Quản lý báo điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số

CT&PT - Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí đã diễn ra mạnh mẽ trong vài năm gần đây với hàng loạt các sản phẩm mới như eMagazine, Longform, Infographics, đồ họa 3D và nhiều thể loại tác phẩm báo chí mới đã ra đời thay thế cho báo giấy. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí hiện đại cũng đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường các hoạt động giám sát để không vi phạm theo luật định.

Khái quát về báo điện tử trong thời kỳ chuyển đổi số

Ngày 06/02/1997, Báo Quê hương điện tử chính thức lên mạng internet, đánh dấu mốc tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam hình thành. Thời điểm sơ khai của báo điện tử, nội dung trên trang chủ yếu được chuyển từ báo giấy sang đĩa mềm thông qua phần mềm BKED (phần mềm xử lý văn bản tiếng Việt phổ biến nhất Việt Nam trong những 90 của thế kỷ XX do ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển). Đến năm 1998, báo điện tử Vietnamnet ra đời và đến năm 1999 là Báo Lao động, Báo Nhân dân điện tử chính thức xuất hiện.

Trải qua 26 năm hình thành và phát triển cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ hiện đại, báo điện tử đã chuyển mình thành kênh thông tin số một của người dân Việt Nam. Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi tốc độ và độ phủ sóng của mạng internet tại Việt Nam có những bước tiến vượt bậc, người dân đã thay đổi hoàn toàn thói quen đọc báo giấy để chuyển sang báo điện tử. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng hoàn toàn có thể đọc báo ở khắp mọi nơi, cập nhật tin tức mọi lúc ở tất cả các lĩnh vực. Chính sự phát triển như vũ bão của báo điện tử, nhiều tờ báo giấy đã bị khai tử do doanh số bán ra quá thấp. Nhiều cơ quan báo giấy phải thay đổi từ nhật báo thành kỳ báo để giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, sau một thời gian dài không có độc giả, không ít các tờ báo giấy, tạp chí phải đóng cửa hoàn toàn mảng này để tập trung phát triển báo điện tử.

Như vậy, báo chí đã phát triển rất nhanh theo tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam, nhưng đi đôi với đó, nhiều đơn vị đã đón đầu làn sóng chuyển đổi số để phát triển xa hơn cả tốc độ quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, một số doanh nghiệp đã hình thành các trang tin (Kênh14, Soha, Báo mới, 24h, Afamily, GenK…) để đưa các tin bài thời sự, chính trị, kinh tế - xã hội… Các đơn vị này đã thông qua việc sản xuất trước trên một tờ báo gốc để dẫn về các trang tin.

Tình trạng các trang tin đưa tin chưa kiểm chứng, xấu độc diễn ra tràn lan khiến cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu các trang tin sáp nhập vào các cơ quan báo chí chính thống để quản lý và kiểm soát về nội dung.

Bên cạnh các báo và trang tin điện tử, các tạp chí cũng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Các tạp chí trước đây chỉ xuất bản 1 - 2 quyển mỗi tháng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, không ít tờ tạp chí đã phát triển mạnh mảng điện tử và lấn sang cả đưa tin thời sự, pháp luật, xã hội và phản ánh nhiều vấn đề khác. Trước những tình huống, hoàn cảnh có thể dẫn đến sai phạm liên quan đến Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện quy hoạch báo chí để siết lại hoạt động của các cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ, mục đích. Sau một thời gian quy hoạch, hiện nay nước ta đã có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật)1.

Kết quả đạt được trong quản lý nhà nước về báo điện tử hiện nay

Những thay đổi mạnh mẽ trong thời kỳ chuyển đổi số của báo chí vẫn tiếp tục được duy trì. Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương sắp xếp lại hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam có định hướng rõ ràng, có nguồn lực phát triển đúng hướng, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, làm tốt sứ mệnh bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả công cuộc đổi mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư bằng Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch báo chí và đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai bài bản, đúng tiến độ, bước đầu đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn thúc đẩy phát triển báo chí cách mạng.

Thứ nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch. Tính đến hết năm 2021, triển khai quy hoạch báo chí đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử đã hoàn thành tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Báo Tuổi trẻ trực thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) 31/31 địa phương2. Cơ cấu báo chí thay đổi rõ rệt về cách thức đưa tin. Báo và tạp chí đã có sự khác biệt, phân vai rõ ràng.

Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân định hướng, cùng xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện3. Mỗi cơ quan báo chí sẽ được xây dựng một cách tiếp cận khác nhau do 6 cơ quan này có mô hình tổ chức, cơ chế tài chính đặc thù riêng.

Thứ ba, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí. Cụ thể, Bộ đã đề nghị các cơ quan chủ quản tự rà soát về cơ cấu tổ chức, kinh tế báo chí, các nội dung liên quan hoạt động báo chí; đánh giá việc thực hiện quy định của Luật Báo chí của cơ quan báo chí trực thuộc. Các đơn vị đề xuất, kiến nghị về việc cấp lại giấy phép đối với các cơ quan báo chí xét thấy cần thiết và đủ điều kiện hoạt động. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương rà soát điều kiện hoạt động báo chí, đặc biệt là điều kiện về người đứng đầu cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xem xét, cấp lại giấy phép hoạt động báo chí cho hơn 130 cơ quan báo chí4, trong đó có một số cơ quan báo chí được cấp lại giấy phép cùng với cấp phép thực hiện thêm loại hình điện tử. Qua rà soát, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá, đề xuất ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp tổ chức làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam rà soát, đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của các hội, viện trực thuộc. Từ đó, Liên hiệp có ý kiến đối với đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động báo chí của các viện và xây dựng quy chế phối hợp trong chỉ đạo, quản lý để các tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đăng tải các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, tránh tình trạng sử dụng giấy phép tạp chí khoa học để hoạt động như cơ quan báo5.

Theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trung ương được mở rộng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cả các cơ quan báo chí trực thuộc trung ương góp phần tăng hiệu quả ngăn ngừa vi phạm trong hoạt động báo chí, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã đưa báo điện tử lên ngôi trong thời đại hiện nay thay thế cho báo in. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn khi kiểm soát báo điện tử đối với việc đăng, sửa, xóa tin, bài trên báo, tạp chí điện tử hoặc trên chuyên trang, ấn phẩm của cơ quan báo chí.

Chuyển đổi số đã giúp các tạp chí có thể đăng bài trên web nhưng đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động tác nghiệp có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền như: cấp giấy giới thiệu, sử dụng thẻ nhà báo để đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cung cấp tin tức về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép…

Nguyên nhân dẫn tới các hạn chế trên do một số nội dung trong Luật Báo chí năm 2016 chưa bao quát đầy đủ những vấn đề phát sinh của hoạt động báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số; chưa có quy định phân định báo và tạp chí, tạp chí khoa học và tạp chí chuyên ngành…

Các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với báo điện tử

Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh phát triển công nghệ để tạo ra các sản phẩm mới, đa phương tiện, thích ứng với xu hướng phát triển của ngành báo chí, truyền thông. Tòa soạn báo cần nghiên cứu, quan tâm đến nhu cầu và thị hiếu của bạn đọc nhưng phải xây dựng trên nguyên tắc báo chí giải pháp. Báo chí tránh sa đà hình ảnh phản cảm, tin tức giật gân để câu view mà cần đẩy mạnh gương điển hình, “người tốt, việc tốt”, các hoạt động sản xuất - kinh doanh mang lại giá trị cho xã hội.

Thứ hai, tin bài không được chạy theo mạng xã hội một cách chủ quan. Cơ quan báo chí cần siết chặt lại hoạt động sản xuất và duyệt tin bài với các nội dung chạy theo mạng xã hội mà chưa thông qua kiểm duyệt hoặc xác minh của cơ quan chức năng. Nguyên tắc của hoạt động báo chí là không chạy đua với mạng xã hội bằng thời gian mà cần tính chính xác, sự uy tín của thông tin và tính khách quan.

Thứ ba, các cơ quan báo chí cần liên tục đào tạo, đào tạo lại và nâng cao trình độ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn về những đổi mới của công nghệ, hình ảnh và phong cách tác nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số. Phóng viên cần được đào tạo để đưa tin tức phải mang hơi thở cuộc sống, mang lại giá trị cho người đọc, có tính “nóng”, tin nhanh nhưng phải chính xác. Các tòa soạn cần đa dạng chủng loại tin bài, hình thức thể hiện mang màu sắc hiện đại. Bài viết đưa thông tin đa chiều, nhiều hình ảnh - video, nhiều thông điệp và hướng tới để độc giả tự nhận định vấn đề.

Thứ tư, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường định hướng hoạt động với các cơ quan báo chí để kịp thời điều chỉnh theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với từng sự kiện chính trị, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các quy định cụ thể để các đơn vị báo chí thực hiện. Hơn thế nữa, đối với các thông tin thời sự lớn, việc khai thác thông tin cũng cần bảo đảm theo quy định để không làm ảnh hưởng tới việc quản lý của cơ quan chức năng.

Bằng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chủ quản, báo chí Việt Nam sẽ ngày càng chủ động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong thời đại công nghệ số. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đa nền tảng, đa phương tiện, ứng dụng công nghệ số để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, ý nghĩa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, góp phần định hướng dư luận, củng cố sự đồng thuận và niềm tin xã hội.


1. Những thanh âm lạc lõng ngược dòng chảy lớn của dân tộc, https://tuyengiao.vn.

2. Ủy ban Văn hóa, giáo dục làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, https://quochoi.vn.

3, 4, 5. Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc, https://vietnamnet.vn.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Báo chí năm 2016.

2. Luật Xuất bản năm 2012.

3. Chuyện “thâm cung bí sử của báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam, https://vietnamnet.vn.

4. Số liệu về các cơ quan báo chí Việt Nam năm 2022, https://www.xaydungdang.org.vn.

Theo Tạp chí Quản lý nhà nước

Thu Hằng tổng hợp

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/quan-ly-bao-dien-tu-trong-thoi-ky-chuyen-doi-so-a8462.html