Tác động của chuyển đổi số đến an ninh kinh tế ở Việt Nam

CT&PT - Bài viết tập trung làm rõ những tác động của chuyển đổi số đến an ninh kinh tế ở Việt Nam, đề cập bản chất của nền kinh tế số, xác định đặc điểm vận hành của nền kinh tế trong bối cảnh số hóa. Dựa trên mô hình của McKinsey, tác giả phân tích tác động của số hóa đối với nền kinh tế, phân tích những thuận lợi và khó khăn khi vận hành nền kinh tế số, hệ thống hóa vấn đề an ninh kinh tế trong nền kinh tế số trong tương quan với cơ cấu ngành kinh tế, cũng như doanh nghiệp và người dân. Các bất cập điển hình của an ninh kinh tế số bao gồm “bất bình đẳng số”, biến đổi thị trường lao động, gián điệp công nghiệp, thao túng dữ liệu cá nhân… Thông qua sử dụng một số công cụ giám sát sự phát triển của xã hội số hóa (NRI, DESI… ), đề xuất cơ chế làm giảm nhẹ tác động bất lợi của chuyển đổi số đối với an ninh kinh tế ở Việt Nam.

Đặt vấn đề

Xu hướng chính trong sự phát triển ngày nay là số hóa tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Công nghệ thông tin hiện đại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta và liên tục tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm tất cả các hệ thống kinh tế - xã hội, kỹ thuật và quản lý. Quá trình số hóa đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động kinh tế, sự phát triển nền kinh tế quốc gia và an ninh quốc gia. Kết quả là, xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới hiện nay là sự hình thành và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, được đặc trưng bởi việc triển khai toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin mới vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, không có ngoại lệ.

Không thể phủ nhận các quá trình số hóa - tất yếu của sự phát triển, đã dẫn tới những thay đổi tích cực trong mọi hoạt động của các chủ thể kinh tế mà không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, vẫn có nguy cơ xã hội phải đối mặt với những tác động tiêu cực của quá trình số hóa nền kinh tế như: vấn đề về an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp; bảo đảm an ninh kinh tế của quốc gia. Theo đó, dưới sự tác động từ số hóa, việc đổi mới vai trò quản lý của nhà nước là vô cùng quan trọng để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cũng như an ninh kinh tế của quốc gia, hướng đến phát triển bền vững, mà trước hết là trong các doanh nghiệp…

Số hóa và những tác động đến nền kinh tế

Thuật ngữ “nền kinh tế số” lần đầu tiên được đưa vào kinh tế học năm 1995 bởi Don Tapscott - tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng Blockchain”, theo đó, khái niệm này được giải thích như sau: “Nền kinh tế số là một loại hình kinh tế dựa trên việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số“1. Ngược lại, Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Nền kinh tế Ốtxtrâylia định nghĩa nền kinh tế kỹ thuật số là một mạng lưới toàn cầu về kinh tế và xã hội trong đó, các hoạt động được thực hiện thông qua các nền tảng như Internet, mạng di động và cảm ứng2. Các nhà nghiên cứu nghiên cứu về tác động của số hóa đến tăng trưởng kinh tế đã tìm ra những thước đo nhằm đo lường cho tất cả sáu trong số những thuộc tính này3. Vì vậy, mức độ số hóa có thể được đánh giá bất kỳ quốc gia nào. Các ước tính cho thấy quá trình số hóa tiến hành theo bốn bước tương tự nhau trên ở tất cả các quốc gia theo từng khu vực địa lý.

anh-chup-man-hinh-2023-10-29-luc-211024-1701335930.png

 

Trong mười đến mười lăm năm qua, các nhà khoa học và các nhà thực hành đã phân tích tác động của công nghệ số đến việc làm. Các nhà khoa học đã kết luận rằng 47% việc làm hiện có ở Hoa Kỳ có nhiều khả năng được tự động hóa (trong đó xác suất được xác định là 70% hoặc cao hơn)4. Một nghiên cứu gần đây của PwC ước tính rằng 38% việc làm ở Hoa Kỳ có nguy cơ bị tự động hóa cao; các nền kinh tế tiên tiến đang hoạt động tốt hơn một chút, với 35% việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng ở Đức, 30% ở Anh và 21% ở Nhật Bản. Báo cáo Phát triển năm 2018 của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng 57% việc làm ở các nước OECD có thể được tự động hóa trong hai thập kỷ tới. Những nghiên cứu này đã phác thảo ra một bức tranh đáng báo động, cho thấy rằng từ 1/3 - 1/2 số việc làm hiện có ở các nền kinh tế phát triển sẽ bị loại bỏ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn5.

Quá trình số hóa đã và đang phát triển nhanh và mạnh nhất trên các lĩnh vực kinh tế bởi vì nó mang lại những lợi thế đáng kể cho các chủ thể kinh tế, chủ yếu là các doanh nghiệp. Một nghiên cứu của Công ty tư vấn quốc tế McKinsey về đặc điểm và lợi ích của nền kinh tế số cho thấy, việc số hóa quy trình kinh doanh tác động đến nền kinh tế theo hướng tăng năng suất, bao gồm gia tăng số lượng việc làm trong các ngành liên quan, thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên cũng như, mức độ sẵn sàng của các mô hình giáo dục trực tuyến…6

Sự phát triển của nền kinh tế số là một quá trình tất yếu và trong tương lai sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Ngày nay, mô hình kinh tế số đang phát triển nhanh chóng ở các nước dẫn đầu thế giới, hỗ trợ tích cực cho quá trình số hóa và xây dựng các chương trình quốc gia cho một xã hội số hóa. Theo các nghiên cứu được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế và các công ty khác, tùy theo phương pháp định giá, quy mô của nền kinh tế kỹ thuật số hiện ước tính khoảng 4,5 - 15,5% tổng GDP toàn cầu. Trong tương lai, tỷ lệ này chắc chắn sẽ tăng lên7. Sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý trên thế giới đối với kinh tế số, sự hỗ trợ tích cực để áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực kinh tế đã trực tiếp tạo ra một thế giới kỹ thuật số với khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng năng lực tài chính. Về vấn đề này, chỉ số DESI (Chỉ số kinh tế và xã hội số) đã được thiết kế để đánh giá trình độ phát triển công nghệ và mức độ áp dụng công nghệ sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Biểu đồ cho thấy các thành phần của chỉ số DESI (truyền thông, vốn nhân lực, sử dụng Internet, tích hợp công nghệ số và kỹ thuật số dịch vụ công) và ý nghĩa của nó đối với một số nước phát triển.

anh-chup-man-hinh-2023-10-29-luc-211055-1701335964.png

 

Sự phát triển của nền kinh tế số bắt nguồn từ việc đổi mới công nghệ - thông tin trong hoạt động của các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, các quá trình số hóa chưa thực sự phát triển mạnh mang tính hệ thống mà mới chỉ xuất hiện và phát triển tại một số doanh nghiệp lớn. Để đẩy nhanh các quá trình này, việc phát triển các sản phẩm thông tin mới, nhập khẩu các công nghệ có sẵn… là một nhu cầu khách quan kết hợp với chính sách hỗ trợ phù hợp của nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp trong điều kiện số hóa.

Những lợi ích chính khi vận hành một nền kinh tế số là: sử dụng công nghệ máy tính, phần mềm và phần cứng; tiến hành đổi mới quy trình kinh doanh; vận hành các mảng dữ liệu thông tin lớn; bảo mật thông tin; thu hút dòng vốn đầu tư mới; tăng năng suất lao động; lấy khách hàng làm trung tâm; tốc độ và hiệu quả.

Như vậy, cùng với việc điều chỉnh hoạt động kinh tế theo yêu cầu của nền kinh tế số, chính phủ nên quan tâm đáng kể đến việc tạo ra các hệ thống an ninh thông tin hiệu quả. Điều này, đến lượt nó, đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính đáng kể. Theo đó, cần chú trọng bảo đảm tính bền vững của hệ thống an ninh kinh tế như là một phần không thể thiếu trong sự phát triển ổn định nền kinh tế.

Thách thức của kinh tế số đến an ninh kinh tế ở Việt Nam

Bảng dưới đây phân chia những thách thức của kinh tế số đến an ninh kinh tế quốc gia thành ba nhóm.

anh-chup-man-hinh-2023-10-29-luc-211123-1701336003.png

 

Công cụ chính để theo dõi sự phát triển của hoạt động kết nối mạng trong nền kinh tế là Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng (NRI) - một chỉ số toàn diện do Diễn đàn kinh tế Thế giới và Trường Kinh doanh quốc tế “INSEAD” đề xuất. Hiện nay, chỉ số này được coi là công cụ tốt nhất và đáng tin cậy nhất để đánh giá quốc tế về tác động của hậu công nghiệp, các yếu tố phát triển đến khả năng cạnh tranh và phúc lợi của các quốc gia. NRI được sử dụng như một công cụ phân tích để xếp hạng mức độ phát triển của các thành phần của mạng kinh tế và bao gồm các chỉ số phụ sau: (1) Phát triển môi trường; (2) Mức độ sẵn sàng của xã hội trong việc sử dụng công nghệ số; (3) Áp dụng công nghệ số của các tổ chức kinh tế sơ cấp; (4) Tác động của công nghệ kỹ thuật số đến nền kinh tế và xã hội. Ba chỉ số phụ đầu tiên có thể được coi là yếu tố quyết định giá trị của chỉ số phụ thứ tư, tức là tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với xã hội và kinh tế. Sự phát triển của kinh tế mạng đòi hỏi trên hết các điều kiện thị trường thích hợp, hành chính công và khung pháp lý tạo ra môi trường. Đánh giá doanh nghiệp và đổi mới môi trường quyết định chất lượng của điều kiện kinh doanh. Theo nghiên cứu năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam ở vị trí thứ 67 trên tổng số 121 về mức độ sẵn sàng kết nối mạng.

anh-chup-man-hinh-2023-10-29-luc-211146-1701336035.png

 

Mức độ sẵn sàng đối với nền kinh tế mạng của một quốc gia phần lớn phụ thuộc vào mức độ quan tâm và sẵn sàng sử dụng công nghệ mạng của các tác nhân trong nền kinh tế, kể cả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và trong các hoạt động giao dịch thường ngày. Chỉ số này được đánh giá bởi tính sẵn có của cơ sở hạ tầng mạng, khả năng tiếp cận đến thông tin kỹ thuật số, chi phí kết nối mạng, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này, cũng như khả năng sử dụng hiệu quả công nghệ số. Sự hình thành cấu trúc mạng dựa trên thông tin và quản lý cơ sở hạ tầng ở trình độ cao, cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực trí tuệ đã kéo theo sự thay đổi đáng kể trong toàn bộ hệ thống kinh tế - xã hội và cả khu vực nhà nước. Công nghệ mạng chiếm vị trí trung tâm trong đổi mới các lĩnh vực quan trọng trong xã hội: quản lý của nhà nước, kinh doanh, giáo dục, môi trường, y tế, văn hóa, an ninh, đời sống công cộng. Kinh tế mạng bảo đảm tính hiệu quả cho các tổ chức kinh tế và cá nhân, giảm chi phí giao dịch và thiết lập các mô hình làm việc di động.

Như vậy, nếu không giải quyết được vấn đề sử dụng mạng hiệu quả trên quy mô lớn, không có nền tảng cơ sở hạ tầng mạng phát triển như ngày nay thì không thể giải quyết được bất kỳ nhiệm vụ ưu tiên nào trong kế hoạch tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Với sự phát triển của kinh tế số, mô hình quản lý trong khu vực công đã thay đổi mạnh mẽ, cùng với đó, vị trí và vai trò của con người trong các mô hình quản lý mới cũng đã và đang thay đổi đáng kể.

Những thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế số bao gồm: thay đổi tiêu chuẩn về lao động, sự chuyển đổi của hệ thống giáo dục và đào tạo, các phương pháp tiếp cận mới đối với hệ thống quản lý… Trình độ kiến ​​thức, năng lực và kỹ năng của người dân trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số là một yếu tố thiết yếu để tạo ra sự lan rộng và phát triển của xu hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong điều kiện ngày nay, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào quá trình giáo dục, phát triển kỹ năng và năng lực trong lĩnh vực công nghệ số là cơ sở cho việc hình thành nền kinh tế số và sử dụng hiệu quả công nghệ số trong các lĩnh vực. Yêu cầu thay đổi kỹ năng số đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống giáo dục và đào tạo của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Một số giải pháp thích ứng với chuyển đổi số nhằm bảo đảm an ninh kinh tế ở Việt Nam

Để có thể giảm bớt tác động của chuyển đổi số đối với an ninh kinh tế ở Việt Nam, cần một cơ chế mang tính hệ thống và bền vững, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc: nhất quán, hiệu quả về mặt chi phí, minh bạch, tương đồng, tính mở, tính đầy đủ… Phần tiếp theo, bài viết đề xuất các giải pháp giảm nhẹ tác động của chuyển đổi số tới nền kinh tế an ninh của Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí trên và có tính đến quản lý chiến lược bảo đảm an ninh kinh tếTất nhiên, trong thực tế, mọi việc có thể không diễn ra suôn sẻ như vậy: quá trình ra quyết định mang tính cá nhân, lượng thông tin hạn chế làm ảnh hưởng đến tính hợp lý của quyết định, tính chủ quan khi ra quyết định, các giải pháp có sẵn ảnh hưởng đến việc lựa chọn giải pháp; sự can thiệp của nhiều cấp quản lý vào cơ cấu và quá trình ra quyết định… Chìa khóa để thực hiện thành công cơ chế này là việc phân phối hiệu quả nguồn vốn trách nhiệm và quyền ra quyết định.

Xã hội hiện đại đang dần chuyển sang giai đoạn phát triển kỹ thuật số. Số hóa đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của các hệ thống xã hội khác nhau. Quá trình số hóa có tác động đáng kể đến sự phát triển của nền kinh tế các nước trên thế giới. Theo đó, do tác động của các hoạt động đó, hành vi của các tác nhân kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi. Với kết quả từ bài nghiên cứu này, để đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển số hóa toàn cầu, cần tiến hành các giải pháp phù hợp.

Thứ nhất, cần ưu tiên hàng đầu cho công tác dự báo những thách thức và mối đe dọa của số hóa đến an ninh kinh tế, đặc biệt là trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng ngày nay.

Thứ hai, các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi số cần được hệ thống hóa, chú trọng đến các vấn đề về cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, doanh nghiệp và người dân. Bảo đảm an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan chức năng mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân vì đó cũng là cách để chúng ta tự bảo vệ lợi ích của chính mình. Những bất cập chính trong an ninh kinh tế bao gồm “chênh lệch kỹ thuật số” (sự thiếu hụt các yếu tố cơ bản của kinh tế số), những thay đổi trong thị trường lao động, gián điệp công nghiệp, thao túng dữ liệu cá nhân và những vấn đề khác…

Thứ ba, các công cụ giải quyết vấn đề phát sinh trong xã hội số bao gồm chuẩn bị nền tảng kỹ thuật số cho phát triển “kinh tế chia sẻ”, công nghệ điện toán “đám mây” và các phương pháp xử lý cơ sở dữ liệu lớn… Trong đó, chỉ số sẵn sàng kết nối mạng (NRI) là một công cụ hữu hiệu để giám sát sự phát triển của xã hội mạng kỹ thuật số.

Thứ tư, thu hút tuyển chọn nguồn nhân lực có trình độ cao, nâng cao khả năng phát hiện sớm những yếu tố ngoại sinh phá hoại quá trình số hóa đang diễn ra trong nền kinh tế.

Thứ năm, cần thiết phát triển một cơ chế nhằm giảm thiểu tác động của kỹ thuật số đến an ninh kinh tế của Việt Nam. Hệ thống giải pháp trên quy mô lớn cho vấn đề an ninh kinh tế trong xã hội số sẽ đảm bảo cho quá trình tăng trưởng kinh tế và nâng cao phúc lợi cho toàn xã hội. Nhà nước cần xây dựng kế hoạch có tầm chiến lược về nội dung nhận diện các nguy cơ, thách thức gây mất an ninh kinh tế cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ tuyên truyền, phổ biến, bảo đảm an ninh kinh tế thời kỳ chuyển đổi số; tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm sự an toàn, tin cậy trong quá trình chuyển đổi số, quản lý hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các hoạt động kinh tế xuyên biên giới vào Việt Nam…


1. Tapscott, D. (2005). The Digital Economy: Promise and Peril in the Age of Networked Intelligence. McGraw-Hill, p.342.

2. V. Apalkova: Concept of Digital Economy Development in E.U. and Prospects of Developing countries. Bulletin of Dnipropetrovsk University. Series: Innovation Management, 2015, 4, pp. 9-18.

3. El-Darwiche, B., Singh, M., & Ganediwalla, S. (2018). Digitization and Prosperity. The economic growth of nations is linked to one factor: adoption of information and communications technology, https://www.strategy-business.com/.

4, 5. R. Berriman & J. Hawksworth: Will robots steal our jobs? The potential impact of automation on the U.K. and other major economies. U.K. Economic Outlook, 2017, pp. 30, 47.

6, 7. McKinsey Digital, https://www.mckinsey.com/business-functions/mckinsey-digital/ourinsights.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đảm bảo an ninh thông tin trong chuyển đổi số, https//:nhandan.vn.

2. Digital Economy and Society Index (DESI), https://ec.europa.eu/digital-single-market/desi.

3. L.P. Goncharenko & S.A. Sybachin: Digitalization of national economy, Vestnik Universiteta, 8, pp. 32-38, DOI: 10.26425/1816-4277-2019-8-32-38

4. Network Readiness Index. Benchmarking the Future of the Network Economy, https://networkreadinessindex.org/.

5. O. Trokhymets: Development of national economy in the context of information and digitalization processes. In book: Challenges and prospects for the development of a new economy at global, national, and regional levels. DOI: 10.36059/978-966-397-147-6/111-128.

Theo Tạp chí Quản lý nhà nước

Thu Hằng tổng hợp

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tac-dong-cua-chuyen-doi-so-den-an-ninh-kinh-te-o-viet-nam-a8467.html