Thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động

CT&PT - Đối thoại chính sách là phương thức phổ biến trong hoạch định và thực thi chính sách của các xã hội hiện đại. Hiệu quả chính sách ở các xã hội này là minh chứng cho sự cần thiết và xu hướng phổ quát của đối thoại chính sách. Việc tổ chức các diễn đàn đối thoại với công nhân là kênh quan trọng thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước.

Chính sách phúc lợi cho người lao động

Năm 2018, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam thành công tốt đẹp, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức công đoàn. Đại hội xác định 3 khâu đột phá, 9 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2018 - 2023 là chăm lo, bảo vệ người lao động và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Đại hội chủ trì thảo luận với đại biểu dự Đại hội về chủ đề: Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước. Năm 2018 cũng là năm thứ 3, Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với 1.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng diễn ra tại tỉnh Hà Nam với chủ đề: Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn. Điểm mới của buổi gặp gỡ là có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện công nhân, lãnh đạo các địa phương và đại diện doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở 11 tỉnh, thành phố của vùng đồng bằng sông Hồng1

Trong cuộc đối thoại này, các vấn đề công nhân đề xuất đã được giải đáp kịp thời và có sự cam kết của người đứng đầu các bộ phụ trách. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: nghiên cứu sâu về tiêu chuẩn, chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động, từ đó đề xuất chính sách, bảo đảm bữa ăn giữa ca của người lao động ngày càng tốt hơn; sửa đổi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, về tiền lương cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức công đoàn các cấp, cẩn trọng, xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động; giá điện, nước áp dụng đối với công nhân theo giá kinh doanh; vấn đề an ninh, an toàn ngoài khu vực hàng rào các khu công nghiệp cần bảo đảm tốt…

Kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc với mức tăng trưởng đạt 7,08%, tăng cao nhất 10 năm qua. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ đóng góp 42,7%. Điểm sáng trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ công nhân, lao động. Chương trình “Phúc lợi đoàn viên Công đoàn” do tổ chức Công đoàn Việt Nam triển khai có 1,9 triệu đoàn viên được hưởng lợi gần 750 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước. Công đoàn đại diện khởi kiện tại tòa án 2.510 vụ; tư vấn pháp luật cho 245.883 lượt đoàn viên, người lao động, giúp cho hàng chục nghìn đoàn viên, người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc, nâng lương, quay lại làm việc, đóng bảo hiểm xã hội; 990 bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết mới với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết và thực hiện lên 28.876 bản2.

Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Năm 2019 là thời điểm Chính phủ xác định vai trò quan trọng của việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó thì cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với 1.000  công nhân, lao động kỹ thuật cao của các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm và 16 ngành kinh tế - kỹ thuật cao của đất nước vào ngày 05/5/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Chính phủ trong thúc đẩy phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao cả về số lượng, chất lượng3.

Tại buổi đối thoại, 43 kiến nghị và 7 đề xuất đã được tổng hợp, gửi đến Thủ tướng Chính phủ giải đáp. Trong đó, các định hướng lớn được đưa ra liên quan đến nhân lực chất lượng cao, là: (1) Các trường đại học cần thực hiện đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập, đáp ứng yêu cầu; gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn xã hội. (2) Xây dựng trung tâm hỗ trợ làm bệ đỡ cho ý tưởng của công nhân thành hiện thực. Thực hiện phân luồng, hướng nghiệp cho công nhân. (3) Khuyến khích các doanh nghiệp cùng hợp tác, đầu tư công nghệ cao, kéo theo nhu cầu tuyển dụng và sử dụng công nhân kỹ thuật cao. (4) Công nhân lao động cần nỗ lực tự học, tự tìm tòi và sáng tạo. Khắc phục hạn chế về kỷ luật công nghiệp và kỹ năng làm việc nhóm.

Năm 2019 ghi dấu thành công của kinh tế Việt Nam năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GDP đạt 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 6,6 - 6,8%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91%. Thực hiện Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ ngày 01/01/2019 mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 5,3% so với năm 2018, bảo đảm khoảng 92 - 93% mức sống tối thiểu của người lao động4.

Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã tới thăm mô hình sản xuất và đối thoại với công nhân nhà máy sản xuất thiết bị âm thanh điện tử của Công ty TNHH Foster Electric Bắc Ninh tại Khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn tham mưu, đề xuất giải pháp hữu hiệu để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động. Kiên trì mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng doanh nghiệp thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe doanh nghiệp và người lao động, kiểm tra, đôn đốc giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Rà soát thể chế, cơ chế

Năm 2021, Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới với đầy những khó khăn, thách thức và bộn bề lo toan. Dịch Covid-19 làn sóng thứ tư bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, trong đó quan tâm chăm lo, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng hành cùng Chính phủ, tổ chức Công đoàn dồn toàn lực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động, chia sẻ với doanh nghiệp, vượt mọi khó khăn, hướng tới mục tiêu chung giữa Chính phủ với tổ chức Công đoàn và người lao động được khẳng định gắn bó, đoàn kết hơn bao giờ hết.

Tại cuộc đối thoại với 4.500 công nhân lao động trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và trực tiếp tại Bắc Giang diễn ra năm 20225, Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến và thấu hiểu người lao động. Trên cơ sở đó, để hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, hướng tới mục tiêu cuối cùng: tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động. Việc lắng nghe, đối thoại, chia sẻ với công nhân, người lao động là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể có liên quan để tập trung, rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, nhanh chóng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, đồng thời, chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động, trong đó có công nhân lao động.

10 nhóm vấn đề lớn được tổng hợp từ gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước được gửi đến người đứng đầu Chính phủ6:

(1) Về tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

(2) Việc rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần, hệ quả là công nhân không có lương hưu trong tương lai.

(3) Cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động.

(4) Vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

(5) Về chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, giúp công nhân tiếp cần nguồn vốn hợp pháp để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng công nhân lao động mắc bẫy “tín dụng đen”.

(6) Về công tác đào đào tạo nghề; các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(7) Về tăng cường kiểm tra, tranh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động.

(8) Về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, các chợ dân sinh, đảm bảo cho công nhân lao động được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, phù hợp với thu nhập.

(9) Về tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm.

(10) Vấn đề giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt bị một bộ phận chủ nhà trọ đẩy lên cao; việc tăng giá sách giáo khoa; vấn đề con công nhân khó tiếp cận các trường học công trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú; việc cấp bách phải hình thành các điểm chợ gần khu công nghiệp và gần các doanh nghiệp đông công nhân.

Một số nhóm vấn đề trọng tâm và giải pháp được đề xuất trong các buổi đối thoại trực tiếp, như sau:

(1) Đối với vấn đề đào tạo nghề cho công nhân, trước hết, sẽ tiến hành phân luồng học sinh cấp 2, cấp 3. Với những học sinh không có điều kiện học lên cao sẽ vừa học nghề, vừa học văn hóa. Đồng thời, sẽ tiến hành đào tạo mới lực lượng lao động theo hướng các ngành nghề, lĩnh vực đáp ứng được yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng đến đào tạo chất lượng cao. Luật Việc làm sửa đổi xác định những ngành nghề, những lĩnh vực bắt buộc doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải sử dụng lao động có chuyên môn.

(2) Có cơ chế hỗ trợ vốn, tài chính cho công nhân, đồng thời xử lý triệt để nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Nhân rộng mô hình cơ sở khám, chữa bệnh trong các khu công nghiệp để công nhân đến khám, chữa bệnh và cấp cứu kịp thời khi có sự cố, tai nạn tại nơi làm việc; các cơ sở khám, chữa bệnh làm việc trong ngày Chủ nhật, ngoài giờ hành chính và được thanh toán bảo hiểm y tế. Giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương, thưởng, chậm đóng, trốn đóng baỏ hiểm xã hội.

(3) Chính phủ tháo gỡ các vấn đề về xây dựng nhà ở cho công nhân, đặc biệt là một số vướng mắc trong quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu tham mưu chính sách tín dụng cho công nhân mua nhà trả góp.

Bên cạnh đó, các địa phương tập trung triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc đầu tư, xây dựng các thiết chế công đoàn…

Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động

Diễn đàn Người Lao động năm 2023 là “một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt”, để Quốc hội và đại biểu Quốc hội được lắng nghe ý kiến của công nhân, viên chức, lao động. Thông qua tổ chức Công đoàn Việt Nam, người lao động cả nước gửi gắm 4.600 kiến nghị liên quan đến 45 vấn đề lớn, đặc thù, thuộc 18 lĩnh vực và 21 ý kiến được trình bày trực tiếp tại Diễn đàn. Nhiều gợi ý chính sách quan trọng, thiết thực được đưa ra, cụ thể là:

Đối với chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 đã quy định các nội dung ưu đãi, hỗ trợ để đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân như: chính quyền địa phương cần bố trí quỹ đất phù hợp cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân thu nhập thấp; có chính sách ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để thu hút nhiều chủ đầu tư quan tâm, đầu tư phát triển nhà ở xã hội; nghiên cứu cơ sở pháp lý để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê; có chính sách người lao động được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận nhà ở xã hội… Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đang phối hợp với Bộ Xây dựng, các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động… để hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong dự án Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đối với chính sách bảo hiểm xã hội, cơ quan soạn thảo tập trung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, nội dung cải cách, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, như: xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần; có cơ chế để khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội… Cùng với đó là chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi, đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025; trong đó tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mà còn hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

Về thực tiễn triển khai Luật Công đoàn, theo quy định của pháp luật hiện hành, Công đoàn có quyền tham gia giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, để triển khai hoạt động giám sát thì Công đoàn phải phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan. Trong khi đó, theo quy định của Đảng, Công đoàn có quyền chủ trì, độc lập giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Thời gian tới, cần sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn để tổ chức Công đoàn có thể chủ động, độc lập thực hiện chức năng giám sát của mình.

Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội công nhân băn khoăn, bức xúc, như: những khó khăn trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của công nhân, trong sinh hoạt văn hóa, thể thao, trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân; chính sách thu hút người lao động trong các ngành, nghề đặc thù… cũng đã được các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tiếp thu và khẩn trương giải quyết. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với một số vấn đề chưa có trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội nhiệm kỳ XV.

Như vậy, nhiệm kỳ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, việc tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân hằng năm, Diễn đàn Người lao động năm 2023 do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, viên chức, lao động, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động đối thoại với đoàn viên, người lao động đã tạo hiệu ứng tốt, là kênh quan trọng thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và công đoàn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để nhiệm kỳ 2023 - 2028 của tổ chức Công đoàn Việt Nam, các chủ thể tham gia đối thoại cần nhìn nhận, đánh giá và phát huy vai trò để xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh.


1. Thủ tướng đối thoại, lắng nghe những lời nói thật của công nhân, https://nld.com.vn.

2, 3. Báo cáo tổng thuật số 2132/BC-VPQH, ngày 17/8/2023 của Văn phòng Quốc hội về Diễn đàn Người lao động, năm 2023.

4, 5. Những chuyển biến lớn về chính sách xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam qua các cuộc đối thoại với công nhân, https://lyluanchinhtri.vn.

6. 10 nhóm vấn đề kiến nghị công nhân gửi lên Thủ tướng Chính phủ, https://vneconomy.vn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại chương trình Thủ tướng đối thoại với công nhân lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, năm 2018.

2. Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại chương trình Thủ tướng đối thoại với gặp gỡ công nhân kỹ thuật bậc cao tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2019.

3. Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại chương trình Thủ tướng đối thoại với đối thoại trực tuyến 4.500 công nhân tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và trực tiếp tại tỉnh Bắc Giang, năm 2022.

4. Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Diễn đàn Người Lao động, năm 2023.

NGUYỄN HỮU VINH

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/thuc-day-hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-lien-quan-den-nguoi-lao-dong-a8454.html