Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số ở Việt Nam

CT&PT - Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội… đòi hỏi các quốc gia phải đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, và đây là xu hướng tất yếu khách quan. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng chính phủ điện tử, tuy nhiên vẫn còn những bất cập, vướng mắc, đòi hỏi cần có giải pháp đột phá để tiếp tục xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Quá trình xây dựng chính phủ điện tử của Việt Nam

Trong hơn hai thập niên qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc xây dựng chính phủ điện tử. Theo đánh giá của Liên hợp quốc về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 86 trên tổng số 193 quốc gia thành viên, đạt 0,6787 điểm1. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 06 (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia).

Để xây dựng chính phủ điện tử, mỗi quốc gia cần trải qua bốn giai đoạn: 

Giai đoạn 1: Hiện diện, đặc trưng bởi sự hiện diện của các cơ quan chính phủ trên mạng internet, thông qua các trang thông tin điện tử. Mục đích chính là cung cấp các thông tin cơ bản như chức năng, nhiệm vụ, địa chỉ liên hệ, thời gian làm việc và có thể cung cấp thêm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan đó. 

Giai đoạn 2: Tương tác, các trang thông tin điện tử của các cơ quan chính phủ cung cấp các chức năng tìm kiếm cơ bản, cho phép tải các biểu mẫu điện tử, các đường liên kết với các trang thông tin điện tử liên quan, cũng như địa chỉ thư điện tử của các cơ quan, đơn vị. 

Giai đoạn 3: Giao dịch, các cổng thông tin điện tử của các cơ quan chính phủ cho phép thực hiện hoàn chỉnh các dịch vụ, bao gồm việc nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ, trả phí dịch vụ công trực tuyến.

Giai đoạn 4: Chuyển đổi, đây là mục tiêu dài hạn của các cơ quan chính phủ. Ngoài việc thực hiện các chức năng trong giai đoạn 3, chính phủ điện tử giai đoạn này cung cấp cho người dân một điểm truy cập duy nhất tới các cơ quan chính phủ để thực hiện mọi giao dịch, các hoạt động của cơ quan chính phủ là minh bạch với người dân2.

Có thể nói, chính phủ điện tử đã làm thay đổi phương thức hoạt động và loại bỏ các rào cản của tổ chức, nhằm thúc đẩy các giải pháp tập trung vào người dân và doanh nghiệp với mục tiêu cung cấp cho người dân, doanh nghiệp một điểm truy cập duy nhất tới các cơ quan nhà nước để thực hiện mọi giao dịch trực tuyến nhanh chóng, thuận lợi. Cuối năm 2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, khai thác; Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan nhà nước cung cấp DVCTT theo 02 mức độ: (1) Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích; (2) Dịch vụ công trực tuyến một phần, bao gồm không bảo đảm các điều kiện như DVCTT toàn trình.

Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định rõ việc triển khai áp dụng chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng cho các ứng dụng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu về chữ ký số trong quá trình thực hiện DVCTT; phát triển, sử dụng các biểu mẫu điện tử tương tác theo quy định; kết nối, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước khác để tự động điền các thông tin vào biểu mẫu điện tử và cắt giảm thành phần hồ sơ, bảo đảm nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT, nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp DVCTT toàn trình tại Việt Nam. 

Tính đến ngày 31/8/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã xử lý hơn 23 triệu hồ sơ, trong đó Bộ Công an xử lý gần 7,5 triệu hồ sơ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 2 triệu hồ sơ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam hơn 430.000 hồ sơ. Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp 4.446 DVCTT toàn trình và DVCTT một phần, trong đó có 2.569 dịch vụ dành cho người dân và 2.374 dịch vụ dành cho doanh nghiệp. Các bộ và cơ quan ngang bộ cung cấp tổng số 1.623 DVCTT. Các tỉnh, thành phố tích hợp số lượng DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cụ thể tỉnh Cà Mau có 1.561 dịch vụ; tỉnh Long An có 1.480 dịch vụ; tỉnh An Giang có 1.467 dịch vụ; thành phố Đà Nẵng đứng vị trí thứ 10 với 1.348 dịch vụ. Các tỉnh, thành phố có ít DVCTT tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là thành phố Hà Nội với 250 dịch vụ; tỉnh Phú Yên với 380 dịch vụ; tỉnh Yên Bái với 458 dịch vụ; Thành phố Hồ Chí Minh với 588 dịch vụ3 trên tổng số hơn 1.620 DVCTT cung cấp tại bộ phận một cửa điện tử của Thành phố4.

Chỉ số DVCTT (OSI) của các nước do Liên hợp quốc đánh giá dựa trên 05 chỉ số thành phần với tỷ lệ như sau: khung thể chế (IF) 10%; cung cấp dịch vụ (SP) 45%; cung cấp nội dung (CP) 5%; công nghệ (TEC) 5% và tham gia điện tử (EPI) 35%. Theo đó, năm 2022 Chỉ số OSI của Việt Nam đạt mức cao, với 0,6484 điểm, trong đó chỉ số thành phần về  IF và CP của Việt Nam đạt điểm rất cao với lần lượt là 0,9231 điểm và 0,9 điểm, cho thấy các văn vản quy phạm pháp luật về cung cấp thông tin và DVCTT tại Việt Nam đã dần hoàn thiện. Tuy nhiên, các DVCTT tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa đầy đủ, vẫn bao gồm cả DVCTT toàn trình và DVCTT một phần nên chỉ số thành phần về TEC chỉ đạt 0,6471 điểm và CP đạt 0,6133 điểm. Mặt khác, người dân và doanh nghiệp vẫn chủ yếu làm việc với chính quyền theo các quy trình tiếp xúc trực tiếp và dựa trên giấy tờ tại bộ phận “một cửa” để thực hiện các thủ tục hành chính. Do đó, chỉ số EPI chỉ đạt 0,5341 điểm5. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước vẫn còn một số hạn chế, như tỷ lệ cán bộ, công chức làm việc với văn bản điện tử, hồ sơ số chưa nhiều, phần lớn vẫn làm việc với các quy trình dựa trên hồ sơ giấy.

Định hướng xây dựng chính phủ số của Việt Nam

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: xây dựng chính phủ số có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội và hình thành chính phủ số vào năm 2030. Quyết định số 942/QĐ-TTg đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển cơ sở dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Chính phủ số là bước phát triển tiếp theo của chính phủ điện tử, đây không chỉ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ. Theo Gartner, mô hình phát triển chính phủ số theo 5 giai đoạn (mức độ phát triển) như sau: 

Giai đoạn 1 (mở đầu): ở giai đoạn này, có ít sự khác biệt giữa chính phủ số và chính phủ điện tử trong tư duy của các nhà lãnh đạo chính phủ và các nhà hoạch định chính sách. Ở mức này không có liên quan đến sự tiến bộ của chính phủ điện tử. Do đó, các tổ chức được đánh giá tốt các tiêu chuẩn của chính phủ điện tử vẫn sẽ ở giai đoạn đầu tiên của chính phủ số.

Giai đoạn 2, phát triển (mở): các quốc gia có thể phát triển ngay giai đoạn 2 đồng thời cùng giai đoạn 1. Các chương trình chính phủ điện tử và chính phủ mở thường cùng tồn tại với sự lãnh đạo và ưu tiên khác nhau. Các sáng kiến chính phủ mở thường được thực hiện như các chương trình nhằm thúc đẩy sự minh bạch, sự cam kết của người dân và “nền kinh tế dữ liệu”. Mặt khác, chúng có thể tạo cơ sở để bắt đầu tập trung vào việc công khai dữ liệu của các cơ quan nhà nước (dữ liệu mở). 

Giai đoạn 3, xác định (lấy dữ liệu làm trung tâm): giai đoạn này kích hoạt và tăng tốc việc chuyển đổi số. Đây là một sự khởi đầu từ những cách tiếp cận biến đổi trước đó, trong đó tập trung vào khai thác dữ liệu số, việc chỉnh sửa và tái thiết các dịch vụ và tương tác bằng cách làm cho chúng thuận tiện hơn và có hiệu quả hơn thông qua các kênh trực tuyến. 

Giai đoạn 4, quản lý (kỹ thuật số hoàn toàn): ở giai đoạn này, chính phủ và các tổ chức đã nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của cách tiếp cận lấy dữ liệu làm trung tâm và thường xuyên theo đuổi các cơ hội đổi mới dựa trên các nguyên tắc dữ liệu mở. Dữ liệu được tận dụng thường xuyên hơn vượt qua ranh giới của cơ quan, dẫn đến các tương tác dễ dàng hơn cho các thành phần và sự chuyển đổi quyết định từ mô hình kéo, sang mô hình đẩy. Điều này sẽ được thực hiện bằng cách tập trung vào dữ liệu và khai thác khả năng trao đổi dữ liệu, trái ngược với việc theo đuổi tích hợp dịch vụ như là một phần của chính phủ điện tử. 

Giai đoạn 5, tối ưu hóa (thông minh): chuyển đổi số đã trở thành tiêu chuẩn. Tổ chức thực hiện tối ưu hóa hoạt động và có khả năng dự báo nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đổi mới, sáng tạo cung cấp các dịch vụ công mới, đồng thời tăng cường tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn.

Có thể khẳng định, những tiện ích to lớn do chính phủ số đem lại như cải thiện chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; cho phép ra quyết định căn cứ vào dữ liệu nhằm đem lại kết quả quản trị công tốt hơn; nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư nhờ bộ máy hành chính hiệu quả và minh bạch hơn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực công nghệ cần cho chính phủ số như mã định danh số, thanh toán số và các nền tảng vận hành liên thông dữ liệu ở Việt Nam chưa phù hợp, do thiếu sự thống nhất về chính sách và thể chế. Nền tảng điện toán đám mây chính phủ (CGC) chưa được xây dựng, các cơ sở dữ liệu số và hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu số an toàn, bảo mật mới chỉ triển khai được một phần, vẫn còn khoảng cách lớn để số hóa toàn diện về dữ liệu và luồng công việc. Trọng tâm của xây dựng chính phủ số là hiện đại hóa cách thức vận hành của Chính phủ, với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ số, khai thác dữ liệu số. Chính phủ số đòi hỏi đầu tư kết hợp với chuyển đổi về thể chế và tổ chức, cải thiện nguồn nhân lực, cũng như cách thức và mức độ huy động nguồn vốn đầu tư. 

Tiếp tục xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số ở Việt Nam

Một là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về sử dụng công nghệ thông tin và kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Theo đó, cần bồi dưỡng để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chính phủ số, khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Xem xét nghiên cứu để đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng vào giảng dạy trong nhà trường từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách về thuê dịch vụ, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số để nghiên cứu, đầu tư các sản phẩm, dịch vụ phát triển chính phủ số theo phương thức đối tác công tư, đóng vai trò chính trong điều phối, quy hoạch, thúc đẩy việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ chính phủ số. Chính phủ triển khai một số hoạt động mang tính định hướng, kiến tạo thị trường hoặc cung cấp các dịch vụ công số cơ bản phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tham khảo kinh nghiệm xây dựng khung pháp lý, tiêu chuẩn, sáng kiến về chính phủ số và phát triển công nghệ số, kinh tế số của các tổ chức quốc tế phù hợp với mục tiêu và lợi ích của Việt Nam. Rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số, kết hợp chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển chính phủ số. Cung cấp, tích hợp tất cả DVCTT của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp thuận lợi khi truy cập, tìm kiếm, sử dụng DVCTT mà họ mong muốn qua một địa chỉ duy nhất trên mạng.

Ba là, đầu tư nghiên cứu phát triển để có thể làm chủ các công nghệ lõi... trọng tâm là ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở, hình thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số, phục vụ chính phủ số. Lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), bảo mật, an toàn, an ninh mạng, nền tảng tích hợp, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu số quốc gia, phát triển các ứng dụng chuyên ngành, phục vụ xây dựng chính phủ số.

Bốn là, bảo đảm kinh phí cho xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Sử dụng ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để phát triển chính phủ số. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng số quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ công quốc gia, tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin, sử dụng vốn đầu tư công do ngân sách trung ương đảm bảo. Chú trọng hoàn thiện khung pháp lý cho hệ thống ngân hàng và định danh số nhằm phát triển hệ thống thanh toán điện tử. Đồng thời, tiến hành đo lường, giám sát, đánh giá hiệu quả trong triển khai các dự án đầu tư và thực hiện đo lường, giám sát tự động tới từng hệ thống, từng dịch vụ phục vụ chính phủ điện tử, chính phủ số.


1, 5. United Nations E-Government Survey 2022, Department of Economic and Social Affairs - UNITED NATIONS New York, pa.220, pa.235.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 1.0), tr. 4 (Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015).

3. https://dichvucong.gov.vn.

4. https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/.  

ThS. TRẦN NHẬT HOÀNG

Bộ Nội vụ

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/thuc-trang-va-giai-phap-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh-phu-so-o-viet-nam-a8438.html