Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế được thành lập ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền có cửa khẩu quốc tế hay cửa khẩu chính của quốc gia, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập bởi cấp có thẩm quyền, nhằm thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh1.
Tùy thuộc vào đặc điểm và mục đích thành lập, khu kinh tế cửa khẩu có thể được tổ chức thành các khu chức năng, như: khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu chế xuất, khu hành chính, khu dân cư...
1. Thực trạng phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Điện Biên
Tỉnh Điện Biên có đường biên giới dài hơn 455 km, tiếp giáp với Lào và Trung Quốc; có 1 Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, 1 Cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc, 1 cửa khẩu phụ với các tỉnh Bắc Lào và 1 lối mở A Pa Chải - Long Phú tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu của cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.
Phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế cửa khẩu, tỉnh Điện Biên tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, triển khai các chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhằm thu hút hoạt động phát triển thương mại biên giới.
Từ ngày 15/5/2023, lối mở Nậm Đích (Việt Nam) - Huổi Hịa (Lào), thuộc địa phận xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên và cụm bản Hua Mức, huyện Mường Mày, tỉnh Phôngxalỳ, Lào chính thức đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương giữa hai nước Việt Nam - Lào. Các mặt hàng xuất khẩu sang các tỉnh Bắc Lào chủ yếu là vật liệu xây dựng, hàng nông sản, hàng bách hóa tổng hợp; mặt hàng nhập khẩu từ các tỉnh Bắc Lào chủ yếu là gỗ, hàng nông sản, máy móc thiết bị… Theo thống kê của Sở Công Thương Điện Biên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại biên giới của Điện Biên trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 58,02 triệu USD, bằng 71,37% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 48,35% so với kế hoạch năm; trong đó, xuất khẩu ước đạt 42,85 triệu USD, bằng 73,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 53,56% so với kế hoạch năm.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại biên giới giữa tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào đạt 143,43 triệu USD (tăng 0,65%). Thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào tăng từ 8% - 10% mỗi năm2 trong giai đoạn 2023 - 2025, Sở Công Thương Điện Biên và Sở Công Thương 6 tỉnh Bắc Lào đã ký cam kết tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung các hiệp định đã ký kết giữa hai bên và các quy định hiện hành về hoạt động thương mại biên giới đến doanh nghiệp, doanh nhân; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu làm tốt công tác hướng dẫn thương nhân, cư dân biên giới thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu.
Trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên duy trì, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành trao đổi đoàn, thăm hữu nghị, học tập, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực; thúc đẩy giao lưu, hợp tác nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo trình độ đại học, sau đại học cho cán bộ, sinh viên tỉnh Điện Biên; hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại và dịch vụ; phối hợp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; phối hợp trong tuần tra, kiểm soát biên giới, kịp thời trao đổi thông tin, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hợp tác, hướng đến mục tiêu xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; phối hợp đẩy mạnh, tuyên truyền giáo dục nội dung 3 văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, nhằm nâng cao ý thức của nhân dân vùng biên giới về biên giới quốc gia, chấp hành nghiêm các quy định ở khu vực biên giới; tăng cường tham gia các hoạt động giao lưu đối ngoại nhân dân nhân dịp diễn ra các sự kiện văn hóa, thể thao, xúc tiến thương mại và đầu tư mỗi bên.
Có thể khẳng định, khu kinh tế cửa khẩu đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, đồng thời có tác động tích cực đến sự phát triển của các khu vực khác; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng; tăng cường quan hệ đối ngoại, tăng thu ngân sách, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân.
Để phát triển kinh tế biên giới, bên cạnh tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên thực hiện quy hoạch xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang và khu vực cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc - Na Son. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực phối hợp với Bộ Công Thương quy hoạch xây dựng chợ biên giới theo đề án quy hoạch chung của Bộ. Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới, trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo và khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường mở rộng hợp tác đầu tư kinh tế với các tỉnh của Lào; tận dụng các dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ để phát triển thương mại; đồng thời từng bước đầu tư, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại, tăng cường hợp tác phát triển thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.
Theo đó, các hoạt động phát triển hạ tầng thương mại biên giới tỉnh Điện Biên đã và đang được triển khai, tiêu biểu là dự án đầu tư hệ thống logistics tại khu vực cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc (xã Mường Lói, huyện Điện Biên). Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án. Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đang hoàn thiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu I cửa khẩu chính Huổi Puốc, huyện Điện Biên. Cùng với đó, các ngành liên quan cũng tích cực triển khai thực hiện các bước phục vụ nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú lên cửa khẩu song phương, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Cùng với những chính sách ưu đãi, nhằm từng bước thúc đẩy hạ tầng thương mại, dịch vụ phát triển, tỉnh Điện Biên đã có những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế ngoài quốc doanh, tham gia đầu tư khai thác thế mạnh của địa phương. Trong đó, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh với các phương thức hiện đại: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn… Đến nay, cơ sở hạ tầng thương mại của tỉnh Điện Biên đã dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tỉnh có 38 chợ, 2 trung tâm thương mại, 3 siêu thị đạt tiêu chuẩn hạng III, 11 cơ sở hoạt động theo mô hình siêu thị và mạng lưới cửa hàng bán lẻ, thu mua nông lâm sản khắp các vùng thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Các loại hình vận tải hàng hóa, vận tải hành khách phát triển đa dạng. Hiện nay, Điện Biên có các tuyến xe liên vận quốc tế sang 5 tỉnh Bắc Lào (Luông Phabăng, Bò Kẹo, Luông Nậm Thà, U Đôm Xay, Phôngxalỳ), tạo điều kiện cho giao thương, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch...
Các chương trình xúc tiến thương mại kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước được tích cực triển khai nhằm thu hút hoạt động phát triển thương mại biên giới. Năm 2022, Sở Công Thương Điện Biên đã tham gia 3 hội chợ thương mại biên giới tại các tỉnh Bắc Lào; tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu; tổ chức xúc tiến thương mại tại Điện Biên, mời các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự. Năm 2023, tổ chức Phiên chợ thương mại biên giới tại huyện Nậm Pồ (thuộc Chương trình phát triển thương mại biên giới), với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và thương nhân biên giới của tỉnh Phôngxalỳ và Luông Phabăng, Lào.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế cửa khẩu tại tỉnh Điện Biên vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của hai bên. Đầu tư vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu, khai thác thị trường giữa Điện Biên với các nước còn hạn chế. Hàng hóa sản xuất tại tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, phần lớn là hàng nguyên liệu. Chất lượng hoạt động thương mại - xuất nhập khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Điện Biên còn thấp, mang tính tự phát, thời vụ. Định hướng phát triển cơ cấu ngành kinh tế cửa khẩu tỉnh Điện Biên chưa thật sự rõ ràng…
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do: (i) Việc thực hiện các cam kết còn gặp nhiều khó khăn, chính sách xuất nhập khẩu của các quốc gia chưa đồng bộ, đặc biệt là chính sách của Việt Nam chưa kịp thời thích ứng với những biến đổi trong chính sách của Trung Quốc; (ii) Công tác tổ chức và quản lý nhà nước đối với kinh tế cửa khẩu của tỉnh Điện Biên còn lỏng lẻo, các cơ quan thuộc ngành dọc chưa có cơ chế phối hợp với cơ quan địa phương, do đó, dễ lúng túng, chậm khắc phục khi gặp khó khăn, vướng mắc; (iii) Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, một số công trình trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cửa khẩu, kho ngoại quan... chưa được đầu tư đúng mức; (iv) Đầu tư xã hội của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh Điện Biên chưa nhiều; (v) Nguồn nhân lực làm việc tại các khu kinh tế cửa khẩu còn hạn chế về năng lực, thiếu kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ được giao.
2. Một số giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Điện Biên thời gian tới
Một là, chính quyền tỉnh Điện Biên cần có chính sách đột phá về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: tổ chức bộ máy, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu kiểu mới phải bảo đảm vừa có tầm nhìn dài hạn, vừa có tính linh hoạt để theo kịp những thay đổi trong môi trường kinh tế, chính trị và xã hội nhiều biến động như hiện nay; đồng thời có kế hoạch phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư tổng hợp từ xã hội, đáp ứng tính đi trước của chính sách. Tiếp tục bổ sung những lợi thế cạnh tranh hiện hữu, đồng thời bổ sung những động lực mới dựa trên lợi thế cạnh tranh có tính bền vững cao. Lợi thế cạnh tranh được hình thành trên cơ sở các yếu tố vị trí địa lý, nguồn lực tự nhiên và lao động chỉ có thể phát huy trong ngắn hạn, về dài hạn, khu kinh tế cửa khẩu mới phải chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, tăng tính kết nối về sản xuất và nâng cao chất lượng lao động.
Hai là, phát triển đa dạng các loại hình thương mại dịch vụ trên cơ sở đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thương mại tự do, cửa hàng miễn thuế. Phát triển các loại hình dịch vụ gắn với khu kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn. Đồng thời, khuyến khích phát triển một số loại hình dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện chính sách xuất nhập khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Điện Biên. Xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu qua biên giới có tính lâu dài, ổn định, trong đó chú trọng xây dựng chính sách mặt hàng và cơ cấu xuất nhập khẩu phù hợp với từng khu vực.
Tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của tỉnh Điện Biên; thực hiện tốt công tác dự báo, sớm có các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời vận dụng các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh trong các hoạt động thương mại quốc tế; xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Điện Biên.
Bốn là, đổi mới nội dung, cách thức quảng bá, giới thiệu tiềm năng của khu kinh tế cửa khẩu. Tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, hình thành khu chức năng trong các khu kinh tế cửa khẩu... Bên cạnh các dự án có quy mô vừa và nhỏ, cần tập trung thu hút các dự án lớn, tạo hiệu ứng “đầu tàu” và lan tỏa, có ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh. Đồng thời, phát huy tối đa các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với khu kinh tế cửa khẩu; đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư nhằm khuyến khích các nguồn vốn cả ở trong nước và nước ngoài tham gia phát triển các khu kinh tế cửa khẩu.
Năm là, tạo bước đột phá trong xây dựng và nâng cấp chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế tại các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Điện Biên. Đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư. Chất lượng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh thể hiện ở tính rộng khắp, sẵn sàng và hiệu quả, không chỉ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp, mà còn bảo đảm tính kết nối giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người lao động và cư dân, giữa khu kinh tế với phần còn lại của quốc gia và nước láng giềng.
Sáu là, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng biên phòng, công an và hải quan cũng như giữa các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu hai nước. Thực hiện đồng bộ các biện pháp trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả.
Bảy là, thực hiện các giải pháp đặc thù đối với một số khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Điện Biên.
Đối với các khu kinh tế cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc: (i) Tập trung phát triển các khu kinh tế cửa khẩu gắn với việc hình thành hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn biên giới và gắn với việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư tại các xã biên giới; Quy hoạch phát triển các tuyến, trục giao thông nối liền các khu kinh tế cửa khẩu với nội địa và với các cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển và liên kết các khu kinh tế cửa khẩu trong vùng với các vùng trong cả nước và quốc tế. (ii) Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong các khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch phát triển và quy hoạch chung của khu kinh tế cửa khẩu.
Đối với các khu kinh tế cửa khẩu biên giới giáp Lào: (i) Xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên; (ii) Đẩy mạnh hợp tác phát triển trong quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và hợp tác phát triển trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; (iii) Phát triển thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ qua cửa khẩu; (iv) Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển theo quy hoạch hệ thống giao thông liên vùng nối khu kinh tế cửa khẩu với các nơi khác: quốc lộ 279 nối Tây Trang với thành phố Điện Biên Phủ; quốc lộ 4D từ Lào Cai tới Ngã 3 Pa So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; quốc lộ 8, 9, 12, 14, 14D, 49 nối các khu kinh tế cửa khẩu miền Trung tới các cảng biển…
1. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-35-2022-ND-CP-quan-ly-khucong-nghiep-kinh-te-482305.aspx?anchor=khoan_3_2.
2. https://ttdn.vn/cong-tac-dan-toc-ton-giao-trong-su-nghiep-xay- dungva-bao-ve-to-quoc/dien-bien-day-manh-xuc-tien-thuong-mai-xuatnhap-khau-hang-hoa-cho-ba-con-dong-bao-dan-toc-92612.
PHẠM QUÝ TRỌNG (Tổng hợp)
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/giai-phap-dot-pha-trong-phat-trien-kinh-te-cua-khau-tinh-dien-bien-a8578.html