất bản Kim Đồng tạo ra các ấn phẩm sách nói với nhiều tính năng công nghệ vượt trội, mang đến trải nghiệm thú vị, mới lạ cho bạn đọc, nhất là bạn đọc thanh thiếu nhi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn cần khắc phục.
Về số hóa dữ liệu: Hiện tại, chưa có nhà xuất bản nào có thể xây dựng, tổng hợp và tích hợp kho dữ liệu số lớn. Hầu hết các nhà xuất bản mới chỉ số hóa một phần nhỏ tài nguyên nội dung sở hữu, nhiều cuốn sách chưa được số hóa và sắp xếp trong các kho dữ liệu; chưa có sự giao lưu, tích hợp tài nguyên giữa các nhà xuất bản, giữa nhà xuất bản và các tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu chuyên ngành (nhằm xây dựng kho dữ liệu học thuật số), hoặc giữa hoạt động xuất bản với các phương tiện truyền thông (báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình...). Do đó, tài nguyên nội dung của ngành Xuất bản Việt Nam còn phân tán, độ tập trung chưa cao, chưa được hệ thống hóa để có thể khai thác và sử dụng hiệu quả. Điều này gây cản trở trong quá trình chuyển đổi từ mô hình xuất bản truyền thống sang mô hình xuất bản số. Do đó, việc tạo ra lợi nhuận lớn cho các nhà xuất bản, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm và tiếp cận hệ thống dữ liệu nội dung cho người dùng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Về nguồn lực: Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực xuất bản hiện nay bao gồm: lãnh đạo quản lý, biên tập viên có vai trò tổ chức, hoàn thiện, kiểm soát nội dung bản thảo, tổ chức tuyên truyền, marketing sản phẩm; nguồn nhân lực công nghệ cao có nhiệm vụ sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xuất bản công nghệ số, với sản phẩm là sách điện tử, sản phẩm công nghệ số... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn nhân lực xuất bản điện tử hiện nay còn thiếu và yếu; hầu hết nguồn nhân lực chất lượng cao của các nhà xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, công nghệ số, kinh phí đầu tư lớn… đã và đang là thách thức đối với nhiều đơn vị xuất bản.
Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI): AI mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động xuất bản, song hiện nay các nhà xuất bản chưa khai thác và sử dụng AI một cách hiệu quả. Hơn nữa, việc sử dụng AI cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là về vấn đề đạo đức, đòi hỏi các nhà xuất bản phải cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng, bảo đảm không làm mất giá trị văn hóa và giá trị nhân văn của các sản phẩm xuất bản.
Về hành lang pháp lý: Công nghệ phát triển, theo đó các hoạt động phi pháp dựa trên nền tảng công nghệ cũng tăng theo, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra phổ biến, việc làm giả các xuất bản phẩm điện tử cũng dễ dàng hơn. Do đó, nền tảng công nghệ để thực hiện hoạt động xuất bản, phát hành điện tử cũng như giải quyết vấn đề bảo mật là bài toán khó đối với các nhà xuất bản còn thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ.
3. Một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Một là, đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ chất lượng cao. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ quản lý chuyên ngành đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện chuyển đổi số. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho từng thời kỳ, giai đoạn. Đào tạo số lượng nhân lực gắn với chiến lược và nhu cầu của các nhà xuất bản, tổ chức và doanh nghiệp xuất bản. Tổ chức đào tạo bảo đảm số lượng sát với nhu cầu thực tiễn về công nghệ xuất bản hiện đại. Có chính sách đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực xuất bản, bảo đảm theo kịp tốc độ phát triển chung của xã hội, bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Bên cạnh sự đầu tư của các đơn vị, tổ chức, bản thân người lao động cũng phải linh hoạt, nhạy bén, nỗ lực không ngừng để phù hợp với xu hướng chung. Đội ngũ nhân lực ngành Xuất bản cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình chuyển đổi số, thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ thuật số...
Cơ quan chủ quản tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với hoạt động của các nhà xuất bản. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, hiện đại hóa hoạt động xuất bản, đặc biệt là công nghệ cho xuất bản điện tử, nhằm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ để tạo ra những sản phẩm có chất lượng vượt trội, khác biệt với những sản phẩm sao chép trên các trang web lậu.
Hai là, hoàn thiện hành lang pháp lý có liên quan đến hoạt động xuất bản. Trong kỷ nguyên số, các ngành, đơn vị đều phải nỗ lực thích nghi, đổi mới nhằm đáp ứng xu thế công nghệ 4.0. Tuy nhiên, đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực xuất bản cũng làm phát sinh nhiều vấn đề về sở hữu trí tuệ, do đó các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực xuất bản cần đẩy mạnh xây dựng, ban hành các chế tài đối với vấn đề sở hữu trí tuệ và bảo vệ bản quyền. Trước hết, cần xây dựng hành lang pháp lý chung: hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ… Tiếp đó, có văn bản hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn như hướng dẫn chuyển đổi số trong nội bộ đơn vị xuất bản, chuyển đổi số trong kinh doanh xuất bản phẩm để phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, cần loại bỏ triệt để hành vi chia sẻ bất hợp pháp các ấn phẩm Ebook, Audio book trên các trang mạng xã hội. Có cơ chế hoặc cơ quan bảo vệ quyền tác giả nhằm giúp các đơn vị làm sách điện tử giảm thiểu thiệt hại do vấn nạn vi phạm bản quyền gây ra.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu trong quá trình xuất bản: biên tập, đọc duyệt bản thảo…, từ đó giúp các biên tập viên biên tập bản thảo và xác định nguồn của các trích dẫn một cách nhanh chóng và chính xác, đồng thời sàng lọc thông tin chính thống hiệu quả, tránh để lọt tình trạng đạo văn, giả mạo dữ liệu và các nghi vấn khác. Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao trải nghiệm của người đọc trên cơ sở cung cấp các tính năng thông minh, như: đọc sách bằng giọng nói tự nhiên, dịch thuật nhiều ngôn ngữ, tìm kiếm và trích dẫn thông tin liên quan, tạo ra các câu hỏi và bài tập để kiểm tra trình độ, hiểu biết… Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động tạo ra các nội dung xuất bản: tiêu đề, tóm tắt, hoặc thậm chí là văn bản hoàn chỉnh dựa trên các nguồn thông tin có sẵn hoặc do người dùng cập nhật. Các nội dung đó có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau, chẳng hạn như tạo ra các bài báo, sách điện tử, hoặc Podcast…
Bốn là, liên kết dữ liệu, đổi mới, phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ; sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện trên nguyên tắc bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả, đặc biệt là những người trẻ (tạo app đọc sách, bán sách, phân phối nội dung trên Facebook, TikTok, sản xuất Podcast, Audio book…). Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các nhà xuất bản và doanh nghiệp công nghệ, hình thành chuỗi kết nối giá trị để đưa xuất bản phẩm đến tay bạn đọc; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp phối hợp với nhà xuất bản trong xây dựng các phần mềm công nghệ phục vụ hoạt động xuất bản và phát hành sách điện tử.
1. Xem: Chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa hiện nay, https://cssh.vinhuni.edu.vn/chuyen-doi-so-trong-giang-day-ly-luan-chinh-tri-nham-dap-ungnhu-cau-toan-cau-hoa-hien-nay-c2.06.04l0v0p0a90654.html.
2, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 221, 146.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông: Cẩm nang chuyển đổi số, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2020.
5. Ngành xuất bản và phát hành xuất bản phẩm triển khai nhiệm vụ năm 2023, Trang tin Báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 18/02/2023, https://baocaovien.vn/nganh-xuat-ban-va-phathanh-xuat-ban-pham-trien-khai-nhiem-vu-nam-2023/1701.html.
6. PGS, TS. Phạm Minh Tuấn: “Đóng góp của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.
7. Tuệ Minh: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, Tạp chí điện tử An toàn thông tin, ngày 22/02/2022, https:// antoanthongtin.vn/cong-nghe-thong-tin/day-manh-chuyen-doi-sotrong-linh-vuc-xuat-ban-107862.
NGUYỄN OANH (Tổng hợp)