Thanh niên là lực lượng nòng cốt của dân tộc, chủ nhân tương lai của đất nước, lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Trong những vấn đề cần giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, Người đặc biệt nhấn mạnh vấn đề giáo dục lòng yêu nước, coi đây là vấn đề quan trọng hàng đầu: “Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn”. Giáo dục lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung và phương pháp giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên
Theo Hồ Chí Minh, lòng yêu nước là giá trị cao đẹp nhất trong thang giá trị truyền thống Việt Nam. Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Ngoài tri thức đạo đức thì tình cảm đạo đức cũng là một nội dung quan trọng trong giáo dục đạo đức. Vì vậy, trong giáo dục đạo đức cho thanh niên, ngoài các giá trị đạo đức, Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú trọng bồi dưỡng tình cảm đạo đức. Người khẳng định nhiệm vụ cốt nhất của nhà trường là “phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ ý chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Lòng yêu nước đã thực sự trở thành một thứ vũ khí tinh thần mà theo cố Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: “Vận nước suy hay thịnh, mất hay còn, nhục hay vinh, phần rất quan trọng là tuỳ thuộc ở chỗ ta ứng dụng và phát huy hay ta quên lãng và chôn vùi món vũ khí tinh thần ấy”. Có thể khẳng định, lòng yêu nước chính là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, là sức mạnh tinh thần to lớn, nội dung quan trọng cần phải giáo dục cho thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người thanh niên yêu nước là người thanh niên sống có lý tưởng, ý chí, bản lĩnh, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để luôn xung phong, gương mẫu trong công việc và nhiệm vụ. Bên cạnh đó, người thanh niên yêu nước phải biết rèn luyện, xây dựng cho mình những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, hết mình vì Tổ quốc, nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Thanh niên ta tích cực xung phong cố làm tròn nhiệm vụ đầu tàu trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hóa, quốc phòng, thực hiện khẩu hiệu đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Thanh niên Việt Nam phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, giáo dục bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm thực hiện mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” và niềm tin vào cách mạng Việt Nam là nội dung rất quan trọng trong giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát những chuẩn mực chung nhất của đạo đức cách mạng là: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đạo đức được Người đề ra rất phong phú, phù hợp với từng đối tượng, song cốt lõi, quan trọng và bao trùm nhất là phẩm chất đạo đức “trung với nước, hiếu với dân”. “Trung”, “hiếu” là những phạm trù đã có trong tư tưởng đạo đức truyền thống Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. Theo Hồ Chí Minh, “trung với nước”, trước hết là có lòng yêu nước, là mọi suy nghĩ và hành động đều hướng tới phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, nhân dân thì hết sức tránh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại mọi hành động xâm phạm lợi ích của quốc gia, dân tộc. Trung với Đảng là luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Hiếu với dân” là kính trọng, thương yêu cha mẹ, yêu thương con người; yêu mến, quý trọng nhân dân, học tập, làm việc, chiến đấu vì nhân dân, luôn cố gắng làm những việc ích nước, lợi dân.
Tóm lại, giáo dục “trung với nước, hiếu với dân” là giáo dục cho thanh niên tinh thần sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân, với ý chí quyết tâm nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Theo đó, giáo dục lòng yêu nước cần chú ý đến việc giáo dục và xây dựng lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên Việt Nam; giáo dục thái độ tận tụy phục vụ, cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân; giáo dục ý thức trách nhiệm xã hội: “Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”. Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ trách nhiệm của họ là phải tích cực học tập và rèn luyện; mục đích và động cơ học tập là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới, cần phải giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính gắn với tinh thần quốc tế trong sáng. Trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, “tinh thần quốc tế trong sáng” có vai trò to lớn và ý nghĩa hết sức quan trọng. Người đã chỉ ra rằng thực hiện nghĩa vụ quốc tế là yêu cầu có tính nguyên tắc, nhưng phải phù hợp khả năng và điều kiện cho phép. Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong thời kỳ mới, nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước chính là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc khích lệ tinh thần thi đua trong giáo dục lòng yêu nước. Thi đua ái quốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là phương pháp giáo dục lòng yêu nước thiết thực nhất cho thanh niên, là động lực để thanh niên phấn đấu, đóng góp vào phong trào thi đua chung của cả nước. Người khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Theo Người, thi đua không chỉ là hoạt động sáng tạo, tích cực trong lao động, trong công việc hằng ngày, mà đó là hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và tinh thần quốc tế cao cả. Hồ Chí Minh luôn chủ trương lấy thi đua làm động lực để phát huy tinh thần yêu nước, qua phong trào thi đua để bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, biến lòng yêu nước thành sức mạnh vật chất và tinh thần trong lao động sản xuất, trong huấn luyện chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; đồng thời lấy lòng yêu nước để thúc đẩy thi đua và nâng cao hiệu quả của công tác thi đua. Ngay từ khi phát động phong trào thi đua, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước và cho dân tộc”.
Tổ chức, đoàn thể có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước cho thanh niên, trong đó có Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đây là tổ chức cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và rèn luyện, tập hợp những thanh niên ưu tú, là môi trường cho thanh niên rèn luyện và cống hiến. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung ương Đoàn cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên”.
Về phương pháp giáo dục cho thanh niên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Mục đích là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác, có như vậy việc tiếp thu nội dung giáo dục mới nhanh chóng, hiệu quả, đạt mục tiêu. Để giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên phải chú ý quán triệt nguyên tắc “học đi đôi với hành; lý luận phải gắn liền với thực tiễn; “học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Theo Người, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế chẳng khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Người cho rằng: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”. Theo Người, phải dùng những lời lẽ giản đơn, những ví dụ thiết thực để giải thích và giáo dục về lòng yêu nước cho thanh niên. Người cũng lưu ý, không nên làm cho học trò có tư tưởng vị quốc như bọn phátxít, vị quốc nghĩa là chỉ biết yêu trọng nước mình mà khinh ghét nước người. Người chỉ ra trong chương trình học, phải chú trọng giáo dục về môn tinh thần và đạo đức. Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ mà giáo dục thực dân còn để lại.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự giáo dục là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục lòng yêu nước. Giáo dục không chỉ nhằm trang bị tri thức về lòng yêu nước mà còn là bồi dưỡng tình cảm, rèn luyện ý chí, hành động yêu nước. Nếu thanh niên không tự giác, tích cực trong tự giáo dục thì quá trình giáo dục không thể có kết quả tốt. Vì vậy, Người yêu cầu: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình”.
Ngoài ra, giáo dục bằng nêu gương cũng là một phương pháp thiết thực để giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên. Người khẳng định: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Theo Người, muốn giáo dục thanh niên trở thành người tốt, trước hết những nhà giáo dục phải là người tốt. Từ đó, Người căn dặn: “Cần lấy ngay những gương tốt đó của các cháu và những gương người tốt việc tốt trong nhân dân để giáo dục các cháu. Không nên nói lý luận suông”.
Bên cạnh đó, giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên thông qua những gương anh hùng dân tộc, chiến sĩ cách mạng lão thành, lịch sử dựng nước và giữ nước... là phương pháp thiết thực, đem lại hiệu quả giáo dục cao. Người thanh niên yêu nước là người thấu hiểu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. Đó là việc làm thể hiện đạo lý sống chí nghĩa, chí tình, là lẽ sống của con người Việt Nam.
2. Một số đề xuất góp phần giáo dục lòng yêu nước cho sinh viên Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sinh viên Việt Nam là một bộ phận ưu tú của thanh niên Việt Nam, học tập tại các trường cao đẳng, đại học và được đào tạo để trở thành nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của sinh viên, trong Thư gửi Đại hội quốc tế các sinh viên xã hội chủ nghĩa, Ph. Ăngghen đã viết: “Các bạn hãy cố gắng làm cho thanh niên ý thức được rằng giai cấp vô sản lao động trí óc phải được hình thành từ hàng ngũ sinh viên”. Theo đó, giáo dục lòng yêu nước cho sinh viên trong tình hình mới là việc làm vô cùng quan trọng và cấp bách.
Thứ nhất, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho sinh viên. Cùng với việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, nhà trường và các tổ chức giáo dục cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ đi trước, truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng của Đảng cho sinh viên. Giáo dục ý thức dân tộc phải bắt nguồn từ tình cảm yêu gia đình, ông bà, cha mẹ, cho đến tinh thần nhân văn và truyền thống anh dũng, bất khuất của dân tộc. Tự hào với quá khứ hào hùng, truyền thống dân tộc là nền tảng cho ý thức tự tôn dân tộc. Giáo dục lòng yêu nước không chỉ ở trên lớp mà còn thông qua các hoạt động ngoại khóa như thăm quan di tích văn hóa, bảo tàng lịch sử, đài tưởng niệm liệt sĩ... Bên cạnh các kênh giáo dục chính thống, cần tập trung vào các nền tảng mạng xã hội cũng như tận dụng môi trường internet để giáo dục ý thức dân tộc.
Thứ hai, đổi mới nội dung và hình thức giáo dục lòng yêu nước, phát huy tính chủ động và tự giáo dục của sinh viên. Trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, giảng viên cần lồng ghép, gắn kết những nội dung của chủ trương, đường lối, mục tiêu, lý tưởng của Đảng với lòng yêu nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc và lòng tự hào về quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, cần thường xuyên nâng cao nhận thức cho sinh viên về tình hình trong nước và quốc tế, chiến lược “diễn biến hòa bình” và những vấn đề các thế lực thù địch lợi dụng sinh viên để chống phá cách mạng, giúp sinh viên nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và ảnh hưởng của các luồng tư tưởng phản văn hóa, phản cách mạng. Nhà trường cần phải giáo dục và định hướng cho sinh viên biết những phương thức bộc lộ tình cảm yêu nước sao cho phù hợp tình hình của đất nước và quốc tế, để họ chủ động, tích cực, tự nguyện bộc lộ tình cảm yêu nước đó và hiện thực hóa lòng yêu nước trong cuộc sống của mình. Hiện nay chương trình các môn lý luận chính trị và môn học Giáo dục Quốc phòng - An ninh ở một số trường đại học, cao đẳng vẫn còn khá nặng về lý thuyết, khiến cho nhiều sinh viên có tâm lý “học cho qua môn” nên hiệu quả giáo dục cũng chưa thực sự cao. Vì thế, cần tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị và bộ môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh, gắn lý luận với thực tiễn, tránh giáo dục theo lối áp đặt, nhận thức một chiều, rập khuôn, máy móc, cứng nhắc. Ngoài ra, tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong nhà trường cần tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, giáo dục lối sống; tổ chức các phong trào thanh niên, sinh viên thiết thực với nhiều hình thức và phương pháp phong phú, đa dạng, phù hợp để thu hút, lôi cuốn sinh viên tích cực tham gia.
Thứ ba, giáo dục lòng yêu nước cho sinh viên thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Các câu lạc bộ văn nghệ, báo chí, tuyên truyền trong hoạt động Đoàn - Hội phải sáng tạo và phát huy vai trò chủ đạo của mình trong lĩnh vực tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ. Tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong Nhà trường cần tăng cường tổ chức các cuộc thi hay hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; tuyên truyền, sáng tác các tác phẩm cách mạng về Đảng, về Bác Hồ và Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam..., đó cũng là một hình thức giáo dục lòng yêu nước cho sinh viên trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
Thứ tư, phát hiện, giới thiệu và nhân rộng gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng sinh viên. Có đạo đức, lối sống tốt, hành động đẹp, học tập tốt, v.v. là những biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước ở sinh viên. Tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần kịp thời tuyên dương sinh viên có hành động đẹp, thành tích tốt; có hình thức giới thiệu trên bảng tin, website, giao lưu trong các đợt sinh hoạt tập trung đông sinh viên; lựa chọn các thói quen tốt cần có trong sinh viên đơn vị để tuyên truyền, vận động sinh viên thực hiện.
Giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng trong giáo dục toàn diện thanh niên, nhằm xây dựng đội ngũ thanh niên thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước chân chính, có lý tưởng cách mạng, phát huy được vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Muốn công tác giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên, sinh viên đạt hiệu quả cao nhất, cần có những biện pháp thiết thực, phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh khác nhau. Có thể khẳng định, đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên vẫn vẹn nguyên giá trị, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, thường xuyên đổi mới về nội dung và phương pháp để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới.
ThS. NGUYỄN CAO SIÊNG
Tạp chí Cộng sản
ThS. NGUYỄN QUỐC KHÁNH
Trường Chính trị Tây Ninh
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/giao-duc-long-yeu-nuoc-cho-sinh-vien-viet-nam-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-a8535.html