1. Vai trò, ý nghĩa của công tác xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở
Cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) là đơn vị hành chính ở cấp dưới cùng trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước bốn cấp ở nước ta, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn cơ sở. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở có sứ mệnh đặc biệt quan trọng, giữ vai trò quyết định đối với việc hiện thực hóa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong quán triệt tổ chức thực hiện mọi quyết định của cấp ủy, chính quyền cấp trên cũng như cùng cấp. Có thể nói, cán bộ cấp cơ sở là một trong những nhân tố có ý nghĩa chiến lược, góp phần quyết định sự thành bại của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, nâng cao trình độ dân trí, phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở là yêu cầu hết sức quan trọng.
Trong thời gian qua, nhiều chương trình, đề án đã được triển khai nhằm đưa các loại hình xuất bản phẩm đến với cơ sở. Đặc biệt, từ năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chủ trương thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (Đề án). Đây là chủ trương đúng đắn, khẳng định nhận thức và quyết tâm của Đảng đối với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài phục vụ tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác tại cơ sở, sách còn có vai trò quan trọng trong việc trang bị kiến thức khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, pháp luật, cung cấp thông tin cần thiết... cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Có thể thấy, việc tăng cường trang bị sách cho cơ sở đã góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng: Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Kết luận số 97-KL/TW, ngày 09/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị...; đặc biệt là quan điểm được nêu rõ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp”1.
Bên cạnh đó, sách nói chung và sách lý luận, chính trị nói riêng trang bị cho cơ sở còn đóng vai trò là công cụ sắc bén, tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp phần giữ vững sự thống nhất trong nhận thức và hành động đối với lý tưởng, mục tiêu và con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngay từ cơ sở.
2. Một số kết quả trong công tác xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở
Từ thực tiễn triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc đưa xuất bản phẩm về cơ sở, đặc biệt là sau 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023), có thể thấy, công tác xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả quan trọng2.
Một là, sách trang bị cho cơ sở góp phần cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở nâng cao trình độ lý luận chính trị, pháp luật, chuyên môn về công tác xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, công tác đoàn thể, từ đó triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; giúp nhân dân tiếp cận, nắm bắt và từng bước áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lao động, sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, với các mảng đề tài đa dạng, sách trang bị cho cơ sở đã góp phần trang bị kiến thức cơ bản, khá toàn diện cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, từ đó nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như trình độ dân trí của các tầng lớp nhân dân.
Hai là, sách trang bị cho cơ sở gồm nhiều thể loại thuộc nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử...; sách phục vụ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách phục vụ công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách phổ biến pháp luật phục vụ việc giải quyết những vấn đề gây bức xúc, thường xảy ra ở cơ sở như: quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã, tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân...; sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng, chính quyền, đoàn thể, cung cấp những kỹ năng tác nghiệp cần thiết để xử lý công việc hằng ngày của cán bộ cơ sở; sách hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; sách về tình hình trong nước, khu vực và thế giới... Nội dung sách được biên soạn kỹ lưỡng, bảo đảm khách quan, chính xác, khoa học; văn phong giản dị, trong sáng, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành, vận dụng, tăng cường các ví dụ thực tiễn cụ thể, phù hợp với đối tượng ở cơ sở; hình thức sách được trình bày đẹp, hấp dẫn... Đây là nguồn thông tin chính thống, cập nhật những kiến thức mới nhất về khoa học, đời sống, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, học tập của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Trong điều kiện nguồn kinh phí của các địa phương dành cho việc mua sách, báo, tài liệu còn hạn chế, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa, việc trang bị sách cho cơ sở góp phần quan trọng giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng trong công tác chuyên môn, kiến thức về lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống.
Ba là, trong những năm qua, hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở được duy trì và hoạt động ổn định. Việc trang bị sách cho cơ sở góp phần hỗ trợ, giúp nhiều thư viện, tủ sách hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đến khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, tìm hiểu và thu thập kiến thức để áp dụng trong thực tiễn quản lý, tổ chức sản xuất và đời sống. Qua đó khẳng định vị trí quan trọng của sách, báo trong phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Cơ cấu đề tài sách chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; chưa có nhiều đầu sách về những vấn đề được cán bộ, nhân dân quan tâm (ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; kiến thức văn hóa, phong tục, tập quán; di sản văn hóa của các vùng, miền; xây dựng nông thôn mới...); công tác quản lý, sử dụng sách chưa đạt hiệu quả cao; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác quản lý, sử dụng sách; vẫn còn tình trạng sách được tiếp nhận nhưng không được khai thác kịp thời, dẫn đến hiệu quả sử dụng, bảo quản chưa cao, gây lãng phí nguồn lực; trang thiết bị, cơ sở vật chất của cơ sở còn hạn chế, một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bố trí tủ sách và phòng đọc riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và người dân khai thác, tìm hiểu; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ làm công tác quản lý, khai thác, bảo quản sách... Bên cạnh đó, hiện nay, do sự phát triển của khoa học và công nghệ, điều kiện tiếp cận thông tin của người dân về cơ bản đã được nâng cao, việc tra cứu, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin qua internet trở nên nhanh chóng và thuận tiện, dẫn đến việc đọc sách giấy bị hạn chế, do đó văn hóa đọc chưa phát triển bền vững, khó tuyên truyền, nhân rộng trong nhân dân, trong khi việc đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí để phát triển văn hóa đọc ở cơ sở cũng chưa được quan tâm đúng mức.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác xuất bản, phát hành sách phục vụ cơ sở. Một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu của hoạt động xuất bản ở nước ta là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Hơn nữa, mảng sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở là mảng sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho cán bộ, đảng viên; nâng cao dân trí, trình độ nhận thức của nhân dân.
Việc biên soạn, xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở còn hướng đến phục vụ nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, trước hết phải có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng của Đảng và Nhà nước từ chủ trương, cơ chế, chính sách, các nguồn lực bảo đảm. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền đối với công tác xuất bản, lưu giữ, sử dụng sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của sách nói chung, vai trò của sách đối với cơ sở nói riêng. Sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với việc xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở chỉ có hiệu quả khi có sự vào cuộc của các cấp ủy, tổ chức đảng và sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên vừa với tư cách là những độc giả có trách nhiệm, vừa với tư cách là những người tiên phong, gương mẫu trong phát triển văn hóa đọc. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, giới thiệu nội dung các cuốn sách trên các phương tiện thông tin truyền thông: báo chí, internet, mạng xã hội, hệ thống phát thanh, truyền hình các cấp; đồng thời, đưa nội dung đọc sách, giới thiệu sách vào các buổi sinh hoạt của tổ chức đảng cũng như các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
Ba là, tiếp tục xây dựng và thực hiện đề án, chiến lược xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở trong từng giai đoạn, trên từng lĩnh vực, cho từng đối tượng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mục tiêu chính của các đề án xuất bản mảng sách này không phải là lợi nhuận kinh tế, mà nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị. Do đó, cần thống nhất quan điểm tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm phù hợp với tình hình mới. Thực tiễn cho thấy, Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó từng bước thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng ở cơ sở, thúc đẩy phong trào đọc sách, lan tỏa niềm đam mê đối với sách trong cán bộ, đảng viên và nhân dân..., góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, phong trào học tập suốt đời.
Bốn là, thực tế cho thấy, người sử dụng và nhu cầu của người sử dụng sách tại cơ sở rất đa dạng, thể hiện ở thành phần, trình độ và mục đích của người sử dụng sách. Chẳng hạn, đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhu cầu về sách chủ yếu tập trung vào những đầu sách về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tài liệu về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, kỹ năng công tác quản lý trên địa bàn cấp cơ sở..., song sách phải bảo đảm dễ đọc, dễ hiểu, dễ vận dụng trong thực tiễn công tác, có thể ở dạng hỏi - đáp ngắn gọn, đề cập trọng tâm vấn đề một cách trực tiếp. Đối với đa số nhân dân, nhu cầu về sách tập trung chủ yếu vào các sách có nội dung cụ thể về mô hình, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, phổ biến kiến thức, đời sống sinh hoạt, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giải trí… Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thực tiễn tại cơ sở, từ đó xây dựng kế hoạch đề tài cho việc biên soạn, xuất bản sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân, bảo đảm đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, phù hợp với từng đối tượng, nhu cầu sử dụng và đặc thù các vùng, miền. Bên cạnh đó, hình thức sách cần bổ sung thêm các hình ảnh minh họa nhằm tăng sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc; biên soạn sách với nhiều thứ tiếng để phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, việc phân bổ sách còn dàn trải, chưa hợp lý giữa thành thị và nông thôn. Khu vực thành thị có điều kiện tiếp cận thông tin tốt hơn, do đó cần giảm số lượng đầu sách phân bổ cho khu vực thành thị, đồng thời tăng số lượng đầu sách phân bổ cho nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tủ sách ở cơ sở. Thực hiện mô hình hợp nhất các nguồn sách được trang bị (tủ sách lý luận, chính trị, tủ sách pháp luật, sách tại điểm bưu điện văn hóa...) vào một thiết chế: thư viện, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn..., nhằm thống nhất quản lý, bảo đảm thuận tiện trong phối hợp, liên kết tổ chức hoạt động của tủ sách cơ sở, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng bạn đọc dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng sách. Đối với các đô thị, thành phố lớn, thay vì xây dựng tủ sách ở các thư viện, bưu cục văn hóa phường, có thể xây dựng, phát triển tủ sách ở các khu chung cư, khu đô thị, hội trường, nhà văn hóa khu phố, khu tập thể đông dân cư, khu công nghiệp có nhiều công nhân lao động, với những xuất bản phẩm có chủ đề phù hợp.
Sáu là, đề cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực làm công tác xuất bản và phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở; tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của ban tuyên giáo và cơ quan quản lý nhà nước các cấp về xuất bản, sự vào cuộc của các tổ chức trong hệ thống chính trị (Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ); tranh thủ sự hưởng ứng, hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế (thông qua lồng ghép, ký kết các dự án) và sự tham gia tích cực của các đơn vị phát hành sách.
Bảy là, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xuất bản, phát hành sách phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Bên cạnh sách in truyền thống, cần tăng cường xuất bản các loại hình xuất bản phẩm khác: sách điện tử, sách nói (CD-Audio), sách hình ảnh (CD-Video)..., nhằm phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến, dễ dàng tìm kiếm và sử dụng với nhiều tính năng hấp dẫn (âm thanh, hình ảnh, nội dung sáng tạo...), đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 144.
2. Theo Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong giai đoạn 2009 - 2023, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã cung cấp gần 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD-Audio), với tổng số 14.408.340 bản in về cơ sở. Đề án đã đa dạng hóa các thể loại sách và phương thức xuất bản sách, tài liệu là xuất bản sách điện tử và phát hành sách trên mạng internet (số hóa trên 500 đầu sách của Đề án từ năm 2009 đến năm 2022; Thư viện điện tử xã, phường, thị trấn phục vụ bạn đọc từ đầu năm 2020; xuất bản CD-Audio sách xã, phường, thị trấn dành cho đài phát thanh ở cơ sở…).
ĐINH THỊ HƯƠNG (Tổng hợp)
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/xuat-ban-phat-hanh-sach-phuc-vu-can-bo-dang-vien-va-nhan-dan-o-co-so-a8588.html