Định hướng đổi mới cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình mới ở Thành phố Hồ Chí Minh

CT&PT - Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, được xem là “đầu tàu” của nền kinh tế. Để thực hiện tốt vai trò đó, trong từng giai đoạn cụ thể, Thành phố đã lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp và đã thu được một số kết quả khả quan. Việc xây dựng, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ: “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”. Gần 40 năm tiến hành đổi mới và ba mươi năm tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế - đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. 
Trong thời gian qua, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả khá cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì với tốc độ cao, ổn định nhiều năm. GDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung cả nước. Thành phố chủ trương phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường. Các khu công nghiệp được hình thành và thu hút các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp. 
Mặc dù, tỷ trọng công nghiệp của nhóm ngành thâm dụng vốn như: công nghiệp cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, cao su, plastic và điện - nước thấp hơn một số ngành công nghiệp khác nhưng cả nhóm có sự chuyển dịch cả về cơ cấu vốn đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp, năng suất lao động và có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành công nghiệp. 
Dù có xu hướng giảm dần song cơ cấu của nhóm ngành thâm dụng lao động như: công nghiệp dệt may - giày dép, chế biến nông sản thực phẩm, giấy và sản phẩm từ giấy, chế biến gỗ vẫn có tỷ trọng chiếm cao nhất cả về giá trị sản xuất công nghiệp và vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. 
Nhóm ngành thâm dụng tài nguyên khoáng sản như: ngành công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng có tỷ trọng giảm nhanh trong cơ cấu ngành công nghiệp nhưng cơ cấu vốn đầu tư có sự chuyển dịch tăng dần. 
Diện tích gieo trồng có xu hướng giảm dần do chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và xây dựng nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp (nông - lâm nghiệp và thủy sản) vẫn ổn định và chủ yếu phát triển chiều sâu với việc hình thành các khu sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiện hóa – hiện đại hóa nhanh đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng theo hướng phi nông nghiệp. 
Lĩnh vực dịch vụ được chú trọng, phát triển hơn lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp làm cho tỷ trọng dịch vụ trong GDP chiếm ngày càng cao. Các ngành dịch vụ phát triển ngày càng đa dạng và phong phú, phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều cơ sở dịch vụ cao cấp đã xuất hiện và phát huy hiệu quả trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cơ cấu lại nền kinh tế nói riêng.
Cơ cấu công nghiệp phân bố theo lãnh thổ tuy còn rất chậm nhưng đã từng bước có sự chuyển dịch. Thành phố chuyển dịch theo hướng ngày càng chuyên sâu hơn, phù hợp với điều kiện của từng quận huyện. Hình thành và phát triển nhanh khu và cụm công nghiệp. Hiện nay, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhằm thu hút lao động, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. 
Kết cấu hạ tầng có bước phát triển khá. Về cơ bản, đã nâng cấp và mở rộng mạng lưới điện phủ kín toàn thành; hoạt động bưu chính viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp tập trung và nhiều khu dân cư gắn liền với các khu công nghiệp; phát triển nhiều cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế… gắn với khu dân cư.
Tỷ trọng kinh tế quốc doanh giảm dần nhưng đã tập trung đầu tư theo chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, tăng năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và nắm giữ các ngành kinh tế chủ yếu tác động chi phối các ngành kinh tế khác như là nhân tố chủ đạo. Kinh tế ngoài quốc doanh đang được mở rộng, huy động tích cực vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài; kinh tế dân doanh, kinh tế tập thể và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao trong ơ cấu của vùng. 
Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở thành phố Hồ Chí Minh cũng bộc lộ những hạn chế so với yêu cầu phát triển bền vững: 
Công nghiệp phát triển mạnh nhưng chủ yếu ở thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Năng lực sản xuất công nghiệp khá cao nhưng trình độ công nghệ chủ yếu ở mức trung bình, tốc độ đổi mới công nghệ chậm; xu hướng phát triển theo chiều rộng, chưa phát triển thỏa đáng theo chiều sâu. Các chính sách hỗ trợ phát triển chưa tạo ra sự khác biệt nhiều giữa các ngành mũi nhọn, chủ lực, ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp bình thường và ngành mất lợi thế. 
Thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển ngành công nghiệp với các ngành dịch vụ, đặc biệt là sự gắn kết các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp chủ lực với các ngành dịch vụ. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung ứng trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành để nâng cao quy mô sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng và thương hiệu. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp. Tuy tỉ lệ người lao động được đào tạo cao hơn mức trung bình cả nước nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 
Sản phẩm gia công, chế biến thô còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản phẩm công nghiệp. Trong các ngành sản phẩm chủ lực như chế biến thực phẩm, dệt, hoá chất, sản phẩm da, thiết bị điện - điện tử… còn ít các nhà máy, tổ hợp sản xuất có qui mô lớn và sử dụng công nghệ tiên tiến; chưa phát huy tác dụng thúc đẩy mạnh công nghiệp vệ tinh ở địa phương, nâng cao giá trị quốc gia và tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn như linh kiện bán dẫn, thiết bị truyền thông, máy tính, thiết bị văn phòng, máy móc cơ khí chính xác, hoá mỹ phẩm cao cấp… còn chiếm tỷ trọng cao nhưng vẫn còn chưa tương xứng với tầm vóc của Thành phố. Ngành công nghiệp phụ trợ phát triển chưa thật sự đồng bộ với các ngành công nghiệp khác.
Các doanh nghiệp tuy có tăng nhanh về số lượng nhưng lại đa số thuộc loại quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, vốn đầu tư chưa cao, đặc biệt là ít đầu tư chiều sâu về khoa học và công nghệ tiên tiến. Một số khu công nghiệp kết nối hạ tầng ngoài hàng rào và phát triển các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ. Các khu công nghiệp chuyên ngành chưa được quy hoạch đầy đủ; chưa có nhiều khu thu hút các dự án công nghệ cao, làm hạn chế vai trò động lực của thành phố và ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng. Năng suất lao động vẫn chưa phải là cao, chất lượng sản phẩm và giá cả chưa đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại và xuất khẩu.
Các cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp được qui hoạch phát triển nhằm thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng còn gặp khó khăn trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý. Sự phát triển thiếu các ngành phụ trợ và chưa tương xứng của ngành dịch vụ không những làm mất cân đối trong cơ cấu kinh tế mà còn làm hạn chế sự phát triển của công nghiệp, nông nghiệp.
Công nghiệp hóa chưa gắn chặt với hiện đại hóa, tỷ lệ công nghệ hiện đại trong các cơ sở công nghiệp và ngành công nghiệp còn thấp, tốc độ đổi mới công nghệ còn chậm. Mặt dù, tốc độ tăng giá trị sản xuất cao nhưng hàm lượng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng thấp, chủ yếu vẫn là các sản phẩm công nghiệp thâm dụng lao động như: may mặc, giày da, hoặc các sản phẩm nông nghiệp sơ chế chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp.
Sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy đã được nâng lên nhưng còn yếu. Mặc dù, nước ta đã gia nhập WTO nhưng nhận thức của doanh nghiệp và nhân dân ở Thành phố về hội nhập kinh tế quốc tế, những quy định về WTO còn hạn chế. Vấn đề nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nhân lực quản lý... Tình trạng thừa lao động phổ thông lại thiếu lao động qua đào tạo và lao động chất lượng cao đang là vấn đề bức xúc.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ, hệ thống hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế, sự kết nối giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến chưa vững chắc, mối liên hệ giữa nông dân và nhà doanh nghiệp trong sản xuất và chế biến nông sản chưa chặt chẽ. 
Các yếu tố về môi trường đầu tư chưa được cải thiện nhiều: cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông, viễn thông, xử lý ô nhiễm, chăm sóc sức khỏe và chăm sóc tinh thần). Môi trường pháp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cũng như người lao động chưa đi vào cụ thể trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, hệ thống dịch vụ chưa đáp ứng…
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến đổi mới công nghệ chưa thực sự hấp dẫn, chưa có đủ cơ sở pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả công nghệ mới. Đa số là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuộc loại hình vừa và nhỏ, quy mô lao động bé và vốn thấp, công nghệ lạc hậu nên tiêu hao nhiều năng lượng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tình độ quản lý và chuyên môn còn nhiều hạn chế nên sản phẩm còn đơn điệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. 
Để tiếp tục tái đổi mới cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại, cần tập trung: 
Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, đổi mới tư duy và phương pháp xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất, theo thứ tự ưu tiên hợp lý nhất các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, nội lực và ngoại lực cho đầu tư phát triển theo quy hoạch. Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chương trình đột phá. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách và cơ chế quản lý đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng; đặc biệt là vấn đề phân cấp quản lý Nhà nước về thu chi ngân sách và đầu tư; xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để phê duyệt hay từ chối hoặc cắt giảm các dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư công. Không để phát sinh tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp.
Góp phần cùng cả nước cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ; tăng cường phối hợp các biện pháp giám sát hoạt động ngân hàng thương mại; kiểm soát chặt chẽ nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước, các tổng công ty Nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong lãnh vực kinh doanh chính, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán; khuyến khích các ngân hàng mở rộng địa bàn hoạt động phục vụ nông nghiệp và nông thôn.
Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tổng công ty Nhà nước, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chấm dứt tình trạng các tổng công ty Nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính. Tập trung phát triển doanh nghiệp Nhà nước trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu thuộc các chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các chương trình đột phá của thành phố, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện có hiệu quả cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính. Đối với quản trị và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo hướng chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Đối với mỗi tổng công ty Nhà nước, cần xây dựng đề án tái cấu trúc và phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt phù hợp.
Tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khắc phục những nguyên nhân gây trở ngại cho sự phát triển bền vững, nhất là nguyên nhân chủ quan, do lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa đồng bộ, chặt chẽ; thực hiện nghiêm việc cắt giảm và quản lý tốt đầu tư công; có giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp duy trì sản xuất - kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh hệ thống phân phối, chủ động tạo nguồn hàng hóa, dịch vụ phong phú, chất lượng làm cơ sở bình ổn thị trường, khai thác tốt thị trường nội địa, quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ; nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính ngân hàng, tư vấn, thiết kế, khoa học và công nghệ...; bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 
Nâng cao hiệu quả thực hiện đề án thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu theo hướng giảm dần xuất khẩu sản phẩm nguyên liệu thô, hàng gia công lắp ráp, tăng xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học và công nghệ và giá trị gia tăng cao; thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp hóa dầu để tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước góp phần giảm nhập siêu; đổi mới phương thức tổ chức chương trình xúc tiến thương mại theo hướng tập trung tổ chức, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại, đầu cơ, buôn lậu; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, tập trung thu hồi nợ thuế.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Phát triển mạnh các khâu thiết kế, tạo mẫu, tiếp thị, xây dựng thương hiệu,… giảm dần tỷ lệ sản xuất gia công, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất trong một số ngành công nghiệp; phát triển nhanh các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghiệp phục vụ nông thôn. Đổi mới cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng, phát triển các sản phẩm trọng yếu theo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế thành phố. Xem xét, điều chỉnh hoặc bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng các “cụm liên kết sản xuất” để tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ. Có giải pháp bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới tiết kiệm điện.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản theo hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái kết hợp xây dựng nông thôn mới. 
Liên kết với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để xây dựng các vùng nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến của thành phố như: vùng nguyên liệu gỗ, cà phê, chè, sữa, … 
Với những định hướng đúng đắn và sự nổ lực vào cuộc của các cấp các ngành, sự hăng say, cần cù của người lao động tin rằng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
 

PGS, TS. VŨ THỊ DUYÊN
Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/dinh-huong-doi-moi-co-cau-kinh-te-phu-hop-voi-tinh-hinh-moi-o-thanh-pho-ho-chi-minh-a8397.html