Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An - Một số vấn đề bàn luận

CT&PT - Để có thể trở thành một tỉnh công nghiệp, muốn theo kịp các địa phương lân cận để thực sư trở thành nhân tố không thể thiếu và quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm, Long An phải đặt ra và và giải quyết một loạt những vấn đề trọng đại khác nhau, trong đó vấn đề về nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho một tỉnh công nghiệp chắn chắn là vấn đề hàng đầu, là chìa khóa, vấn đề mang tính chất quyết định.

Long An là tỉnh nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, với dân số tròn 2 triệu người, đi lên từ một tỉnh thuần nông, nền kinh tế gắn liền với nông nghiệp. Trong những năm gần đây, Long An đã có những bước phát triễn mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu sẽ trở thành tỉnh công nghiệp.

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ để đáp ứng yêu cầu của một tỉnh công nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống đều chịu ảnh hưởng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không thể là một nguồn nhân lực bình thường, mà trước hết và cơ bản nhất phải là nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao.

Trong bối cảnh như thế, vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao ở Long An được đặt ra một cách mạnh mẽ và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đào tạo nguồn nhân lực là hoạt động làm cho con người trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định. Là quá trình học tập để làm cho người lao động có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ có hiệu quả hơn trong công tác của họ.

Kết quả của quá trình đào tạo nguồn nhân lực sẽ nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực đó.

Phát triển nguồn nhân lực là quá trình gia tăng, biến đổi đáng kể về chất lượng của nguồn nhân lực và sự biến đổi này được biểu hiện ở việc nâng cao năng lực và động cơ làm việc của người lao động.

Nếu tăng quy mô nguồn nhân lực là sự nhấn mạnh đến khía cạnh tăng số lượng nguồn nhân lực, thì phát triển nguồn nhân lực là sự nhấn mạnh đế khía cạnh chất lượng của nguồn nhân lực đó.

Với ý nghĩa như vậy, mặc dù đào tạo nguồn nhân lực và phát triễn nguồn nhân lực có nhưng nội dung và phạm vi khác nhau, nhưng về thực chất thì cả hai giống nhau, đều là tìm cách nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực.

Trong bài viết này, tác giả xin đề cập tới 3 vấn đề cần đặt ra trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở Long An hiện nay và trong thời gian tới.

Vấn đề thứ nhất: Yêu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng ở Long An trong thời gian tới là gì?

Đây là vấn đề đầu tiên, cơ bản nhất cần được đặt ra và giải quyết một cách chính xác. Mọi hoạt động đều phải có mục tiêu, không làm rõ mục tiêu và yêu cầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao thì các họat động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ không xác định được phương hướng, cũng như không thể đánh giá là có hay không có hiệu quả, hiệu quả cao hay thấp.

Có 3 yêu cầu cơ bản cần đặt ra trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở Long An trong thời gian tới là:

Một là, yêu cầu về quy mô cần phải đào tạo, phát triển. Đương nhiên, quy mô nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phải đủ lớn mới đáp ứng được yêu cầu của một tỉnh công nghiệp. Tăng quy mô nguồn nhân lực thực chất là tăng số lượng nguồn nhân lực.

Theo các quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu được thừa nhận rộng rãi ở nước ta, thì nhân lực khoa học và công nghệ gồm 5 thành phần chủ yếu gồm: Cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật công nghệ, cán bộ quản lý các cấp, các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội, trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài.

Vấn đề cần xác định là đối với mỗi thành phần như thế, trong vòng 2 đến 5 năm nữa hoặc 5 tới 10 năm nữa, Long An cần số lượng bao nhiêu là đáp ứng yêu cầu để trở thành một tỉnh công nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Hai là, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ cần phải đào tạo và phát triển.

Xác định nội hàm cho khái niệm “chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ’ là vấn đề khó. Cho nên, việc nêu ra những yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực nói chung, ở Long An nói riêng một cách chính xác và đầy đủ không hề là nhiệm vụ dễ dàng. Cụ thể là:

Thứ nhất là, yêu cầu chung về chất lượng đối với nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ quản lý các cấp của Long An trong thời gian tới là vươn lên đủ sức trở thành lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng các luận cứ khoa học giúp tỉnh xác định các chính sách, chiến lược, kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Long An thành tỉnh công nghiệp và hiện đại; đồng thời đủ sức đóng vai trò nòng cốt trong triển khai thực hiện các chính sách, chiến lược, kế hoạch đã xác định.

Thứ hai là, đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật công nghệ yêu cầu về chất lượng là phải đảm nhiệm được việc ứng dụng các quy trình công nghệ mới, các thiết bị, công cụ mới vào sản xuất; cải tiến và hệ thống hóa công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ.  

Thứ ba là, đối với các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội phải đáp ứng được yêu cầu trở thành lực lượng xung kích trong việc lựa chọn, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới của thế giới và trong nước vào phát triển các ngành kinh tế của tỉnh nhà. Mặt khác, yêu cầu về chất lượng của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đối với thành phần này còn phải có được những kỹ năng mang tính toàn cầu, cập nhật và theo kịp xu thế mới trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thứ tư là, đối với đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài, yêu cầu về chất lượng là phải đủ sức đảm nhiệm được vai trò phổ biến rộng rãi tri thức khoa học, kiến thức và công nghệ sản xuất tiên tiến, thực hiện việc dẫn dắt cho những bộ phận có năng lực và trình độ thấp hơn đi lên, qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học công nghệ và kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất của công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động.

Ba là, yêu cầu về cơ cấu ngành nghề nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cần phải đào tạo và phát triển.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, nền kinh tế số; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động.

Đối với nước ta nói chung, Long An nói riêng từ trước đến nay, nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn lạc hậu. Đây là một trong những thách thức lớn nhất khi đối diện với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Kỷ nguyên số sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, khi máy móc dần thay thế con người. Nước ta nói chung, các địa phương nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế đó, nhất là khi lực lượng lao động rất dồi dào nhưng lại thiếu năng lực và kỹ năng.

Long An đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang là điều kiện và động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển, do đó, trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, yêu cầu về cơ cấu ngành nghề của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cần được coi là một trong những vấn đề then chốt.

Phải dự báo được rằng, dưới sự tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sớm hay muộn việc mất dần những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động sẽ diễn ra, đồng thời xuất hiện nhiều ngành nghề mới, gắn với đặc trưng của cuộc cách mạng này như: Ngành điện tử, viễn thông, số hóa, kỹ thuật viên máy tính, an ninh mạng…

Trong tương lai, những lao động bị mất việc làm do sự phát triển của robot và công nghệ tự động hóa sẽ dịch chuyển sang những ngành mới này.

Vấn đề hiện nay và sắp tới của Long An là phải xác định được yêu cầu tương đối cụ thể về cơ cấu của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ: những ngành nghề nào sẽ phát triển, sẽ đóng vai trò chủ yếu trong nền sản xuất của tỉnh nhà trong một tương lai không xa.

Vấn đề thứ hai: Mặt bằng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Long An đang ở đâu so với các địa phương khác trong cả nước?

Cần có một đánh giá đầy đủ và toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Long An cho đến hiện nay.

Những con số thống kê về số lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đang làm việc trên địa bàn của tỉnh, sự biến động của nhưng con số này qua từng thời kỳ cho đến nay, trong đó số lượng và tỷ lệ những người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên sẽ có một ý nghĩa đáng kể giúp hình dung về mặt bằng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh trong so sánh với các địa phương trong khu vực.

Tuy nhiên, cần phân tích sâu hơn về cơ cấu ngành nghề, sự phân bổ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực… để thấy rõ hơn thực trạng về chất lượng.

Sự gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn... Trong điều kiện quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn thấp, xét về trình độ và năng lực của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ Long An đã có những tiến bộ đáng khích lệ so với mặt bằng chung của các địa phương trong khu vực và cả nước, khoảng cách về nguồn nhân lực khoa học và công nghệ giữa Long An với số địa phương trong khu vực được rút ngắn đáng kể.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, so với những yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là so với mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp trong xu thế hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ đòi hỏi đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh Long An phải có trình độ, kỹ năng ngang tầm với khu vực và cả nước.

Về quy mô, nguồn lực khoa học và công nghệ còn quá nhỏ bé so với yêu cầu, mới chỉ chiếm khoảng 15% lao động xã hội, trong khi đó vẫn còn hơn 2% trong tổng số lao động có trình độ chưa có việc làm.

Những năm gần đây, số lượng nhân lực khoa học và công nghệ đã có sự gia tăng, trình độ đào tạo cũng đã được nâng lên đáng kể, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Đóng góp của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ còn hạn chế.  

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phân bố không đều, cơ cấu, trình độ chưa hợp lý theo thành phần kinh tế và lĩnh vực hoạt động. Phần lớn tập trung làm việc ở khu vực Nhà nước, nhân lực khoa học và công nghệ làm việc trong khu vực tư nhân và doanh nghiệp chiếm tỉ lệ rất thấp...

Vấn đề thứ ba: Mục tiêu và giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ tỉnh Long An trong giai đoạn mới.

Mục tiêu cuối cùng của đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở Long An là tạo ra một đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ phù hợp, đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của công nghiệp hóa, đô thị hóa đang và sẽ diễn ra tại Long An, đáp ứng yêu cầu biến Long An thành một tỉnh công nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mục tiêu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phải tuân thủ định hướng phát triển của các ngành công nghiệp - những ngành làm động lực và đóng vai trò chủ yếu giúp Long An trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ sinh thái tiên tiến của Việt Nam trong tương lai.

Nhằm đạt được mục tiêu nói trên, để tạo bước đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Long An phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó một số giải pháp chủ yếu nhất là:

Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ các khu công nghiệp và ngành nghề mới, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phải đáp ứng nhu cầu thay đổi của các ngành nghề.

Đẩy mạnh phát triển nhân lực khoa học và công nghệ bao gồm việc đào tạo, đào tạo lại gắn liền với sử dụng và trọng dụng nhân tài; Chú trọng đào tạo nghề, kỹ năng cơ bản và công nghệ để có thể hỗ trợ các ngành nghề mới như công nghệ sinh thái, kỹ thuật môi trường, vận tải logistics, thông tin truyền thông, các dịch vụ chuyên sâu.

Thực hiện tốt chính sách để nuôi dưỡng tài năng đối với cán bộ khoa học trẻ. Tiếp tục quan tâm đưa nhân lực khoa học và công nghệ đi thực tập, làm việc tại các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học của nước ngoài; tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế song phương và đa phương.

Xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài và mở rộng các chương trình đào tạo ở nước ngoài để cán bộ khoa học và công nghệ được cọ xát môi trường học thuật quốc tế và được đào tạo trong hoạt động nghiên cứu và phát triển quốc tế.

Cùng với thực hiện tốt cơ chế, chính sách, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Cần tăng cường huy động đầu tư ngoài ngân sách để phát triển tiềm lực, đặc biệt là cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức khoa học và công nghệ, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho nhân lực khoa học và công nghệ. Qua đó, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ khoa học và công nghệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

TS. TRẦN MINH TÂM

Học viện Chính trị khu vực II

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/dao-tao-va-phat-trien-nguon-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-tinh-long-an-mot-so-van-de-ban-luan-a8396.html