Thực trạng và giải pháp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở nước ta

CT&PT - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, quốc gia nào muốn phát triển phải gắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số. Đây là bước đi tất yếu mà Việt Nam sẽ phải trải qua. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng đều đưa ra những chủ trương, đường lối, chính sách thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

1. Thực trạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời gian qua

Kết quả đạt được

Sau hơn 35 năm đổi mới, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng được đẩy mạnh và đạt được những thành tựu quan trọng:

“Công nghệ sản xuất công nghiệp đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần (...); cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

“Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn có chuyển biến; nông nghiệp phát triển toàn diện hơn theo hướng khai thác những lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; ứng dụng khoa học - công nghệ và mức độ cơ giới hóa được nâng lên; xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ”.

“Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực (...) quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh”.

Cơ cấu kinh tế theo ngành dần chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, xây dựng.

Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu quan điểm phát triển đối với nền kinh tế nước ta: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”1. Đại hội XIII đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”2.

Hạn chế và nguyên nhân

Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng không bền vững, chưa tương xứng với khả năng. Quy mô nền kinh tế nhỏ, bình quân thu nhập thấp, tái sản xuất chủ yếu theo chiều rộng chưa theo chiều sâu. Hiệu quả kinh tế còn thấp (chỉ số ICOR cao: 4-5/1). Các nguồn lực của đất nước sử dụng chưa hiệu quả, nguồn lực trong dân chưa được phát huy. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm

Xét phương diện những đặc trưng của nền kinh tế tri thức thì chúng ta thấy cơ cấu kinh tế - lao động của Việt Nam hiện nay vẫn là lạc hậu: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp trong GDP còn hạn chế, ngành nông nghiệp còn cao: Cơ cấu lao động cũng chưa chuyển biến mạnh mẽ: lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng rất cao, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế. Năng lực khoa học và công nghệ quốc gia còn yếu; kết quả ứng dụng những công trình, bằng sáng chế phát minh khoa học còn ít và thấp so với các nước; thị trường khoa học và công nghệ chậm được hình thành; sự gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với giáo dục - đào tạo và sản xuất, kinh doanh còn yếu…Giá trị xuất khẩu tuy khá cao, nhưng hiệu quả kém: sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nông sản và nguyên liệu ít qua chế biến.

- Vùng kinh trọng điểm chưa phát huy được thế mạnh, chưa có sự liên kết chặt chẽ.

- Cơ cấu thành phần kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, môi trường đầu tư, cạnh tranh chưa bình đẳng.

- Công tác quy hoạch chất lượng còn thấp, cơ chế thị trường chậm hoàn hiện Nhiều chính sách chưa đủ mạnh để huy động các nguồn lực....

Những hạn chế, yếu kém nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu là do: “Thể chế hóa và tổ chức thực hiện còn chậm, thiếu hệ thống và đồng bộ. Chưa có đột phá về thể chế để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Chưa xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên trong chính sách công nghiệp quốc gia cho từng giai đoạn; thiếu gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, giữa phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn với xây dựng nông thôn mới”. “Chưa chuẩn bị thật tốt các điều kiện cần thiết và tận dụng thời cơ để hội nhập quốc tế có hiệu quả; có lúc, có việc chưa gắn chặt với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

2. Giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam

Thứ nhất, thể chế hóa, hiện thực hóa chủ trương “khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và chủ động tích cực hội nhập quốc tế”. Những quan điểm trên đã được Đảng ta nhấn mạnh qua nhiều kỳ Đại hội, song do nội hàm chưa được thể chế hóa, pháp quy hóa, nên hiệu lực thực tế còn thấp. Tình trạng tùy tiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ và nhập khẩu công nghệ lạc hậu còn phổ biến trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Thứ hai, tích lũy vốn trên cơ sở phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta tiến hành nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tích lũy vốn. Con đường cơ bản để giải quyết vấn đề tích lũy vốn trong nước là tăng năng suất lao động xã hội trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hợp lý hóa sản xuất. Ngoài ra, cần phải mở rộng nhiều hình thức thu hút vốn nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Triệt để tiết kiệm, coi “tiết kiệm là quốc sách”, đấu tranh triệt để với nạn tham nhũng, lãng phí. Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế trong mỗi giai đoạn phát triển là yêu cầu khách quan. Còn đối với nguồn vốn từ bên ngoài, cần huy động dưới các hình thức: kêu gọi viện trợ, đầu tư, vay vốn ngắn hạn, dài hạn, kêu gọi vốn kiều hối…

Thứ ba, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng với chiều sâu. Cần kết hợp hợp lý phát triển kinh tế theo hai mô hình này, một mặt khai thác những lợi thế sẵn có về lao động, tài nguyên; mặt khác phải “đi tắt, đón đầu”, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình “hiện đại”, “rút ngắn” để phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.

Thứ tư, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Trước hết, phải đổi mới nhận thức, tư duy mới về đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học và truyền bá tri thức mới. Hoàn thiện chính sách sử dụng cán bộ khoa học, lấy chất lượng và kết quả hoạt động nghiên cứu, đóng góp khoa học là thước đo, là tiêu chuẩn căn bản cho mọi chế độ cất nhấc, đề bạt, khen thưởng, đãi ngộ vật chất. Tổ chức lại một cách căn bản hệ thống đào tạo, rà soát lại cơ cấu đào tạo cho hợp lý, nghiên cứu đồng bộ các phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên, nhằm thực hiện mục tiêu chuyển trọng tâm giáo dục từ trang bị kiến thức sang rèn luyện phương pháp, xây dựng năng lực, phát triển khả năng sáng tạo. Tăng cường đào tạo lại theo chuyên đề của các chuyên ngành để cập nhật thông tin, kiến thức mới cho kịp với trình độ thế giới và khu vực.

Thứ tư, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của khoa học và công nghệ. Để làm được điều này, cần chú trọng các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm gắn với kinh tế tri thức như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ gia công tiên tiến trong cơ khí, công nghệ chế biến… Thực hiện các biện pháp nhằm làm tốt hơn công tác chuyển giao công nghệ và tăng cường tác dụng của chuyển giao công nghệ tới phát triển kinh tế tri thức. Tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích sáng tạo và phổ biến tri thức. Chú trọng đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật có khả năng nghiên cứu và ứng dụng một cách sáng tạo các kết quả chuyển giao công nghệ, đồng thời nghiên cứu những vấn đề đặc thù cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nhà nước cần hỗ trợ các cá nhân và tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ về cơ sở thông tin, bảo hộ quyền lợi, tư vấn pháp luật, nhất là những lĩnh vực có liên quan đến quan hệ với nước ngoài nhằm bảo đảm lợi ích của họ.

Thứ năm, xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển. Công nghệ thông tin là chìa khóa để đi vào nền kinh tế tri thức. Song, muốn công nghệ thông tin nhanh chóng phát huy hiệu quả thì cần phải xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến đội ngũ cán bộ vận hành, sử dụng công nghệ thông tin. Muốn rút ngắn thời gian công nghiệp hóa, hiện đại hóa và từng bước chuyển sang nền kinh tế tri thức và rút ngắn khoảng cách về công nghệ thông tin của nước ta với các nước trong khu vực và thế giới, nhà nước phải có chiến lược phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thông tin để có thể khai thác sử dụng được thiết bị công nghệ cao của thế giới. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ khoa học.

Thứ sáu, mở rộng hợp tác quốc tế được coi là một trong những điều kiện quan trọng để từng bước phát triển kinh tế tri thức, thực hiện nhanh và có hiệu quả nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Cụ thể là:

- Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nội dung hợp tác cần được định hướng vào hai loại chủ đề: những vấn đề khoa học và công nghệ có tính bức xúc đặt ra trong ngắn hạn; những vấn đề khoa học và công nghệ có tầm tác động chiến lược dài hạn. Từ định hướng này, phía Việt Nam cần chủ động tìm kiếm đối tác có thực lực và có thiện chí, thương thảo hình thức và điều kiện hợp tác nghiên cứu.

- Hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực. Loại ngành nghề cần được tập trung trong hợp tác quốc tế đào tạo là những ngành nghề mà việc phát triển kinh tế tri thức đặt ra. Nhà nước cần định hướng ngành nghề và cấp đào tạo, xác định những địa chỉ có uy tín về khoa học và công nghệ để gửi người đi đào tạo, lựa chọn người có đủ năng lực và phẩm chất đi đào tạo ở nước ngoài, có chính sách thỏa đáng cho hợp tác quốc tế trong đào tạo, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”.

- Hợp tác trong lĩnh vực thương mại quốc tế về khoa học và công nghệ. Đó là tăng cường nhập khẩu trí thức, nhập khẩu tri thức, nhập khẩu vật tư kỹ thuật có trình độ cao.


1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb.CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tập I, tr.214, tr.217.

 

VIẾT TRƯỜNG

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/thuc-trang-va-giai-phap-xay-dung-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-gan-voi-phat-trien-kinh-te-tri-thuc-o-nuoc-ta-a8418.html